Nội dung chính bài Viếng lăng Bác
Câu 2: Hãy nêu ngắn gọn những nội dung chính và chi tiết kiến thức trọng tâm bài học " Viếng lăng Bác "
Bài làm:
Nội dung bài gồm:
A. Ngắn gọn những nội dung chính
1. Giới thiệu chung
- Tác giả: Viễn Phương (1928 – 2005): Thơ ông thường nhỏ nhẹ, giàu tình cảm, giàu chất mộng mơ ngay trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến trường.
- Bài thơ: sáng tác trong dịp sau khi cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc thắng lợi, đất nước thống nhất, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vừa khánh thành, Viễn Phương ra thăm miền Bắc, vào lăng viếng Bác Hồ và in trong tập thơ “Như mây mùa xuân” (1978).
2. Phân tích bài thơ
a. Cảm xúc của tác giả trước khi vào lăng viếng Bác:
Khổ thơ thứ nhất một lời thông báo thể hiện tâm trạng vô cùng xúc động của một người con từ miền Nam được ra viếng Bác.
“ Con…Bác”
- Cách xưng hô trong gia đình của người con với cha mẹ. Câu thơ gọn như một lời thông báo, nhưng gợi ra tâm trạng xúc động của một người từ chiến trường miền Nam sau bao nhiêu năm mong mỏi bây giờ mới được ra viếng lăng Bác.
- Viếng: trang trọng, khẳng định sự thật Bác đã mất.
- Thăm: đến gặp gỡ, trò chuyện, hỏi han để biết được tình hình, tỏ sự quan tâm-> nói giảm, gợi sự gần gũi, thân mật => Bác chưa ra đi, Bác vẫn sống trong trái tim mọi người: Con về thăm Cha, thăm nhà Bác ở, thăm nơi Bác nằm.
- Hàng tre: Bát ngát, xanh xanh, bão táp mưa sa đứng thẳng hàng
=> Không chỉ tả thực, còn nhân hóa, liên tưởng tượng trưng
=> Hàng tre biểu tượng cho cây cối mang màu xanh đất nước, sức sống bền bỉ, dẻo dai của d/tộc đã tập trung về chung quanh Bác, canh cho giấc ngủ của Người.
=> Niềm xúc động thành kính.
Khổ thơ thứ hai:
Hai câu thơ đầu:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”.
- Mặt trời 1: Mặt trời trên lăng là một vật thể tự nhiên được dùng theo nghĩa thực để diễn tả hình ảnh ngày lại ngày từ sáng đến tối mặt trời chiếu trên lăng Bác =>đem ánh sáng và sự sống cho mọi vật trên trái đất xong cũng có lúc bị mây che u ám
- Mặt trời trong lăng: Là một ẩn dụ, ví ngầm Bác như mặt trời rất đỏ nằm trong lăng luôn luôn tỏa sáng, vĩnh hằng, có giá trị gợi cảm: ý nói Bác như ánh mặt trời soi đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam, xóa bỏ cuộc sống nô lệ tăm tối, đem hạnh phúc no ấm cho nhân dân, độc lập tự do cho Tổ Quốc.
Câu thơ tiếp theo tả thực dòng người đi trong không gian hết sức đặc biệt - không gian thương nhớ vào viếng Bác:
" Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…”
- “Kết tràng hoa…xuân” → ẩn dụ → sự sáng tạo của nhà thơ.Dòng người như vô tận vào viếng Bác trở thành tràng hoa dâng lên Bác với tấm lòng thành kính thiêng liêng.
b Cảm xúc của tác giả khi vào viếng lăng Bác:
- Khung cảnh và không khí thanh tĩnh như ngưng kết cả thời gian và không gian trong lăng:
“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!
- " Bác nằm …yên... dịu hiền" → Bác nằm thanh thản như đang ngủ- một giấc ngủ rất đỗi bình yên trong ánh sáng dịu như vầng trăng trong lăng.
- “Giấc ngủ bình yên”: nói giảm nói tránh nhằm giảm đi nỗi đau, vừa thể hiện thái độ nâng niu, trân trọng giấc ngủ của Bác.
- “vầng trăng sáng dịu hiền”: nhân hóa chỉ ánh đèn tỏa ra từ lăng, đó cũng là ẩn dụ chỉ vẻ đẹp tâm hồn thanh cao của Người.
- Niềm biết ơn thành kính dần chuyển sang sự xúc động nghẹn ngào khi tác giả nhìn thấy Bác: “Trời xanh”- ẩn dụ Bác trường tồn, vĩnh hằng cùng non sông đất nước.
=> Nhà thơ dùng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “nghe nhói ở trong tim”, nhà thơ như nghe thấy nỗi đau cứ nhức nhối như cắt cứa trong tim mình.
c. Cảm xúc của tác giả khi rời lăng:
- “Mai về miền Nam thương trào nước mắt”: cảm xúc trực tiếp lưu luyến không muốn rời xa.
- Phép liệt kê, ẩn dụ “con chim, đóa hoa, cây tre” cùng với điệp ngữ “muốn làm”: niềm dâng hiến tha thiết,mãnh liệt, muốn làm một điều gì đó vì Bác.
- Hình ảnh cây tre được lặp lại tạo kết cấu đầu cuối tương ứng: Muốn làm con chim hót .. đóa hoa tỏa hương , cây tre trung hiếu → được bên Bác canh giấc ngủ cho Người
=> Chủ thể “con” đến đây không xuất hiện thẻ hiện ước nguyện này không phải của riêng tác giả mà là của tất cả mọi người, của dân tộc ta đối với Bác.
=> Tâm trạng lưu luyến, mong ước được ở mãi bên Bác.
B. Phân tích chi tiết nội dung bài thơ
1. Cảm xúc của tác giả trước khi vào lăng viếng Bác:
Từ chiến trường miền Nam, nhà thơ Viễn Phương mang theo bao tình cảm thắm thiết của đồng bào và chiến ra viếng lăng Bác Hồ kính yêu. Đây là cuộc hành hương của người chiến sĩ. Từ xa, nhà thơ đã nhìn thấy hàng tre ẩn hiện trong sương khói trên quảng trường Ba Đình lịch sử:
" Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”.
Hàng tre trong câu thơ mang ý nghĩa biểu tượng. Cây tre, hàng tre "đứng thẳng hàng" trong làn sương mỏng, ẩn hiện thấp thoáng, mang màu sắc xanh xanh. "Hàng tre xanh xanh" vô cùng thân thuộc được nhân hóa, trải qua "bão táp mưa sa "vẫn "đứng thẳng hàng" như dáng đứng của con người Việt Nam kiên cường, bất khuất trong bốn nghìn năm lịch sử.
2. Cảm xúc của tác giả khi vào viếng lăng Bác:
- Hai câu thơ sóng nhau, hô ứng nhau với hai hình ảnh mặt trời. Một mặt trời thiên nhiên, rực rỡ, vĩnh hằng "Ngày ngày... đi qua trên lăng", và "Một mặt trời trong lăng rất đỏ" - hình ảnh Bác Hồ vĩ đại. Màu sắc "rất đỏ" làm cho câu thơ có hình ảnh đẹp gây ấn tượng sâu xa hơn, nói lên tư tưởng cách mạng và lòng yêu nước nồng nàn của Bác:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
- Hình ảnh những dòng người đi trong thương nhớ kết thành những tràng hoa không chỉ là hình ảnh tả thực so sánh những dòng người xếp thành hàng dài vào lăng Bác trông như những tràng hoa vô tận. Nó còn có nghĩa tượng trưng: cuộc đời của họ đã nở hoa dưới ánh sáng của Bác. Những bông hoa tươi thắm đó đang đến dâng lên Người những gì tốt đẹp nhất. “Dâng bảy mươi chín mùa xuân". Đây là hình ảnh hoán dụ mang ý nghĩa tượng trưng. Con người bảy mươi chín mùa xuân ấy đã sống một cuộc đời đẹp như những mùa xuân và đã làm ra những mùa xuân cho đất nước, cho con người.
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.
Khổ thơ thứ ba nói về sự vĩnh hằng bất diệt của Bác. Bác như đang nằm ngủ một giấc ngủ "bình yên", trong một khung cảnh thơ mộng. Giờ đây, nhà thơ cảm thấy "Bác yên ngủ" một cách thanh thản "giữa một vầng trăng dịu hiền ”. Nhìn "Bác ngủ ", nhà thơ đau đớn và xúc động. Câu thơ "mà sao nghe nhói ở trong tim " diễn tả sự đau đớn, tiếc thương đến cực độ. Viễn Phương có một lối viết hàm súc, đầy thi vị; câu chữ để lại nhiều ám ảnh trong lòng người đọc.
Bác như đã hoá thân vào thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam ta, Tố Hữu đã từng viết “Bác sống như trời đất của ta” Song dù vẫn biết Bác sẽ sống mãi trong trái tim mỗi người, nhưng sự thật Bác đi xa vẫn khiến cho tác giả và nhân dân cả nước, nhân dân thế giới bàng hoàng đau đớn, xót xa mà không giấu được những tiếng khóc nghẹn ngào thương tiếc
3. Cảm xúc của tác giả khi rời lăng:
Khổ thơ cuối nói lên cảm xúc của nhà thơ khi ra về. Biết bao lưu luyến, buồn thương:
"Mai về miền Nam, thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng
Muốn làm bông hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này".
Vì tình cảm mãnh liệt dành cho người cha già vĩ đại mà tác giả “muốn là con chin” để dâng lên tiếng hót vui, “muốn là đoá hoa” dâng hương thơm ngát, “muốn làm cây tre trung hiếu” canh gác chi giấc ngủ yên lành của Bác. Nghệ thuật ẩn dụ con chim, nhành hoa, cây tre chỉ nhà thơ Viễn Phương người muôn hóa thân vào những gì nhỏ bé nhưng đẹp đẽ để được gần gũi nơi Bác yên nghỉ. Điệp ngữ “muốn làm” điệp cấu trúc điệp cách phô diễn càng làm cho những ước nguyện chân thành tha thiết. Ý thơ sâu lắng, hình ảnh thơ đẹp và độc đáo, cách biểu hiện cảm xúc "rất Nam Bộ". Đây là những câu thơ trội nhất trong bài Viếng lăng Bác.
4. Tổng kết
- Nội dung-Ý nghĩa: Bài thơ thể hiện tâm trạng xúc động, tấm lòng thành kính, biết ơn sâu sắc của tác giả khi vào lăng viếng Bác.
- Nghệ thuật:
- Giọng điệu bài thơ vừa trang nghiêm, sâu lắng, vừa thiết tha, đau xót, tự hào, phù hợp với nội dung, cảm xúc của bài.
- Viết theo thể thơ tám chữ có đôi chỗ biến thể, cách gieo vần và nhịp điệu thơ linh hoạt.
- Sáng tạo trong việc xây dựng hình ảnh thơ, kết hợp cả hình ảnh thực, hình ảnh ẩn dụ, biểu tượng có ý nghĩa khái quát và giá trị biểu cảm cao
- Lựa chọn ngôn ngữ biểu cảm, sử dụng các ẩn dụ, điệp từ hiệu quả.
Xem thêm bài viết khác
- Nội dung chính bài Bố của Xi mông
- Soạn văn bài: Phép phân tích và tổng hợp
- Một hiện tượng khá phổ biến hiện nay là vứt rác ra đường. Ngồi bên hồ, người ta cũng tiện tay vứt rác xuống... Em hãy đặt một nhan đề gọi ra hiện tượng ấy và viết bài viết.
- Soạn văn bài: Mây và sóng
- Nội dung chính bài Tiếng nói của văn nghệ
- Nêu lên diễn biến tâm trạng của Phi-líp qua các giai đoạn: khi gặp Xi-mông; trên đường đưa Xi-mông về nhà; khi gặp chị Blăng-sốt; lúc đối đáp với Xi-mông.
- Viết một đoạn văn nêu cảm nhận về nhân vật Phương Định
- Trong các đoạn trích (từ truyện ngắn Làng của Kim Lân) dưới đây, những câu in đậm có phải là câu chứa hàm ý hay không? Vì sao?
- Giá trị nội dung và nghệ thuật văn bản Bố của Xi-mông
- Hãy ghi lại biên bản họp lớp tuần vừa qua
- Nội dung chính bài Bến quê
- Những suy nghĩ của em về tình mẫu tử trong đoạn trích trong lòng mẹ ( Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng)