Văn nghị luận: "Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều" - Anh (chị) hãy nêu ý kiến, quan điểm của mình về câu nói trên của người xưa

  • 1 Đánh giá

“Truyện Kiều” là kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du, Thúy Kiều, Thúy Vân với những nét đẹp nhân cách đáng quý đã ghi lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn đọc trong và ngoài nước. Tuy nhiên, người xưa lại có câu “Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”. Đây là ý kiến sai lầm, chúng ta cần nhìn nhận đúng đắn để hiểu rõ hơn câu nói này.

Đề bài: Người xưa có câu: "Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều". Anh (chị) hãy nói rõ ý kiến của mình về quan niệm trên.

Bài viết tham khảo

“Truyện Kiều” là kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du, Thúy Kiều, Thúy Vân với những nét đẹp nhân cách đáng quý đã ghi lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn đọc trong và ngoài nước. Tuy nhiên, người xưa lại có câu “Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”. Đây là ý kiến sai lầm, chúng ta cần nhìn nhận đúng đắn để hiểu rõ hơn câu nói này.

Nguyên văn câu nói đầy đủ là:

“Đàn ông chớ kể Phan Trần,

Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều.”

Ông cha ta ngày xưa nhìn nhận ở khía cạnh rất khe khắt. Đàn bà con gái cấm đọc truyện tình lãng mạn. Đàn ông cấm đọc những truyện tình ủy mị, nhu nhược ảnh hưởng tới chí hướng nam nhi “Đầu đội trời, chân đạp đất.” Câu nói trên ở đây hiểu rằng ông cha ngụ ý đàn bà, con gái không nên đọc (chớ kể) Truyện Kiều và không được làm theo mẫu Thúy Vân, Thúy Kiều vì cho rằng nàng không tuân thủ lễ giáo phong kiến.

Quan niệm đạo đức của xã hội phong kiến theo các nhà nho xưa bao gồm lễ giáo phong kiến khắt khe, trói buộc quyền con người, nhất là phụ nữ phải tuân theo “tam tòng tứ đức”, phải giữ " tam cương ngũ thường", "công dung ngôn hạnh"... đặc biệt phải nghe theo cha mẹ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Chiếu theo quan điểm trói buộc ấy, theo các nhà nho Thúy Vân, Thúy Kiều có những hành động ứng xử không phù hợp với lễ giáo phong kiến. Đầu tiên, hành động Kiều theo đuổi tình yêu được cho là tự do yêu đương, thề non hẹn biển, một mình đi khuya, tự đính ước nhân duyên mà không có sự cho phép của cha mẹ. Đây là điều tối kị trong xã hội phong kiến đương thời. Kiều bán mình, trở thành gái lầu xanh, bị ghép vào người đàn bà lẳng lơ phạm vào lễ giáo không được lấy nhiều chồng, coi trọng trinh tiết.

Vào thời đại bấy giờ, khách quan thì ý kiến đó đúng với lễ giáo khắt khe, nhưng đây là một cách nhìn hết sức phiếm diện. Đó là cách đánh giá bảo thủ, sai lầm, không hề nhìn nhận toàn diện và khách quan hơn trường hợp cụ thể của chị em Kiều, đặc biệt là Thúy Kiều. Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, đức hạnh... Nổi bật nhất ở nàng ngay từ những phần đầu tác phẩm là tấm lòng hiếu thảo. Nàng hi sinh tình yêu, bán mình để chuộc cha cùng em trai, làm tròn đạo hiếu. Chính những bất công, hủ lậu của chế độ phong kiến đã gián tiếp gây nên những oan trái, bi kịch trong cuộc đời Kiều . Trong sóng gió cuộc đời, Kiều vẫn giữ trọn phẩm giá cao quý. Kiều có tình yêu cao thượng, trước ngày bán mình, nàng trao duyên lại cho Thúy Vân, hai lần lưu lạc lầu xanh nhưng vẫn thủy chung vẹn tình với Kim Trọng nên tội danh không đoan chính buộc trên người nàng là vô cùng khắc nghiệt. Tuy sống nơi lầu xanh, nhơ nhuốc và đầy cạm bẫy, Kiều vẫn ý thức sâu sắc về nhân phẩm của mình:

“Như nàng lấy hiếu làm trinh,

Bụi nào cho đục được mình ấy vay”

Chìm trong nghịch cảnh, Thúy Kiều luôn gắng gượng tìm cách trốn thoát khỏi chốn lầu xanh, nhưng số phận không ngừng buông tha, một lần vùng lên là một lần bị nhấn xuống sâu hơn. Suy cho cùng, cuộc đời lưu lạc, khổ đau của nàng là do xã hội đương thời tàn bạo tạo ra, nàng không thể thoát khỏi bàn tay của số phận bi kịch. Thế nhưng, nhìn nhận cuộc đời của Kiều, kết thúc 15 năm lưu lạc, Kiều được đoàn tụ cùng gia đình, với Kim Trọng. Vì tôn trọng mối tình đầu trong sáng, tôn trọng người yêu cũ và em gái, nàng “Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ” (đổi tình yêu thành tình bạn tri âm tri kỉ). Dù số phận không công bằng, đẩy lên vai nàng những gánh nặng không dễ dàng gánh vác nhưng Kiều vẫn làm tròn chữ hiếu, chữ trung, tài sắc vẹn toàn. Chính vì những lẽ đó “Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều“ là ý kiến sai lầm, phiếm diện.

Truyện Kiều là một kiệt tác của dân tộc với nhiều giá trị lớn lao sâu sắc. Tác phẩm phơi bày sự tàn bạo của xã hội phong kiến thời bấy giờ, cướp đi quyền sống của con người nhất là người phụ nữ, chỉ ra đạo giáo và nho giáo đã áp cái nhìn phiếm diện vào nhân vật, phê phán, chê bai.... Phê phán một xã hội không cho phụ nữ quyền được sống hạnh phúc. Từ đó ngợi ca, trân trọng nhân cách Thúy Vân, Thúy Kiều dù đã trải qua biết bao bể dâu vẫn sáng ngời, ngợi ca vẻ đẹp của người phụ nữ và thể hiện tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du.

“Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều” thực sự là một quan điểm sai lầm, phiếm diện. Thúy Vân, Thúy Kiều là nạn nhân của xã hội phong kiến tàn bạo, của lễ giáo khắt khe nhưng vẻ đẹp tâm hồn của họ vẫn sáng, cần được trân trọng. Đó là tấm lòng nhân đạo của đại thi hào Nguyễn Du, đồng thời cũng là vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam đương thời.


  • 2 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021

Xem thêm bài viết khác

Xem thêm Văn mẫu 11