Đề 1: Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về “bệnh vô cảm” trong xã hội hiện nay.
Văn 11 bài viết số 6 - Đề 1: Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về “bệnh vô cảm” trong xã hội hiện nay. Sau đây, KhoaHoc gửi đến bạn đọc những bài văn mẫu hay nhất, mời các bạn cùng tham khảo.
Nội dung bài gồm:
- Dàn ý chung
- Bài mẫu 1: Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về “bệnh vô cảm” trong xã hội hiện nay.
- Bài mẫu 2: Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về “bệnh vô cảm” trong xã hội hiện nay.
- Bài mẫu 3: Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về “bệnh vô cảm” trong xã hội hiện nay.
Dàn ý chung
I. Mở bài: giới thiệu về bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay
II. Thân bài: suy nghĩ về bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay
1. Giải thích thế nào là bệnh vô cảm:
- Vô cảm là không có cảm xúc, không có một chút cảm xúc đối với những người xung quanh
- Bệnh vô cảm là bệnh tâm lí của con người, bệnh vô cảm là bệnh mà con người sống ích kỉ, lạnh lung, không quan tâm đến những gì xảy ra bên cạnh mình
2. Thực trạng bệnh vô cảm:
- Hiện nay nhiều người sống ích kỉ, lanh lung, thờ ơ với mọi người xung quanh
- Biểu hiện: không giúp đỡ những người khó khăn hơn mình, không có giúp đỡ người khuyết tật trên đường, không giúp đỡ người già và trẻ em,…
3. Nguyên dẫn đến bệnh vô cảm:
- Do gia đình
- Do môi trường sống
- Do ảnh hưởng của khoa học công nghệ
- Do ảnh hưởng của nền kinh tế
4. Hậu quả của bệnh vô cảm:
- Khiến con người trở nên xa lánh nhau
- Đạo đức bị hỗn loạn
- ảnh hưởng đến nhân cách
III. Kết bài: nêu cảm nhận của em về bệnh vô cảm hiện nay
Bài mẫu 1: Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về “bệnh vô cảm” trong xã hội hiện nay.
Bài làm
“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng
Để làm gì, em biết không?
Để gió cuốn đi...”
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gửi gắm qua những nốt nhạc của mình một sợi chỉ đỏ để gắn kết con người với nhau. Đó chính là “tấm lòng” theo gió cuốn đi. Thế nhưng, thực trạng của xã hội hiện đại lại không đẹp như lời bài hát, bởi căn bệnh vô cảm đã và đang lan truyền một cách chóng mặt - một căn bệnh nguy hiểm mà ai trong số chúng ta cũng có thể mắc phải.
Yêu thương nhau mới khó, chứ xa cách nhau thì chẳng phải là chuyện quá dễ dàng sao? Vô cảm là trạng thái cảm xúc mang tính tiêu cực, là sự tuyệt đối của thờ ơ, lạnh lùng. Sự bình thản một cách đáng sợ của chúng ta trước mọi biến đổi của cuộc sống xung quanh đã tạo nên những bức tưởng kiên cố ngăn cách ta với thế giới. Benjamin Franklin đã nhắc tới những con người với căn bệnh vô cảm ấy qua câu nói “Có những người chết ở tuổi 25 và đến 75 tuổi mới được chôn”. Câu nói có khiến ai đó giật mình? Ta có ở trong đó không? Ta chết khi còn quá trẻ. Vì tâm hồn ta mục ruỗng, héo úa, tàn tạ. Lẽ sống của ta cũng không còn vì ta chưa bao giờ cho đi để nhận lại yêu thương. Yêu thương sẽ chỉ được nảy mầm khi nó được gieo xuống và được chăm sóc hàng ngày. Vô cảm chính là thứ thuốc độc giết chết tâm hồn của ta, khi chúng chưa kịp gieo xuống đất và lớn lên.
Xã hội càng hiện đại, lượng thông tin mà chúng ta nhận được từ nó lại càng nhiều. Nhưng đáng buồn thay, ngày qua ngày những thông tin ấy chỉ toàn là mặt tối của hiện đại, của phát triển. Ta rùng mình ớn lạnh khi nghe tin một đứa bé 12,13 tuổi dám thẳng tay giết hại người bà của mình chỉ vì vài chục nghìn thỏa mãn đam mê với những trò chơi ảo trên mạng. Người yêu cũ sẵn sàng giết hại cả nhà bạn gái chỉ vì sự ngăn cản từ phía gia đình. Bao nhiêu cái chết thương tâm, bao nhiêu mạng người vô tội chỉ vì những con quỷ dữ máu lạnh tồn tại trong tâm hồn và chỉ một phút lơ là, nó đã cướp đi phần lương thiện trong ta.
Còn đau đớn hơn khi ngày ngày trên mặt báo là những khuôn mặt ngây thơ vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường đã sẵn sàng hành hung bạn bằng dao, bằng kiếm, bằng những trận ẩu đả đậm chất giang hồ chỉ vì bạn lỡ lời trên mạng xã hội hay vì nhắn tin vụng trộm với “bạn trai”, “bạn gái” của mình. Nhưng buồn hơn nữa là bạn bè đứng đó, không những không can ngăn, không tìm cách giúp bạn hòa giải mà lại cổ vũ, xúi bẩy, quay clip đăng lên mạng để nhận được những ánh nhìn mà đối với chúng là sự ngưỡng mộ, là sự nể phục. Điều gì đã khiến những cô cậu học trò áo trắng đơn thuần mang trong mình một tâm hồn hiếu chiến đến thế? Sẽ ra sao nếu các em vẫn cứ tiếp tục thờ ơ với chính mình, tiếp tục sống với những tháng ngày bồng bột, thiếu suy nghĩ, với sự vô cảm cứ lớn dần lên không cách nào kìm hãm lại được? Thật khó mà tưởng tưởng một đất nước với những con người lấy thách thức làm bản lĩnh, lấy chiến tích của những cuộc ẩu đả làm thước đo giá trị của con người, đất nước ấy không biết sẽ đi về đâu.
Ta quên làm sao được tiếng khóc nức nở, tiếng van xin đầy bất lực của anh tài xế trong vụ hôi bia ở Đồng Nai tháng 12/2013. Nhìn đôi mắt ngỡ ngàng, đôi tay run rẩy và sự níu kéo tuyệt vọng của anh ta có thấy nhói lòng? Người ta bỏ qua hết những âm thanh ấy, bước qua giá trị đạo đức thường ngày, đạp đổ lằn ranh của sự lương thiện mà bước chân sang bờ bên kia của cái ác. Đôi khi, ranh giới giữa thiện và ác cũng chỉ mong manh như một tấm màn mỏng. Vậy mà ta vẫn không đủ lý trí để xé toạc tấm màn mà sống với đúng lương tri của mình.
Tố Hữu đã từng viết:
“Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người với người sống để yêu nhau...”
Lương thiện là bản tính vốn có của mỗi người. Mới sinh ra chúng ta có ai là người xấu? Nhưng dòng đời xuôi ngược bon chen với gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến ta thay đổi, biến chất. Con người bị những thứ vật chất phù phiếm che mắt để rồi sa ngã, đánh mất chính mình. Tiền tài, danh lợi lại là thứ được xếp trước đạo đức và nhân cách con người. Sự tác động khách quan từ cuộc sống cũng chỉ là một phần nhưng quan trọng nhất vẫn là cá nhân mỗi chúng ta. Nếu chúng ta đủ lý trí và bản lĩnh đã không bị cám dỗ bởi những thứ phù hoa ấy. Hoặc giả như ta kiên định ngay từ đầu với quan điểm sống của riêng mình thì ta còn dễ bị lung lay bới những tác động trong chốc lát từ ngoại cảnh sao?
Hệ lụy tất yếu của căn bệnh vô cảm là mọi sự kết nối trở nên màu mè, vô nghĩa. Con người sống với nhau bằng sự giả dối, hời hợt. Những mối quan hệ dần rạn nứt, mờ nhòe bởi ta thu mình lại trong vỏ ốc chật hẹp, chỉ đủ chỗ cho những toan tính nhỏ nhen và ích kỷ. Con người không còn rung động trước cái đẹp mong manh, khó nắm bắt của thiên nhiên như màu “trắng điểm” hoa lê trong Truyện Kiều vì họ chỉ đi lướt qua, chứ không dừng lại để cảm nhận. Con người cũng sẽ không yêu bằng sự cao thượng như Puskin, nồng nàn, mãnh liệt như Xuân Diệu, cũng chẳng phải là sự quê mùa chân thật như Nguyễn Bính nữa, thay vào đó là một tình yêu đầy thực dụng của tình - tiền - tài. Chao ôi! Xã hội bây giờ sao mà loạn quá!
Thế nhưng, ta vẫn hãy giữ niềm tin vào tình yêu và tấm lòng. Bởi đâu đó xung quanh ta vẫn có những người nguyện ươm những mầm lương thiện vào đất, ấp ủ nó từng ngày, từng giờ; nâng niu, chia sẻ từng miếng cơm, manh áo cho những người kém may mắn hơn ta. Cũng có thể chỉ là một lời an ủi, động viên rất nhỏ từ một người xa lạ lúc ta đang lạc đường, lỡ bước cũng đủ để kéo một tâm hồn lạc về lại với cuộc sống. Chỉ có yêu thương mới đủ sức đánh bại được bệnh vô cảm đang ăn sâu vào suy nghĩ những con người hiện đại. Mà yêu thương ở đâu được? Trong mỗi chúng ta vẫn luôn có một hạt mầm, chỉ cầm ươm cho nó lớn lên....
Bệnh vô cảm đang hủy hoại cộng đồng từng ngày và nó sẽ còn phát triển không ngừng nếu chúng ta vẫn ích kỷ, nhỏ nhen với suy nghĩ bó hẹp trong cái giếng của mình. Yêu thương và chia sẻ, dù nhỏ nhưng tôi tin nó vẫn sẽ đủ sức để lan truyền tới trái tim của tất cả mọi người. Giống như ở đâu đó trên Trái Đất này, Chí Phèo sẽ vẫn gặp Thị Nở ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời mình....
Bài mẫu 2: Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về “bệnh vô cảm” trong xã hội hiện nay.
Bài làm
"Vô cảm" là không có cảm giác, không có tình cảm, không xúc động trước một sự vật, hiện tượng, một vấn đề gì đó trong đời sống. Bệnh vô cảm là căn bệnh của những người không có tình yêu thương, sống dửng dưng trước nỗi đau của con người, xã hội, nhân loại...
Trải qua các cuộc chiến tranh chống quân xâm lược, những cuộc đọ sức với thiên tai khắc nghiệt, nhân dân ta đã có truyền thống đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Dường như càng qua gian khổ, đau thương, mất mát con người lại sống gần nhau, quan tâm, giúp đỡ nhau nhiều hơn. Tình làng nghĩa xóm, thương người như thể thương thân đã trở thành một đạo lí của dân tộc: "Bán anh em xa mua láng giềng gần".
Hiện nay, trong cuộc sống vật chất ngày càng được cải thiện hơn, đầy đủ hơn, người ta dễ có xu hướng lo vun vén cho bản thân và gia đình mình, ít quan tâm đến những vấn đề xã hội. Trước kia, ông cha ta đã phê phán lối sống chỉ biết vun vén cho riêng mình. Cuộc sống quanh ta hiện nay không thiếu những người như thế. Họ sống thờ ơ với mọi việc đang diễn ra, nhà nào nào đóng cửa biết nhà nấy. Nhà hàng xóm có hoạn nạn, có con cái bị rơi vào cạm bẫy của các tệ nạn xã hội họ cũng bàng quan như không biết. Đi đường gặp người bị tai nạn, họ cũng bỏ qua như không nhìn thấy. Thấy lũ trẻ cái nhau thậm chí đánh nhau họ cũng làm ngơ. Trước cảnh khổ đau của những người tàn tật, bất hạnh, họ cũng không mảy may xúc động...Bệnh vô cảm đã làm cho con người như vô tri, vô giác, không thể hòa nhập với cộng đồng.
Trong công việc, bệnh vô cảm làm cho con người chẳng khác nào một cái máy. Họ làm việc một cách đơn điệu, tẻ nhạt. Con người mắc bệnh vô cảm trong công việc, chắn chắc hiệu quả công việc sẽ không thể nào cao, thậm chí còn làm trì trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng.
Là cán bộ, công chức của Nhà nước, mắc bệnh vô cảm sẽ dẫn đến xa rời nhân dân, tắc trách trong công việc. Một bác sĩ vô cảm không thể có tình thương người bệnh, nhất là những người bệnh nghèo. Không thiếu những trường hợp vì vô cảm mà người bệnh không được chăm sóc chu đáo, dẫn đến những cái chết đáng tiếc. Một kĩ sư vô cảm có thể dửng dưng trước những sinh mạng con người do công trình không đạt chất lượng của mình gây ra. Một tài xế vô cảm sẵn sàng xem thường tính mạng của người khác khi phóng nhanh vượt ẩu. Một thầy giáo vô cảm chỉ nghĩ bài giảng cho xong chuyện, còn nói gì đến tình nghĩa thầy trò, tận tâm dạy bảo, nhất là những học trò còn học kém, gia đình khó khăn. Cán bộ vô cảm sẽ không thể nhìn thấy hoàn cảnh của mỗi người dân, không thấy những nỗi bức xúc của nhân dân, giúp đỡ nhân dân tận tâm, tận tình.
Gần đây thôi, nếu bạn có tình cờ xem qua các trang báo sẽ ngỡ ngàng vô cùng với "sự nhẫn tâm" đến đáng sợ của con người: Một thanh niên gào khóc thảm thiết trên chuyến xe buýt khi kẻ gian lấy mất chiếc bóp của anh ấy nhưng đáp lại là sự im lặng đến xót xa. Và đau lòng hơn nữa khi xem cảnh bao người đi "hôi bia" khi chuyến xe định mệnh của người tài xế đáng thương lật trên đường. Đáp lại cho tiếng khóc của anh là tiếng cười hả hê của những người đi nhặt của "trên trời rơi xuống". Viết đến đây tôi lạnh cả người và tự hỏi lòng trắc ẩn, tình thương của con người hiện đại có còn hay không? Phải chăng khi xã hội phát triển con người lại đánh mất tình yêu thương?
Là bản thân học sinh chúng ta hãy ra sức chống bệnh vô cảm trong việc làm, học tập hằng ngày của mình. Hãy quan tâm giúp đỡ bạn bè. Hãy chia sẻ những gì mình có thể cho những cuộc đời bất hạnh quanh ta. Đừng để một ngày nào đó khi nhìn thấy bà lão ăn xin, một đứa bé côi cút bơ vơ, một người khách lỡ đường mà trái tim bạn không lên tiếng. Hãy thắp sáng, hãy gieo mầm cho những yêu thương trong trái tim bạn, trái tim tôi, trái tim tất cả chúng ta.
Tình thương là cái quí giá của con người; bệnh vô cảm đã làm mất phẩm chất ấy, không khác gì biến dòng máu hồng hào trở thành màu xanh. Trái tim mỗi người cần thắp sáng ước mơ, khát vọng, ý chí và sự sáng tạo gắn bó với cộng đồng. Điều đó sẽ chống được bệnh vô cảm và làm cho cuộc đời của con người.
Bài mẫu 3: Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về “bệnh vô cảm” trong xã hội hiện nay.
Bài làm
Ngày nay khi cuộ c sống ngày càng đi lên thì con người cũng trở nên bận rộn hơn. Có những lúc chúng ta bị cuốn theo vòng quay cuộc sống mà quên đi những giá trị tốt đẹp của con người. Một trong những điều đó là tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, giúp người những lúc hoạn nạn. Cũng bởi lẽ đó mà căn bệnh vô cảm đang ngày càng ăn sâu, lan rộng trong xã hội ngày nay.
Bệnh vô cảm là thái độ thờ ơ, không có sự quan tâm trước những hiện tượng, sự vật đang diễn ra xung quanh, thờ ơ trước những nỗi đau của người khác. Đây là một thái độ sống tiêu cực bởi nó đã đi ngược lại với truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc ta. Ngày nay trong xã hội hiện đại “vi-rút” vô cảm đã ăn sâu vào tất cả những tầng lớp xã hội, trở thành nỗi lo chung cho toàn xã hội. Căn bệnh vô cảm như một bệnh dịch và dường như ai cũng đang mắc phải.
Trước hết biểu hiện của sự vô cảm đó là tính ích kỉ, chỉ quan tâm đến cái “tôi” của mình. Những cám dỗ về vật chất dễ dàng làm con người ta quên đi những giá trị tinh thần tốt đẹp. Biểu hiện bệnh vô cảm cũng ở cả sự thờ ơ trước niềm vui và cả những nỗi buồn của những người xung quanh hay chỉ đơn giản là với một câu chuyện buồn chỉ trên vô tuyến hay sách vở. Vô cảm là không có cảm nhận hay cảm xúc gì vì vậy trước những chuyện buồn hay cả những chuyện vui họ cũng sẽ đều không có phản ứng gì. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì sẽ không có gì đáng nói mà ở đây họ thờ ơ, vô cảm trước cả những nỗi đau, những mất mát đau thương tột cùng nhất như với những cụ già, những trẻ em mồ côi, những con người yếu ớt gặp hoạn nạn,…. Họ không hề hay biết rằng một ánh mắt dửng dưng khinh bỉ hay chỉ đơn giản là không một chút ngoái đầu nhìn cũng đã khoét sâu thêm những nỗi đau như thế nào. Một lời bình luận vu vơ thiếu suy nghĩ hay chỉ một câu nói bâng quơ cũng đủ giết chết một con người.
Khi ta đi trên đường sẽ rất dễ bắt gặp những con người dửng dưng hoặc cố tình né tránh khi chứng kiến những người gặp nạn trên đường. Trong khi người ta cần sự giúp đỡ thì họ lại né tránh và coi như không hề có chuyện gì xảy ra. Một thanh niên không nhường ghế cho cụ già trên xe buýt hay thấy người già, trẻ em qua đường không giúp đỡ. Trong môi trường học đường bệnh vô cảm biểu hiện ở việc không quan tâm đến những học sinh yếu kém, thái độ thờ ơ với bạn bè – những người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt trong lớp, trường.
Chắc hẳn chúng ta đều biết câu chuyện ngụ ngôn “Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại” phải không? Hậu quả của nhân vật tron truyện thì ai cũng biết nhưng bài học được rút ra thì khồn phải ai cũng học được.
Bệnh vô cảm rất đáng bị lên án và phê phán. Nó đồng nghĩa với thái độ vô trách nhiệm với cuộc sống của mình và của cả cộng đồng. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến chuyện những bác sĩ vô cảm với nỗi đau của người bệnh và gia đình họ chỉ chạy theo đồng tiền mà quên mất đi lời thề Hy-pô-cơ-rát thì điều gì sẽ xảy ra cho những bệnh nhân của họ.
Bệnh vô cảm dẫn đến những hậu quả đáng lo ngại. Nó đang dần làm phai mờ truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta. Nó sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình tự hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân.. Sẽ ra sao nếu mỗi người chỉ biết tới bản thân mình mà thờ ơ với những người xung quanh. Họ chẳng những không được sống trong sự quan tâm ấm áp của đồng nghiệp, bạn bè mà con mất đi một những cơ hội được học hỏi nhiều hơn.
Có thể lý giải một số nguyên nhân dẫn đến căn bệnh vô cảm trong xã hội ngày nay đó là do cách sống của mỗi người. Khi con người ta sống ích kỉ, khép mình rất dễ dẫn đến vô cảm. Một tác động rất lớn dẫn đến vô cảm đó là cuộc sống hiện đại. Xã hội phát triển với tốc độ nhanh chóng, mỗi người luôn bị cuốn vào guồng quay ấy, phấn đấu cho sự nghiệp, đâu ai còn dành được thời gian lắng đọng lại cho bản thân chứ đừng nói gì đến cho một người khác. Tính chất của cuộc sống này đã làm cho người ta quên đi tình nghĩa bạn bè, hàng xóm láng giềng và những mối quan hệ khác,… Với những bạn trẻ ngày nay việc được cha mẹ quá nuông chiều cũng rất dễ đẩy các bạn vào căn bệnh này. Bởi trên thực tế có những bạn đã được cha mẹ vạch sẵn cho một con đường, một cuộc đời, việc của họ là chỉ cần bước đi trên con đường đó. Họ đâu cần quan tâm đến những điều xung quanh hay bất cứ mối quan hệ nào khác.
Vậy làm thế nào để chữa căn bệnh vô cảm này hay để ngăn ngừa căn bệnh này? Thứ nhất cần nâng cao việc giáo dục, tuyện truyền về tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau của dân tộc ta ngay từ trên ghế nhà trường nhiều hơn nữa. Cần có nhiều giờ học đạo đức hơn nữa cho học sinh để thế hệ trẻ có thể tiếp thu nhiều hơn nữa, từ đó tư tưởng sẽ thấm nhuần và sẽ kháng lại con “vi-rút” vô cảm. Thứ hai, điều quan trọng nhất là bản thân mỗi người cần có lý tưởng sống cho riêng mình. Mỗi suy nghĩ, hành động, lời nói của bản thân đều phải xuất phát từ lòng chân thành, lòng nhân ái. Mỗi người hãy làm giàu tâm hồn mình, tích cực tham gia những hoạt động tập thể, thiện nguyện. Chỉ cần có một tâm hồn rộng mở ta sẽ biết yêu thương mọi người nhiều hơn.
Khi mà những tấm gương người tốt việc tốt đang ngày càng giảm đi thì căn bệnh vô cảm lại càng có mảnh đất màu mỡ để phát triển. Mỗi người chúng ta cần phải cùng chúng tay để đẩy lùi căn bệnh này, không chỉ cho chính bản thân mỗi chúng ta mà còn cho lợi ích và tương lai của toàn xã hội.
Xem thêm bài viết khác
- Đề 3: Vẻ đẹp hình tạng người nông dân trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu
- Phân tích nhân vật Xuân tóc đỏ Phân tích nhân vật Xuân tóc đỏ trong Hạnh phúc của một tang gia
- Đề 3: Viết bài nghị luận bày tỏ ý kiến của mình về phương châm Học đi đôi với hành.
- Đề 1: Đọc truyện Tấm Cám, anh chị suy nghĩ gì về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa cái tốt và kẻ xấu trong xã hội ngày nay.
- Phân tích nhân vật Huấn Cao Phân tích nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù
- Dàn ý phân tích cảnh cho chữ Phân tích cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù
- Đề 3: Phân tích thái độ của nhân vật Huấn Cao đối với viên quản ngục trong Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân)
- Bài văn: Nêu ý kiến của anh/chị về chủ đề của truyện ngắn Hai đứa trẻ bài mẫu 3
- Văn mẫu 11: Tổng hợp những bài viết số 5 hay nhất (3 đề)
- Bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề tác giả Thân Nhân Trung đã nêu trong Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhân Tuât, niên hiệu Đại Bảo thứ ba - 1442: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước y
- Đọc truyện Tấm Cám, anh (chị) suy nghĩ về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay?
- Văn mẫu 11 bài viết số 1 đề 1: Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa người tốt và kẻ xấu qua truyện Tấm cám