Đề cương ôn tập học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5 năm 2022 Đề cương Tiếng Việt lớp 5 học kì 2

Nội dung
  • 5 Đánh giá

Đề cương ôn tập học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5 năm 2022 gồm các mẫu đề thi học kì 2 Tiếng Việt 5 khác nhau được xây dựng dựa theo chương trình học giúp học sinh ôn luyện kiến thức và làm quen cấu trúc bài kiểm tra học kì 2 lớp 5.

Đề cương ôn tập môn Tiếng Việt lớp 5 kì 2

A. Kiểm tra Đọc

I. Đọc thành tiếng (3 điểm)

* Học sinh đọc thành tiếng một đoạn văn trong các bài tập đọc sau:

- Thư gửi học sinh (Sách Tiếng Việt 5/ tập 1/ trang 04)

- Sắc màu em yêu (Sách Tiếng Việt 5/ tập 1/ trang 19)

- Những con sếu bằng giấy (Sách Tiếng Việt 5/ tập 1/ trang 36)

- Bài ca về trái đất (Sách Tiếng Việt 5/ tập 1/ trang 41)

- Một chuyên gia máy xúc (Sách Tiếng Việt 5/ tập 1/ trang 45)

- Ê – mi – li, con… (Sách Tiếng Việt 5/ tập 1/ trang 49)

- Tác phẩm của Si–le và tên phát xít (Sách Tiếng Việt 5/tập 1/trang 58)

- Tiếng đàn ba – la – lai – ca trên sông Đà (Sách Tiếng Việt 5/ tập 1/ trang 69)

* Trả lời 1 đến 2 câu hỏi về nội dung bài đọc do giáo viên nêu.

II. Đọc hiểu

Đọc thầm bài văn sau và làm bài tập theo yêu cầu:

LÍ TỰ TRỌNG

Lí Tự Trọng sinh ra trong một gia đình yêu nước ở Hà Tĩnh. Anh học rất sáng dạ. Mùa thu năm 1929, anh được tổ chức giao nhiệm vụ liên lạc, nhận, chuyển thư từ, tài liệu với các tổ chức Đảng bạn bè qua đường tàu biển. Làm việc ở Sài Gòn, anh đóng vai người nhặt than ở bến cảng.

Có lần, tài liệu quá nhiều, anh phải gói lại vào chiếc màn buộc sau xe. Một tên đội Tây gọi lại đòi khám, anh giả vờ nhảy xuống cởi bọc ra nhưng kì thực là để buộc lại cho chắc hơn. Tên đội chờ lâu, sốt ruột quăng xe bên vệ đường, lúi húi tự mở bọc. Thừa cơ, anh vồ lấy xe của nó, phóng đi.

Lần khác, anh đưa tài liệu từ dưới tàu lên, lính đòi khám. Anh nhanh chân ôm tài liệu nhảy xuống nước lặn qua gầm tàu trốn thoát. Đầu năm 1931, trong một cuộc mít tinh, một cán bộ ta đang nói chuyện với công nhân và đồng bào thì tên mật thám Pháp Lơ-grăng ập đến định bắt anh cán bộ. Lí Tự Trọng lập tức nổ súng tiêu diệt tên mật thám cứu nguy cho người cán bộ. Anh đã bị giặc bắt. Chúng tra tấn anh rất dã man nhưng không moi được tin tức gì ở anh cả. Những người coi ngục rất khâm phục anh, kiêng nể anh. Họ gọi anh là “Ông Nhỏ”.

Trước tòa án, anh dõng dạc vạch mặt bọn thực dân và tuyên truyền cách mạng. Luật sư bào chữa cho anh, nói rằng anh chưa đến tuổi thành niên nên hành động thiếu suy nghĩ. Anh lập tức đứng dậy nói:

- Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng thanh niên Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất là làm cách mạng, không thể có con đường nào khác.

Thực dân Pháp bất chấp dư luận và luật pháp, xử tử anh vào một ngày cuối năm 1931. Trước pháp trường, anh hiên ngang hát vang bài Quốc tế ca. Năm ấy anh vừa tròn 17 tuổi .

(Theo Báo Thiếu niên Tiền phong)

Em hãy khoanh vào chữ cái trước ý đúng nhất:

Câu 1:(0,5 điểm) Mùa thu năm 1929 về nước, anh Lí Tự Trọng được tổ chức giao nhiệm vụ gì?

A. Đóng vai người nhặt than ở bến Sài Gòn. B. Làm liên lạc, chuyển và nhận thư từ, tài liệu.

C. Làm liên lạc, bảo vệ anh cán bộ cách mạng. D. Chuyển tài liệu xuống tàu biển.

Câu 2: (0,5 điểm) Vì sao những người coi ngục gọi anh là “Ông Nhỏ”?

A. Vì giặc tra tấn anh rất dã man. B. Vì anh là người thông minh, sáng dạ.

C. Vì anh đã bắn chết tên mật thám. D. Vì mọi người rất khâm phục anh.

Câu 3: (0,5 điểm) Chi tiết nào sau đây thể hiện Lí Tự Trọng là người nhanh trí, dũng cảm?

A. Anh mang bọc truyền đơn, gói lại vào chiếc màn buộc sau xe.

B. Anh sốt ruột quăng xe bên vệ đường, lúi húi tự mở bọc.

C. Anh vờ cởi bọc, thừa cơ, vồ lấy xe của tên mật thám, phóng đi.

D. Anh gửi tài liệu của các tổ chức Đảng bạn bè qua đường tàu biển.

Câu 4: (0,5 điểm) Câu nói của anh:“Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng thanh niên Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất là làm cách mạng, không thể có con đường nào khác” thể hiện truyền thống gì của thanh niên Việt Nam?

A. Cần cù B. Yêu nước

C. Nhân ái D. Đoàn kết.

Câu 5: (1 điểm) Qua câu chuyện Lí Tự Trọng , em hiểu anh Trọng là một thanh niên như thế nào?

………………………………………………………………..

Câu 6: (1 điểm) Em sẽ làm gì để góp phần xây dựng hoà bình trên thế giới?

…………………………………………………………………………………

Câu 7: (0,5 điểm) Từ nào sau đây đồng nghĩa với từ “sáng dạ” có trong bài?

A. Thông minh B. Hoạt bát

C. Nhanh nhảu D. Nhanh nhẹn

Câu 8: (0,5 điểm) Từ nào sau đây là từ trái nghĩa với từ “Hòa bình”

A. Chiến tranh B. Đoàn kết

C. Yêu thương D. Đùm bọc

Câu 9: (0,5 điểm) Trong câu: “Thanh niên Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất là làm cách mạng, không thể có con đường nào khác”, từ “con đường” mang nghĩa gì?

A. Nghĩa gốc B. Nghĩa chuyển

C. Cả nghĩa gốc và nghĩa chuyển D. Con đường

Câu 10: (0,5 điểm) Dòng nào dưới đây gồm các cặp từ trái nghĩa?

A. xa xôi – gần gũi B. xa lạ - xa xa

C. xa xưa – xa cách D. xa cách – xa lạ

Câu 11: (1 điểm) Trong câu “Dòng suối róc rách trong suốt như pha lê, hát lên những bản nhạc dịu dàng”, tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nào?

A. So sánh B. Từ láy

C. So sánh và nhân hóa D. Nhân hóa

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả (2 điểm- thời gian 15 phút)

Nghe viết bài: Kì diệu rừng xanh, (Từ Nắng trưa …..đến cảnh mùa thu).

II. Tập làm văn (8 điểm) (35 phút)

Đề bài: Hãy tả ngôi trường thân yêu đã gắn bó với em trong nhiều năm qua.

Đề cương Tiếng Việt lớp 5 học kỳ 2

I. Chính tả - Nghe viết:

VỊNH HẠ LONG

Bốn mùa Hạ Long mang trên mình một màu xanh đằm thắm: xanh biếc của biển, xanh lam của núi, xanh lục của trời. Màu xanh ấy như trường cửu, lúc nào cũng bát ngát, cũng trẻ trung, cũng phơi phới.

Tuy bốn mùa là vậy nhưng mỗi mùa Hạ Long lại có những nét riêng biệt, hấp dẫn lòng người. Mùa xuân của Hạ Long là mùa sương và cá mực. Mùa hè của Hạ Long là mùa gió nồm nam và cá ngừ, cá vược. Mùa thu của Hạ Long là mùa trăng biển và tôm he...

Theo Thi Sảnh

II. PHẦN ĐỌC- HIỂU:

Cho văn bản sau:

Con đường

Tôi là một con đường, một con đường nhỏ thôi, nhưng cũng khá lớn tuổi rồi. Hàng ngày đi qua tôi là bao nhiêu con người với biết bao bước chân khác nhau. Tôi ôm ấp những bước chân ấy trong lòng đầy yêu mến!

Tôi có một thú vui, đó là mỗi buổi sáng thức dậy, nghe tiếng chân của các bác trong hội người cao tuổi, vừa đi bộ tập thể dục, vừa chuyện trò rôm rả, vui vẻ mà tình cảm biết bao. Lúc đó tôi thấy tâm hồn mình thư thái, dễ chịu, tôi khẽ vươn vai, lấy sức để chuẩn bị tinh thần giữ an toàn cho mọi người tới giờ đi học, đi làm. Vì đó luôn là thời khắc căng thẳng nhất trong một ngày của tôi.

Mỗi buổi chiều về, tiếng người đi chợ gọi nhau, những bước chân vui đầy no ấm, đi qua tôi, cho tôi những cảm xúc thật ấm lòng.

Buổi tối, đám trẻ đùa nhau tung tăng chạy nhảy, tôi say mê ngắm những thiên thần bé nhỏ, và lắng nghe từng bước chân để kịp nâng đỡ mỗi khi có thiên thần nhỏ nào bị ngã. Những lúc đó tôi thấy mình trẻ lại vì những niềm vui. Tôi thấy tuổi già của mình vẫn còn có ích.

Còn bây giờ đêm đã về khuya. Các anh chị công nhân dọn dẹp, quét đi bụi bẩn, lá rụng và tôi trở nên sạch sẽ, thoáng mát. Tôi vươn vai ngáp dài. Chắc cũng phải ngủ một chút cho một ngày mới đầy vui vẻ sắp bắt đầu. Sáng mai, tôi sẽ lại được sống một ngày ngập tràn tình yêu và hạnh phúc!

Hà Thu

Câu 1. Nhân vật xưng “Tôi” trong bài là ai?

A. Một bác đi tập thể dục buổi sáng

B. Một con đường

C. Một cô công nhân quét dọn vệ sinh

Câu 2: Bài văn viết theo trình tự thời gian nào?

A. Từ sáng đến đêm khuya

B. Từ sáng đến tối

C. Từ sáng đến chiều

Câu 3: Khi nào con đường thấy mình như trẻ lại?

A. Nghe bước chân của các bác tập thể dục.

B. Có những bước chân vui đầy no ấm của người đi chợ.

C. Đám trẻ đùa nhau tung tăng chạy nhảy.

Câu 4: Thời gian nào con đường thấy thư thái, dễ chịu?

A. Buổi sáng

B. Buổi chiều

C. Buổi tối

Câu 5: Trong đoạn cuối bài có mấy câu ghép?

A. 1 câu

B. 2 câu

C. 3 câu

Câu 6: Hai câu văn trên được liên kết với nhau bằng cách nào?

“Lúc đó tôi thấy tâm hồn mình thư thái, dễ chịu, tôi khẽ vươn vai, lấy sức để chuẩn bị tinh thần giữ an toàn cho mọi người tới giờ đi học, đi làm. Vì đó luôn là thời khắc căng thẳng nhất trong một ngày của tôi”.

A. Lặp từ ngữ

B. Thay thế từ ngữ.

C. Dùng từ ngữ nối .

D. Lặp từ ngữ và dùng từ ngữ nối.

Câu 7: Xác định các thành phần trạng ngữ, chủ ngữ, vị ngữ trong câu:

Mỗi buổi chiều về, tiếng người đi chợ gọi nhau, những bước chân vui đầy no ấm, đi qua tôi, cho tôi những cảm xúc thật ấm lòng.

Câu 8: Em hãy đặt một câu ghép trong đó có sử dụng cặp quan hệ từ chỉ mối quan hệ tương phản để liên kết các vế câu.

Câu 9: Em hãy đặt một câu với từ “chân” mang nghĩa chuyển?

Câu 10: Em hãy viết lại câu văn sau cho hay hơn bằng cách sử dụng từ ngữ gợi tả gợi cảm, các hình ảnh so sánh….

“Đêm khuya, các anh chị công nhân dọn dẹp, quét rác”

II. Tập làm văn: (8 điểm)

Đề bài: Tả cảnh một đêm trăng đẹp ở quê em

Đề ôn tập môn Tiếng Việt lớp 5 học kì 2

A – Kiểm tra đọc

I – Đọc thành tiếng và trả lời câu hỏi (5 điểm)

Đọc một trong số các đoạn trích dưới đây trong bài Tập đọc đã học (SGK) và trả lời câu hỏi (TLCH); sau đó tự đánh giá, cho điểm theo hướng dẫn ở Phần hai (Giải đáp – Gợi ý)

(1) Con gái (từ Chiều nay đến cũng không bằng)

TLCH: Chi tiết nào cho thấy những người thân của Mơ đã thay đổi quan niệm về con gái sau chuyện Mơ cứu em Hoan?

(2) Bầm ơi (khổ thơ thứ hai – “Bầm ơi…bấy nhiêu”)

TLCH: Những hình ảnh so sánh nào cho thấy tình cảm mẹ - con thắm thiết, sâu nặng?

(3) Những cánh buồm (hai khổ thơ cuối – “Cha mỉm cười…ước mơ con”)

TLCH: Những câu hỏi ngây thơ cho thấy con ước mơ gì?

(4) Sang năm con lên bảy (hai khổ thơ cuối – “Mai rồi…bàn tay con”)

TLCH: Thế giới tuổi thơ thay đổi như thế nào khi ta lớn lên?

(5) Lớp học trên đường (đoạn đầu, từ Cụ Vi-ta.li đến đọc được)

TLCH: Tìm những chi tiết trong đoạn văn cho thấy Rê-mi là một cậu bé rất hiếu học

II – Đọc thầm và làm bài tập (5 điểm)

Vai diễn cuối cùng

Có một diễn viên già đã về hưu và sống độc thân. Mùa hè năm ấy, ông về một làng vắng vẻ ở vùng núi, sống với gia đình người em là giáo viên trường làng.

Mỗi buổi chiều, ông thường ra chơi nơi bãi cỏ vắng lặng ngoài thung lũng. Ở đây chiều nào ông cũng thấy một chú bé ra ngồi đợi đoàn tàu chạy qua. Khi tàu đến, chú bé vụt đứng dậy,háo hức đưa tay vẫy, chỉ mong có một hành khách nào đó vẫy lại. Nhưng hành khách mệt mỏi vì suốt một ngày trên đường, chẳng ai để ý vẫy lại chú bé không quen biết ấy.

Hôm sau, rồi hôm sau nữa, hôm nào ông già cũng thấy chú bé ra vẫy và vẫn không một hành khách nào giơ tay vẫy lại. Nhìn nét mặt thất vọng của chú bé, tim người diễn viên già như thắt lại.

Hôm sau, người diễn viên già giở chiếc va li hóa trang của ông ra. Ông dán lên mép một bộ râu giả, đeo kính,đi ngược lên ga trên. Ngồi sát cửa sổ toa tàu ông thầm nghĩ: “Đây là vai kịch cuối cùng của mình, một vai phụ như nhiều lần nhà hát đã phân vai cho mình – một hành khách giữa bao hành khách đi tàu”.

Qua cái thung lũng có chú bé đang đứng vẫy, người diễn viên già nhoài người ra, đưa tay vẫy lại chú bé. Ông thấy chú bé mừng cuống quýt, nhảy cẫng lên, đưa cả hai tay vẫy mãi.

Con tàu đi xa dần, người diễn viên già trào nước mắt. Ông thấy cảm động hơn bất cứ một đêm huy hoàng nào ở nhà hát. Đây là vai diễn cuối cùng của ông. Tuy chỉ là vai phụ, một vai không có lời, một vai không đáng kể nhưng ông đã làm cho một chú bé vui sướng, ông đã đáp lại tâm hồn chú bé và chú bé sẽ không mất niềm tin vào cuộc đời.

(Theo Truyện khuyết danh)

Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng

1. Nhân vật chính trong câu chuyện là người có hoàn cảnh như thế nào?

a. Là một diễn viên già về hưu, sống độc thân, đến nghỉ ở làng miền núi
b. Là một diễn viên nghỉ hưu, sống với gia đình ở một làng miền núi
c. Là một diễn viên nổi tiếng, công việc bận rộn, không có thời gian nghỉ
d. Là một diễn viên nghỉ hưu đưa gia đình về sống ở một làng miền núi

2. Người diễn viên già thấy gì khi dạo chơi ở bãi cỏ?

a. Một chú bé ngồi đợi đoàn tàu chạy đến để lên tàu đi chơi rất xa
b. Một chú bé chiều nào cũng ngồi đợi để vẫy chào đoàn tàu chạy qua
c. Một chú bé đang chờ đón người nhà đi tàu về thăm quê hương
d. Một chú bé chiều nào cũng đợi đoàn tàu đi qua và người trên tàu vẫy tay

3. Người diễn viên già đã làm gì để đem lại niềm vui cho cậu bé?

a. Hóa trang làm hành khách, ngồi sát cửa toa tàu, đưa tay vẫy cậu bé
b. Lên tàu ở ga trên, ngồi sát cửa toa tàu để cậu bé dễ nhìn thấy mình
c. Đến nhà hát xin được cho mình đóng vai diễn cuối cùng trên toa tàu
d. Làm hành khách đi tàu, mỉm cười khi cậu bé vẫy tay chào mọi người

4. Niềm vui sướng của cậu bé được miêu tả như thế nào?

a. Đứng lặng đi không nói được lời chào
b. Mừng cuống, nhảy cẫng lên, vẫy cả hai tay
c. Chạy theo đoàn tàu, reo to lên vì vui sướng
d. Chạy vội về làng, reo to lên vì vui sướng

5. Vì sao tuy chỉ là một vai phụ không lời mà người diễn viên già thấy cảm động hơn bất cứ một đêm huy hoàng nào ở nhà hát?

a. Vì đây là vai ông đóng lúc đã về nghỉ hưu, sống độc thân nơi vắng vẻ
b. Vì khi diễn ở nhà hát chưa có ai tán thưởng ông nhiệt tình như chú bé
c. Vì đây là vai diễn đóng đạt nhất trong đời biểu diễn nghệ thuật của ông
d. Vì ông đã làm cho chú bé sung sướng, không mất niềm tin vào cuộc đời

6. Từ nào đồng nghĩa với từ “háo hức”?

a. náo nức
c. hí hửng
b. nô nức
d. tưng bừng

7. Dòng nào dưới đây tách đúng bộ phận chủ ngữ, bộ phận vị ngữ của câu “ Những hành khách mệt mỏi vì suốt một ngày trên đường chẳng hề vẫy tay đáp lại chú bé không quen biết ấy”?

a. Những hành khách / mệt mỏi vì suốt một ngày trên đường chẳng hề vẫy tay đáp lại chú bé không quen biết ấy
b. Những hành khách mệt mỏi / vì suốt một ngày trên đường chẳng hề vẫy tay đáp lại chú bé không quen biết ấy
c. Những hành khách mệt mỏi vì suốt một ngày / trên đường chẳng hề vẫy tay đáp lại chú bé không quen biết ấy
d. Những hành khách mệt mỏi vì suốt một ngày trên đường / chẳng hề vẫy tay đáp lại chú bé không quen biết ấy

8. Các vế trong câu “ Người diễn viên già đã làm cho một chú bé vui sướng, ông đã đáp lại tâm hồn chú bé và chú bé sẽ không mất niềm tin vào cuộc đời.” được nối với nhau bằng cách nào?

a. Nối trực tiếp (không dùng từ nối, dùng dấu phẩy)
b. Nối bằng một dấu phẩy và một quan hệ từ
c. Nối bằng một quan hệ từ
d. Nối bằng một cặp quan hệ từ

9. Dấu phẩy thứ hai trong câu “Khi tàu đến, chú bé vụt đứng dậy, háo hức đưa tay vẫy.” Có tác dụng gì?

a. Ngăn cách trạng ngữ và các vế câu
b. Ngăn cách các vế câu
c. Ngăn cách các bộ phận có cùng chức vụ
d. Cả ba tác dụng trên

10. Hai câu “ Có một diễn viên già đã về hưu và sống độc thân. Mùa hè năm ấy, ông về một làng vắng vẻ ở vùng núi, sống với gia đình người em là giáo viên trường làng” được liên kết với nhau bằng cách nào?

a. lặp từ ngữ
b. thay thế từ ngữ
c. dùng từ ngữ nối
d. cả ba cách trên

B – Kiểm tra viết

I – Chính tả nghe – viết (5 điểm)

Hạt sương

Sáng tinh mơ, tôi mở to đôi mắt ngái ngủ lơ mơ, đi ra ven bờ ao. Những cây sen dưới ao đang ngủ, còn chưa tỉnh giấc.

Một giọt sương bò đi bò lại, trên mặt lá sen, giống như một bé gái sơ sinh tinh nghịch. Vì chuyện gì mà giọt sương vui sướng đến mức lăn lê bò toài như vậy hay là nó bị mặt trời đỏ mới nhô lên chiếu vào làm chói lóa, không mở mắt ra được.

Hạt sương là mồ hôi của lá sen, cũng là nước mắt của lá sen, lăn nhẹ trên đôi má của lá sen. Ở những chỗ nó chạy qua, trên gò má của lá sen, còn để lại vết nước mắt.

(Theo Vương Quân Phi)

(Chú ý: HS nhờ người khác đọc từng câu để viết bài chính tả trên giấy kẻ ô li)

II – Tập làm văn (5 điểm)

Hãy tả lại một cảnh đẹp trên quê em (hoặc một nơi khác mà em đã đến thăm)

(Chú ý: HS viết bài tập làm văn vào giấy kẻ ô li)

Đề cương ôn tập học kì 2 Tiếng Việt lớp 5 năm 2022 gồm các đề học kì 2 lớp 5 khác nhau được KhoaHoc liên tục bổ sung và cập nhật. Tài liệu giúp cho học sinh củng cố kiến thức môn Địa lớp 5 đã học đồng thời làm quen với cấu trúc bài kiểm tra Địa lý học kì 2, rèn luyện cách giải đề nhằm nâng cao kết quả học tập của bản thân cũng như đạt kết quả tốt trong bài thi học kì 2 lớp 5 chính thức.