Phân tích diễn biến tâm trạng (mạch cảm xúc trữ tình) trong bài thơ Con cò của Chế Lan Viên

  • 1 Đánh giá

Câu 2: Phân tích diễn biến tâm trạng (mạch cảm xúc trữ tình) trong bài thơ Con cò của Chế Lan Viên.

Bài làm:

Nhắc đến nhà thơ Chế Lan Viên là nhắc đến một trong những cây viết tiêu biểu đã có những đóng góp cực kì quan trọng cho nền văn học dân tộc. Thơ của ông có nét gì đó vừa độc đáo sáng tạo, vừa sâu sắc triết lí lại đậm đà trữ tình. Trong đó bài thơ Con cò được nhắc đến như một điểm sáng trong sự nghiệp của ông. Bằng hình ảnh thơ quen thuộc, Chế Lan Viên đã mang đến cho người đọc một cảm nhận mới vô cùng sâu sắc và mới lạ.

Hình ảnh con cò vốn là một hình ảnh quen thuộc thường được nhắc đến rất nhiều trong văn học thậm chí nó còn trở thành một biểu tượng trong những câu ca dao tục ngữ. Cánh cò gắn với một vùng trời tuổi thơ đầy yên bình, nơi chôn nhau cắt rốn, có hình ảnh của bà tần tảo của người mẹ dịu hiền. Thế nhưng, dưới ngòi bút tài tình, trí liên tưởng phong phú của mình Chế Lan Viên đã đưa độc giả đến với những cảm nhận độc đáo, ngợi ca tình cảm thiêng liêng của mẹ cũng như ý nghĩa lời ru trong đời sống tâm hồn của mỗi người.

Bài thơ Con cò được chia thành ba phần với hình tượng cánh cò làm trung tâm, diễn biến theo chiều tâm lí của nhân vật trữ tình. Phần đầu của bài thơ ta bắt gặp hình ảnh cánh cò chập chờn trong những lời ru thời ấu thơ của tác giả. Phần hai là sự khẳng định ngầm hình ảnh cánh cò sẽ gắn bó với con người đến suốt cuộc đời. Và phần ba chính là những suy ngẫm của tác giả về lời ru và tấm lòng bao la của mẹ.

Mở đầu bài thơ ông có những vần thơ chan chứa tình cảm và suy tư:

“Con còn bế trên tay

Con chưa biết con cò

Nhưng trong lời mẹ hát

Có cánh cò đang bay:

Con cò bay lả

Con cò bay la

Con cò cổng Phủ

Con cò Đồng Đăng”...

Hình ảnh cánh cò có thể nói chính là một biểu trưng đại diện cho những người nông dân lam lũ nhọc nhằn trong cuộc sống. Thế nhưng, ở đây Chế Lan Viên lại ẩn dụ hình ảnh cánh cò với dáng hình một người phụ nữ tảo tần sớm hôm với đức hi sinh và bao dung rộng lượng - đó chính là hình ảnh của người mẹ.

Mẹ nuôi con bằng dòng sữa mát lành tắm mát tâm hồn con bằng những lời ru à ơi. Những lời ru đó đã đưa con vào giấc ngủ sâu và nhóm cho trái tim con một tình yêu thương đầy chan chứa. Hình ảnh con cò phải cực nhọc kiếm ăn nơi đồng sâu ruộng cạn hay cũng chính là những nỗi nhọc nhằn của mẹ trong cuộc mưu sinh dài đằng đẵng. Nhưng dù có khó khăn có thiếu thốn đến đâu thì trên chặng đường đời này con sẽ luôn có mẹ ở bên, sẵn tay che chở và là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con.

“NGủ yên! ngủ yên!

Cò ơi, chớ sợ!

Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng

Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân

Con chưa biết con cò con vạc

Con chưa biết những cánh mềm mẹ hát

Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân”.

Cánh cò đó theo con đi suốt cả cuộc đời dù con có lớn khôn, có trở thành những người này người kia trong xã hội thế nhưng cánh cò sẽ mãi mãi sống trong tiềm thức của con.

Sau những năm tháng con nằm nôi cánh cò lại trở thành người bạn đồng hành của tuổi thơ:

Cò trắng đến làm quen

Cò đứng ở quanh nơi

Rồi cò vào trong tổ

Con ngủ yên thì cò cũng ngủ

Cánh của cò, hai đứa đáp chung đôi”

Đến tuổi tới trường:

“Con theo cò đi học

Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân”.

Và khi con trưởng thành:

"Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ

Trước hiên nhà

Và trong hơi mát câu văn…”.

Cánh cò ở đây đã có một sự trưởng thành đi từ tiềm thức đến tuổi thơ con và nó sẽ còn đi theo con suốt cả chặng đường đời. Cánh cò có một sự sống mãnh liệt xuất phát từ tâm thức của người con. Nó được toát lên từ sự liên tưởng trong ca dao và sẽ nâng đỡ con trong suốt cả chặng đường đời. Hình ảnh cánh cò hay cũng chính là hình ảnh của người mẹ sẽ luôn luôn ở bên và dõi theo con trong suốt cả cuộc đời.

Đến đoạn thơ cuối cùng cánh cò đã biến hóa đồng nhất với hình ảnh của mẹ:

Dù ở gần con

Dù ờ xa con

Lên rừng xuống bể Cò sẽ tìm con

Cò mãi yêu con"

Dẫu cho ngày mai con đi đâu về đâu thì mẹ vẫn mãi theo con chở che và nâng đỡ con. Đó là một thứ tình cảm dung dị và bất biến giữa cuộc đời :

"Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con"

Hình ảnh của cánh cò trong bài có sức gợi cảm sâu sắc. Nó không chỉ là một miền kí ức tuổi thơ êm đềm thơ mộng mà nó còn là hình ảnh của mẹ hết lòng yêu thương con. Hình ảnh của người mẹ tảo tần, lam lũ quanh năm giàu đức hi sinh và bao dung đằm thắm.

Mạch cảm xúc của nhà thơ tuân theo một quy luật rất phổ biến từ quá khứ - tương lai. Cánh cò xuyên suốt cả bài trở thành một biểu tượng cảm xúc mãnh liệt trong lòng nhà thơ. Cánh cò không chỉ là hình ảnh tuổi thơ mà nó còn mang dáng dấp của người mẹ tảo tần lam lũ. Bằng những câu văn chan chứa đầy cảm xúc, hình ảnh chân thực, giọng điệu mượt mà thủ thỉ Chế Lan Viên đã mang ta trở về một vùng trời quá khứ đầy yên bình và lí thú.

Con cò một biểu tượng bất diệt trong ca dao đã trở thành một nguồn cảm hứng sâu sắc để Chế Lan Viên làm nên một tác phẩm để đời. Nó không chỉ là sự ca ngợi tình cảm gia đình, tình yêu quê hương sâu sắc mà nó còn nhằm ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng và cao quý. Sẽ mãi mãi là những hành trang để con chắp cánh bay vào tương lai.

  • 118 lượt xem
Cập nhật: 08/09/2021

Xem thêm bài viết khác

Xem thêm Ngữ văn 9 tập 2