Đề 2: Từ bài "Bàn luận về phép học của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa "học" và "hành"
Bài viết tập làm văn số 6 - ngữ văn lớp 8 đề 2: Từ bài "Bàn luận về phép học của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa "học" và "hành". Sau đây, KhoaHoc gửi đến cho bạn đọc những bài văn mẫu hay nhất, mời các bạn cùng tham khảo.
Nội dung bài gồm:
- Dàn ý chung
- Bài mẫu 1: Từ bài "Bàn luận về phép học của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa "học" và "hành"
- Bài mẫu 2: Từ bài "Bàn luận về phép học của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa "học" và "hành"
- Bài mẫu 3: Từ bài "Bàn luận về phép học của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa "học" và "hành"
Dàn ý chung
1. Mở bài:
- La Sơn Phu Tử đã viết cần phải "theo điều học mà làm".
- Đó là một trong những phương pháp quyết định tới sự thành công của người học.
2. Thân bài:
- Học là quá trình ta tiếp thu kiến thức cho bản thân mình thông qua sách vở, quá trình giao tiếp với mọi người xung quanh
- Rõ ràng từ xưa ông cha ta đã đề cao việc học phải đi đôi với hành
- Nếu “học” mà không “hành” tức là nắm vững lí thuyết mà thiếu kĩ năng, thiếu kinh nghiệm thực tế, làm việc dễ thất bại, trở thành người vô dụng
- Ngược lại nếu hành mà không có lí luận, lí thuyết soi sáng và kinh nghiệm đã được đúc kết dẫn dắt thì việc ứng dụng vào thực tiễn sẽ lúng túng
- Nếu vừa “học” vừa “hành” thì vừa nắm vững lí thuyết vừa có kĩ năng vững vàng, hình thành kinh nghiệm thực tế, ít sai sót, dễ hoàn thành công việc và thành công trong cuộc sống
- Vậy muốn học và hành có hiệu quả mỗi người cần phải học và hành một cách chân chính.Trước hết, theo La Sơn Phu Tử là phải học lấy cái gốc của tri thức
3. Kết bài:
- Khẳng định quan điểm của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp luôn đúng ở mọi thời đại
- Mỗi người hãy lựa chọn cho mình mục đích học tập đúng đắn nhất để đi tới được thành công.
Bài mẫu 1: Từ bài "Bàn luận về phép học của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa "học" và "hành"
Bài làm
Mỗi người khi sinh ra đều phải học. Nhưng học như nào để có hiệu quả.? Từ xưa vấn đề này đã được các nhà thông thái bàn tới. Trong bài tấu "Bàn luận về phép học" gửi vua Quang Trung, La Sơn Phu Tử cũng có viết, cần phải "theo điều học mà làm". Điều đó nói lên tầm quan trọng của phương pháp học đi đôi với hành, một trong những phương pháp quyết định tới sự thành công của người học.
Cốt lõi của việc học là rèn luyện con người thành người tố. Học để làm người tốt đẹp, có nhân cách cao thượng, biết phân biệt lẽ đúng sai. Học để giữ gìn đạo lí ở đời. Học là quá trình ta tiếp thu kiến thức cho bản thân mình thông qua sách vở, quá trình giao tiếp với mọi người xung quanh. Học là cách ta nắm vững lí luận đã được đúc kết trong các bộ môn khoa học, đồng thời tiếp nhận những kinh nghiệm của cha anh đi trước, trau dồi kiến thức, mởmang trí tuệ, từng lúc cập nhật hóa sự hiểu biết của bản thân. Hành là hành động, là hoạt động, là làm, là thực hành. Học đi đôi với hành có nghĩa là vừa học lí thuyết vừa thực hành, vận dụng; lấy lí thuyết soi sáng thực hành, lấy thực hành củng cố lí thuyết. "Theo điều học mà làm" có nghĩa là biến những kiến thức đã học được vận dụng vào trong thực tế. phải biết làm theo những điều đã học để phục vụ lao động sản xuất, để ứng dụng vào cuộc sống.
Trong phần cuối của bài tấu, đã bàn về phép học (Luận học pháp) : “Học phải rộng sau đó tóm gọn theo điều học mà làm”. Rõ ràng từ xưa ông cha ta đã đề cao việc học phải đi đôi với hành. Theo Nguyễn Thiếp, mục đích của việc học là học để làm người tốt đẹp, có nhân cách cao thượng; học để biết phân biệt lẽ đúng sai; học để giữ gìn kỉ cương và đạo lí ở đời. Nghĩa là phải biến những điều đã học được thành hành động cụ thể để tạo ra một hiệu quả nhất định. Học và hành là hai mặt của một quá trình thống nhất, nó không thểtách rời mà phải luôn gắn chặt với nhau làm một. Học là để hiểu biết còn hành làđể quen tay. Chúng ta cần hiểu rõ “hành” vừa là mục đích vừa là phương pháp học tập. Một khi đã nắm vững kiến thức, đã tiếp thu lí thuyết mà ta không vận dụng vào thực tiễn, thì học cũng trở nên vô ích. Bởi thế học và hành hết sức quan trọng và có mối quan hệ mật thiết.
Nếu “học” mà không “hành” tức là nắm vững lí thuyết mà thiếu kĩ năng, thiếu kinh nghiệm thực tế, làm việc dễ thất bại, trở thành người vô dụng. Một đất nước có nhiều người hay chữ, đó là điều tốt. Tuy nhiên, điều đó cũng đem đến những hạn chế to lớn nếu chỉ có văn hay chữ tốt mà không biết vận dụng nó vào trong đời sống, khiến cho những kiến thức có được trở nên có ích cho đời cho xã hội. Giống như muôn hoa đua nở trên cành mà không thơm hương, tuy đẹp mà vô dụng vậy. Thực tế hiện nay, có nhiều bạn trẻ khi rời ghế nhà trường vào một nhà máy, một cơ quan... lúng túng không biết phải làm công việc mà chuyên môn mình đã được học như thế nào dẫn đến gặp rất nhiều khó khăn, nhiều khi là sự hoang mang, chán nản. Nguyên do là “học” mà không “hành”, là do học không thấu đáo, khi còn ngồi trên ghế nhà trường không thật sự chuyên tâm, rèn luyện, trau dồi kiến thức hoặc thiếu môi trường hoạt động. Không thể học sáo rỗng, có thể đọc thiên kinh vạn quyển, "chữ chứa đầy bụng", nhưng khi bước vào đời thì ngu ngơ, rỗng tuếch, trở thành kẻ "thầy dở, thợ dốt". Vì không "học đi đôi với hành", vì không biết "theo điều học mà làm" nên nhiều người "đua học hình thức cầu danh lợi" như La Sơn đã chê trách. Cho nên học tập phải thiết thực và hữu ích.
Ngược lại nếu hành mà không có lí luận, lí thuyết soi sáng và kinh nghiệm đã được đúc kết dẫn dắt thì việc ứng dụng vào thực tiễn sẽ lúng túng, gặp rất nhiều khó khăn trở ngại, thậm chí có khi còn dẫn đến những sai lầm to lớn nữa. La Sơn Phu tử cũng đã chú ý đến vấn đề này. Ông dặn dò: “Cứ theo điều học mà làm”. Nghĩa là, khi làm việc không được rời xa điều đã học, đảm bảo đúng đắn, chính xác, không sai lệch. Nền chính học được xây dựng dựa trên những điều đã được kiểm nghiệm thực tế, nếu lý thuyết đã được khẳng định thì nên tuân theo, không nên làm khác đi. Điều khác biệt, cái mới, cái sáng tạo sẽ được tôn trọng và đề chỉ khi nó đúng, còn nếu làm khác một cách cố chấp, mù quáng thì có khác chi là ngu xuẩn vậy.
Nếu vừa “học” vừa “hành” thì vừa nắm vững lí thuyết vừa có kĩ năng vững vàng, hình thành kinh nghiệm thực tế, ít sai sót, dễ hoàn thành công việc và thành công trong cuộc sống. Thông thuộc kinh sử, sách vở cổ kim là điều mà các bậc danh nho luôn chú tâm. Phải biết một cách chắc chắn rồi mới làm. Qua thực tế mà tự hoàn thiện bản thân, hạn chế được sai lầm, thiệt hại, tránh làm cho bản thân hoặc người khác bị tổn thất. Nước ta đang trên dường phát triển và hội nhập quốc tế, cho nên "học đi đôi với hành", "theo điều học mà làm" là những phương châm giúp chúng ta cải tiến phương pháp học tập. Các môn khoa học tự nhiên là cực kì quan trọng, sẽ trang bị cho thanh thiếu nhi bao kiến thức khoa học, kĩ thuật hiện đại. Phòng thư viện, phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, nhất là phòng máy tính,... đã và đang được xây dựng, phát triển ở các trường tiểu học, trường phố thông trên phạm vi cả nước đã cho thấy việc "học đi đôi với hành", "theo điều học mà làm" được ngành giáo dục và xã hội quan tâm, coi trọng như thế nào.
Vậy muốn học và hành có hiệu quả mỗi người cần phải học và hành một cách chân chính. Trước hết, theo La Sơn Phu Tử là phải học lấy cái gốc của tri thức. Phải học có hệ thống một cách bài bản, kĩ lưỡng, không được lơ là. Thông hiểu tri thức, thấu hiểu lí lẽ ở đời mới giúp con người có hành động đúng đắn, công việc được trôi chảy. Từ đó đạo đức cũng được đề cao, đạo học được khẳng định mạnh mẽ. Việc nắm vững tri thức sẽ làm nảy sinh khát vọng làm việc và cống hiến của con người. Điều đó là rất đúng, vì vậy đểhọc và hành có ý nghĩa, chúng ta thử bàn bạc về mối quan hệ giữa học và hành. Nếu chỉ học vì mục đích lấy danh thơm đểchứng tỏ với mọi người là ta có học thì chỉ uổng phí và mất thời gian. Hoặc nhiều người đi học để lấy điểm, lấy bằng cấp, theo đuổi chức vụ là những người phục vụ cá nhân, ích kỉ mà không vận dụng kiến thức để làm sao cho có sản phẩm quả là đáng trách. Chính vì vậy nên học không hành là vô ích, hành không học thì không có hiệu quả. Vì vậy, chúng ta phải kết hợp học đi đôi với hành. Sự kết hợp này chắc chắn đạt được kết quả cao. "Học đi đôi với hành", "theo điều học mà làm" là phương châm, phương pháp giúp học sinh, sinh viên phát huy tinh thần chủ động, năng động trong học tập, sớm xác định được mục tiêu học tập đúng đắn. Học để mở mang tầm hiểu biết, để trở thành người lao động có kĩ thuật, có khoa học để phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Qua phân tích tác dụng của việc “học đi đôi với hành” ta thấy quan điểm của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp luôn đúng ở mọi thời đại, đây là một phương pháp học đúng đắn và hiệu quả nhất. Chính vì thế mỗi người hãy lựa chọn cho mình mục đích học tập đúng đắn nhất để vận dụng phương pháp học đi đôi với hành này để có thể đi tới được thành công của chính mình đồng thời đem lại lợi ích cho quốc gia xã hội.
Bài mẫu 2: Từ bài "Bàn luận về phép học của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa "học" và "hành"
Bài làm
Trong bài tấu gửi vua Quang Trung vào tháng 8 năm 1791,ở phần “ Bàn luận về phép học”, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp có viết: “Học rộng rồi tóm lại cho gọn, theo điều học mà làm”. Như vậy, cách chúng ta mấy trăm năm, La Sơn Phu Tử đã nhận ra được tầm quan trọng của phương pháp học tập kết hợp giữa lí thuyết với thực hành. Điều đó cho chúng ta biết rằng giữa hai yếu tố “học” và “hành” có mối quan hệ mật thiết với nhau không thể tách rời.
Vậy, “học” là gì? Học là quá trình tiếp thu tri thức và biến những tri thức được tiếp thu ấy thành vốn hiểu biết của bản thân. Việc học không chỉ đơn thuần thông qua việc hướng dẫn giảng dạy của thầy cô, sự truyền thụ kinh nghiệm của những người lớn tuổi mà còn thông qua sự trao đổi với của bạn bè, qua việc đọc, nghiên cứu tài liệu, sách vở và quan sát từ thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, “học” chỉ dừng lại ở khâu lí thuyết. Muốn biến những điều đã học thành thực tế, nhất thiết phải thông qua lao động thực hành.
“Hành” là những thao tác nhằm vận dụng các kĩ năng, kiến thức đã tiếp thu vào việc giải quyết những tình huống, những vấn đề cụ thể. Không một môn học nào lại không có phần thực hành.Việc thực hành thể hiện qua các bài tập sau khi vừa học lí thuyết,qua các tiết thí nghiệm thực hành các bộ môn Lý ,Hóa ,Sinh; qua các thao tác vận động ở bộ môn Thể dục.Theo La Sơn Phu Tử trình bày trong phần “ bàn luận về phép học” thì “hành” là việc vận dụng đạo lý của thánh hiền vào cuộc sống, biến những triết lý trừu tượng thành việc làm cụ thể nhằm thể hiện nhân cách, phẩm giá của con người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói: ‘Học mà không hành thì học vô ích, hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Lời dạy trên của Bác cũng góp phần khẳng định mối quan hệ mật thiết và tương hỗ giữa hai yếu tố “học” và “hành” trong cuộc sống. Việc thực hành có tác dụng củng cố kiến thức, khắc sâu những điều đã học. Người có học mà không biết ứng dụng những điều đã học vào thực tế thì việc học ấy trở thành vô ích. Sau mỗi bài học lí thuyết là bài bài tập để củng cố, sau mỗi tiết thí nghiệm thực hành là kiến thức đã học được khắc sâu hơn. Nếu không có những tiết bài tập và thí nghiệm thì những điều chúng ta đã học sẽ trở thành mớ lý thuyết suông không có tác dụng gì.
Đối với sĩ tử ngày xưa, đi học là để hiểu rõ Đạo. Đó là lẽ đối xử hằng ngày giữa con người với nhau. Người đi học mà không hiểu rõ đạo, không biết vận dụng đạo lý thánh hiền để cư xử với nhau mà chỉ “đua nhau lối học hình thức hòng cầu danh lợi,không còn biết đến tam cương, ngũ thường”. Chắc chắn điều đó sẽ dẫn đến kết quả “chúa tầm thường thần nịnh hót”. Và hậu quả tất yếu sẽ là “ nước mất nhà tan ”. Ngược lại, nếu mọi người biết vận dụng lẽ đạo vào trong cuộc sống thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn nhiều. La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đã nhấn mạnh “Đạo học thành thì người tốt nhiều,người tốt nhiều thì triều đình ngay ngắn mà thiên hạ thịnh trị”
Tuy nhiên việc thực hành muốn đạt đến thành công cần phải có vai trò khơi gợi dẫn dắt của lí thuyết. Những kiến thức đã học luôn có tác dụng định hướng, dẫn dắt để việc thực hành được tốt hơn. Người thực hành mà không có sự dẫn dắt của học vấn thì khó có hy vọng đạt được mục đích, chẳng khác gì một người đi trong bóng đêm mà không có ánh sáng của ngọn đuốc soi đường.Không một học sinh nào có thể làm được bài tập mà không căn cứ vào những công thức hay định lý đã học. Cũng không một ai thành công ngay ở thí nghiệm đầu tiên mà không có sự hướng dẫn thao tác của thầy cô. Qua bài tấu, để củng cố và phát huy vai trò của việc học, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đã thiết tha đề nghị xin vua Quang Trung thay đổi phương pháp học tập sao cho thích hợp: “Lúc đầu học tiểu học để bồi lấy gốc.Tuần tự tiến lên học đến tứ thư, ngũ kinh, chư sử. Học rộng rồi tóm lược cho gọn, theo điều học mà làm.”
Có một phương pháp học tập tốt và đúng đắn, kết hợp với những thao tác thực hành bài bản, chắc chắn kết quả học tập sẽ được nâng cao và “nhân tài mới lập được công. Triều đình nhờ thế cũng được vững yên”. Tóm lại, từ viếc tìm hiểu bài tấu “Bàn luận về phép học” của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, em nhận thấy hai yếu tố “học” và “hành” đều có tầm quan trọng như nhau và quan hệ mật thiết cùng nhau. “Học” có vai trò dẫn dắt việc “hành” và “hành” có tác dụng củng cố khắc sâu và hoàn chỉnh việc “học”. Từ đó, em phải thay đổi phương pháp học tập sao cho đúng đắn, biết kết hợp vận dụng tốt cả hai yếu tố “học” và “hành” để nâng cao trình độ học vấn của bản thân và áp dụng linh hoạt vào thực tế.
Bài mẫu 3: Từ bài "Bàn luận về phép học của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa "học" và "hành"
Bài làm
Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta vẫn thường nghe các thầy cô nói “học đi đôi với hành”, chân lí ấy đã được đúc kết từ xa xưa. Trong bài “Bàn luận về phép học”, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp cũng từng viết “theo điều học mà làm”. Vậy tại sao học lại phải đi liền với hành? ý nghĩa tận cùng của nguyên lí ấy là thế nào?
Bạn có hiểu “học đi đôi với hành” là thế nào không? “Học” ở đây chỉ là việc tiếp thu các kiến thức văn hóa, xã hội hàng ngày. Có thể bằng nhiều cách như học trên trường lớp, học qua bạn bè, học qua sách vở.... Còn “hành” ở đây nghĩa là hành động, thực hành. Học đi đôi với hành nghĩa là áp dụng những kiến thức sách vở bạn học được vào thực tiễn cuộc sống để học soi sáng cho thực hành, thực hành củng cố vững chắc lí thuyết. Cũng như vậy ý nghĩa của câu “theo điều học mà làm” của La Sơn Phu Tử cũng có hàm ý nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học kiến thức và ứng dụng nó vào thực tiễn. Đây là hai điều song hành với nhau, có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống.
Vậy thì tại sao học lại phải đi liền với thực hành? Cuộc sống phát triển, mỗi giây phút trôi qua chúng ta chứng kiến cả hàng vạn công trình nghiên cứu ra đời và nếu bạn không chịu khó tìm tòi không áp dụng những lí thuyết đang có vào thực tế thì mãi mãi nó chỉ là công trình vĩ mô không có thực. Có một nhà văn nào đó đã từng nói “Lí thuyết chỉ là màu xám, còn cây đời mãi xanh tươi”. Lí thuyết suông, học vẹt, hay học cho qua quýt thì vĩnh viễn không bao giờ bạn tìm được chân lí của cuộc đời.
Có một thực trạng vô cùng đáng lo ngại hiện nay đó chính là việc các bạn học sinh chỉ biết học vẹt, học chống chế để trả bài cho thầy cô. Đến khi quay trở lại thì không nhớ được gì. Như vậy vô cùng nguy hiểm, những điều bạn học không được áp dụng vào thực tế thì thử hỏi học có ý nghĩa gì cho cuộc đời? Học ngoại ngữ để tiếp thu thêm nhiều điều hay từ nước bạn, học văn để hoàn thiện cách đối nhân xử thế, học toán để minh mẫn con người, học sử để tìm về cội nguồn của dân tộc... Mỗi môn học lại mang một ý nghĩa thực tiễn đối với cuộc sống. Nhưng thử hỏi nếu bạn không biết cách để đưa nó vào trong cuộc sống thì đọc nhiều có ý nghĩa gì?
Hiện nay, có rất nhiều trường hợp sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học không làm đúng ngành học thậm chí là thất nghiệp? Vậy nguyên nhân từ đâu? Do nhà trường hay do bản thân của các bạn? Nhà trường chỉ đóng vai trò là môi trường để truyền thụ kiến thức cho sinh viên mà thôi còn việc có kiếm được công việc ổn định hay không nó phụ thuộc vào bạn. Các nhà tuyển dụng họ không cần những tấm bằng giỏi hay xuất sắc cái họ cần đó là kinh nghiệm thực tiễn, là việc bạn áp dụng được bao nhiêu điều bạn đã học trên sách vở vào công việc?
Người giỏi không phải là kẻ có thể nhớ được kiến thức này ở trang sách nào, hay đọc được bao nhiêu trang sách mà phải là người có thể đem đến cho đời những phát minh lớn phục vụ chính cuộc sống của mỗi con người. Nếu như học chỉ để khoe bằng cấp, học để vỗ ngực rằng ta hiểu biết nhiều thì đó chỉ là mớ lí thuyết suông mà thôi. Có nhiều bậc phụ huynh ép con mình bằng mọi giá phải học kiến thức thật giỏi mà quên rằng cái sẽ nuôi sống con mình sau này là thực tế trải nghiệm mới đúng.
Việt Nam hiện nay, được đánh giá là một trong những nước có chất lượng đào tạo khá cao thậm chí còn cao hơn hẳn các quốc gia phương Tây. Thế nhưng, khi đi du học ở nước bạn đến chuyên mục thực hành, du học sinh Việt bộc lộ ngay sự yếu kém hơn hẳn. Thiết nghĩ các nhà trường, bộ giáo dục cần phải đổi mới lại phương thức học tập. Hiện, ngành giáo dục đã và đang chú ý đến việc áp dụng việc “học và hành” đi liền với nhau. Không chỉ giúp các em học sinh có thể hiểu kiến thức một cách tường tận mà còn giúp các em có thêm hành trang đi vững bước vào đời.
Học và hành là một trong những nguyên lí luôn đi kèm và song hành với nhau trong cuộc sống. Để trở thành những người có ích cho xã hội chúng ta cần phải thay đổi phương thức giáo dục bằng việc lồng ghép hai yếu tố này một cách nhuần nhuyễn.Vì chỉ khi kiến thức sách vở hòa vào cuộc sống nó mới thực sự có ý nghĩa mà thôi.
Xem thêm bài viết khác
- Kể lại một chuyến đi mà em cảm thấy có ý nghĩa nhất đối với mình Kể về một chuyến du lịch đáng nhớ của em
- Thuyết minh về một giống vật nuôi (con chó)
- Thuyết minh về Chèo Thái bình
- Kể 1 câu chuyện về vật nuôi có nghĩa có tình bài mẫu 2
- Hà Tĩnh – chiếc đòn gánh hai đầu đất nước
- Bài văn: Thuyết minh về một đồ dùng trong học tập hoặc sinh hoạt bài mẫu 1
- Biển Thiên Cầm - viên ngọc bích của Hà Tĩnh
- Thuyết minh về một món ăn dân tộc (bánh chưng, bánh dày, phở, cốm…)
- Bún cá rô đồng Hải Dương - đặc sản phải thử khi đến xứ Đông
- Quảng Trị - mảnh đất rực lửa
- Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Ninh Thuận Thuyết minh lớp 8
- Nếu là người chứng kiến cuộc trò chuyện giữa cậu bé Hồng và bà cô trong văn bản Trong lòng mẹ, em sẽ ghi lại câu chuyện đó như thế nào? Đóng vai là người chứng kiến cuộc nói chuyện giữa cậu bé Hồng và bà cô