Văn mẫu 9 bài viết số 1 đề 2: Thuyết minh một loại cây ở quê em hay nhất (cây xoài, cây tre, cây cao su, cây dừa)
Bài viết tập làm văn số 1 - ngữ văn lớp 9 đề 2: Thuyết minh cây....ở quê em. Thông qua bài viết sẽ giúp các em nắm bắt lại đúng đặc điểm cơ bản của đối tượng được thuyết minh. Sau đây, KhoaHoc gửi đến cho bạn đọc những bài văn mẫu hay nhất thuyết minh về một loại cây ở quê em, mời các bạn cùng tham khảo.
Nội dung bài gồm:
- Bài mẫu 1: Thuyết minh về cây tre Việt Nam
- Bài mẫu 2: Thuyết minh về cây cao su ở quê em
- Bài mẫu 3: Thuyết minh về cây dừa ở quê em
- Bài mẫu 4: Thuyết minh về cây xoài ở quê em
Bài mẫu 1: Thuyết minh về cây tre Việt Nam
Dàn bài
Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu đối tượng thuyết minh là cây tre Việt Nam
Thân bài: Thuyết minh về cây tre
- Nguồn gốc:
- Cây tre đã có từ lâu đời, gắn bó với người dân Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử.
- Tre xuất hiện cùng bản làng trên khắp đất Việt, đồng bằng hay miền núi…
- Công dụng của cây tre:
- Thời xa xưa làm chông đánh giặc, làm vật dụng nhà cửa, đồ dùng, làm củi đốt....
- Thời nay chủ yếu làm đồ gia dụng và thủ công mĩ nghệ.....
- Đặc điểm cây tre:
- Tre có thân rể ngâm, sống lâu mọc ra những chồi gọi là măng.
- Thân rạ hóa mộc có thể cao đến 10 -18m , ít phân nhánh.
- Mỗi cây có khoảng 30 đốt,…
- Cả đời cây tre chỉ ra hoa một lần và vòng đời của nó sẽ khép lại khi tre “bật ra hoa”.
- Ý nghĩa của cây tre:
- Cây tre đã có mặt hầu khắp các neỏ đường đất nước và gắn bó thủy chung với cộng đồng dân tộc Việt Nam.
- Cây tre đã từng là ngưồn cảm hứng vô tận trong văn học, nghệ thuật.
- Tre đi vào cuộc sống của mỗi người, đi sâu thẳm vào tâm hồn người Việt.
Kết bài: Cây tre trở thành biểu tượng của dân tộc Việt Nam. Trong đời sống hiện đại ngày nay, chúng ta vẫn không thể dời xa tre.
Bài làm
Cây tre gắn bó với người nông dân Việt Nam từ hàng nghìn năm rồi. Hình ảnh làng quê Việt Nam từ xưa gắn liền với luỹ tre làng – những bụi tre gai ken dày chắn gió bão thiên tai và che chắn cho mỗi làng Việt trước trộm đạo, giặc cướp và kẻ xâm lược.
Cây tre đã đi vào văn hoá Việt Nam như một hình ảnh bình dị mà đầy sức sống, dẻo dai chống chịu thiên tai, gió bão và giặc ngoại xâm. Thế nhưng những năm gần đây, có một thực tế đáng buồn là loại cây đa dạng, thiết thực trong mọi mặt đời sống này đã bị coi nhẹ, bị chặt phá, bị thoái hoá… bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Về tính năng, không thể kể hết tính đắc dụng của tre đối với người dân Việt Nam: làm nhà cửa (vì kèo, lanh tô, phên liếp, vách tường…), làm vô số vật dụng: cái cần câu, cái vó cất tôm cất tép, cái đó, bè mảng, cái cầu ao và cả những cái cầu bắc qua những con mương, con kênh nhỏ; làm chông, làm tên bắn chống giặt ngoại xâm…
Tre từng được sử dụng phổ biến để làm đồ gia dụng: bàn ghế, giường chõng, các loại vật dụng sinh hoạt từ cái đòn gánh và đôi quang (thứ vật liệu đa dụng để gánh mọi thứ ra đồng và gánh lúa từ đồng về nhà, chưa kể còn được dùng như một thứ “tủ lạnh” thông thoáng để bảo quản thức ăn và chống chó, mèo, chuột hữu hiệu) đến cái khung cửi, cái xa quay sợi, cái rổ, cái rá, cái dần, cái sàng gạo, cái rế đựng nồi, cái gáo múc nước, cái bừa, cái cào, cái ách khoác lên cổ con trâu cày đến con dao cật nứa cắt rốn lúc chào đời, cái quạt nan, đôi đũa, cái tăm… nhiều thứ vật dụng làm bằng tre còn được dùng đến ngày nay.
Đấy là còn chưa nói tới các loại vật dụng của nhà nông, cũng như nhiều loại vũ khí thời xưa của cha ông ta đều có phần cán, phần tay cầm làm bằng một loại cây nào đó thuộc họ tre. Cây gậy tầm vông thời đánh Pháp xâm lược là một chứng tích đã đi vào lịch sử. Cây nêu dựng lên trước cửa nhà vào dịp năm mới thời xưa để trừ ma quỷ, cái ống đựng bút và quản bút lông của các nhà nho mà những năm gần đây về nơi thôn dã ta còn thấy, đến những cánh diều mà hôm nay con trẻ còn chơi… tất cả đều làm từ tre. Vật dụng ngày càng có vẻ thuận tiện hơn, có vẻ đẹp đẽ hơn đã đẩy chúng ta xa rời thứ cây nhiều lợi ích như thế. Thậm chí có một thời ấu trĩ, người ta đã chặt đi những bụi tre gai quanh làng với lý do là chúng làm đất bạc màu.Những rặng tre rợp bóng ở đường làng, nghiêng xuống nơi bờ ao không còn mấy nữa. Nhiều người quên mất rằng bao đời tổ tiên người Việt khai phá đồng bằng Bắc Bộ được như ngày hôm nay là do đắp đê chống lụt, trị thuỷ. Những triền đê được giữ vững trước nước lụt, bão tố, ngoài phần công sức của người Việt xưa bao đời bồi đắp, thì còn có phần công sức của những bụi tre có tác dụng giữ đất, chống xói lở.
Từ bao đời nay, cây tre đã có mặt hầu khắp các neỏ đường đất nước và gắn bó thủy chung với cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đặc biệt trong tâm thức người Việt, cây tre chiếm vị trí sâu sắc và lâu bền hơn cả_ được xem như là biểu tượng của người Việt đất Việt,…Từ hồi bé tẹo tôi vẫn nhớ bài “Cây tre VN: Nước việt nam xanh muôn vàn cây lá khác nhau,cây nào cũng đẹp,cây nào cũng quý,nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa trúc mai vầu mấy chục loại khác nhau,nhưng cùng một mần xanh mọc thẳng…”
“Tre xanh, xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh…”
Cây tre, cây nứa, cây vầu, trúc,… và nhiều loại tre bương khác là loại cây thuộc họ Lúa. Tre có thân rể ngâm, sống lâu mọc ra những chồi gọi là măng. Thân rạ hóa mộc có thể cao đến 10 -18m , ít phân nhánh. Mỗi cây có khoảng 30 đốt,… Cả đời cây tre chỉ ra hoa một lần và vòng đời của nó sẽ khép lại khi tre “bật ra hoa”.
Cùng với cây đa, bến nước, sân đình - một hinh ảnh quen thuộc, thân thương của làng Việt cổ truyền, thì những bụi tre làng từ hàng ngàn năm đã có sự cộng sinh, cộng cảm đối với người Việt. Tre hiến dâng bóng mát cho đời và sẳn sàng hy sinh tất cả. Từ măng tre ngọt bùi đến bẹ tre làm nón, từ thân tre cành lá đến gốc tre đều góp phần xây dựng cuộc sống.
Cây tre đã gắn bó với bao thăng trầm của lịch sử nước nhà. “…Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre và đánh giặc…”. Không phài ngẫu nhiên sự tích loại tre thân vàng được người Việt gắn với truyền thuyết về Thánh Gióng - hình ảnh Thánh Gióng nhổ bụi tre đằng ngà đánh đuổi giặc Àn xâm lược đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh chiến thắng thần kỳ, đột biến của dân tộc ta đối với những kẻ thù xâm lược lớn mạnh.
Mặt khác, hình tượng của cậu bé Thánh Gióng vươn vai hóa thân thành người khổng lồ rất có thể liên quan đến khả năng sinh trưởng rất nhanh của cây tre (theo các nhà Thực vật học, thì cây tre phát triển điều kiện lý tưởng, có thể cao thêm từ 15 -20cm mỗi ngày). Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, các lũy tre xanh đã trở thành “pháo đài xanh” vững chắc chống quân xâm lược, chống thiên tai, đồng hóa. Tre thật sự trở thành chiến lũy và là nguồn vật liệu vô tận để chế tạo vũ khí tấn côngtrong các cuộc chiến. Chính những cọc tre trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã đánh tan quân Nam Hán. Chính ngọn tầm vông góp phần rất lớn trong việc đánh đuổi quân xâm lược để giàng Độc lập_ Tự do cho Tổ Quốc. “ Tre giữ làng, giữ nước, giừ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín,…”
Vốn gần gũi và thân thiết với dân tộc, cây tre đã từng là ngưồn cảm hứng vô tận trong văn học, nghệ thuật. Từ những câu chuyện cổ tích ( Nàng Ưt ống tre, cây tre trăm đốt,…) đến các ca dao, tục ngữ đều có mặt của tre. Đã có không ít tác phẩm nổi tiếng viết về tre : “Cây tre Việt Nam” của Thép Mới và bài thơ cùng tên của thi sỹ Nguyễn Duy,… Tre còn góp mặt trong những làn điệu dân ca, điệu múa sạp phổ biến hầu khắp cả nước. Và nó là một trong những chất liệu khá quan trọng trong việc tạo ra các nhạc khí dân tộc như : đàn tơ tưng, sáo, kèn,… Tre đi vào cuộc sống của mỗi người, đi sâu thẳm vào tâm hồn người Việt. Mỗi khi xa quê hương, lữ khách khó lòng quên được hình ảnh lũy tre làng thân thương, những nhịp cầu tre êm đềm… Hình ảnh của tre luôn gợi nhớ về một làng quê Việt nam mộc mạc, con người Việt Nam thanh cao, giản dị mà chí khí.
Trong quá trình hội nhập quốc tế và hiện đại hóa thì tre ngày nay lại trở thành những sản phẩm văn hóa có giá trị thẩm mỹ cao được nhiều khách mước ngoài ưa thích, như những mặt hàng dùng để trang trí ở những nơi sang trọng : đèn chụp bằng tre, đĩa đan bằng tre.
Có thể thấy rằng bản lĩnh, bản sắc của người Việt và văn hóa Việt có những nét tương đồng với sức sống và vẻ đẹp của cây tre đất Việt. Tre không mọc riêng lẽ mà sống thành từng lũy tre, rặng tre. Đặc điểm cố kết này tượng trưng cho tính cộng đồng của người Việt. Tre có rễ ngấm sâu xuống lòng đất, sống lâu và sống ở mọi vùng đất. Chính vì thế tre được ví như là con người Việt Nam cần cù, siêng năng, bám đất bám làng : “Rễ sinh không ngại đất nghèo, Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù”. Tre cùng người Việt Nam trải qua bao thăng trầm của lịch sử, qua bao cuộc chiến tranh giữ nước - tre xứng đáng là hình ảnh biểu tượng cho tính kiên ường, bất khuất của người Việt Nam.
Bài mẫu 2: Thuyết minh về cây cao su ở quê em
Dàn bài
Mở bài: Sự ưu đãi của thiên nhiên đã mang lại cho nhân dân ta một loại cây có giá trị đó là cây cao su
Thân bài: Thuyết minh về cây sao su
- Đặc điểm cây cao su:
- Cây cao su là cây thân gỗ thuộc họ Đại kích, cao thẳng, chiều cao của nó trung bình từ 15 mét đến 30 mét,...
- Cây có rễ cọc cắm sâu vào lòng đất và có nhiều dễ nhánh
- Lá cây cao su là lá kép có màu xanh đậm, mỗi năm lá rụng một lần.
- Có hoa nhưng không mọc thành chùm mà là hoa đơn và thụ phấn chéo.
- Quả cao su hình bầu dục hoặc hình cầu,....
- Cây cao su thường sống và phát triển tốt ở các vùng khí hậu nhiệt đới ẩm....
- Cách thu hoạch mủ cao su:
- Rạch các đường trên thân cây cao su.
- Các vết rạch vuông góc với mạch nhựa, rạch từ trái sang phải, độ sâu phù hợp để nhựa chảy vào xô...
- Thời gian để thu nhựa mủ vào trước 7 giờ sáng là thích hợp nhất.
- Công dụng của cây cao su:
- Lấy nhựa mủ dùng để sản xuất cao su tự nhiên, lốp cao su,..
- Gỗ cao su cũng được sử dụng trong mỹ nghệ vì gỗ của nó có màu sắc đẹp, độ co ít,...
- Lượng dầu trong quả cao su có thể làm nguyên liệu để chiết xuất ra sơn trong mỹ nghệ
Kết bài: cây cao su là một trong những cây quan trọng trong lao động sản xuất và phát triển kinh tế của Việt Nam.
Bài làm
Từ xa xưa, thiên nhiên đã gắn bó mật thiết với người dân Việt Nam trong cuộc sống cũng như trong lao động. Thiên nhiên đã ban phát cho chúng ta những loại cây mang lại lợi ích to lớn, trong đó có cây cao su- loại cây mang lại lợi nhuận cao.
Cây cao su là một trong những loại cây quen thuộc, chúng xuất hiện và mọc thành rừng ở khu vực rừng mưa Amazon. Chính vì vậy, nó có những đặc điểm riêng biệt để thích nghi với môi trường.
Cây cao su là cây thân gỗ thuộc họ Đại kích, cao thẳng, chiều cao của nó trung bình từ 15 mét đến 30 mét, đường kính thân cây khoảng 50 cm. Cây có rễ cọc cắm sâu vào lòng đất và có nhiều dễ nhánh để hút chất dinh dưỡng. Lá cây cao su là lá kép có màu xanh đậm, mỗi năm lá rụng một lần. Có hoa nhưng không mọc thành chùm mà là hoa đơn và thụ phấn chéo. Quả cao su hình bầu dục hoặc hình cầu, màu xanh, một quả chứa rất nhiều dầu có thể dùng để pha sơn trong kỹ nghệ. Cây cao su thường sống và phát triển tốt ở các vùng khí hậu nhiệt đới ẩm, nhiệt độ thấp và mưa nhiều, nhưng khi úng nước và có gió , cây dễ dàng chết hoặc bị gãy đổ. Ngoài ra cây cao su là một loaị cây khá độc có thể là ô nhiễm nguồn nước ở khu vực xung quanh và sức khỏe của những người trồng cao su cũng bị ảnh hưởng.
Cây cao su được trồng ở những cánh rừng ít gió. Thường cây cao su được 4 đến 5 năm tuổi , người ta bắt đầu thu hoạch mủ cao su. Thời gian thu hoạch chỉ trong 9 tháng, trong 3 tháng còn lại không được thu hoạch vì đây là thời gian cây đang rụng lá, nếu thu hoạch sẽ làm cây chết. Người ta thu hoạch mủ hay còn gọi là những cao su bằng cách rạch các đường trên thân cây cao su. Các vết rạch vuông góc với mạch nhựa, rạch từ trái sang phải, độ sâu phù hợp để nhựa chảy vào xô sao cho không cạo phải tầng sinh gỗ làm vỏ cây không thể tái tạo và gây tổn hải cho sự phát triển của cây. Thời gian để thu nhựa mủ vào trước 7 giờ sáng là thích hợp nhất. Thèo người công nhân trên những đồi cao su thì những cây càng già càng cho ra nhiều nhựa và chất lượng nhựa cũng rất tốt.
Cây cao su là một trong loại cây công nghiệp lâu năm rất quen thuộc và phổ biến ở Việt Nam, nhất là các khu vực như Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, trung tâm phía Bắc, duyên hải miền Trung… Người ta trồng cao su nhằm mục đích lấy nhựa mủ dùng để sản xuất cao su tự nhiên, lốp cao su,..Bên cạnh đó , gỗ cao su cũng được sử dụng trong mỹ nghệ vì gỗ của nó có màu sắc đẹp, độ co ít, nó được đánh giá là loại gỗ thân thiện với môi trường vì người ta chỉ thu thập gỗ cao su sau khi hết thời kì lấy nhựa mủ. Lượng dầu trong quả cao su có thể làm nguyên liệu để chiết xuất ra sơn trong mỹ nghệ. Cây cao su được công nhận là cây công nghiệp thu lại lợi nhuận kinh tế rất cao, cải thiện nâng cao đời sống con người, phát triển kinh tế quốc dân, bảo đảm an ninh quốc phòng….
Như vậy, cây cao su là một trong những cây quan trọng trong lao động sản xuất và phát triển kinh tế của Việt Nam. Chúng ta cần chung tay bảo vệ những rừng cao su xanh tươi.
Bài mẫu 3: Thuyết minh về cây dừa ở quê em
Dàn bài
Mở bài: Trích đoạn thơ cây dừa để giới thiệu đối tượng thuyết minh là cây dừa
Thân bài: Thuyết minh về cây dừa
- Nguồn gốc và phân bố cây dừa:
- Nguồn gốc ở khu vực Đông Nam Châu Á
- Trên thế giới, dừa thường phân bố ở vùng châu Á, Thái Bình Dương
- Ở Việt Nam, dừa thường tập trung từ Quãng Ngãi đến Cà Mau nhưng nhiều nhất là ở Bình Định và Bến Tre
- Đặc điểm cây dừa:
- Thân dừa có hình trụ với những nốt vằn trên thân, cao khỏe, có màu nâu sậm, cao khoảng 20- 30 cm, đường kính rộng khoảng 45 cm...
- Lá dừa xanh, dài tán lá rộng có nhiều tàu lá....
- Hoa trắng, nhỏ li ti kết thành từng chùm trông thật thích mắt...
- Quả dừa tròn, nằm trên những tàu lá, kết thành từng chùm...
- Công dụng của cây dừa:
- Qủa dừa dùng đê ăn và làm nước uống.
- Thân dừa dùng để làm cột chống, đồ mĩ nghệ
- Lá dừa khi già héo và rụng thì người ta phơi khô dùng để đun và cháy rất bén
- Rễ dừa có thể dùng làm thuốc nhuộm, thuốc sát trùng
- Xơ dừa dùng làm dây thừng, hoa dừa dùng để trang trí.
Kết bài: Cây dừa đã từ lâu cũng trở thành biểu tượng của người dân Việt Nam
Bài làm
“ Cây dừa xanh toả nhiều tàu
Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng
Thân dừa bạc phếch tháng năm
Quả dừa – đàn lợn con nằm trên cao”.
Hình ảnh cây dừa đã đi vào thơ ca nhạc họa một cách rất tự nhiên. Dừa là hình ảnh rất gần gũi và hết sức quen thuộc thân thương và trìu mến, gắn liền với tuổi thơ của mỗi chúng ta.
Nguồn gốc của loài thực vật này là chủ đề gây tranh cãi, trong đó một số học giả cho rằng nó có nguồn gốc ở khu vực Đông Nam Châu Á trong khi những người khác cho rằng nó có nguồn gốc ở miền Tây bắc Nam Mỹ. Đến nay dừa đã được trồng phổ biến và xuất hiện ở nhiều nơi trên đất nước. Trên thế giới, dừa thường phân bố ở vùng châu Á, Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, dừa thường tập trung từ Quãng Ngãi đến Cà Mau nhưng nhiều nhất là ở Bình Định và Bến Tre “Khi yêu yêu lắm dừa ơi/ Cả trời cả đất cả người Bến Tre”. Dừa có rất nhiều loại như dừa xiêm, dừa bị, dừa nếp, dừa lửa, dừa dâu, dừa sáp. Nhưng nhìn chung các loại dừa đều cơ bản giống nhau và có những lợi ích riêng giúp ích cho cuộc sống con người.
Hầu như loại dừa nào cũng có đặc điểm và cấu tạo như nhau. Thân dừa có hình trụ với những nốt vằn trên thân, cao khỏe, có màu nâu sậm, cao khoảng 20- 30 cm, đường kính rộng khoảng 45 cm. Đối với loại dừa dùng để làm cảnh thì thân thường là màu xanh có nhiều đốt với những tán lá xòe rộng như một cái ô khổng lồ. Lá dừa xanh, dài tán lá rộng có nhiều tàu lá. Khi già thì lá chuyển mình thành màu vàng rồi héo dần và rụng. Phải quan sát tỉ mỉ thì ta mới nhìn thấy những bông hoa trắng, nhỏ li ti kết thành từng chùm trông thật thích mắt. Cây ra hoa rồi kết thành trái. Quả dừa tròn, nằm trên những tàu lá, kết thành từng chùm như đàn lợn con nằm trên cao. Cây dừa có rất nhiều quả, quả của chúng kết thành buồng, mỗi cây có rất nhiều buồng và mỗi buồng dừa có nhiều quả, trung bình mỗi buồng từ 5 đến 10 trái dừa, có loại trên 20 trái. Quả dừa gồm hai phần là phần vỏ và phần nước ở bên trong được ngăn cách nhau bởi lớp cùi trắng. Để lấy nước của quả dừa thì đây là một công đoạn cũng rất khó cần loại bỏ lớp vỏ ngoài và lớp xơ dừa sau đó dùng đũa/que chọc vào mắt lớn nhất của quả rồi đặt ống hút vào. Người ta có thể lấy nước bằng cách chặt bỏ một phần vỏ ở phần đối diện với cuống dừa để phần vỏ cứng bên trong phơi ra vật chứa.
Người ta tìm đế với dừa có rất nhiều những công dụng khác nhau. Mỗi bộ phận của dừa hầu như đều chứa đựng những lợi ích khác nhau. Chúng ta không chỉ biết công dụng của dừa dùng để ăn mà biết đến với rất nhiều công dụng khác. Thân dừa dùng để làm cột chống, hay lá dừa khi già héo và rụng thì người ta phơi khô dùng để đun và cháy rất bén. Bên cạnh đó, thân dừa có thể dùng làm đồ mỹ nghệ hoặc làm vật liệu cho một số công trình xây dựng. Rễ dừa có thể dùng làm thuốc nhuộm, thuốc sát trùng để súc miệng hay chữa trị bệnh lỵ và nó còn được dùng để đánh răng. Tán lá dừa rộng, xòe to nên có thể dùng để che nắng, che mưa. Xơ dừa dùng làm dây thừng, hoa dừa dùng để trang trí. Phần có tác dụng to lớn là nằm ở quả dừa. Nước dừa thơm ngon, béo ngậy có thể dùng để uống giúp đẹp da hay dùng để nấu cơm, thổi xôi thêm cùi dừa nạo mỏng thì ta sẽ được đĩa xôi ngon miệng, béo ngậy, giàu chất dinh dưỡng. Người ta còn biết dùng nước dừa đun lại để làm dầu dừa dưỡng da, dưỡng tóc. Cùi dừa dùng để kho thịt, thạch dừa hay dùng để làm kem dừa khi trời nóng nắng oi bức hay dùng là mứt vào mỗi dịp tết. Khi dùng xong bên trong, họ còn dùng gáo dừa để làm vật dụng trong gia đình hay dùng để nấu ăn…
Cây dừa có rất nhiều tác dụng to lớn đối với cuộc sống của con người. Cây dừa đã từ lâu cũng trở thành biểu tượng của người dân Việt Nam bởi sự kiên cường bất khuất, dám đối mặt với mọi gian nan để vươn cao, vươn xa hơn.
Bài mẫu 4: Thuyết minh về cây xoài ở quê em
Dàn bài
Mở bài: Dẫn dắt để giới thiệu cây xoài ở quê hương em
Thân bài: Thuyết minh cây xoài
- Nguồn gốc: Phát hiện chỉ ra xoài có nguồn gốc ở Nam Á và Đông Nam Á
- Đặc điểm cây xoài:
- Cây thân gỗ lớn, khỏe và chắc, một cây trưởng thành có thể cao từ mười đến hai mươi mét
- Rễ cây xoài là rễ cọc có thể dễ dàng ăn sâu xuống dưới đất
- Tán của xoài rất rộng bởi cành lá xum xuê,....
- Khi còn non, lá xoài có màu tím pha đỏ; khi lá đã trưởng thành thì có màu xanh nhạt;
- Phân loại xoài: chia ra thành nhiều loại như xoài Cát, xoài Tượng, xoài Thái,…
- Công dụng của cây xoài:
- Tán rộng nên được trồng để lấy bóng mát.
- Xoài là lấy trái, ăn rất ngọn và bổ.
- Xoài là loại trái cây được xuất khẩu, mang lại giá trị cao....
- Thân to và chắc, gỗ xoài cũng được dùng làm bàn ghế, tủ giường,…
Kết bài: Xoài từ lâu đã trở thành loài cây quen thuộc với người dân Việt Nam, là dấu hiệu mỗi khi hè về
Bài làm
Đất nước Việt Nam với khí hậu nóng ẩm là nơi thích hợp cho nhiều loài cây sinh sống, mỗi mùa lại cho ta những thức quả khác nhau. Nếu xuân là hồng xiêm thơm nức, thu là quả ổi dân dã, đông là lê thanh mát thì hạ là những trái xoài lúc lắc trên cây. Xoài vừa là loại trái cây quen thuộc, vừa là hình ảnh gắn liền với tuổi thơ của những đứa trẻ thôn quê.
Người ta không biết xoài có nguồn gốc từ đâu, nhưng nhiều phát hiện chỉ ra xoài có nguồn gốc ở Nam Á và Đông Nam Á, từ đó nó đã được phân bố trên rộng khắp thế giới và trở thành loài cây quen thuộc tại các vùng đất nhiệt đới.
Xoài là cây thân gỗ lớn, khỏe và chắc, một cây trưởng thành có thể cao từ mười đến hai mươi mét. Để có thể giúp cây cao lớn và vững chắc như vậy không thể không kể đến bộ rễ của cây. Rễ cây xoài là rễ cọc có thể dễ dàng ăn sâu xuống dưới đất, hút nước và các chất khoáng để nuôi dưỡng sự sống cho cây. Không chỉ là một loài cây cho trái, xoài, cũng như bàng, phượng hay bằng lăng, được trồng để lấy bóng mát. Tán của xoài rất rộng bởi cành lá xum xuê, nhìn từ xa trông như chiếc dù xanh mát rộng lớn rợp bóng râm cả một khoảng sân, che mát trong những ngày hè nóng nực. Khác với phượng, xoài là cây lá đơn với những phiến lá thuôn dài, bề mặt nhẵn và có mùi thơm riêng biệt độc đáo. Khi còn non, lá xoài có màu tím pha đỏ; khi lá đã trưởng thành thì có màu xanh nhạt; còn lúc đã về ”xế chiều” thì lá lại mang sắc xanh đậm đà.
Xoài cho bóng mát, cho lá, cho cành còn cho cả hoa. Hoa xoài nhỏ xíu như ngôi sao trên bầu trời rộng lớn nhưng không đứng riêng lẻ mà mọc thành chùm ở ngọn cành, mỗi chùm hoa dài tầm ba mươi centimet, cứ mỗi chùm như thế là xoài đơm nở cho ta hai trăm đến bốn trăm bông hoa. Cũng như nhiều loài cây cho trái khác, có hoa xoài rồi mới có quả. Khi hoa già, rụng xuống đất cũng là lúc xoài kết trái. Trái xoài thon ở hai đầu và phình to hơn ở giữa. Khi mới còn là trái non thì xoài có màu xanh đậm, nhưng khi đã chín và có thể thu hoạch thì thường mang sắc vàng hoặc xanh pha vàng. Chính màu vàng ươm như màu nắng hạ này khiến cho trái xoài trở thành loại hoa quả được ưa chuộng mỗi khi hè về, với vị chua và ngọt rất hài hòa, không ngọt sắc như mía hay chua gắt như quất, như chanh. Vẻ ngoài đẹp mắt cùng vị thơm ngon hài hòa, kết hợp với mùi hương dịu nhẹ nhưng đầy hấp dẫn, đã khiến cho loại trái cây này như một đặc sản không thể thiếu mỗi khi hè về.
Xoài có thể được chia ra thành nhiều loại như xoài Cát, xoài Tượng, xoài Thái,… với nhiều hương vị khác nhau phù hợp với sở thích và gu ăn uống của từng người.
Được trồng phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác, xoài là một loài cây có nhiều giá trị sử dụng. Tán rộng nên được trồng để lấy bóng mát. Nhưng chiều hè nắng chói, được ngồi dưới gốc xoài, nhìn nhưng quả xoài mới nảy lúc lắc trên cây khi gió thổi qua cũng là thú vui của nhiều người muốn yên tĩnh sau những giờ làm việc căng thẳng. Những ai đã đi qua thời học sinh la cà quán ăn vặt cổng trường hẳn cũng không thể nào quên hương vị của những túi xoài muối ớt, ăn vừa cay vừa chua mà vẫn rất nghiền. Xoài cũng được trồng như một loại cây xanh đô thị bởi không cần phải quan tâm nhiều đến việc chăm bón. Nhưng giá trị nhất ở xoài là lấy trái, ăn rất ngọn và bổ. Bởi vậy mà không chỉ được yêu thích trong nước mà xoài còn là loại trái cây được xuất khẩu, đóng góp một phần không nhỏ cho nguồn thu ngoại tệ của đất nước. Người dân không chỉ ăn xoài khi đã chín mà còn lấy xoài xanh để ăn sống, nhai rồn rột và có vị chua không quá gắt, chấm với mắm đường ăn rất ngon và có hương vị độc đáo. Chưa có loại quả nào được ăn với loại nước chấm như vậy cả. Bên cạnh đó, với thân to và chắc, gỗ xoài cũng được dùng làm bàn ghế, tủ giường,…
"Một vườn xoài rung rinh lá sáng
Một vườn xoài chạy dài thăm thẳm
Một vườn xoài rợp mát tuổi thơ ngây
Một vườn xoài xanh biếc dưới mây bay"
Đó là những câu thơ Lưu Quang Vũ viết trong “Mùa xoài chín”. Xoài từ lâu đã trở thành loài cây quen thuộc với người dân Việt Nam, là dấu hiệu mỗi khi hè về và cành lá rung rinh trong gió cũng gọi về cả một miền kí ức tuổi thơ tươi đẹp
Xem thêm bài viết khác
- Suy nghĩ về hiện tượng học tủ học vẹt Viết đoạn văn nghị luận về hiện tượng học tủ, học vẹt
- Nghị luận xã hội về đức tính trung thực Bài nghị luận xã hội về tính trung thực
- Bài văn nghị luận lớp 9 với chủ đề: Uống nước nhớ nguồn
- Đề 3: Nhân ngày 20-11, kể cho các bạn nghe về một kỉ niệm đáng nhớ giữa mình và thầy, cô giáo cũ
- Bài văn nghị luận lớp 9: Có chí thì nên
- Bài văn mẫu lớp 9: Thuyết mình về một nét đặc sắc trong di tích, thắng cảnh quê em (Nên chọn đối tượng thuyết minh cụ thể cho sát với thực tế ở mỗi địa phương)
- Đề 1: Kể về một lần em trót xem nhật kí của bạn - văn mẫu 9
- Nghị luận xã hội: Bàn về tranh giành và nhường nhịn
- Chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân Việt Nam qua truyện ngắn Làng Bài viết số 6 lớp 9 đề 2
- Văn mẫu 9: Tổng hợp những bài viết số 5 hay nhất (4 đề)
- Suy nghĩ của anh chị về câu tục ngữ “Có chí thì nên”
- Văn mẫu 9: Tổng hợp những bài viết số 6 hay nhất (6 đề)