Kể cho bố mẹ nghe một ít chuyện lí thú (hoặc cảm động, hoặc buồn cười,...) mà em đã gặp ở trường.
Đề bài: Em hãy kể cho bố mẹ nghe một ít chuyện lí thú (hoặc cảm động, hoặc buồn cười,...) mà em đã gặp ở trường.
Bài làm:
Mỗi ngày ở trường đối với em đều là những khoảng thời gian quý giá, bởi lẽ từng ngày trôi qua đều có những câu chuyện, những kỉ niệm sâu sắc. Ngày hôm nay ở mái trường thân yêu của mình, em đã gặp một câu chuyện cảm động. Và ngay khi trở về nhà, em quyết định kể cho bố mẹ nghe.
Tiếng chuông tan học vừa reng reng reo lên, em liền thu dọn sách vở, tạm biệt các bạn và mang theo tâm trạng man mác buồn về nhà. Lòng em vẫn miên man suy nghĩ về câu chuyện gặp ở sân trường sáng nay. Ngôi nhà thân thương hiện ra trước mắt, em chạy như bay vào trong nhà, ôm chầm lấy mẹ khi mẹ vừa bước ra ngoài mái hiên. Mẹ bất ngờ, bố đang xem ti vi trong nhà cũng quay ra nhìn em. Em cứ ôm chặt mẹ, mắt đỏ hoe, mãi một lúc sau em mới bình tĩnh kể lại chuyện.
Giờ ra chơi sáng nay, như thường lệ, em lên thư viện để mượn sách. Em tung tăng nhảy chân sáo trên sân trường, đi qua góc hành lang cuối dãy nhà cao tầng ngay cạnh thư viện, em chợt thấy cô chủ nhiệm và Minh Anh – bạn học cùng lớp em đang nói chuyện. Từ xa, em ngạc nhiên trông thấy Minh Anh cúi thấp đầu. Vốn tính tò mò, em cho rằng có chuyện gì đã xảy ra nên núp sau cánh cửa nghe lén. Truyền vào tai em lại là một câu chuyện cảm động đầy bất ngờ. Cô chủ nhiệm run run cầm tờ giấy đầy chữ trong tay, giọng cô nghẹn ngào:
- Sao em lại nộp đơn xin thôi học vậy Minh Anh? Có chuyện gì khó khăn, em có thể nói với cô và các bạn, mọi người sẽ cùng giúp đỡ em.
Đáp lại câu hỏi bàng hoàng của cô, Minh Anh vẫn cúi đầu. Mái tóc dài dường như che đi cả khuôn mặt. Em cũng không ngăn nổi nỗi xúc động trào dâng. Minh Anh nói lí nhí:
- Em cảm ơn cô, em cảm ơn các bạn. Nhưng...bố mẹ em li hôn, mẹ em muốn đưa em về quê ngoại, mẹ đang ốm nặng, sức khỏe của bà ngoại em cũng rất yếu, em không thể tiếp tục đi học được ạ.
Bạn ấy nghẹn ngào mãi mới nói hết câu. Em như đứng chôn chân tại chỗ, nhìn thân hình nhỏ bé, gầy gầy của bạn mình mà không ngăn được khóe mắt cay cay. Gia đình Minh Anh có hoàn cảnh như thế, vậy mà các bạn trong lớp lại hay chêu trọc. Không để cô chủ nhiệm tiếp lời, Minh Anh liền kể hết câu chuyện của gia đình mình. Gia đình khó khăn, bố tối ngày cờ bạc, rượu chè, trong nhà không khi nào được ấm êm, hạnh phúc. Mẹ Minh Anh bị đánh đập nhiều ngày đã suy tàn sức lực ốm đau triền miên, vì không thể tiếp tục cảnh ngộ như vậy nữa nên bố mẹ bạn quyết định li hôn, Minh Anh sẽ theo mẹ về quê ngoại nương tựa. Bạn rụt rè rút trong cặp sách ra một phong bì nhỏ, nói:
- Dù số tiền quỹ lớp không phải em lấy, nhưng lỗi tại em bất cẩn nên mới làm mất. Em nhờ cô gửi lại cả lớp ạ!
Nghe đến đây, cả em và cô chủ nhiệm đều thẫn thờ, mới hai hôm trước thôi, cả lớp còn cay nghiệt đổ lỗi ăn cắp cho Minh Anh. Lòng em tràn ngập sự hối hận, ăn năn. Chúng em đã làm gì thể này? Cô chủ nhiệm hết lời khuyên nhủ, động viên nhưng Minh Anh không hề bị lay chuyển, bạn ấy chỉ lắc đầu nhè nhẹ, cảm ơn cô. Cô không ngăn được nước mắt, ôm lấy học trò của mình, thở dài bất lực. Minh Anh nói sẽ nhanh chóng chuyển đi, buổi học ngày mai là buổi học cuối cùng của bạn ấy.
Tiếng chuông hết giờ ra chơi lại vang lên, cô và Minh Anh lau đi những giọt nước mắt, hai bóng người một lớn một nhỏ khuất dần sau cánh cửa lớp học. Em vẫn đứng nguyên tại chỗ, bên tai văng vẳng câu chuyện về người bạn cùng lớp mà mình vừa nghe. Một cô học trò nhỏ lại kiên cường và trung thực đến vậy. Ngày mai bạn ấy đi rồi, chúng em phải làm gì để chuộc lại sự quá đáng mình đã gây ra cho bạn ấy đây?
Bố mẹ nghe xong đều im lặng, bố đăm chiêu nhìn cốc trà trên bàn, bàn tay mẹ đang vỗ về em dường như đang khựng lại, rồi như nghĩ ra điều gì đó, mẹ dịu dàng xoa đầu em:
- Dù là một câu chuyện buồn, nhưng rất cảm động. Bạn của con rất nghị lực, các con hãy cùng nhau giúp đỡ bạn ấy. Dù sau này không còn cơ hội học cùng nhau, nhưng vẫn cần chung tay để ước mơ của bạn ấy không dang dở.
Lời khuyên của mẹ đã chỉ cho em một cách giải quyết đúng đắn. Em tự nhắc nhở bản thân phải nhanh chóng liên lạc với lớp để kịp gửi lời xin lỗi người bạn hiền lành sắp chuyển đi xa. Câu chuyện em tình cờ gặp ở góc hành lang cũng nhẹ nhàng nhắc em bài học cảm động về tình yêu thương, sự cảm thông giữa con người với con người. Hãy bao dung và cố gắng hiểu người khác trước khi kết luận về họ.
=> Trên đây là bài viết tham khảo. Tuy nhiên, nếu bạn học sinh nào muốn viết theo ý mình thì KhoaHoc có dàn ý để các bạn dễ viết bài.
1. Mở bài
Giới thiệu chung về câu chuyện em định kể: chuyện cảm động hay buồn cười, em gặp khi nào?
2. Thân bài
- Em ở trường, nôn nóng được về nhà để kể cho bố mẹ
- Thái độ bố mẹ khi thấy em khác lạ
- Hoàn cảnh em gặp được câu chuyện: Khi nào? Vì sao em lại bắt gặp? Mình em chứng kiến hay có thêm người khác?
- Kể và tả lại khung cảnh câu chuyện:
- Chuyện xảy ra ở đâu, ai là nhân vật trong câu chuyện?
- Lời nói, cử chỉ, hành động và cảm xúc của nhân vật
- Cảm xúc, tâm trạng của em khi câu chuyện diễn ra: nó khiến em bất ngờ, cảm động, ân hận, rơi nước mắt
- Câu chuyện kết thúc như thế nào?
- Tâm trạng của em sau khi gặp câu chuyện ấy, trước khi kể cho bố mẹ nghe: có băn khoăn, suy nghĩ gì không?
- Kể và tả lại thái độ của bố mẹ sau khi nghe em kể hết câu chuyện
3. Kết bài
- Hành động của em sau khi kể chuyện cho bố mẹ nghe
- Bài học mà em nhận ra sau câu chuyện ấy
Xem thêm bài viết khác
- Em hiểu cụm từ “thương thay” như thế nào? Hãy chỉ ra những ý nghĩa của sự lặp lại cụm từ này trong bài 2?
- Cảm nghĩ của em về bài thơ Phò giá về kinh bằng một đoạn văn
- Soạn văn bài: Từ ghép
- Nội dung chính bài Bài ca nhà tranh bị gió thu tàn phá
- Bài tùy bút này nói về cái gì? Để nói về đối tượng ấy tác giả đã sử dụng những phương thức biểu đạt nào? Phương thức nào là chủ yếu? Bài văn có mấy đoạn?
- Phân tích cụm từ “Rủ nhau” và nêu nhận xét của em về cách tả cảnh của bài 2. Địa danh và cảnh trí trong bài gợi lên điều gì? Suy ngẫm của em về câu hỏi cuối bài ca: “Hỏi ai gây dựng nên non nước này?”
- Trong bài 1, vì sao chàng trai, cô gái lại dùng những địa danh với những đặc điếm (của từng địa danh) như vậy để hỏi đáp?
- Tại sao khi hai câu văn sau bị tách ra khỏi đoạn thì chúng trở nên lỏng lẻo về mặt liên kết: "Đêm nay mẹ không ngủ được. Ngày mai là ngày khai trường lớp Một của con"
- Giả sử không có 5 dòng thơ cuối thì ý nghĩa giá trị biểu cảm của bài thơ sẽ giảm đi như thế nào? Phân tích tình cảm cao quý của nhà thơ được biểu hiện qua phần cuối
- Phát biểu cảm nghĩ về một trong các bài thơ: Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh, Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê,...
- “Cảnh khuya” và “Rằm tháng giêng” được viết trong những năm đầu khó khăn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Hai hài thơ đó đã biểu hiện tâm hồn và phong thái của Bác Hồ như thế nào trong hoàn cảnh ấy?
- Tìm thêm những câu ca dao nói về tình yêu quê hương, đất nước