Đáp án đề thi thử THPT quốc gia lần 13 năm 2017

  • 1 Đánh giá

Bài làm:

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1:

* Nội dung chính của văn bản:

  • Để theo đuổi và đạt được ước mơ, chúng ta phải hành động.
  • Trên con đường vươn tới thành công, phải nắm bắt từng cơ hội.
  • Hãy tạo ra khẩu hiệu bằng các hành động thực tiễn.

* Đặt nhan đề cho văn bản:

  • Một ngày mới, một cơ hội mới.
  • Sức mạnh của hành động.

Câu 2:

  • Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
  • Thao tác lập luận chính: Bình luận

Câu 3: Giải thích câu nói: "Đôi khi bạn nhận thấy rằng trở ngại xuất hiện trên con đường của bạn không vì mục đích nào khác ngoài mục đích mở ra cơ hội để đưa bạn tới vị trí cao hơn":

- Câu nói khẳng định vai trò, ý nghĩa của trở ngại, thử thách trên con đường đi đến thành công của mỗi người. Thông thường, theo thói quen suy nghĩ của nhiều người thì khó khăn, thử thách là rào cản khiến con người khó đạt được mục đích. Tuy nhiên, câu nói đã cho thấy: trở ngại, khó khăn cũng là cơ hội giúp con người phát huy năng lực bản thân, đạt được thành công và khẳng định vị trí của mình trong xã hội.

- Câu nói đã thể hiện cách suy nghĩ, và thái độ sống tích cực: lạc quan, có niềm tin, bản lĩnh, ý chí và lòng quyết tâm... để biến trở ngại thành cơ hội.

Câu 4: Học sinh có thể rút ra thông điệp ý nghĩa nhất khác nhau nhưng phải kiến giải lựa chọn của mình một cách hợp lý và thuyết phục.

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm) Viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý kiến được nêu trong văn bản ở phần Đọc hiểu: "Không có những khẩu hiệu được đóng khung trên tường – chúng tôi cố gắng tạo ra những khẩu hiệu từ chính các hành động của mình."

1. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ

Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề. (0,25đ)

2. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. (1.5đ)

a. Giải thích (0,25đ)

- Khẩu hiệu: những câu văn ngắn gọn, súc tích, thường tóm tắt một nhiệm vụ, một thái độ sống, một triết lý, phương châm hành động... nhằm mục đích định hướng, tuyên truyền, cổ vũ, phát động mọi người thực hiện việc làm nào đó.

- Ý kiến khẳng định: cách thức để tuyên truyền, cổ vũ mọi người cùng thực hiện một nhiệm vụ, hành động, phương châm sống đúng đắn không phải chỉ bằng những triết lý, lời nói suông mà quan trọng là phải bằng việc làm, hành động cụ thể, thiết thực.

b. Bàn luận

- "Không có những khẩu hiệu được đóng khung trên tường" vì: (0,25đ)

- Khi ấy khẩu hiệu mới chỉ là lý thuyết, chưa được hiện thực hóa thành hành động và chưa được kiểm chứng trong thực tiễn. Nhiều lúc, nó chưa đủ sức mạnh tác động làm thay đổi nhận thức, hành động để mỗi người tự nguyện làm theo.

- Khẩu hiệu được đóng khung bất biến, trong khi thực tiễn lại phong phú, sinh động, nảy sinh nhiều tình huống phức tạp. Vì vậy, trong một số hoàn cảnh cụ thể, nếu chỉ làm theo khẩu hiệu một cách cứng nhắc, máy móc thì hiệu quả công việc sẽ không cao.

- Phải "tạo ra những khẩu hiệu từ chính các hành động của mình" vì: (0,5đ)

- Bằng hành động thực tiễn thì những nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra trong khẩu hiệu mới trở thành hiện thực. Và qua thực tế đời sống thì khẩu hiệu mới được kiểm chứng, từ đó sẽ khái quát được những triết lý, phương châm hành động đúng đắn.

- Hành động đúng đắn có ý nghĩa thiết thực và hiệu quả trên thực tế. Vì vậy, nó có tác dụng nêu gương, khích lệ, thuyết phục, cổ vũ mọi người tạo thành phong trào hành động được nhân rộng trong xã hội.

- So với khẩu hiệu được đóng khung, thì hành động trong thực tiễn có tính linh hoạt, từ đó có khả năng thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với các hoàn cảnh cụ thể khác nhau của đời sống. Do đó, hiệu suất công việc sẽ cao hơn.

c. Mở rộng: (0,25đ)

- Nhận định không đồng nghĩa với việc phủ định vai trò của các khẩu hiệu trong đời sống.

- Không phải bất cứ hành động nào cũng tạo nên "khẩu hiệu". Chỉ có những hành động đúng đắn, tác động tích cực đến bản thân và cộng đồng mới có sức tuyên truyền, định hướng, cổ vũ mọi người làm theo.

d. Rút ra bài học nhận thức và hành động đúng đắn, phù hợp. (0,25đ)

3. Sáng tạo: có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. (0,25đ)

Câu 2 (5,0 điểm)

* Yêu cầu về kỹ năng:

  • Biết cách làm bài nghị luận văn học
  • Bố cục và hình thức sáng rõ.
  • Biết vận dụng và phối hợp những thao tác nghị luận.
  • Hành văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ.
  • Không mắc lỗi về diễn đạt, dùng từ, đặt câu.

* Yêu cẩu về kiến thức: Bài viết phải đảm bảo những nội dung cơ bản sau:

1. Mở bài

  • Giới thiệu về tác giả, tác phẩm; giới thiệu 2 ý kiến.
  • Vài nét về tác giả Kim Lân
  • Vài nét về tác phẩm “Vợ nhặt”
  • Giới thiệu hai ý kiến được nêu ra trong đề

2. Thân bài

a. Giải thích ý kiến

- “Hiện thực tàn khốc” là toàn bộ hiện thực đời sống vô cùng khắc nghiệt, gây hậu quả nghiêm trọng, đau xót. Ý kiến thứ nhất coi việc tái hiện không khí bi thảm trong nạn đói mùa xuân 1945 là cảm hứng chủ đạo của nhà văn Kim Lân khi viết “Vợ nhặt”.

- “Vẻ đẹp tiềm ẩn” là vẻ đẹp của đời sống nội tâm, vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp của đạo lí, tình nghĩa, … còn ẩn giấu bên trong cái vẻ ngoài tầm thường, xấu xí. Ý kiến thứ hai coi việc phát hiện, ngợi ca, trân trọng, nâng niu những vẻ đẹp tâm hồn con người mới là cảm hứng chủ đạo của “Vợ nhặt”.

b. Cảm nhận về tác phẩm “Vợ nhặt”

- Trong “Vợ nhặt”, Kim Lân chú tâm miêu tả hiện thực tàn khốc khi nạn đói thê thảm mùa

  • Hiện thực đói khát tàn khốc khiến ranh giới của sự sống và cái chết trở nên hết sức mong manh.
  • Hiện thực đói khát tàn khốc hiện diện qua cả hình ảnh, âm thanh, mùi vị.
  • Hiện thực tàn khốc khiến giá trị con người trở nên rẻ rúng.
  • Hiện thực tàn khốc khiến con người sống cuộc sống không ra người.

- Ở “Vợ nhặt”, Kim Lân càng chú tâm thể hiện vẻ đẹp tiềm ẩn ở những người dân nghèo của những người dân nghèo sau cái bề ngoài đói khát, xác xơ của họ

  • Vẻ đẹp của đạo lí, của tình người.
  • Vẻ đẹp ở ý thức, trách nhiệm đối với gia đình.
  • Vẻ đẹp ở niềm tin mãnh liệt vào tương lai, tin vào sự sống.

c. Bình luận về ý kiến

- Trong “Vợ nhặt”, quả thực Kim Lân có miêu tả hiện thực tàn khốc trong nạn đói 1945, nhưng nhà văn vẫn chủ yếu hướng vào thể hiện những vẻ đẹp tiềm ẩn của người lao động. Chính nhiệt tình ngợi ca, trân trọng, nâng niu những vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp nhân phẩm và đạo lí của người dân xóm ngụ cư mới là cảm hứng chủ đạo của nhà văn và từ đó tạo nên giá trị nhân đạo sâu sắc cho tác phẩm.

- Hai nhận định trên về truyện ngắn “Vợ nhặt” tuy có điểm khác nhau nhưng không hề đối lập. Trái lại, hai ý kiến cùng làm nổi bật giá trị của tác phẩm cũng như tư tưởng của Kim Lân qua truyện ngắn này.

3. Kết bài

- Khái quát vấn đề nghị luận.

  • 22 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021