Tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám ở địa phương em?

  • 1 Đánh giá

Câu 3: Trang `20 – sgk lịch sử 12

Tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám ở địa phương em?

Bài làm:

Khởi nghĩa Tháng Tám ở Sài Gòn:

Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11/1940 thất bại, lực lượng Đảng Cộng Sản và cơ sở cách mạng ở Nam Kỳ bị thực dân Pháp đàn áp dã man, tổn thất vô cùng to lớn.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp tháng 3/1945, lực lượng cách mạng ở Nam Kỳ tuy đang phục hồi dần, nhưng lực lượng của đối phương vẫn đông và mạnh hơn nhiều lần.

Nhưng dựa trên sự phân tích tình hình trên thế giới và trong nước, trước sự thất trận của quân Đức ở châu Âu và quân Nhật ở châu Á, Xứ ủy Nam Kỳ nhận định thời cơ tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi cả nước đã chín muồi.

Vì vậy ở Nam Kỳ nói chung và ở Sài Gòn nói riêng, phải khẩn trương làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, gây dựng phong trào quần chúng rộng rãi hướng tới Tổng khởi nghĩa.

Chỉ trong vòng 3 - 4 tháng, hàng triệu người dân cả thành thị và thôn quê được Đảng tuyên truyền và tổ chức, sẵn sàng đứng lên.

Riêng nội thành Sài Gòn lúc này có 324 công đoàn cơ sở với 120 ngàn đoàn viên; Thanh niên Tiền phong có 80 ngàn đoàn viên, hoạt động công khai và hợp pháp.

Ngày 15/8, Xứ ủy Nam Kỳ họp, xác định thời cơ khởi nghĩa tới rồi, Nam Kỳ phải kịp thời hòa vào dòng thác Tổng khởi nghĩa của cả nước. Cần thành lập ngay một Ủy ban khởi nghĩa và bắt tay vào hành động ngay.

Nhưng khi bàn về thời điểm phát lệnh khởi nghĩa, dự kiến là đêm 17 hoặc 18/8, có một số ý kiến tuy thuộc phe thiểu số nhưng rất gay gắt phản bác. Đó là ý kiến sợ "khởi nghĩa non" như 5 năm trước, là ý kiến không cần khởi nghĩa, không cần bạo động mà đấu tranh chính trị cũng có thể đi đến độc lập dân chủ.

Trong vòng bảy ngày, Hội nghị Xứ ủy phải họp tới ba lần (tại chợ Đệm, Trung Quận). Sáng 21/8, đồng chí Trần Văn Giàu, người chủ trì cả ba cuộc Hội nghị trên, đưa ra đề nghị cuối cùng được tất cả đại biểu tán thành: Giao cho Đảng bộ tỉnh Tân An làm khởi nghĩa thí điểm, sáng 23/8 trở lại báo cáo kết quả với Xứ ủy.

Tân An là cửa ngõ quan trọng phía tây nam Sài Gòn, có phong trào quần chúng sôi nổi và được chuẩn bị khá chu đáo. Ngay trong đêm 21/8, Tỉnh ủy khẩn trương họp, ra "Nghị quyết đỏ", tổ chức may cờ búa liềm, cờ đỏ sao vàng, tập trung các đội cận vệ đỏ từ các địa phương về thị xã.

Trong ngày 22/8, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Trọng và Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Lê Minh Xuân trực tiếp chỉ huy lực lượng đến tước vũ khí của lính bảo an tỉnh, thu hơn 140 súng.

Thanh niên Tiền phong thiết lập trật tự chung toàn thị xã; tên tỉnh trưởng Thạch trên đường từ Sài Gòn về bị ta đón lõng và bắt giam.

Tảng sáng ngày23/8, Ủy ban Nhân dân cách mạng tỉnh ra mắt đồng bào. Cùng lúc, một xe ô tô chở đoàn cán bộ của tỉnh lên Chợ Đệm báo cáo thắng lợi với Xứ ủy.

Xứ ủy quyết định Sài Gòn, trọng điểm của toàn Nam Kỳ, sẽ khởi nghĩa ngày 25/8.

Từ sẩm tối 24/8 đến 0 giờ ngày 25/8, các đội xung phong công nhân và thanh niên đã hoàn tất việc chiếm tất cả các cơ quan trong nội ô thành phố, không gặp trở ngại gì: từ Nhà đèn chợ Quán, Sở Mật thám, bót cảnh sát, đến Đài phát thanh, dinh Đốc lý...

Khâm sai Nam Kỳ - Nguyễn Văn Sâm và Đổng lý văn phòng Phủ Khâm sai - Hồ Văn Ngà bị giữ tại buồng ngủ của họ tại dinh Khâm sai.

Riêng Ngân hàng Đông Dương do có nhiều quân Nhật nên ta không chiếm được, vì có chủ trương không xung đột với chúng lúc này nên anh em được lệnh rút lui.

Từ nửa đêm đến tờ mờ sáng, công nhân, viên chức, nhân dân nội thành và ngoại ô bắt đầu tập hợp theo đoàn, theo giới, trương cờ, băng khẩu hiệu, trang bị vũ khí thô sơ, tiến dần vào trung tâm thành phố.

Ủy ban khởi nghĩa đứng trước một vấn đề không đơn giản là số người tham gia khởi nghĩa có thể lên tới một triệu và nhiều hơn thế (bà con ở các tỉnh lân cận xa 30 - 40km cũng đi xe đò, xe ngựa đến). Vì vậy phải có kế hoạch giữ trật tự thật chu đáo, không cho địch lợi dụng để phá phách, khiêu khích.

Từ sáng sớm ngày 25/8, cả triệu quần chúng Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh lân cận ào ạt kéo vào thành phố, quyết tâm khởi nghĩa giành chính quyền.

Đoàn người hô vang như sấm dậy khẩu hiệu: "Việt Nam hoàn toàn độc lập!", "Tất cả về tay Việt Minh!", "Mặt trận Việt Minh muôn năm!", "Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!", "Độc lập hay là chết!".

Cờ đỏ sao vàng tràn ngập đường phố, bay phấp phới hiên ngang trên các công sở.

Quần chúng như một biển người kéo về dự mít tinh, hoan nghênh Ủy ban Nhân dân Nam Kỳ. Đoàn người xếp thành hàng ngũ suốt từ đại lộ No-rô-đôm đến Sở thú, từ sau Nhà thờ Đức Bà đến bót Giếng nước, trung tâm là lễ đài đã được dựng xong từ đêm 24/8.

Đồng chí Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa báo cáo việc chiếm lĩnh xong các cơ quan chính quyền địch trong đêm vừa qua, nói về ý nghĩa quan trọng của cuộc biểu tình tuần hành vũ trang ngày hôm nay và ý nghĩa của cách mạng đã nổ ra thắng lợi chẳng những ở Sài Gòn mà cả ở Hà Nội, Huế và khắp nước Việt Nam.

Đồng chí cũng không quên nhắc lại những hy sinh to lớn, anh dũng của các thế hệ cha anh đi trước để có được ngày hôm nay.

Sau đó, cuộc biểu tình vũ trang bắt đầu, đi đầu là lá cờ mặt trận và cờ Đảng, đoàn biểu tình đi theo đường Ca-ti-nat (nay là đường Đồng Khởi) về trước dinh Đốc lý.

Tại đây, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã tuyên đọc danh sách của Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ.

Đồng chí Nguyễn Lưu, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Nam Bộ đọc bản hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh. Đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn đọc lời hiệu triệu của Xứ ủy Nam Bộ, kêu gọi đồng bào hết lòng ủng hộ chính quyền cách mạng, dân chủ của mình, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nền độc lập vừa giành được.

Báo chí tại Sài Gòn nhất loạt đăng bài tường thuật và bình luận sự kiện lịch sử này với tất cả niềm hân hoan tự hào của một dân tộc đứng lên làm cuộc cách mạng đổi đời. Đây là một cuộc thay đổi hết sức to lớn trong lịch sử của thành phố.

Trong hoàn cảnh chưa liên lạc được với Trung ương, lực lượng địch và các phe phái phản động còn đông, Xứ ủy Nam Kỳ đã có sự nhận định tình hình đúng đắn, nhạy bén, nêu cao tinh thần dám nghĩ và tự quyết đoán, vận dụng sáng tạo nghệ thuật nắm thời cơ cách mạng và tiến hành khởi nghĩa thắng lợi.

Nhờ vậy, khởi nghĩa ở Sài Gòn và Nam Bộ tháng 8/1945 đã kịp thời hòa vào làn sóng Tổng khởi nghĩa của cả nước.

Nói về tầm quan trọng của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn, tiếp theo các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, đồng chí Lê Duẩn đã khẳng định: "Cách mạng tháng Tám là một cuộc Tổng khởi nghĩa kết hợp tài tình đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, một cuộc nổi dậy đồng loạt ở cả thành thị lẫn nông thôn mà đòn quyết định là các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn".

  • 5 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021

Xem thêm bài viết khác

Xem thêm Giải lịch sử 12