Cảm nghĩ của em về tình yêu thương, sự che chở của lòng mẹ trong bài Con cò của Chế Lan Viên

  • 1 Đánh giá

Câu 9: Cảm nghĩ của em về tình yêu thương, sự che chở của lòng mẹ trong bài Con cò của Chế Lan Viên

Bài làm:

“Con cò bay lả bay la

Bay từ cửa phủ, bay về đồng đăng.”

Những cánh cò trắng đã đi vào ca dao, dân ca một cách tự nhiên như thế. Cánh cò xuất hiện nhiều tới nỗi, nó trở thành một hình tượng quen thuộc với mỗi người con Việt Nam. Trong kí ức tuổi thơ, cánh cò trắng xuất hiện từ những lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ. Và cũng là cánh cò trắng đến trong lời ru của mẹ, Chế Lan Viên đã viết bài thơ Con cò (1962), bài thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật và tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác của ông, để ca ngợi tình mẫu tử thiên liêng, bất diệt.

Bài thơ được mở ra với hình ảnh của đứa trẻ bụ bẫm, vẫn còn bế ngửa trên tay, đang lớn dần lên bằng bầu sữa thơm ngon, mát lành của mẹ:

“Con còn bế trên tay

Con chưa biết con cò

Nhưng trong lời mẹ hát

Có cánh cò đang bay”

Những dòng thơ thật nhẹ nhàng, êm ái, thấm đẫm tình thương của mẹ. khi con còn nằm trong vòng tay của mẹ, con nào biết đến “con cò”, “con vạc”, con nào biết đến “những cành mềm mẹ hát” nhưng mẹ đã mang cánh cò đến với con trong những lời ru ấm êm của mẹ. ở các câu bốn và câu tám chữ, điệp ngữ “con cò” được nhắc đi nhắc lại như là lời ru ngân nga, dịu dàng, như là lời mẹ muốn kể cho con nghe về hình ảnh con cò bằng chất giọng mượt mà, êm ái.

Hình ảnh con cò đã được Chế Lan Viên sử dụng làm hình tượng bao trùm lên toàn bài thơ:

“Con cò bay la

Con cò bay lả

Con cò Cổng Phủ

Con cò Đồng Đăng”

“Con cò ăn đêm

Con cò xa tổ

Cò gặp cành mềm

Cò sợ xáo măng”

Những câu thơ được lấy ý từ những câu ca dao quen thuộc được Chế Lan Viên vận dụng một cách sáng tạo, chỉ gợi ra bằng một vài từ mà người đọc vẫn có thể hình dung hết về những câu ca dao ấy. Hình ảnh con cò trong ca dao và trong bài thơ thấp thoáng có hình ảnh của mẹ, có hình ảnh của một người một đời tần tảo sớm khuya nuôi con khôn lớn. Hình ảnh con cò “ăn đêm”, cò “xa tổ”, cò “sợ gặp cành mềm”, cò “sợ xáo măng” gợi lên cho ta biết bao suy nghĩ. Hình ảnh cò lẻ loi một mình kiếm ăn trong đêm tối nhưng phải chăng đó cũng lả hình ảnh của mẹ, của người phụ nữ một đời vất vả với cuộc sống mưu sinh đầy khó khăn, gian khổ. Dù vậy, mẹ vẫn luôn muốn hát cho con nghe về tình yêu quê hương, đất nước và rồi con sẽ hiểu được tình yêu mà mẹ dành cho con bao la, vô tận đến nhường nào. mẹ luôn muốn con yên tâm chìm vào giấc ngủ, mẹ muốn con hãy ngủ ngon để luôn nhìn thấy cánh cò bay lượn không biết mỏi vì đã có mẹ mãi ở bên vỗ về, che chở:

“Con chưa biết con cò, con vạc

Con chưa biết những cành mềm mẹ hát

Sữa mẹ nhiều con ngủ chẳng phân vân”

Mẹ luôn mong con được hưởng trọn tình yêu thương của tuổi ấu thơ. Trong lời ru của mẹ không chỉ mang đến cho con những cánh cò mà nó còn mang đến cho con hơi xuân ấm áp, dòng sữa trắng trong ngọt ngào của mẹ đưa con vào giấc ngủ say nồng. Lời ru của mẹ trở thành bầu sữa tinh thần cho tâm hồn ngây thơ của con khôn lớn. Cánh cò trắng cũng vì thế mà thấm dần, thấm dần vào suy nghĩ của con, trở thành một biểu tượng gắn liền với mẹ, gắn liền với lời ru của mẹ và sẽ theo con trong suốt chặng đường đời sau này.

Và mẹ lại vỗ về và chắp cánh cho những ước mơ của con trong câu hát ru ấy và trong cả những suy nghĩ của con:

“Ngủ yên! Ngủ yên! Ngủ yên

Cho cò trắng đến làm quen

Cò đứng ở quanh nôi

Rồi cò vào trong tổ

Con ngủ yên thì cò cũng ngủ

Cánh của cò hai đứa đắp chung đôi”

Mẹ nâng niu con trong từng câu hát và cũng là ấp iu nâng giấc con thơ. Một sự nhân hoá ở cánh cò để diễn tả cho sự chăm chút, ân cần của mẹ đối với con. Đôi cánh trắng muốt của cò trở thành chăn cho “hai đứa đắp”. Phải chăng ở đây, cánh cò cũng trở thành đôi cánh ước mơ mà mẹ đã chắp cho con từ thuở con còn nằm nôi, còn ê a tập nói. Con và cò là bạn và cũng là con của mẹ, sẽ cùng nhau sánh bước trên đường đời tương lai.

“ Mai khôn lớn con theo cò đi học

Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân

Lớn lên, lớn lên, lớn lên...

Con làm gì?

Con làm thi sĩ

Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ

Trước hiên nhà

Và trong hơi mát câu văn”

Khi con lớn lên, đến tuổi tới trường, con cò trở thành người bạn học, sánh bước cùng con tới trường, cùng con bay tới những chân trời chi thức mới. Cánh cò trắng tinh khôi như trang sách mở ra cho con biết bao điều mới lạ, cũng chính là hành trang để con bước vào đời. Qua trí tượng tượng độc đáo của nhà thơ, cánh cò trắng vỗ cánh bay ra từ trong những câu ca dao, sống trong tâm hồn con người, theo con người và nâng đỡ tâm hồn con người. Hình tượng cánh cò cũng mang ý nghĩa biểu trưng cho lòng mẹ, hiện thân cho người mẹ luôn che trở, bao dung với con. Mẹ là người cho con sự sống, nuôi con lớn khôn cả về thể xác lẫn tâm hồn: “Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ” để rồi suốt cả cuộc đời, đôi cánh trắng của cò bay mải miết theo bước chân con, dõi theo từng bước trên đường đời con đi tới, đồng hành cùng với con trên mọi nẻo đường.

Con lớn lên, trưởng thành, con sẽ không còn ở bên mẹ nữa nhưng con biết có một chân lý cuộc đời không bao giờ thay đổi:

Dù ở gần con,

Dù ở xa con,

Lên rừng xuống bể,

Cò sẽ tìm con.

Cò mãi yêu con

Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”

Những câu thơ của Chế Lan Viên đã đi từ cảm xúc, mở ra những suy tưởng rồi khái quát thành triết lí. Đây cũng chính là một nét đặc trưng trong phong cách của thơ Chế Lan Viên. Suốt cả cuộc đời mình, mẹ vẫn luôn dõi theo con. Những từ “gần con”, “xa con”, “tìm còn”, “yêu con” đã gợi lên mọi khoảnh khắc trong cuộc đời của mẹ đều có con. Ánh mắt của mẹ lúc nào cũng hướng về con. Hóa ra, với mỗi người mẹ, đứa con chính là trung tâm, là sự sống suốt cả cuộc đời mình. Trong mắt của người mẹ “con dù lớn”, dù trưởng thành, dù thành công hay thất bại, dù sai lầm hay vĩ đại thì con sẽ vẫn là “con của mẹ”, vẫn là đứa con bé bỏng, cần mẹ yêu thương, che chở và chăm lo. Con có thể xa mẹ, có thể bỏ mẹ nhưng mẹ chắc chắn sẽ không bao giờ rời bỏ con. Đó là chân lí bất diệt của tình mẫu tử. Mẹ yêu thương, chăm sóc con, hi sinh cả cuộc sống này cho con, vì với mẹ, con là báu vật vô giá. Nhưng dù con có khôn lớn, con có đi hết trăm núi, ngàn khe nhưng có bao giờ con hiểu hết lòng của mẹ, như Tố Hữu đã viết:

“Con đi trăm núi ngàn khe

Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm.”

Kết thúc bài thơ vẫn là những vần thơ giàu triết lí qua những lời ru của mẹ để rồi tác giả khẳng định hình tượng con cò trong những bài hát ru sẽ theo con suốt cả cuộc đời. Điều ấy cũng có nghĩa, con cò có sức sống bất diệt, lời ru sẽ còn ở lại mãi trong tâm thức của con, trong tâm hồn của người Việt, vì đó là bản sắc văn hóa, là nét đẹp trong tâm hồn của mỗi chúng ta.

“À ơi!

Một con cò thôi

Con cò mẹ hát

Cũng là cuộc đời

Vỗ cánh qua nôi

Ngủ đi! Ngủ đi

Cho cánh còm cánh vạc

Cho cả sắc trời

Đến hát

Quanh nôi”

Hai tiếng “à ơi” quen thuộc trong những lời ru được cất lên thật mượt mà. chỉ là một con cò trong lời mẹ hát thôi thế nhưng có biết bao điều vừa gần gũi vừa sâu xa. Khi cất lên những lời hát ru, là lúc mẹ gửi gắm trong cánh cò cả cuộc đời mẹ, có những cay đắng lẫn ngọt bùi. mặc dù Chế Lan Viên không hề nhắc đến những nếm trải của cuộc đời mẹ song những câu thơ của ông cho ta hiểu thêm rằng trong cánh cò kia chất chứa những nỗi nông sâu của cuộc đời mẹ.

Lời ru là một khúc hát yêu thương mà mẹ dành cho con. Mẹ đã hoá thân thành cánh cò mang nhiều ý nghĩa sâu xa, kết tụ sự hi sinh, gian khổ để những lời yêu thương càng thêm sâu sắc. và hình ảnh cò đã dần đi vào tầm thức của tuổi thơ con, nó sẽ theo con suốt cuộc đời bởi vì đâu đó trong hình ảnh cánh cò kia đó là hình ảnh của người mẹ con kính yêu

Thế đấy, tình mẹ thật thiêng liêng, cao đẹp. hình ảnh mẹ luôn đẹp nhất và rực rỡ trong lòng chúng con. Hình ảnh những con cò thật giản dị nhưng nhờ sự khéo léo của mình, chế lan viên đã mượn hình ảnh ấy ví cho hình tượng của người mẹ, người phụ nữ việt nam – một hình tượng bất tử.

  • 38 lượt xem
Cập nhật: 08/09/2021