Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 8 - Đề 1 Đề kiểm tra học kì 1 lớp 8

Nội dung
  • 1 Đánh giá

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 8 đề số 1. Đề được soạn theo chương trình mới nhất của bộ GD năm 2022 nhằm ôn luyện và củng cố kiến thức giúp các em làm bài thi tốt nhất và đạt được điểm số cao. Chúc các em học tốt.

Đề thi học kì 1 lớp 8 môn Ngữ văn

PHẦN I. Tiếng Việt (2,0 điểm)

Hãy chọn phương án trả lời đúng và viết chữ cái đứng trước phương án đó vào bài làm.

Câu 1: Từ nào không phải là từ tượng hình?

  1. Xao xác;
  2. Chất ngất;
  3. Lom khom;
  4. Xộc xệch.

Câu 2: Các từ ngữ sau đây thuộc loại nào trong các loại biệt ngữ xã hội: trẫm, khanh, long bào, ngự giá…

  1. Biệt ngữ của những người buôn bán, kinh doanh.
  2. Biệt ngữ của những người theo đạo thiên chúa.
  3. Biệt ngữ của học sinh, sinh viên.
  4. Biệt ngữ của vua quan trong triều đình phong kiến.

Câu 3: Từ “chính” trong câu văn sau: “Chính thầy hiệu trưởng đã tặng tôi quyển sách này.” thuộc loại từ nào?

  1. Tình thái từ;
  2. Quan hệ từ;
  3. Trợ từ;
  4. Thán từ.

Câu 4: Từ Này trong phần trích: “Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! (Lão Hạc) thuộc từ loại nào dưới đây?

  1. Thán từ;
  2. Quan hệ từ;
  3. Trợ từ;
  4. Tình thái từ.

Câu 5: Câu nào trong số những câu sau không phải là câu ghép?

  1. Tuy rét vẫn kéo dài mùa xuân đã đến bên bờ sông Lương.
  2. Huế là một trong những trung tâm văn hóa, nghệ thuật lớn của Việt Nam.
  3. Chim hót vang và hoa ban nở trắng rừng.
  4. Bao bì ni lông trôi ra biển, các sinh vật dễ nuốt phải chúng.

Câu 6: Dấu ngoặc kép trong câu: Thế mà nghe xong câu chuyện này, qua một thoáng liên tưởng, tôi bỗng “sáng mắt ra” được sử dụng nhằm mục đích:

  1. Đánh dấu từ ngữ có hàm ý mỉa mai.
  2. Đánh dấu tên một tác phẩm được dẫn.
  3. Đánh dấu từ ngữ, câu, đoạn dẫn trực tiếp.
  4. Đánh dấu từ ngữ được hiểu theo nghĩa đặc biệt.

Câu 7: Câu văn nào dưới đây không dùng phép nói giảm nói tránh?

  1. Bài thơ anh viết về ý tứ, hình ảnh thì được, nhưng tình cảm còn chưa đủ sâu.
  2. Có lẽ, anh nên thu xếp để rời nơi này sớm thì hơn.
  3. Nói năng như thế là có phần chưa được thiện chí lắm.
  4. Anh ăn nói như dùi đục chấm mắm cáy.

Câu 8: Trong các cách nói sau, cách nói có sử dụng phép tu từ nói quá là:

  1. sợ vã mồ hôi.
  2. tức nước vỡ bờ.
  3. cây nhà lá vườn.
  4. nghĩ nát óc.

Phần II. Đọc – hiểu văn bản (2,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi bên dưới:

BÀN TAY YÊU THƯƠNG

Trong một tiết dạy vẽ, cô giáo bảo các em học sinh lớp 1 vẽ về điều gì làm các em thích nhất trong đời. Cô giáo thầm nghĩ “Rồi các em cũng lại vẽ những gói quà, những ly kem hoặc những món đồ chơi, quyển truyện tranh...” Thế nhưng cô đã hoàn toàn ngạc nhiên trước một bức tranh lạ của một em học sinh Douglas: bức tranh vẽ một bàn tay. Nhưng đây là bàn tay của ai? Cả lớp bị lôi cuốn bởi một hình ảnh đầy biểu tượng này. Một em phán đoán:

- Đó là bàn tay của bác nông dân.

Một em khác cự lại:

- Bàn tay thon thả thế này phải là bàn tay của một bác sĩ phẫu thuật….

Cô giáo đợi cả lớp bớt xôn xao dần rồi mới hỏi tác giả. Douglas cười ngượng nghịu:

- Thưa cô, đó là bàn tay của cô ạ!

Cô giáo ngẩn ngơ. Cô nhớ lại những phút ra chơi thường dùng bàn tay để dắt Douglas ra sân, bởi em là một cô bé khuyết tật, khuôn mặt không được xinh xắn như những đứa trẻ khác, gia cảnh từ lâu lâm vào tình cảnh ngặt nghèo. Cô chợt hiểu ra rằng tuy cô vẫn làm điều tương tự với các em khác, nhưng hóa ra đối với Douglas bàn tay cô lại mang ý nghĩa sâu xa, một biểu tượng của tình yêu thương.

(Quà tặng cuộc sốngBài học yêu thương của thầy, Mai Hương)

Câu 1 (0,5 điểm): Nêu phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên?

Câu 2 (0,5 điểm): Trong câu chuyện trên, cô giáo đã yêu cầu học sinh vẽ theo chủ đề nào?

Câu 3 (0,5): Tại sao bức tranh của Douglas lại là “một biểu tượng của tình yêu thương”?

Câu 4 (0,5 điểm): Thông điệp nào từ văn bản trên mà em tâm đắc nhất?

Phần III. Tập làm văn (6,0 điểm)

Câu 1 (1,5 điểm): Từ nội dung của văn bản trên hãy viết một đoạn văn (từ 10 đến 15 câu) lý giải vì sao: Sự sẻ chia và tình yêu thương luôn là điều quý giá nhất trong cuộc sống.

Câu 2 (4,5 điểm): Hãy thuyết minh về một thứ đồ dùng quen thuộc của học sinh.

Đáp án đề kiểm tra học kì 1 môn Ngữ văn lớp 8

I. Phần tiếng Việt: (2,0 điểm)

- Mỗi câu chọn đúng đáp án cho 0,25 điểm

- Chọn sai hoặc chọn hai đáp án không cho điểm.

Câu

1

2

3

4

5

6

7

8

Đáp án

A

D

C

A

B

D

D

D

II. Phần đọc – hiểu ( 2,5 điểm)

Câu

Yêu cầu

Điểm

Câu 1

Phương thức biểu đạt chính: Tự sự

0.5

Câu 2

Cô giáo đã yêu cầu học sinh vẽ theo chủ đề: Vẽ về điều gì làm em thích nhất trong đời.

0.5

Câu 3

Bức tranh của Douglas lại là “một biểu tượng của tình yêu thương” vì:

- Bức tranh vẽ điều mà Douglas yêu thích nhất: Bàn tay cô giáo.

- Bức tranh bày tỏ lòng biết ơn, tình yêu thương của Douglas với cô giáo.

- Bức tranh thể hiện tình cảm dìu dắt yêu thương của cô giáo dành cho hs của mình.

0,5

(Lưu ý: Nêu được 2 ý trở lên cho 0,5 điểm; Nêu 1 ý cho 0,25 điểm; Không nêu đúng ý nào 0 điểm)

Câu 4

* Học sinh đưa ra 1 thông điệp tâm đắc nhất, phù hợp với nội dung văn bản. Sau đây là 1 số gợi ý:
- Đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, những người khuyết tật, không được kỳ thị xa lánh, cần đồng cảm sẻ chia, giúp đỡ họ từ những việc làm nhỏ nhất.

- Luôn biết quan tâm yêu thương và giúp đỡ những người xung quanh…

0,5
(Lưu ý: HS nêu 2
thông điệp trở lên
cho 0,25 điểm)

PHẦN III. LÀM VĂN (6,0 điểm)

Câu 1 (1,5 điểm)

Điểm

Yêu cầu

0,5

a. Về hình thức:

- Đảm bảo hình thức một đoạn văn nghị luận
- Dung lượng: Trong khoảng 12 - 15 câu.

* Mức cụ thể:

- Mức 0,5: đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn và dung lượng.

- Mức 0,25: chỉ đảm bảo 1 trong 2 yêu cầu (hoặc hình thức đoạn văn, hoặc dung lượng)

- Mức 0: Không đúng hình thức đoạn văn; dung lượng dưới 12 câu hoặc nhiều hơn 15 câu.

b. Về nội dung:

Hiểu đúng yêu cầu của đoạn văn: lý giải vì sao sự sẻ chia và tình yêu thương luôn là điều quý giá nhất trong cuộc sống, chính là nêu ý nghĩa của sự sẻ chia và tình yêu thương

HS trình bày nhiều cách, đảm bảo hợp lí ND, làm nổi bật được ý nghĩa của sự sẻ chia và tình yêu thương đối với bản thân, với mọi người và xã hội.

*Mức điểm cụ thể:

- Mức 1,0: triển khai được 3 ý trở lên hợp lí,

đúng trọng tâm (ý nghĩa của sự sẻ chia và tình yêu thương), lí lẽ thuyết phục.

- Mức 0,75: triển khai được 2 ý hợp lí, lí lẽ tương đối thuyết phục.

- Mức 0,5: triển khai được 1 ý hợp lí, thuyết phục.

- Mức 0,25: triển khai ý rất sơ lược, chưa thuyết phục, mắc lỗi diễn đạt.

- Mức 0,0: không đảm bảo các yêu cầu trên.

Câu 2:

Yêu cầu

Điểm

* Về kĩ năng:

- Bài viết đúng kiểu bài thuyết minh, vận dụng linh hoạt các phương pháp thuyết minh đã học.

- Bài viết có bố cục 3 phần

- Không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

*Yêu cầu về kiến thức:

Bài làm cần đảm bảo đủ các ý sau:

A. Mở bài: (0,25 điểm)

- Giới thiệu khái quát về đối tượng thuyết minh (một đồ dùng quen thuộc của hs)

B. Thân bài (4.0 điểm)

- Giới thiệu về nguồn gốc của đồ vật (nếu có)

- Phân loại, cấu tạo, cách sử dụng.

- Công dụng, ý nghĩa đối với người sử dụng (giá trị vật chất và tinh thần).

- Cách bảo quản.

C. Kết bài: (0,25 điểm)

- Nêu ấn tượng của người viết đối với đồ vật thuyết minh.

* Cách cho điểm bài viết:

+ Mức 4 - 4,5 điểm: Đáp ứng rất tốt các yêu cầu về kĩ năng, nội dung, tri thức cung cấp phong phú, chính xác khách quan. Có kết hợp hài hòa các phương pháp thuyết minh.

+ Mức 3,0 - 3,75 điểm: Đáp ứng tốt các yêu cầu về kĩ năng, nội dung. Có kết hợp hài hòa các phương pháp thuyết minh. Tri thức cung cấp tương đối đầy đủ, chính xác.

+ Mức 2,0 - 2,75 điểm: Cơ bản đáp ứng.

được 2/3 yêu cầu về kĩ năng, nội dung. Còn mắc lỗi diễn đạt, có kết hợp các các phương pháp thuyết minh nhưng chưa linh hoạt.

+ Mức 1,0 - 1,75 điểm: Đáp ứng được ½ yêu cầu về kĩ năng, nội dung. Còn mắc nhiều lỗi diễn đạt.

+ Mức 0,25 - 0,75 điểm: Bài thuyết minh còn sơ sài, thiếu nhiều ý cơ bản.

+ Mức 0 điểm: Không làm bài; lạc đề.

Liên kết tải về

Các phiên bản khác và liên quan: