Văn mẫu 12 bài viết số 2 đề 1: Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông
Bài viết tập làm văn số 2 - ngữ văn lớp 12 đề: Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Sau đây, KhoaHoc gửi đến cho bạn đọc những bài văn mẫu hay nhất, mời các bạn cùng tham khảo.
Nội dung bài gồm:
- Bài mẫu 1: Nghị luận xã hội - Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông
- Bài mẫu 2: Nghị luận xã hội - Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông
- Bài mẫu 3: Nghị luận xã hội - Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông
- Bài mẫu 4: Nghị luận xã hội - Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông
Bài mẫu 1: Nghị luận xã hội - Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông
Dàn bài
Mở bài: Tai nạn giao thông đang là một mối đe dọa đến toàn xã hội. Vậy tuổi trẻ học đường phải làm gì để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông?
Thân bài:
- Thực trạng, tai nạn giao thông ở Việt Nam trong thời gian qua đang có dấu hiệu gia tăng (dẫn chứng)
- Tai nạn giao thông không chỉ là nỗi đau của gia đình mà còn là nỗi đau của toàn xã hội.
- Nguyên nhân: phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng, đi sai làn đường, chở quá số người quy định, chạy xe không có bằng lái...
- Biện pháp hạn chế tai nạn:
- Cần sự chung tay của tất cả các cấp ngành, và toàn xã hội
- Nâng cao ý thức của người tham gia giao thông đặc biệt là đối tượng trẻ tuổi
- Nghiêm chỉnh tuân thủ luật an toàn toàn giao thông, đi đúng làn đường, không vượt đèn
- Tính cộng đồng tham gia giao thông cũng là điều được quan tâm: không chen lẫn, xô đẩy, dành đường...
- Tuổi trẻ là lứa tuổi có đóng góp quyết định vào tương lai của đất nước -> thay đổi suy nghĩ hành vi nhận thức của mình trong tham gia giao thông...
Kết bài: An toàn giao thông chính là hạnh phúc của toàn xã hội. Chính vì thế tuổi trẻ học đường- thế hệ mầm non tương lai của đất nước phải thể hiện được sự quyết tâm của mình trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông....
Bài làm
Tai nạn giao thông đang là một mối đe dọa đến toàn xã hội. Không chỉ gây ra những cái chết thương tâm nó còn là nguyên nhân gây nên tình trạng nghèo nàn, những vết thương tâm lí không thể xóa nhòa. Vậy tuổi trẻ học đường phải làm gì để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông?
Tai nạn giao thông ở Việt Nam trong thời gian qua đang có dấu hiệu gia tăng. Theo ủy ban an toàn giao thông quốc gia trung bình mỗi ngày trên khắp cả nước có khoảng 33 vụ tai nạn xảy ra. Điều này gây nên những hậu quả vô cùng nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế và xã hội. Tai nạn giao thông không chừa bất cứ một ai từ già cho đến trẻ, lớn hoặc bé. Nguyên nhân của hiện tượng này là do đường sá xuống cấp, phương tiện giao thông kém chất lượng và phần nhiều nó xuất phát từ chính ý thức tham gia giao thông của mỗi cá nhân. Tình trạng phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng làm mất văn hóa giao thông lại gây nên nhiều vụ tai nạn thương tâm.
Tai nạn giao thông không chỉ là nỗi đau của gia đình mà còn là nỗi đau của toàn xã hội. Mỗi gia đình có người thân bị tai nạn giao thông đi kèm với nó là những hậu quả vô cùng nặng nề. Sang chấn tâm lí, thậm chí mất khả năng lao động và tử vong. Đó là lí do khiến tình trạng nghèo đói của nước ta tăng nhanh và mạnh. Chưa kể mỗi năm chi phí dành xã hội dành cho việc cứu chữa bệnh nhân tai nạn giao thông cũng rất lớn.
Vậy phải làm gì để hạn chế tai nạn giao thông? Thiết nghĩ đây là một vấn đề cần sự chung tay của tất cả các cấp ngành, và toàn xã hội chứ không phải riêng ai. Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là việc nâng cao ý thức của người tham gia giao thông đặc biệt là đối tượng trẻ tuổi. Những người trẻ tuổi là người có tiếng nói và hành động thiết thực nhất trong công cuộc giảm thiểu tai nạn giao thông. Không những thế họ cũng là đối tượng tham gia giao thông nhiều nhất.
Xây dựng văn hóa giao thông là điều mà rất nhiều cấp ngành trăn trở không chỉ trong việc chấp hành các quy định giao thông mà còn trong hành vi ứng xử với nhau. Để thực hiện văn hóa giao thông điều đầu tiên mà những người tham gia giao thông cần làm đó chính là nghiêm chỉnh tuân thủ luật an toàn toàn giao thông, đi đúng làn đường, không vượt đèn tín hiệu không lãng lách đánh võng....
Về tính cộng đồng tham gia giao thông cũng là điều được quan tâm. Thể hiện ở việc không chen lấn và sẵn sàng giúp đỡ người bị nạn khi có tình huống xảy ra. Tính cộng đồng sẽ giúp giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, ngăn chặn vi phạm và chấm dứt hiện tượng vô cảm trước nỗi đau của người khác.
Thế nhưng trên thực tế, bên cạnh một bộ phận người nghiêm chỉnh chấp hành văn hóa giao thông vẫn còn đó những cá nhân những người vô ý thức bằng chứng là việc: phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng, đi sai làn đường, chở quá số người quy định, chạy xe không có bằng lái.... Một số bạn sinh viên còn tổ chức đua xe, dàn hàng mỗi khi tan trường, nghe điện thoại thậm chí trêu đùa nhau khi điều khiển phương tiện giao thông...
Tuổi trẻ là lứa tuổi có đóng góp quyết định vào tương lai của đất nước, Bác Hồ đã từng khẳng định tương lai đất nước thịnh hay suy phụ thuộc chủ yếu vào hành vi nhận thức của những người này. Vì thế ngay bây giờ các bạn trẻ hãy thay đổi suy nghĩ hành vi nhận thức của mình trong tham gia giao thông bằng việc: Chấp hành nghiêm chỉnh luật an toàn giao thông như đội mũ bảo hiểm, dừng đỗ xe đúng nơi quy định, không dàn hàng khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó thanh niên cũng là lực lượng xung kích để tham gia vào công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông, tích cực tuyên truyền luật giao thông đến với mọi người....
An toàn giao thông chính là hạnh phúc của toàn xã hội. Chính vì thế tuổi trẻ học đường- thế hệ mầm non tương lai của đất nước phải thể hiện được sự quyết tâm của mình trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông. Nâng cao ý thức hành vi của toàn xã hội, để đất nước ngày càng vững mạnh và giàu đẹp.
Bài mẫu 2: Nghị luận xã hội - Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông
Dàn bài
Mở bài: Tình hình trật tự an toàn giao thông có diễn biến phức tạp, vậy nên thế hệ trẻ cần phải làm gì để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông
Thân bài:
- Tai nạn giao thông và những thiệt hại do tai nạn gây ra đang là nổi lo và vấn đề bức xúc của toàn xã hội.
- Nguyên nhân:
- Sự hiểu biết còn hạn chế về an toàn giao thông đường bộ, hạn chế về quy định giao thông....
- Môi trường giao thông không an toàn và cơ sở hạ tầng giao thông nghèo nàn.
- Thái độ thiếu ý thức chấp hành luật của thanh niên khi tham gia giao thông như lạng lách, đua xe máy
- Hậu quả: 10 năm qua, số vụ tai nạn giao thông đã tăng gấp 4 lần, năm 2001 có 4.100 trẻ chết do tai nạn giao thông....
- Giải pháp:
- Tuyên truyền, vận động để giúp cho công chúng hiểu rõ hơn về luật giao thông
- Ở các trường học, thực hiện chương trình giáo dục phòng chống thương tích...
- Tổ chức các cuộc thi an toàn giao thông cho mọi người đặc biệt là thanh thiếu niên.....
Kết bài: Mỗi học sinh chúng ta phải tự giác làm đúng các nguyên tắc an toàn giao thông mà nhà trường và xã hội đã chỉ dẫn. Có như thế thì tuổi trẻ học đường đã góp một phần nào trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông....
Bài làm
Trong những năm gần đây, có thể nhận thấy tình hình trật tự ATGT ở nước ta có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên lĩnh vực giao thông đường bộ. Tính chất TNGT ngày càng nghiêm trọng hơn. Vậy là thế hệ tuổi trẻ, là thế hệ mai sau của đất nước, chúng ta phải làm thế nào để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Tai nạn giao thông và những thiệt hại do tai nạn gây ra đang là nổi lo và vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Đó là thiệt hại về sinh mạng, thiệt hại về nhân lực, trí tuệ, gây tổn thương về tinh thần xã hội, về vật chất, tiền của và cả nỗi đau thể xác, tinh thần dai dẳng. Điều ấy đã và đang đặt ra cho toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ tuổi trẻ hơn bao giờ hết phải nêu cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm để chung sức kiềm chế, đẩy lùi những nguy cơ trên.
Tai nạn giao thông xảy ra ngày càng nhiều là do sự hiểu biết còn hạn chế về an toàn giao thông đường bộ, hạn chế về quy định giao thông, về các hành vi lái xe an toàn. Đồng thời, một phần nữa là do môi trường giao thông không an toàn và cơ sở hạ tầng giao thông nghèo nàn. Nhiều tuyến đường còn có ổ voi, ổ gà khiến tai nạn luôn rình rập cho người tham gia giao thông. Đặc biệt, nguyên nhân nhức nhối nhất chính là thái độ tham gia giao thông của thanh niên như lạng lách, đua xe máy khiến tai nạn xảy ra thường xuyên.
Chính những nguyên nhân trên đã gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Trong vòng 10 năm qua, số vụ tai nạn giao thông đã tăng gấp 4 lần. Theo điều tra chấn thương liên trường (VMIS), trong năm 2001 có 4.100 trẻ chết do tai nạn giao thông, tương đương với 11 trẻ chết 1 ngày. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em trai gấp 2 lần tỷ lệ này ở trẻ em gái. Trong khi đó có 290.000 trẻ bị thương do tai nạn giao thông cũng trong 2001, tương đương với 794 trẻ/ngày. Tai nạn giao thông là nguyên nhân tử vong hàng đầu của trẻ em từ 15 tuổi trở lên.
Bà Isabelle Bardem, Trưởng phòng Phòng chống Tai nạn Thương tích Trẻ em của UNICEF nói “Tai nạn giao thông có ảnh hưởng nặng nề đối với trẻ Việt Nam. Không chỉ rất nhiều trẻ trực tiếp bị tai nạn giao thông gây tử vong hoặc thương tật nặng nề, còn có biết bao trẻ khác bị ảnh hưởng gián tiếp bởi cha, mẹ các em bị tai nạn giao thông cướp đi sinh mệnh hoặc tàn tật”. Phần lớn trẻ 0-9 tuổi chết là người đi bộ. Đa số trẻ 10-14 tuổi chết khi đi xe đạp trong khi tất cả các ca tử vong ở đối tượng 15-19 tuổi là người đi xe máy.
Trước thực trạng hiện nay, đòi hỏi cần phải có những giải pháp thiết thực để giảm thiểu tai nạn giao thông. Ở cấp quốc gia, cần phải tuyên truyền, vận động để giúp cho công chúng hiểu rõ hơn về luật giao thông và tăng cường nghiêm chỉnh chấp hành luật. Ở các trường học, thực hiện chương trình giáo dục phòng chống thương tích giúp học sinh có kỹ năng về giao thông để phòng tránh tai nạn khi đi bộ, đi xe đạp hay xe máy. Tổ chức các cuộc thi an toàn giao thông cho mọi người đặc biệt là thanh thiếu niên. Hỗ trợ người dân thực hiện các hoạt động thông tin truyền thông phù hợp với điều kiện địa phương. Huấn luyện cho các tuyên truyền viên đi đến từng hộ gia đình tuyên truyền về phòng chống tai nạn bao gồm cả các tai nan giao thông.Hỗ trợ các xã xây dựng sân chơi an toàn cho trẻ để trẻ có thể chơi an toàn xa đường giao thông.Tổ chức các cuộc hội thảo cho các cấp lãnh đạo xã về việc thi hành pháp luật bao gồm luật an toàn giao thông.
Để hạn chế tai nạn giao thông không phải còn là vấn đề đơn giản, mà đó đã và đang là vấn đề nóng cho toàn xã hội và đất nước. Vì vậy, với việc giảm thiểu tai nạn giao thông nói chung, nhà nước cần phải có một sộ biện pháp mạnh với những kẻ không ý thức, những kẻ cố tình gây nạn cho người khác, và đó chính là những kẻ phóng nhanh vượt ẩu làm mối đe dọa cho người tham gia giao thông. Còn đối với giao thông học đường nói riêng chấn chỉnh giao thông học đường, cần cả xã hội chung tay. Sự đồng thuận giữa gia đình, nhà trường và xã hội không chỉ được thể hiện bằng văn bản, giấy tờ, những lời hứa suông,… mà phải bằng hành động cụ thể.
Trách nhiệm của gia đình và nhà trường cũng cần phải xem xét khi không hoàn thành nhiệm vụ giáo dục các em. Nhà trường cần đa dạng hoá các sinh hoạt ngoại khoá của học sinh, sinh viên, trong đó có các hoạt động về tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông. Hàng năm, nếu điều kiện cho phép, các trường chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức học luật và sát hạch cấp giấy phép lái xe tại trường đối với những học sinh đủ tuổi. Cần coi ý thức chấp hành pháp luật về giao thông như một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá ý thức rèn luyện đạo đức của học sinh, sinh viên: xếp loại đạo đức trung bình đối với học sinh, sinh viên vi phạm giao thông lần một và xếp loại yếu nếu vi phạm lần hai trong cùng một năm học.
Là một học sinh, mỗi chúng ta phải xem xét lại mình đã bao giờ vi phạm lỗi giao thông không, có bao giờ gây tai nạn giao thông không. Tất nhiên là có, không ai chưa bao giờ vi phạm lỗi giao thông dù đó chỉ là một lỗi nhỏ, nhưng qua mỗi lần như vậy chúng ta phải biết nhìn nhận và rút kinh nghiệm để lần sau không tái phạm và mỗi học sinh chúng ta phải tự giác làm đúng các nguyên tắc an toàn giao thông mà nhà trường và xã hội đã chỉ dẫn. Có như thế thì tuổi trẻ học đường đã góp một phần nào trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông, một vấn nạn mà xã hội và đất nước đang tìm cách khắc phục.
Bài mẫu 3: Nghị luận xã hội - Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông
Dàn bài
- Mở bài: Thực tế cho thấy, những năm gần đây, vấn đề giao thông, đặc biệt ở các đô thị ỉớn của cả nước -> Vậy tuổi trẻ học đường sẽ ứng xử như thế nào về vấn đề này?
- Thân bài:
- Văn hóa, xét cho cùng là giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra -> con người có ý thức kém dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông
- Tình trạng xảy ra khá phổ biến là người vi phạm khi bị xử phạt dễ dàng chấp nhận việc nộp phạt,....
- Những người đi xe máy, xe đạp và đi bộ này luôn tồn tại tâm lí các phương tiện giao thông lớn phải “sợ” và “nhường” xe nhỏ...
- Toàn cảnh bức tranh giao thông đường bộ khiến chúng ta ngán ngẩm lắc đầu và sợ hãi
- Tuổi trẻ học đường - đối tượng có học vấn, trang bị kiến thức toàn diện phải tiên phong gương mẫu hàng đầu
- Mọi người cần phải đề cao lòng tự tôn dân tộc từ những việc nhỏ trong đó có văn hoá giao thông.
- Kết bài: Tuổi trẻ là thế hệ tương lai của đất nước cần phải góp phần thay đồi ý thức của người dân trong văn hoá giao thông.
Bài làm
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, vấn đề giao thông, đặc biệt ở các đô thị ỉớn của cả nước, càng trở nên phức tạp. Hạ tầng giao thông không theo kịp với sự phát triển của kinh tế – xã hội đã dẫn đến sự ách tắc giao thông và đặc biệt đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà nhắc đến con số người chết và bị tàn tật do tai nạn giao thông gây ra, ai cũng thấy bàng hoàng. Vì thế, vấn đề an toàn giao thông đã trở nên cấp bách. Mọi thành phần trong xã hội hầu như tham gia giao thông trong đó có tuổi trẻ học đường. Vậy tuổi trẻ học đường sẽ ứng xử như thế nào về vấn đề này?
Văn hóa, xét cho cùng là giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra, thể hiện mối quan hệ, lối ứng xử, biểu hiện văn minh giữa con người với con người. Văn hóa giao thông là biểu hiện lối ứng xử “đẹp” giữa những người tham gia giao thông trong cộng đồng xã hội. Giao thông trở nên rối loạn nếu không có cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ, hoặc khi tín hiệu đèn không còn do mất điện. Va quẹt nhau một tí, không thấy lời xin lỗi nhau mà chỉ chực vàng tục, gườm nhau… Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, giao thông không đúng luật lệ và cả việc thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng vẫn diễn ra, đặc biệt ở các đô thị lớn, các bến tàu, xe, nơi sinh hoạt đông người.
Biết bao lần người ta nói đến việc nhân viên xe buýt hành hung khách. Báo Pháp luật đưa tin Ngày 14-3, Công an huyện Cái Bè cho biết đang điều tra làm rõ vụ một nhân viên xe buýt Nhật Long Cư đã hành hung một hành khách trọng thương chỉ vì… 1.000 đồng. Đó chỉ hành vi côn đồ, vô giáo dục. Nào là xe tải nặng “đánh võng” như xiếc trên xa lộ. Nào là người khoẻ mạnh giành đường với người khuyết tật. Chàng thanh niên sang trọng, cô gái xinh đẹp cứ dửng dưng đứng ngán ngữ ở đầu xe cứu thương, xe tang dù phía sau họ, còi báo động xin đường inh ỏi,… và nhiều hình ảnh khác đã làm nhói lòng những ai yêu cái đẹp trong đời sống con người! Và, những tai nạn giao thông từ những cuộc đi “bão” mà người ta dùng chỉ những loại người bất hảo ưa trò tốc độ một cách vô lí đã làm mất đi những công dân lương thiện đang tham gia giao thông.
Hiện nay, một tình trạng xảy ra khá phổ biến là người vi phạm khi bị xử phạt dễ dàng chấp nhận việc nộp phạt, thậm chí chuẩn bị tư tưởng và tiền nộp phạt để đi cho thật nhanh. Điều này cho thấy biện pháp xử lí hành chính hiện nay và hình thức xử phạt chưa đủ mạnh tay để răn đe người vi phạm. Phương tiện đi lại, thời gian và công ăn việc làm rất quan trọng đối với mọi người, vì vậy chúng ta cần nhắm vào điểm này để buộc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông luôn “thường trực ý thức” mỗi khi tham gia giao thông.
Đáng buồn hơn, những người đi xe máy, xe đạp và đi bộ này luôn tồn tại tâm lí các phương tiện giao thông lớn phải “sợ” và “nhường” xe nhỏ hơn và nếu xảy ra tai nạn, lỗi luôn thuộc về các phương tiện lớn hơn. Nhìn toàn cảnh bức tranh giao thông đường bộ những tháng gần đây, chính chúng ta cũng phải ngán ngẩm lắc đầu và sợ hãi chứ chưa kể đến người nước ngoài. Vì vậy, vấn đề là phải thượng tôn pháp luật và ý thức của conn người. Tuổi trẻ học đường – đối tượng có học vấn, được trang bị kiến thức và văn hoá nhiều phương diện trong đó có văn hoá giao thông. Ý thức đầu tiên là đi đúng luật quy định, đội nón bảo hiểm, không lạng lách, gương mẫu và tuyên truyền mọi người cùng ý thức về một hình ảnh có văn hoá trong giao thông Việt Nam. Đề cao lòng tự tôn dân tộc từ những việc nhỏ trong đó có văn hoá giao thông.
Nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Đây chính là vấn đề cấp thiết nhất mà chúng ta cần phải làm ngay và nó cũng là vấn đề tiên quyết nhất trong "kế sách" giảm thiểu tai nạn giao thông hiện nay.
Vậy chúng ta phải làm như thế nào để thức tỉnh ý thức, tinh thần trách nhiệm của người dân khi tham gia giao thông? Điều này liên quan đến mặt nhận thức của con người về hành động của họ để nhận ra phải – trái, đúng -sai. Nhận thức này được hình thành trên cơ sở nền tảng giáo dục mà đặc biệt là giáo dục cộng đồng, mà tuổi trẻ học đường cần phải góp phần thay đồi ý thức của người dân trong văn hoá giao thông.
Bài mẫu 4: Nghị luận xã hội - Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông
Dàn bài
- Mở bài: Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề nóng. Tuy nhiên, đầu tiên cũng phải kể đến thực trạng tai nạn giao thông hiện hay.
- Thân bài:
- Tai nạn giao thông là một vấn đề nhức nhối mà các cấp ngành đang tìm cách tháo gỡ
- Đó được xem là quốc nạn và gây những hậu quả vô cùng nặng nề đối với đời sống con người
- Tai nạn giao thông: Hại cả người gây tai nạn và cả người bị tai nạn
- Không chỉ cá nhân, gia đình, mà xã hội cũng đang phải chịu những hậu quả nặng nề do tai nạn giao thông
- Nguyên nhân của việc tai nạn giao thông là do đâu?
- Giảm thiểu tai nạn giao thông là vấn đề vô cùng khó khăn nó đòi hỏi sự quan tâm của tất cả các cấp các ngành và đặc biệt là thế hệ trẻ
- Kết bài: Mỗi cá nhân chúng ta hãy góp phần công sức của mình để làm cho xã hội này văn minh hơn.
Bài làm
Bất kể một xã hội nào cũng tồn tại rất nhiều những vấn đề nóng hổi. Nó chính là những vấn nạn khiến cho con người phải đau đầu tìm cách giải quyết. Với một đất nước như Việt Nam, ngoài những tệ nạn về rượu chè, ma túy…. Thì tai nạn giao thông cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Tuy không phải là một tệ nạn song nó có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống con người.
Tai nạn giao thông là một vấn đề nhức nhối mà các cấp ngành đang tìm cách tháo gỡ nó dần dần. Bởi nếu không có biện pháp điều chỉnh nó sẽ khiến cuộc sống mỗi người bị ảnh hưởng nặng nề trên nhiều phương diện. Theo thống kê của cục an toàn giao thông cả nước thì mỗi ngày trên khắp đất nước có khoảng gần 100 vụ tai nạn giao thông xảy ra. Tai nạn giao thông không chỉ ở đường bộ, mà còn là đường sắt, đường sông… Và đối tượng bị tai nạn giao thông cũng đa dạng từ người già cho đến trẻ em, từ những phương tiện thô sơ cho đến hiện đại…. Nó được coi như một quốc nạn ở Việt Nam hiện nay.
Và tất nhiên khi đã nói là quốc nạn thì nó cũng gây những hậu quả vô cùng nặng nề đối với đời sống con người. Trước hết nó ảnh hưởng đến chính bản thân những người bị tai nạn. Những cá nhân bị tai nạn giao thông thường bị mất đi sức khỏe, tài sản và sức lao động. Nhẹ thì giảm sức lao động nặng hơn thì mất hoàn toàn và phải phụ thuộc vào người khác, đó là chưa kể có nhiều trường hợp gây thiệt mạng.
Đối với những gia đình có người thân bị tai nạn giao thông hậu quả cũng nặng nề không kém. Biết bao nhiêu gia đình tán gia bại sản chỉ vì có người thân bị tai nạn giao thông, số tiền để chạy chữa không hề nhỏ chút nào. Đó là còn chưa kể nhiều gia đình mất đi người thân, vợ mất chồng, con mất cha mẹ…. Gây nên những hoàn cảnh tang thương thậm chí nhiều gia đình con cái phải bỏ học để chăm sóc và kiếm tiền nuôi cha mẹ vì không còn khả năng lao động. Ngoài nỗi đau về vật chất, về thể xác thì nó còn trở thành bóng đen ám ảnh mỗi cá nhân.
Không chỉ dừng ở cá nhân ở gia đình, mà xã hội cũng đang phải chịu những hậu quả nặng nề do tai nạn giao thông. Mỗi năm nhà nước phải bỏ ra một số tiền lớn cho việc chữa bệnh, mua thuốc cho người tai nạn giao thông. Những khoản tiền trợ cấp xã hội cho người mất khả năng lao động… Trật tự xã hội bị đảo lộn, tình trạng giao thông cũng khiến cho các nhà đầu tư hay khách du lịch cảm thấy bất an khi đến Việt Nam.
Vậy nguyên nhân của việc tai nạn giao thông là do đâu? Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này nó bắt nguồn từ chủ quan và khách quan. Do chất lượng các công trình giao thông đã bị xuống cấp một cách nghiêm trọng nhiều ổ gà, ổ voi…. Do việc quản lí chất lượng phương tiện thâm gia giao thông chưa được kiểm duyệt chặt chẽ. Nhiều phương tiện đã cũ không đảm bảo an toàn vẫn được lưu thông trên đường phố hay việc xử lí trường hợp vi phạm giao thông vẫn chưa nghiêm khắc mà chỉ dừng ở mức độ răn đe. Và có lẽ nguyên nhân lớn hơn cả nó xuất phát từ chính ý thức bản thân của những người tham gia giao thông. Họ còn chưa hiểu biết về luật an toàn giao thông, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ lấn làn…..
Giảm thiểu tai nạn giao thông là vấn đề vô cùng khó khăn nó đòi hỏi sự quan tâm của tất cả các cấp các ngành cũng như toàn xã hội. Nhất là những đối tượng học sinh sinh viên. Bởi họ là đối tượng tham gia giao thông nhiều nhất. Trước hết cần phải trang bị cho mình một hiểu biết cơ bản về an toàn giao thông. Thực hiện nghiêm chỉnh các điều lệnh khi điều khiển giao thông. Tuyên truyền với cộng đồng người thân, bạn bè thực hiện an toàn giao thông. Cực lực lên tiếng tố giáo các hành vi vi phạm an toàn giao thông….
Mỗi cá nhân chúng ta hãy góp phần công sức của mình để làm cho xã hội này văn minh hơn. An toàn giao thông không chỉ là hạnh phúc của mỗi người mà còn là hanh phúc của mọi nhà.
Xem thêm bài viết khác
- Phân tích hình tượng con Sông Đà Văn mẫu 12
- Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi Đáp án đề minh họa 2022 môn Ngữ văn
- Suy nghĩ của anh/chị về hiện tượng nhiều bạn trẻ thích thể hiện bản thân, khẳng định cái tôi của mình bằng cách chụp ảnh “tự sướng” để tung lên mạng xã hội
- Phân tích người lái đò sông Đà (9 mẫu) Sơ đồ tư duy người lái đò sông Đà
- Đề 2: Phân tích hình ảnh thơ mộng, trữ tình của những dòng sông Việt Nam qua hai bài tùy bút Người lái đò sông Đà...
- Suy nghĩ của anh/chị về lối sống tự lập của thanh niên trong xã hội hiện nay
- Cảm hứng chủ đạo trong bài thơ Tây Tiến Bài thơ Tây Tiến - Văn 12
- Hiện nay, khủng bố đang làm một vấn nạn có ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Anh/chị có suy nghĩ thế nào về hiện tượng này?
- Kết bài Chiếc thuyền ngoài xa Kết bài Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu
- Tóm tắt nhân vật Tràng ngắn gọn nhất Phân tích nhân vật Tràng
- Tóm tắt Người lái đò sông Đà (5 mẫu) Người lái đò sông Đà - Văn mẫu 12
- Dàn ý phân tích Hồn Trương Ba, da hàng thịt (4 mẫu) Phân tích Hồn Trương Ba da hàng thịt - Văn mẫn 12