Phân tích nét đặc sắc trong cách thể hiện cảm xúc và sáng tạo hình ảnh của bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải

  • 1 Đánh giá

Câu 8: Phân tích nét đặc sắc trong cách thể hiện cảm xúc và sáng tạo hình ảnh của bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải

Bài làm:

Thanh Hải là gương mặt nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Ông đã bám trụ lại quê hương trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt để rồi chính hiện thực đau thương về cuộc chiến trở thành thi liệu trong thơ ông. Đọc thơ Thanh Hải ta thấy tâm hồn của một con người chân chất, bình dị, đôn hậu và chân thành. Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được sáng tác không bao lâu trước khi ông mất và là tiếng lòng tha thiết với cuôc sống, với quê hương đất nước của nhà thơ. Đây là bài thơ đã khắc họa hình ảnh của Thanh Hải trong rừng văn học Việt Nam hiện đại.

Trước hết, cảm xúc của bài thơ đến với Thanh Hải một cách rất tự nhiên. Bài thơ được bắt đầu từ sự rung động trước vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân thiên nhiên, từ đó mà tác giả mở rộng cảm xúc của mình nghĩ về mùa xuân đất nước. Từ mùa xuân lớn của thiên nhiên đất nước mà liên tưởng tới mùa xuân của cuộc đời mỗi người - khao khát được đóng góp, được cống hiến sức lực nho nhỏ vào mùa xuân lớn của đất nước. Bài thơ kết thúc bằng cảm xúc thiết tha, tự hào về quê hương, đất nước qua làn điệu dân ca xứ Huế ngọt ngào của quê hương ông. Mạch cảm xúc của bài thơ được phát triển theo lối “tức cảnh sinh tinh” đặc trưng của thơ ca, cũng chính vì thế mà mạch cảm xúc ấy rất tự nhiên, không hề bị gò bó, gượng ép mang một sức lôi cuốn mãnh liệt với người đọc.

Cái riêng biệt và sáng tạo của Thanh Hải hiện lên rõ nét qua cách ông cảm nhận về mùa xuân của thiên nhiên đất trời và của đất nước. Thiên nhiên hiện lên trong bài thơ là một khung cảnh được mở rộng ra cả ba chiều: chiều cao của bầu trời, chiều dài và chiều sâu của dòng sông. Đặc biệt, với biện pháp đảo ngữ, đưa từ “mọc” lên đầu câu, Thanh Hải đã khắc sâu ấn tượng về sức sống đang trỗi dậy mạnh mẽ và vươn về phía ánh sáng của mùa xuân. Tưởng như chính bông hoa kia đã làm cho không gian bừng sáng bởi chính sức sống kì diệu của nó vậy. Bức tranh hiện lên với những gam màu dịu mát, màu xanh của dòng sông, của bầu trời được điểm thêm một màu tím biếc, màu sắc đặc trưng của đất Huế, của bông hoa giữa dòng sông. Trong không gian tĩnh lặng ấy, tiếng chim chiền chiện trong trẻo vang lên như một lời reo mừng. Thanh Hải đã coi con chim chiền chiện như một người bạn thân thương, gọi nó, lắng nghe tiếng chim rơi thành “từng giọt” long lanh. Sự độc đáo trong phép ấn dụ chuyển đổi cảm giác khi nói về tiếng chim đã khiến cho chúng ta hiểu được, người thi sĩ đang phải chống chọi từng ngày với cái chết ấy đã nhìn ngắm thiên nhiên, hòa mình vào đất trời và cảm nhận sức sống cảu mùa xuân không chỉ bằng thị giác, thính giác mà còn bằng cả cảm giác, bằng tất cả các giác quan của mình:

“Mọc giữa dòng sông xanh,

Một bông hoa tím biếc

Ơi! Con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng”

Mùa xuân của thiên nhiên đất trời hiện lên đẹp bao nhiêu, tràn đầy sức sống bao nhiêu thì mùa xuân của đất nước lại hiện lên với sự hồ hởi, hứng khởi bấy nhiêu. Không phải ngẫu nhiên trong khổ thơ lại xuất hiện hình ảnh“người cầm súng” và “người ra đồng”. Họ là những con người cụ thể, những conngười làm nên lịch sử với hai nhiệm vụ của đất nước ta trong suốt quá trình phát triển lâu dài: chiến đấu và sản xuất, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Mùa xuân không những chắp thêm đôi cánh sức mạnh cho conngười mà còn chuẩn bị cho con người những “lộc” non tươi mới, căng tràn nhựa sống. Trong suốt 4000 năm dựng nước và giữ nước của mình, đất nước đang trưởng thành từng ngày, lớn mạnh từng ngày, và tương lai chắc chắn sẽ là sự tiến bộ vì đất nước “cứ đi lên phía trước” - cái đích của tương lai, của hi vọng và phát triển của ra đang ở phía trước:

“Đất nước bốn ngàn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước”

Ai cũng có ước nguyện cống hiến, nhưng với Thanh Hải, ước nguyện ấy được cất lên trong thời kì ông đang nằm trên giường bệnh để giành giật từng chút sự sống với tử thần thì ước nguyện ấy càng trở nên chân thành, tha thiết và cao cả biết bao nhiêu. Nhà thơ đã lựa chọn những hình ảnh đẹp của thiên nhiên,của cuộc sống để bày tỏ ước nguyện: conchim, một cành hoa, một nốt trầm. Còn gì đẹp hơn khi làm một cành hoa đemsắc hương tô điểm cho mùa xuân đất mẹ. Còn gì vui hơn khi được làm con chim nhỏ cất tiếng hót rộn rã làm vui cho đời. Hình ảnh “nốt trầm”và lặp lại số từ “một” tác giả cho thấyước muốn tha thiết, chân thành của mình. Không ồn ào, cao giọng, nhà thơ chỉmuốn làm “một nốt trầm” nhưng phải là“một nốt trầm xao xuyến” để góp vào bảnhoà ca chung. Nghĩa là nhà thơ muốn đem phần nhỏ bé của riêng mình để góp vào công cuộc đổi mới và đi lên của đất nước. Khao khát được cống hiến ấy là tâm nguyện của nhà thơ, một con người đã đi qua hai cuộc chiến khốc liệt, đã đối mặt với tử thần không biết bao lần vẫn luôn muốn được cống hiến “dù là tuổi hai mươi/Dù là khi tóc bạc”. Chính điều ấy đã làm nên giá trị tư tưởng của bài thơ, cũng là điều khác biệt trong tư tưởng của Thanh Hải với những người khác: Cống hiến suốt cả cuộc đời, cống hiến một cách thầm lặng để rồi kết thúc bài thơ là sự trở lại với giọng điệu của sự tự hào, thiết tha với quê hương, đất nước qua làn điệu dân ca xứ Huế:

“Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc”

Thanh Hải đã rất thành công trong việc tạo dựng hình ảnh cho Mùa xuân nho nhỏ. Tác giả đã sử dụng thể thơ năm chữ giàu nhạc điệu rất gần với các làn điệu dân ca cùng với âm hưởng nhẹ nhàng tha thiết để tạo nên các hình ảnh tự nhiên thật gần gũi, giản dị nhưng lại rất giàu ý nghĩa biểu tượng, khái quát. Cấu tứ của bài thơ chặt chẽ, phát triển một cách tự nhiên từ hình ảnh mùa xuân của thiên nhiên đất trời tới mùa xuân của đất nước, của con người và tới những khao khát rất đỗi nhân văn của một người con yêu quê hương tha thiết.

Có thể nói, bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải đã mang tới cho người đọc một quan niệm sống cao đẹp của nhà thơ với khao khát được cống hiến hết mình, trọn vẹn cả cuộc đời, từ khi còn trẻ, đến lúc về già của tác giả. Đó cũng chính là lí do vì sao bài thơ đã vượt qua lớp bụi phủ thời gian mà còn sống mãi trong lòng người đọc,

  • 60 lượt xem
Cập nhật: 08/09/2021

Xem thêm bài viết khác

Xem thêm Ngữ văn 9 tập 2