Chép lại hai câu tục ngữ mà em đã học hoặc sưu tầm được. Nêu lên ý nghĩa, giá trinh của kinh nghiệm

  • 1 Đánh giá

Câu 6: Chép lại hai câu tục ngữ mà em đã học hoặc sưu tầm được. Nêu lên ý nghĩa, giá trinh của kinh nghiệm mà những câu tục ngữ ấy thể hiện. Có thể chọn hai câu có nội dung liên quan với nhau để phân tích. (Lựa chọn hai câu: Uống nước nhớ nguồn và Ăn quả nhớ kẻ trồng cây)

Bài làm:

Kho tàng thành ngữ, tục ngữ dân gian Việt Nam là những bài học kinh nghiệm quý báu về tất cả mọi lĩnh vực trong đời sống sản xuất mà ông cha ta truyền lại cho con cháu. Đó là những câu nói ngắn gọn nhưng hàm chứa những triết lí sống sâu sắc. Đặc biệt, khi răn dạy con người về đạo đưa, lối sống, hai câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồnĂn quả nhớ kẻ trồng cây đã giúp tôi hiểu được nhiều điều trong cuộc sống.

Hai câu tục ngữ tuy có khác nhau về câu chữ song ý nghĩa của chúng lại giống nhau. “Nước” và “quả” là hình ảnh biểu trưng cho những thành quả lao động, thành công mà chúng ta được thừa hưởng hoặc đạt được trong cuộc đời. Còn “nguồn” và “kẻ trồng cây” chính là nguồn gốc của thành quả hay là những người đã tạo ra thành quả, những người đã giúp ta đạt được thành công của hiện tại. Hai câu tục ngữ là lời nhắc nhở mỗi con người cần phải sống có trước có sau hay là thái độ trân trọng thành quả lao động và biết ơn những người đã từng giúp đỡ ta. Lối sống ấy đã trở thành truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam hàng nghìn năm nay. Và đó là minh chứng cho tính đúng đắn của hai câu tục ngữ.

Thật vậy, Vua Hùng Vương là người đã dựng lên nước Văn Lang, là dấu mốc cho lịch sử của Việt Nam ta. Ngày nay, những người con xa quê, ăn đâu, làm đâu cũng quay về để cúi đầu nhớ ngàu giỗ Tổ của dân tộc:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”

Vì thế mà mỗi năm, đến ngày mùng mười tháng ba âm lịch, người dân lại nô nức kéo nhau về đền Hùng (Phú Thọ) nơi quê cha đất tổ để tưởng nhớ vị vua đã dựng nên đất nước này.

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đất nước ta đã phải đối mặt với không biết bao nhiêu kẻ thù xâm lược. Từ thời Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, các vua nhà Trần, đến thời chống Pháp, chống Mỹ, chống Nhật ông cha ta đã phải đổ biết bao nhiêu xương máu, mồ hôi, nước mắt để giữ vững được mảnh đất của tổ tiên, giữ vững được nền độc lập dân tộc. Ý chí của ta không hề bị mài mòn bởi đòn roi tra tấn, bởi những thử thách chông gai, mà nó chỉ được rèn luyện và nung nấu để trở nên cứng rắn hơn mà thôi. Để nhớ ơn những người anh hùng đã đánh đổi mạng sống của mình lấy sự bình yên cho dân tộc, nhân dân ta đã lập đền thờ, những nghĩa trang liệt sĩ, ngày tưởng niệm để cả dân tộc cùng nhớ về những con người ấy. Giây phút thiêng liêng khi nhìn thấy những chiếc đèn lồng thả trên dòng sông Thạch Hãn - dòng sông giới tuyến mà ta quyết tranh giành với địch từng tấc đất thời chống Mĩ, không hiểu sao lòng tôi thấy xúc động vô cùng. Tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé trước những hi sinh lớn lao, cao cả của những con người ấy.

Cả nước đều đang hướng về những con người có công với cách mạng, bằng những ngôi nhà tình nghĩa xây cho các bà, các mẹ của những người chiến sĩ đã ngã xuống. Đó là những chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng. Đó là những ngày tri ân, tưởng nhớ. Và với học sinh, có một ngày để những đứa học trò nhỏ đã được thầy cô chắp cho đôi cánh ước mơ để bay cao, bay xa đến những vùng trời mới trở về để tri ân những người cha, người mẹ thứ hai của mình, là ngày 20-11, ngày Hiến chương của các nhà giáo.

Nhớ ơn Người mang lại cho mình cuộc sống ấm no hạnh phúc trở thành lẽ tự nhiên, trở thành nếp sống, nếp nghĩ và phẩm chất tốt đẹp của nhân dân ta. Đó cũng là một trong những đạo lí làm người của dân tộc Việt Nam. Đối với người học sinh thể hiện lòng biết ơn ông bà cha mẹ, thầy cô bằng hành động cụ thể chính là đang thực hiện đạo lí làm người ấy.

  • 19 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021