Văn mẫu 7: Kể lại nội dung câu chuyện được ghi trong một bài thơ có tính chất tự sự (như "Lượm" hoặc "Đêm nay Bác không ngủ") theo những ngôi kể khác nhau (ngôi thứ ba hoặc ngôi thứ nhất)

  • 1 Đánh giá

Đề bài: Kể lại nội dung câu chuyện được ghi trong một bài thơ có tính chất tự sự (như "Lượm" hoặc "Đêm nay Bác không ngủ") theo những ngôi kể khác nhau (ngôi thứ ba hoặc ngôi thứ nhất)

Bài thơ lựa chọn: “Đêm nay Bác không ngủ”

Bài viết tham khảo

Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại, người cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam. Người đã mãi mãi ra đi nhưng tình yêu thương bao la của Người dành cho nhân dân, cho đất nước vẫn còn mãi với biết bao câu chuyện khi nhớ lại, tôi vẫn không kìm được nước mắt.

Ngược dòng kí ức về những ngày kháng chiến, đất nước chìm trong bom đạn quân thù. Khi ấy, tôi chỉ là một người lính mới trong số hàng trăm thanh niên lên đường nhập ngũ. Mùa thu năm 1950, Đảng và Chính phủ quyết định mở chiến dịch Biên giới – chiến dịch Cao – Bắc – Lạng nhằm phá vỡ phòng tuyến bao vây căn cứ Việt Bắc của thực dân Pháp, mở đường liên lạc với các nước anh em như Trung Quốc, Liên Xô… Nghe lệnh chỉ huy, chúng tôi chuẩn rất lượng kĩ càng, phối hợp chặt chẽ trên các chiến trường để giành thắng lợi.

Trước khi chiến dịch mở màn, Bác bất ngờ đến thăm đơn vị chúng tôi và nghỉ lại nơi trú quân. Anh em chúng tôi vui mừng lắm, cứ muốn trò chuyện với Bác mãi nhưng vì ngày mai còn làm nhiệm vụ và để Bác nghỉ ngơi nên ai nấy đều đúng giờ chào Bác đi ngủ. Đêm mưa dầm, khí trời lại lạnh lẽo, chúng tôi liền ngủ quây quần bên Bác.

Vì niềm vui quá lớn, tôi trằn trọc đến tận nửa đêm vẫn mơ màng không thể chợp mắt. Tất cả các anh em chiến sĩ cùng đơn vị đã say sưa trong giấc ngủ sau một ngày dài hành quân thì mắt tôi vẫn lúc nhắm lúc mở, không tài nào say giấc. Tôi không dám nhổm dậy, chỉ nhẹ nhàng xoay người một chút. Ngạc nhiên thay, hình bóng Bác hiện lên trước mắt tôi. Bác cũng chưa ngủ, trầm ngâm lặng yên ngồi bên bếp lửa. Ngoài trời mưa không còn nặng hạt, chỉ còn lác đác rơi. Tôi chăm chú nhìn Bác, bóng lưng gầy gầy và mái tóc đã bạc ít nhiều, tà áo nâu giản dị, đôi mắt chan chứa những điều vĩ đại phi thường dường như bừng sáng lên trong đêm tối. Bác nghiêng người ngồi đốt lửa sưởi ấm cho chúng tôi, khuôn mặt thấp thoáng ánh lửa đỏ rực đang cháy.

Tôi dường như nín thở để quan sát từng cử chỉ của Bác. Ngồi một lá, Bác nhẹ nhàng đứng dậy. Bác đi đến từng nơi anh em tôi nằm, cúi người vén lại những mảnh chăn một cách nhẹ nhàng, ngay ngắn. Nhìn Bác đi đi lại lại, tôi mơ màng như đang nằm trong giấc mộng tuyệt vời. Trong cơn mơ màng không rõ ấy, tôi nghe giọng mình nhẹ thốt lên:

– Bác ơi! Trời đã khuya rồi, sao Bác chưa ngủ? Mưa ở ngoài còn rơi, Bác có lạnh không ạ?

Bác đang vén chăn liền quay lại nhìn tôi với ánh mắt trìu mến, như ánh mắ của cha tôi ở quê nhà:

Chú cứ việc ngủ ngon. Ngày mai đi đánh giặc. Bác còn khỏe lắm!

Nghe lời nhắc nhở động viên của Bác, tôi vâng lời ép bản thân nhắm mắt. Nhưng nỗi lo lắng cứ bủa vây lấy tôi. Chúng tôi còn trẻ, sức dài vai rộng, nhưng Bác vừa yếu lại vừa cao tuổi, tôi lo Bác đổ bệnh. Thời gian vẫn âm thầm trôi qua, trời dần sáng, tôi thiêm thiếp đi. Lần thứ ba thức dậy, tôi giật mình khi thấy Bác vẫn ngồi im, đôi mắt trĩu nặng suy tư đang nhìn ngọn lửa hồng.

Tôi gần như bật dậy, luống cuống:

– Bác ơi! Trời sắp sáng mất rồi, Bác nghỉ đi một lát đi ạ.

Bác nghe thấy nhưng vẫn ngồi như thế, trên vầng trán rộng như đọng lại những suy tư, Bác nhẹ nhàng:

- Chú cứ ngủ đi thôi... Bác không thấy an lòng nên không thể chợp mắt. Trời mưa dầm như vậy, không biết các cô chú dân công ngoài rừng kia ăn ngủ như thế nào. Rừng sâu, gió lạnh lắm mà có mỗi manh áo mỏng thì ướt cả mất thôi. Bác thấy nôn nao, nóng ruột quá. Bâc chỉ mong cho trời mau sáng...

Giọng Bác vang lên trong đêm lạnh, như tiếng nói thân thương của dân tộc. Tôi hiểu ra tình thương bao la, sâu nặng của Bác. Không chỉ lo cho bộ đội, cho nhân dân mà Bác lo cho cả dân công, lo cho chiến dịch ngày mai, lo cho độc lập tự do của dân tộc. Tình thương của Bác bao trùm lên đất nước và dân tộc.

Tôi lặng im ngồi cạnh Bác muốn chia sẻ đôi chút gánh nặng mà Bác mang trên vai. Niềm hạnh phúc và sung sướng, tự hào giống như ngọn lửa trước mặt, bùng cháy trong trái tim tôi. Chỉ những hành động nhỏ nhoi, Bác đã khơi dậy trong tôi bao điều to lớn. Rất nhiều đêm về sau, tôi vẫn luôn bồi hồi nhớ lại đêm ấm áp hôm đó – đêm chói lọi tình yêu thương của Người.

=> Trên đây là bài viết tham khảo. Tuy nhiên, nếu bạn học sinh nào muốn viết theo ý mình thì KhoaHoc có dàn ý để các bạn dễ viết bài.

1. Mở bài

  • Dẫn dắt vào câu chuyện muốn kể, lựa chọn vai thứ nhất hoặc thử 3. Câu chuyện lựa chọn ở đây là trong bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ

2. Thân bài

  • Kể hoàn cảnh bắt đầu câu chuyện
    • Trước khi tiến hành chiến dịch Biên giới, Bác đến thăm một đơn vị, ngủ lại nơi trú quân
    • Một người lính không ngủ đã chứng kiến câu chuyện
  • Kể diễn biến toàn bộ câu chuyện
    • Người lính bồn chồn không ngủ, tình cờ thấy Bác lặng im bên bếp lử
    • Bác nhẹ nhàng bước đến sửa chăn cho từng chiến sĩ
    • Người lính lễ phép hỏi Bác, mong Bác đi ngủ. Bác trả lời “chú cứ việc ngủ ngon. Ngày mai đi đánh giặc”
    • Người lính vâng lời ngủ, nhưng đến lần thứ 3, Bác vẫn chưa ngủ, ngồi suy tư
    • Cuộc đối thoại giữa Bác và người lính: Bác giãi bày nỗi lo lắng của mình cho dân công, cho kháng chiến
  • Suy nghĩ của người lính sau khi nghe Bác nói

3. Kết bài

  • Ý nghĩa câu chuyện đó với người lính đêm Bác ngủ lại
  • Khẳng định tình thương bao la của Bác.

  • 6 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021

Xem thêm bài viết khác

Xem thêm Văn mẫu 7