Muốn khai thác lâu bền và bảo vệ tốt môi trường biển Việt Nam, chúng ta cần phải làm gì? Địa lí 8

Nội dung
  • 1 Đánh giá

Muốn khai thác lâu bền và bảo vệ tốt môi trường biển Việt Nam, chúng ta cần phải làm gì? được Khoahoc.com.vn sưu tầm và đăng tải. Như chúng ta biết biển của chúng ta bị ô nhiễm rất nặng nề, việc khai thác dầu khí đã làm dò rỉ dẫn đến trường hợp làm tràn dầu điều đó ảnh hưởng nhiều đến các sinh vật dưới biển, ngoài ra còn các hoạt động khác như nổ mìn, sử dụng điện trong quá trình đánh bắt..v.v.v. Vậy để làm thế nào để khai thác bền lâu và bảo vệ môi trường biển các em cùng tìm hiểu nội dung dưới đây nhé

Câu hỏi: Muốn khai thác lâu bền và bảo vệ tốt môi trường biển Việt Nam chúng ta cần phải làm gì?

Lời giải

Muốn khai thác lâu bền và bảo vệ tốt môi trường biển Việt Nam, chúng ta cần phải:

- Khai thác hợp lí, hiệu quả các nguồn tài nguyên biển: đối với thủy sản khuyến khích đánh bắt xa bờ, nghiêm cấm hoạt động nổ mìn, sử dụng điện trong quá trình đánh bắt.

- Giữ gìn, bảo vệ môi trường: Trong khai thác dầu khí cần chú ý hạn chế thấp nhất các sự cố rò rỉ, tràn dầu...để tránh gây ô nhiễm; không trực tiếp xả rác và nước thải chưa qua xử lí ra môi trường biển.

- Xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm, gây ô nhiễm hay khai thác trái phép.

- Quy hoạch hợp lí các vùng kinh tế ven biển, tránh đầu tư ồ ạt, không kiểm soát.

Muốn khai thác lâu bền và bảo vệ tốt môi trường biển Việt Nam, chúng ta cần phải làm gì?

Tình trạng ô nhiễm dọc bờ biển xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) năm 2017 do nước thải, rác thải từ các khu dân cư, nhà máy, nhà hàng xả thường xuyên ra biển gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. (Ảnh; Trọng Đạt/TTXVN)

Kiến thức mở rộng

Với hơn 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế, có trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ các loại, chủ yếu nằm ở Vịnh Bắc Bộ, với diện tích khoảng 1.700 km2, Việt Nam nằm trong số 10 nước trên thế giới có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ. Ở nước ta, tính bình quân cứ 100 km2 đất liền nước ta có 1 km bờ biển, cao gấp sáu lần chỉ số trung bình của thế giới, đồng thời bờ biển lại mở ra cả ba hướng Đông, Nam và Tây Nam, rất thuận lợi cho việc thông thương qua lại đại dương. Vì vậy, trước mắt cũng như lâu dài biển gắn bó mật thiết với đời sống con người và là cơ sở cho sự phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của mọi miền đất nước. Việc khai thác và sử dụng tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong những năm qua đã được Đảng và Nhà nước chú trọng và đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với việc khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

Thách thức phát triển bền vững kinh tế biển

Một trong những thách thức trong triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam hiện nay là thực trạng ô nhiễm rác thải trên các vùng biển Việt Nam. Điều này đe dọa đến hệ sinh thái biển, nguồn lợi hải sản từ đó tác động đến sinh kế của hàng triệu ngư dân Việt Nam.

Môi trường biển tiếp tục biến đổi theo chiều hướng xấu và ngày càng có nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển. Hơn nữa, do đặc điểm biển Việt Nam có dòng hải lưu thay đổi theo mùa, là khu vực có lưu lượng tàu bè tấp nập vào bậc nhất thế giới, vì vậy vùng biển Việt Nam thường xuyên bị rác thải, ô nhiễm…

Một số khu biển ven bờ và cửa sông bị ô nhiễm dầu, chất hữu cơ liên quan tới chất thải sinh hoạt, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa. Có những khu vực rừng ngập mặn tràn ngập túi rác thải nilon, đây chính là sức ép lớn lên môi trường, hệ sinh thái và tài nguyên biển.

Hiện lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của 28 tỉnh ven biển nước ta vào khoảng 14,03 triệu tấn/năm (khoảng 38.500 tấn/ngày). Bên cạnh đó là lượng chất thải rắn tại các tỉnh kinh tế trọng điểm ven biển đang có xu hướng tăng dần, đặc biệt là các chất thải nguy hại ngành công nghiệp nhẹ, hóa chất, luyện kim.

Theo thống kê, trong 10 năm gần đây đã xảy ra trên 100 vụ tràn dầu do tai nạn tàu, dòng hải lưu di chuyển về phía bờ biển Việt Nam. Ngoài ra, ở vùng biển Việt Nam có khoảng 340 giếng khoan thăm dò và khai thác dầu khí, bên cạnh thải nước lẫn dầu với khối lượng lớn, hoạt động này còn phát sinh khoảng 5.600 tấn chất thải rắn, trong đó có 20-30% là chất thải rắn nguy hại còn chưa có bãi chứa và nơi xử lý. Mức độ ô nhiễm trên đã ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển, từ đó tác động đến sinh kế của người dân vùng biển.

Cụ thể, diện tích rừng ngập mặn mất khoảng 15.000ha/năm, khoảng 80% rạn san hô trong vùng biển Việt Nam nằm trong tình trạng rủi ro, trong đó 50% ở mức cao, tình trạng trên cũng diễn ra tương tự với thảm cỏ biển và các hệ sinh thái biển, ven biển khác.

Trong vùng biển Việt Nam có khoảng 100 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau và trên 100 loài đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam. Nguồn lợi hải sản có xu hướng giảm dần về trữ lượng, sản lượng và kích thước cá đánh bắt (trữ lượng hải sản giảm 16%).

Năng suất tôm nuôi quảng canh trong rừng ngập mặn bị giảm sút từ khoảng 200 kg/ha/vụ (năm 1980) đến nay chỉ còn 80kg/ha/vụ, và 1ha rừng ngập mặn trước đây có thể khai thác được khoảng 800kg thủy sản, nhưng hiện nay chỉ thu được 1/20 so với trước.

Một số biện pháp bảo vệ môi trường biển, bảo vệ đa dạng sinh học

Để thúc đẩy phát triển kinh tế biển đi đôi với việc bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển, chúng ta cần:

  • Hoàn thiện pháp luật về biển
  • Xây dựng hệ thống quản lý môi trường biển để đảm bảo tính thống nhất xuyên suốt, cắt giảm chi phí hành chính, thúc đẩy công tác trao đổi thông tin và dữ liệu, đạt được hiệu quả cao trong công tác quy họach phát triển bền vững biển…
  • Quản lý tổng hợp đới bờ với mục đích duy trì tính nguyên vẹn của hệ sinh thái vùng bờ, thông qua công tác bảo tồn và bảo vệ, khuyến khích sử dụng bền vững các tài nguyên biển và ven bờ, đặc biệt liên quan đến các hoạt động đánh bắt, khai thác nguồn lợi tài nguyên sinh vật biển chủ yếu, ngăn chặn những thiệt hại lớn về vật chất do triều cường, sóng to, gió lớn, lũ lụt, động đất, sóng thần và xói lở bờ biển….
  • Xây dựng các chương trình hành động khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng với các điểm, khu vực, vùng bị ô nhiễm và suy thoái nặng đã được triển khai. Trong đó quản lý tổng hợp đới bờ là khung quản lý hiệu quả để đạt được phát triển bền vững vùng biển và đới bờ và được triển khai, áp dụng cho nhiều vùng bờ khác nhau trên thế giới với nhiều vấn đề khác nhau.
  • Quản lý biển trên cơ sở quy hoạch, phân vùng không gian biển và đới bờ tạo ra sự tăng cường tính nhất quán, thống nhất trong quá trình ra quyết định, giảm thiểu các xung đột lợi ích, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả quy hoạch…nâng cao tính chắc chắn và khả năng dự báo trong quy hoạch để đầu tư khai thác, sử dụng biển, đới bờ; tăng cường sự phối hợp liên bộ, ngành, các bên liên quan trong nước và quốc tế trong quá trình lập quy hoạch, xây dựng kế hoạch.
  • Quản lý thống nhất thông tin dữ liệu biển
  • Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về chính sách, pháp luật liên quan đến khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển cũng được các nước quan tâm, chú ý đẩy mạnh.
  • Không ngừng thúc đẩy hợp tác quốc tế song phương và đa phương về biển, các lĩnh vực chủ yếu liên quan đó là thúc đẩy khoa học kĩ thuật biển, điều tra biển, cứu nạn trên biển, phòng tránh thảm họa, kiểm soát tội phạm trên biển, đào tạo nguồn nhân lực cho các lĩnh vực liên quan đến biển.

Muốn khai thác lâu bền và bảo vệ tốt môi trường biển Việt Nam, chúng ta cần phải làm gì? được Khoahoc.com.vn chia sẻ trên đây. Hy vọng thông qua tài liệu này ngoài cung cấp kiến thức cho các em hoàn thành trả lời các câu hỏi trong SGK mà còn giúp các em biết bảo vệ môi trường biển của chúng ta. Chúc các em học tốt.

Chủ đề liên quan