Đề 2: Người ấy (bạn, thầy, người thân...) sống mãi trong lòng tôi
Bài viết tập làm văn số 1 - ngữ văn lớp 8 đề 2: Người ấy (bạn, thầy, người thân...) sống mãi trong lòng tôi. Thông qua bài viết sẽ giúp các em ôn lại cách viết bài văn tự sự, chú ý tả người, kể việc, kể những cảm xúc trong tâm hồn mình... Sau đây, KhoaHoc gửi đến cho bạn đọc những bài văn mẫu hay nhất về người sống mãi trong lòng mình, mời các bạn cùng tham khảo.
Nội dung bài gồm:
- Bài mẫu 1: Người ấy sống mãi trong lòng tôi - người mẹ
- Bài mẫu 2: Người ấy sống mãi trong lòng tôi - ông ngoại
- Bài mẫu 3: Người ấy sống mãi trong lòng tôi - thầy cô
Bài mẫu 1: Người ấy sống mãi trong lòng tôi - người mẹ
Dàn bài
- Mở bài: Giới thiệu người sống mãi trong lòng tôi đó là mẹ
- Thân bài:
- Mẹ nằm viện, con chợt thấy mẹ thật quan trọng, con ân hận với những việc làm chưa tốt với mẹ...
- Nhớ lại những kỉ niệm của hai mẹ con, những lần con làm mẹ buồn...
- Mẹ luôn mong muốn, chăm chút cho con những điều tốt đẹp nhất.
- Mẹ chỉ cầu mong được gánh hết bệnh tật của con, mẹ nhường con sức sống.
- Với con, mẹ là ngọn đèn rọi sáng ngày mai tươi đẹp. Mẹ, mẹ sống mãi trong lòng con.
- Giờ đây, ngọn đèn nồng ấm kia đang dần lụi tàn trước cơn gió cuộc đời, mẹ ốm nặng đến không gượng dậy được, con hối hận, tiếc nuối
- Kết bài: Mẹ đã hi sinh vì con quá nhiều. Bây giờ con khóc nghẹn ngào vì con đã biết nói câu: “Mẹ ơi, con yêu mẹ nhiều lắm!
Bài làm
Mẹ ốm, nằm trong bệnh viện được mấy ngày mà cả nhà như đảo lộn hết lên. Tôi khóc râm rứt từng đêm rồi thiếp ngủ trong nỗi lo về mẹ. Chưa bao giờ tôi thấy nhớ, thấy thương mẹ như lúc này, và chưa bao giờ tôi nhận ra trong lòng mình, mẹ lại quan trọng đến thế!
Mẹ ơi, đã bao lần con không học bài, làm bài, bị điểm kém; mẹ đã mắng con nhưng rồi con lại mắc lỗi, lại bị điểm kém. Mẹ thở dài. Trên trán mẹ lại có thêm những nếp nhặn.
Rồi nhiều lần con cư xử thiếu lễ độ với mẹ, với mọi người trong gia đình, mẹ đã ôn tồn nhắc nhở con chú ý đến lời ăn tiếng nói, nhưng con bướng bỉnh, không nghe theo, vẫn chứng nào tật ấy. Mẹ chẳng biết nói gì thêm, chỉ lặng buồn.
Nhớ lại bao lần mẹ nhắc con sắp xếp lại bàn học, phòng ngủ hay đơn giản chỉ là gấp lại cái chăn nhưng con cũng không làm. Mẹ cặm cụi làm hết hộ con. Mẹ lại buồn. Và hình như mẹ đã khóc, dù chỉ một chút và dù mẹ đã vội lau ngay. Mẹ ơi, dù con có mắc lỗi bao nhiêu lần nhưng mẹ cũng đều tha thứ. Trong kí ức non nớt, bồng bột, con cứ tưởng lỗi lầm ấy rồi cũng sẽ phai mờ. Nhưng với mẹ, mẹ vẫn nhớ tất cả những lần ấy như nhớ những vết thương lòng còn in sâu lại mãi. Nó có thể chữa lành bởi thời gian và tình mẹ thương con nhưng không thể biến mất hoàn toàn vết sẹo như dấu ấn còn khắc tạc. Con thấy rõ điều ấy trong tiếng thở dài của mẹ, trên vầng trán có đầy những nếp nhăn và qua những giọt nước mắt mặn chát mà con không bao giờ đếm nổi là bao nhiêu.
Có phải con đã vô tâm quá, ngỗ ngược quá không hả mẹ?
Mẹ muốn con gái của mẹ có quần áo đẹp mỗi sáng đi đến lớp đến trường. Mẹ muốn con được ăn no, có áo ấm, có giày đi học khi trên ti vi báo trời trở rét. Mẹ muốn con ngoan ngoãn, học giỏi, biết vươn lên cùng bạn bè. Mẹ đã thức suốt đêm, đôi mắt trũng uống lo âu khi con bị ốm phải nghỉ học. Mẹ đã khóc, ôm chặt con vào lòng... bởi mẹ thương con không ăn uống được gì, thương con đau ốm, thương con hổn hển từng cơn. Mẹ chỉ cầu mong được gánh hết bệnh tật của con, mẹ nhường con sức sống.
Lên học lớp Tám, con mới biết quét nhà, nấu cơm, tự dọn dẹp và sắp xếp bàn học, phòng ngủ của mình. Thấy con làm, mẹ ngắm nhìn rồi bất giác nước mắt rơi không kìm lại được. Cuối học kì I, con đạt danh hiệu học sinh giỏi. Lúc con khoe mẹ tờ giấy khen, tay mẹ run lên vì xúc động, vì sung sướng. Mẹ lại ôm con vào lòng như ngày con còn thơ bé. Mẹ không nói gì, nhưng con ướt đôi bờ vai.
Mẹ ơi, đã bao lần mẹ mong chờ ở con một tiếng lòng “con thương mẹ...”. Chỉ một tiếng ấy thôi cũng đủ làm mẹ hạnh phúc; làm mẹ quên đi những lo toan, mệt mỏi trong cuộc sống. Nhưng con đã vô tâm, vô tình không làm được. Buồn thay, con lại cho rằng đó là điều giả tạo, chẳng hợp với con. Làm sao đôi môi khô khan lại có thể vang lên những tiếng ngọt ngào? Bao giờ con mới biết ôm lấy mẹ và cất lên tiếng gọi thiết tha: “Mẹ ơi, con thương mẹ nhiều lắm! Mẹ chỉ dám thầm mong trong tâm khảm, chưa khi nào mẹ nói thành lời.
Mẹ ơi, mẹ đã cho con tất cả; tất cả nhưng chẳng nhận lại cho bản thân mình bất cứ thứ gì. Cả cuộc đời mẹ dành cả cho con. Tất cả chỉ xuất phát từ một điều giản dị luôn thường trực trong tâm hồn của mẹ: tình yêu thương mẹ dành cho con. Ánh mắt, nụ cười, bàn tay ấm áp của mẹ sẽ mãi theo con suốt cuộc đời. Có lúc con vô tâm quá, hờ hững quá. Có lúc, bỗng nhiên con thờ ơ với những người luôn đi bên cạnh con, ủng hộ con, giúp con đứng dậy. Rồi con chợt ngoảnh lại... và con đã nhìn thấy mẹ. Mẹ vẫn chờ con. Mẹ thật cao cả, vĩ đại làm sao! Con chỉ là một đứa trẻ nhỏ bé, yếu đuối được mẹ ôm ấp chở che. Với con, mẹ là ngọn đèn rọi sáng ngày mai tươi đẹp. Mẹ, mẹ sống mãi trong lòng con.
Giờ đây, ngọn đèn nồng ấm kia đang dần lụi tàn trước cơn gió cuộc đời, mẹ ốm nặng đến không gượng dậy được. Con hối hận, tiếc nuối. Con tự trách mình, nhưng đã quá muộn. Con chỉ còn biết thương mẹ đến lặng người dù tình cảm ấy chẳng thấm gì với tình thương mênh mông mẹ đã dành cho con. Tất cả những gì con có thể làm bây giờ là luôn luôn bên mẹ, chăm sóc mẹ để bù đắp lại những lỗi lầm của con một thời thơ dại, nông nổi, bồng bột. Con chỉ mong mẹ thấu hiểu được tấm lòng con.
Mẹ đã hi sinh vì con quá nhiều. Bây giờ con khóc nghẹn ngào vì con đã biết nói câu: “Mẹ ơi, con yêu mẹ nhiều lắm!”. Cho dù con có nói thêm bao nhiêu lần nữa thì con vẫn cảm thấy là không đủ. Con không biết rằng con sẽ phải làm gì để cho mẹ có thể hiểu được nỗi lòng của con. Nhưng con biết một điều sẽ mãi mãi tồn tại, sẽ không bao giờ phai nhạt là mẹ sống mãi trong lòng con. Và con biết rằng dù con chưa ngoan, thì con vẫn mãi mãi là con gái cưng của mẹ, và lòng mẹ sẽ không bao giờ hết yêu con.
Bài mẫu 2: Người ấy sống mãi trong lòng tôi - ông ngoại
Dàn bài
- Mở bài: Giới thiệu người sống mãi trong lòng tôi đó là ông ngoại
- Thân bài:
- Ngoại tôi giờ đã đi thật xa, những sâu thẳm trong trái tim tôi, hình ảnh ông không bao giờ phai nhạt.
- Ngoại tôi tính tình hiền lành, nhân hậu, cái đức tính chăm chỉ làm lụng ấy không lúc nào làm ông có thể nghỉ tay
- Với ông tôi có nhiều kỉ niệm mà có lẽ rằng suốt cuộc đời này, không bao giờ tôi có thể quên được.
- Ngày hôm đó, cả thế giới quanh tôi như sụp đổ khi ba trở về, báo tin ngoại mất.
- Hôm nay đã sắp đến ngày giỗ ngoại, thế mà 10 năm đã trôi qua....
- Kết bài: Tôi sẽ mãi nhớ lời dạy của ngoại và không bao giờ quên được hình ảnh đáng kính của nggoại tôi, người luôn yêu thương và che chở tôi
Bài làm
Hẳn trong tất cả chúng ta, ai ai cũng giữ cho mình những hình ảnh những kỉ niệm đẹp của 1 người nào đó trong sâu thẳm trái tim. Và tôi cũng vậy, dành tất cả trái tim mình, tôi khắc sâu hình ảnh đáng kính người mà tôi yêu thương nhất trong đại gia đình thân yêu của tôi - ông ngoại.
Ngoại tôi giờ đã đi thật xa, những sâu thẳm trong trái tim tôi, hình ảnh ông không bao giờ phai nhạt. Đó là một người đàn ông đẹp lão với vóc dáng thanh mảnh và đôi mắt sâu, cái cửa sổ tâm hồn đượm buồn nhưng tràn đầy sức sống. Đằng sau đôi mắt đó là bao nỗi nhọc nhằn, lo toan mà những vết nhăn chứng minh đã hằn sâu bên khóe mắt. Nhìn vào gương mặt với làn da ngăm ngăm của ông, có lẽ điều nổi bật nhất chính là đôi môi rộng và hàm răng trắng đều tuy tuổi đã cao. Bằng chính đôi môi này ông đã dành cho lũ cháu trẻ chúng tôi những nụ hôn ấm áp, và cũng chính bởi bàn tay chai sận, khô ráp này đã từng nhiều đêm vỗ về cho tôi ngủ, nhiều đêm nhọc nhằn chăm sóc tôi khi ốm mà không có ba mẹ bên cạnh. Ngoại tôi vóc dáng không cao lớn, vạm vỡ như những người đàn ông khác bởi bao lo toan, vất vả không còn làm ông tôi còn cường tráng như thời còn trai trẻ. Cho dù đã già nhưng ngoại tôi không có thậm chí đến một sợi tóc bạc nào ,mái tóc cứ đen như thế mãi. Ngoại giản dị lắm, một bữa cơm đạm bạc với vài ba món, cũng chỉ diện bộ quần áo kaki màu xám đã cũ và vẫn đôi dép quai hậu màu đen mà bà ngoại tôi đã kể rằng nó đã theo ông từ thời còn kháng chiến.
Ngoại tôi tính tình hiền lành, nhân hậu. Cái đức tính chăm chỉ làm lụng ấy không lúc nào làm ông có thể nghỉ tay. Bà ngoại tôi luôn nói rằng: "Ông là người chồng tốt nhất nhưng hơi độc đoán!" Có lẽ bà ngoại tôi nói đúng, nhưng tôi tin chắc rằng chính bởi sự độc đoán của mình, ông tôi đã nuôi nấng 10 đứa con nên người, ai ai cũng ngoan ngoãn, cũng học hành đến nơi đến chốn. Tuy vậy, ông ngoại chưa bao giờ dành sự độc đoán của mình cho lũ cháu chung tôi. Ông luôn dành cho chúng tôi sự yêu thương vô bờ bến trong từng cử chỉ dịu dàng, từng lời nói tràn ngập tiếng cười nhưng đằng sau là cả những bài học bổ ích.
Với ông tôi có nhiều kỉ niệm mà có lẽ rằng suốt cuộc đời này, không bao giờ tôi có thể quên được. Biết bao nhiêu kỉ niệm từ thời ấu thơ được ông bồng bế, yêu chiều, được ông hát ru, được ngồi trên những chiếc xe đẩy ông làm,... Tất cả tuy giờ đã vào trong dĩ vãng.
Có 1 kỉ niệm mà tôi nhớ như in, không hề quên dù chỉ là 1 giây phút bé nhỏ về ngày hôm đó. 1 buổi sáng, ông đã đạp chiếc xe quen thuộc của mình để lên nhà đón tôi, 1 buổi sớm mai thật vui và tràn ngập tiếng cười. Cả tối đêm trước, ông đã ngồi hì hục, làm không ngơi tay cho xong chiếc ghế nhỏ trên xe đạp cho tôi. Lúc ông lên nhà, tôi vẫn đang còn ngủ, nhưng không bởi vì thế mà ông đánh thức tôi dậy, ông ngồi ngắm tôi ngủ và còn hát ru tôi ngủ nữa. Nghe tiếng hát của ông, tôi vội choàng mình tỉnh dậy.
- Cháu gái cưng của ông không ngủ nữa à? - Giọng ông dịu dàng
- Dạ không. Để Đen dậy rồi ông ngoại chở Đen đi chơi nha!
Ông khẽ gật đầu. Ông đã tự mình cầm chiếc bàn chải để đánh răng cho tôi, lau mặt cho tôi. Ông vẫn đèo tôi bằng chiếc xe đạp cũ nhưng với chỗ ngồi mới hơn. Và tôi tin chắc rằng, tôi sẽ được chơi một món đồ chơi mới do ông mới tìm ra. Và quả thật vậy, với cả những anh chị họ của tôi nữa. Chơi cả ngày tôi cũng thấm mệt, sau khi được ông cho ăn, tôi ngã lăn vào giấc ngủ. Ông còn mắng các anh chị vì làm ồn không cho tôi ngủ. Tối mẹ xuống đưa tôi về nhà nhưng tôi vẫn muốn ở lại bên ông. Mẹ mắng tôi một trận. Không hiểu sao hai hàng nước mắt cứ lăn dài ra mãi trên gương mặt của một đưa trẻ khi ấy như tôi. Tôi ôm chầm lấy ông vì tôi biết thế nào ông cũng sẽ bênh vực tôi. Ông bế xốc tôi lên và nói vs mẹ:
- Tối nay con để cháu ở lại ngủ với ông.
Và thế là mẹ về nhà. Tôi sung sướng vô cùng. Từng ngày lớn lên bên ông, cả tuổi thơ của tôi như ngập tràn trong hạnh phúc.
Vậy mà....
Ngày hôm đó, cả thế giới quanh tôi như sụp đổ khi ba trở về, báo tin ngoại mất. Tôi sững sờ, ngồi sụp xuống đất như 1 con búp bê vô hồn. Ông luôn là người thương yêu tôi nhất trên đời, là người luôn che chở, cưng chiều tôi. Vậy mà ông mãi ra đi, để lại trong tôi sự cô đơn và đau khổ. Tưởng chừng như khi ấy, tôi đã phải khóc cạn cả nước mắt, xung quanh như không còn một ai bên cạnh. Tôi không thể tin và cũng không bao giờ muốn tin kể từ nay tôi không được nghe ông kể chuyện, không được nghe tiếng ông vỗ về, k được ông chở trên chiếc xe đạp cũ, không có ai đi giữa mưa chỉ để mang cho tôi chiếc áo khoác khi để quên áo mưa ở nhà và cũng không còn được ông ôm vào lòng ru ngủ nữa,...
Hôm nay đã sắp đến ngày giỗ ngoại, thế mà 10 năm đã trôi qua. Từ sau ngày ngoại mất, tôi chẳng thể nào ngủ được, đêm nào nhớ đến ngoại, những hạt pha lê mỏng manh cứ thế vỡ òa trên mí mắt. Nhưng thật sự, dẫu có như thế nào, tôi vẫn phải đứng dậy như lời dặn của ngoại: "Dù sau này ngoại không bao giờ còn bên cháu gái cưng của ngoại nữa thì mỗi khi vấp ngã phải biết tự mình đứng dậy, phải trở thành 1 con người tốt, lúc nào cũng phải vui vẻ, mỉm cười trước cuộc sống"
Tôi sẽ mãi nhớ lời dạy của ngoại và không bao giờ quên được hình ảnh đáng kính của nggoại tôi, người luôn yêu thương và che chở, cưng chiều tôi trong suốt cuộc đời. "Con sẽ luôn nhớ những lời dạy đầy ý nghĩa của ngoại, nhớ mãi những câu chuyện và cả kho ca dao tục ngữ chẳng bao giờ vơi cạn của ngoại con và sẽ luôn làm theo lời ngoại dạy. Ngoại ơi! Đứa cháu gái ngoan hiền của ngoại yêu ngoại nhiều lắm!" Nếu giờ đây có riêng cho mình 1 điều ước tôi sẽ ước mình có thời gian bên ngoại để nói câu nói ấy, để hôn lên gương mặt ngoại, để xáo tan bao nỗi nhọc nhằn trong c/s mà ngoại tôi- người đàn ông tôi yêu thương nhất đã phải trải qua
Bài mẫu 3: Người ấy sống mãi trong lòng tôi - thầy cô
Dàn bài
- Mở bài: Giới thiệu người sống mãi trong lòng tôi đó là thầy cô
- Thân bài:
- Thầy cô là những người đưa đó cần mẫn, chúng ta là những khách đi đò, nhưng mấy ai qua sông còn nhớ người lái đò....
- Người cha, người mẹ có công ơn sinh thành dưỡng dục, và người thầy sẽ là người khuất sau bước đi của ta, đồng hành và cung cấp kiến thức cho tôi
- Thầy cô là những người đến và đi thầm lặng, họ yêu và thương chúng ta vô điều kiện,....
- Kết bài:Thầy cô, thiêng liêng và ý nghĩa hơn cả hai tiếng ấy, đó là tình yêu, là sự biết ơn và kính trọng.
Bài làm
Từ bao giờ, những câu hát du dương cứ ngân vang mãi trong lòng tôi, đó là những câu hát về người thầy, người cô vẫn “ lẵng lẽ đi về sớm khuya, từng ngày giọt mồ hôi rơi nhẹ trang giấy”. Đúng thế, những con người vĩ đại đã hi sinh, đã cống hiến để khi tóc thầy bạc chúng a vẫn còn xanh, khi tóc thầy bạc trắng, chúng ta đã khôn lớn rồi, chính thanh xuân của họ đã nuôi dưỡng thanh xuân nhỏ bé của ta, và giúp nó trở nên ý nghĩa gấp bội phần. và họ, tự nhiên đã sống mãi trong lòng tôi.
Thầy cô là những người đưa đó cần mẫn, chúng ta là những khách đi đò, nhưng mấy ai qua sông còn nhớ người lái đò năm ấy, nhớ những giọt mồ hôi thầm lặng rơi, nhớ những nụ cười hay những giọt nước mắt rỏ xuống biết bao lần cùng thanh xuân nhỏ bé này. Trong hành trình dài rộng của cuộc đời, trong những bài học cuộc sống dạy ta sau mỗi lần vấp ngã, trong những yên vui có khi lớn lao có khi bình dị luôn có bóng dáng người lái đò nhỏ bé thiêng liêng. Họ tạc vào núi sông những tên tuổi làm rạng danh non sông, họ đã cống hiến và hi sinh hết mình cho tương lai của dân tộc, vì sự nghiệp chung một cách nhiệt thành và máu lửa nhất. phải chăng vì vậy mà có câu hát cứ mãi bồi hồi “trái tim em đỏ rực như hoa phượng thắm”.
Người cha, người mẹ có công ơn sinh thành dưỡng dục, và người thầy sẽ là người khuất sau bước đi của ta, đồng hành và cung cấp cho ta những kho tri thức quý báu để chinh phục những ngọn núi của cuộc đời. Đến trường, ta đâu chỉ được học những kiến thức về văn hóa, xã hội mà đó trong từng lời giảng thấm trong câu chữ là tấm lòng của người giáo viên nhân dân mong gửi gắm cho ta những bài học làm người sâu sắc để ta trưởng thành. Có ai qua sông mà không bao giờ phải nhờ đò, có ai lớn lên mà không qua những lời giảng của thầy cô. Những đêm ngày “giáo án gối đầu giường” ấy luôn nung nấu và cũng chỉ bồn chồn một tâm niệm làm sao cho chúng ta cập bến thành công, cho xứng với công cha nghĩa mẹ, với hi vọng của dân tộc. Họ đến và đi thầm lặng, họ yêu và thương chúng ta vô điều kiện, họ chỉ đơn giản là những người làm vườn, cặm cụi vun trồng, bón, xới để ta là những mầm xanh được phát triển khỏe mạnh ra hoa kết trái tốt lành.
Chúng ta là những người được dìu dắt, bảo ban yêu thương và nâng đỡ, hơn ai hết chúng ta cần thấm nhuần truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo của dân tộc để có thể phát triển bền vững, không quên đi cội nguồn, gốc rễ của mình. Trong dòng đời vội vàng tấp nấp, đôi lúc cần sống chậm lại để chiêm nghiệm về những người đồng hành xung quanh, đừng chỉ biết lao đi như những con thiêu thân mà quên đi những giá trị vĩnh hằng đang tồn tại, quên đi những người thiêng liêng cho ta một nền tảng vững chãi, tuyệt vời.
Thầy cô, thiêng liêng và ý nghĩa hơn cả hai tiếng ấy, đó là tình yêu, là sự biết ơn và kính trọng. Đó là bông hoa cứ mãi ngát hương, cứ mãi tỏa sáng với cái tâm và cái tài của mình. Thầy cô, họ là người mà tôi muốn dặn lòng mình cần và học cách khắc ghi.
Xem thêm bài viết khác
- Kể về một việc em đã làm khiến bố mẹ vui lòng Bài viết số 2 lớp 8 đề 3
- Một Thái Bình đầy tiềm năng, xinh đẹp và trù phú của ngày nay
- Gạo tám Hải Hậu - sản vật nức tiếng Thành Nam
- Chứng minh rằng văn học của dân tộc ta luôn ca ngợi những ai biết “thương người như thể thương thân” và nghiêm khắc phê bình những kẻ thờ ơ Văn học và tình thương
- Đề 1: Dựa vào các văn bản Chiếu dời đô và Hịch tướng sĩ, hãy nêu suy nghĩ của em về vai trò của người lãnh đạo anh minh...
- Nghị luận về vấn đề: Chúng ta không nên học vẹt và học tủ
- Bài văn: Câu chuyện về một con vật nuôi có nghĩa, có tình bài mẫu 1
- Đề 5: Thuyết minh về một giống vật nuôi - văn mẫu 8
- Kể lại một kỉ niệm đáng nhớ trong cuộc đời học sinh của em
- Bài văn: Thuyết minh về một loài hoa mà em yêu thích bài mẫu 1
- Đề 6: Giới thiệu một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam (như chiếc nón lá, chiếc áo dài, trò chơi thả diều)
- Bài văn: Thuyết minh về một đồ dùng trong học tập hoặc sinh hoạt bài mẫu 2