Đề 3: Hãy nói không với các tệ nạn (Gợi ý : Hãy viết một bài nghị luận để nêu rõ tác hại của một trong các tệ nạn xã hội mà chúng ta cần phải cương quyết...
Bài viết tập làm văn số 7 - ngữ văn lớp 8 đề 3: Hãy nói không với các tệ nạn (Gợi ý : Hãy viết một bài nghị luận để nêu rõ tác hại của một trong các tệ nạn xã hội mà chúng ta cần phải cương quyết và nhanh chóng bài trừ như cờ bạc, tiêm chích ma tuý, hoặc tiếp xúc với văn hoá phẩm không lành mạnh...). Sau đây, KhoaHoc gửi đến cho bạn đọc những bài văn mẫu hay nhất, mời các bạn cùng tham khảo.
Nội dung bài gồm:
- Bài mẫu 1: Hãy nói không với các tệ nạn - văn hóa phẩm không lành mạnh
- Bài mẫu 2: Hãy nói không với các tệ nạn - nói "không" với ma túy
- Bài mẫu 3: Hãy nói không với các tệ nạn xã hội
Bài mẫu 1: Hãy nói không với các tệ nạn - văn hóa phẩm không lành mạnh
Dàn ý
1. Mở bài: Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận - văn hóa phẩm không lành mạnh
2. Thân bài:
- Giải thích: Văn hóa phẩm không lành mạnh là gì?
- Nguyên nhân văn hóa phẩm không lành mạnh lại có cơ hội xâm nhập vào cuộc sống con người
- Hậu quả khôn lường của văn hóa phẩm không lành mạnh
- Hãy nói không với văn hóa phẩm không lành mạnh bằng các hành động cụ thể...
3. Kết bài:
- Văn hóa phẩm không lành mạnh chỉ là một tệ nạn trong xã hội hiện nay
- Hãy nói không với văn hóa phẩm không lành mạnh để xây dựng cuộc sống.
Bài làm
Cuộc sống ngày càng phát triển, đời sống con người cũng ngày càng được nâng cao. Song nhiều vấn đề theo đó xuất hiện, đòi hỏi sự giải quyết thấu đáo. Một trong những vấn đề ấy là tệ nạn. Tệ nạn gây nhức nhối hiện nay trong xã hội là tiếp xúc với những văn hóa phầm không lành mạnh.
Văn hóa phẩm không lành mạnh là gì? Đó là các sản phẩm văn hóa phản ánh những khía cạnh văn hóa không tốt, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển suy nghĩ, nhân cách con người. Văn hóa phẩm không lành mạnh đề cập đến những nội dung không phù hợp như bạo lực, tình dục,... Nó tồn tại dưới nhiều hình thức như truyện tranh, phim ảnh, trò chơi...
Không phải tự nhiên mà văn hóa phẩm không lành mạnh lại có cơ hội xâm nhập vào cuộc sống con người. Có những nguyên nhân khách quan như sự bất chấp của nhiều cá nhân, doanh nghiệp vì lợi ích kinh tế mà sản xuất ra những sản phẩm đó. Thậm chí trốn tránh pháp luật để lưu hành trái phép, trục lợi cá nhân mà không quan tâm đến hậu quả. Thời đại công nghệ số, tốc độ Internet lan truyền chóng mặt, các loại văn hóa phẩm này dễ dàng truyền đến con người nhanh chóng. Ngay ở những trang giáo dục, đôi khi vẫn hiện những hình ảnh quảng cáo. Con người thường có trí tò mò, sẽ bị thu hút và đi đến tiếp xúc, tiếp xúc lâu ngày sẽ sinh ra tâm lý ảnh hưởng. Hàng ngày, những quảng cáo như vậy vẫn luôn được chạy trên rất nhiều trang mạng xã hội và rất nhiều người vẫn đang bị tiếp cận từng ngày. Đối với trẻ em, không có sự giáo dục, cảnh báo từ người lớn lại càng dễ sa vào hơn. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xuất phát từ chủ quan người có nhu cầu với các văn hóa phẩm không lành mạnh. Có những người vì trí tò mò, cũng có nhiều người có ý chí tự chủ không vững vàng, dễ bị lôi kéo và dễ sa đọa.
Hàng ngày, hàng giờ, con người cứ tiếp xúc với văn hóa phẩm không lành mạnh mà không hề để ý đến hậu quả khôn lường của nó. Những thước phim ảnh, trò chơi bạo lực được phát triển đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến con người. Với hình ảnh kích thích thị giác, tiếp xúc lâu ngày sẽ khiến con người sinh ra ảo giác và xu hướng bạo lực hơn. Những câu chuyện cổ tích ngày xưa, dần thay thế bằng những bộ phim hành động, nhiều cảnh bạo lực, trẻ em tiếp xúc nhiều sẽ bị tăng động. Qúa trình phát triển năng lực và nhân cách bị chi phối nặng nề. Nhiều thanh niên nghiện game bắn súng, chém giết đến quên ăn quên ngủ. Nhiều người bị ảnh hưởng đến nỗi ra dường vẫn ảo tưởng về những hình ảnh trong phim, trong game. Tình dục cũng là một vấn nạn gây bức xúc hiện nay. Thế hệ những em nhỏ, chưa đủ nhận thức, tiếp xúc với văn hóa phẩm khiêu dâm, dễ hình thành suy nghĩ lệch lạc, dần dần khiến nhân cách suy đồi nếu không được phát hiện và uốn nắn đúng hướng. Nhiều người lớn lâm vào những văn hóa phẩm ấy, nhân cách bị thoái hóa nghiêm trọng. Những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, người thân đã tăng lên một cách đáng sợ khiến cả xã hội bàng hoàng, xót xa và phẫn nộ chính là hồi chuông cảnh tỉnh.
Hãy nói không với văn hóa phẩm không lành mạnh bằng các hành động cụ thể. Nhà nước, gia đình, xã hội cần chung tay loại bỏ thứ văn hóa phẩm ảnh hưởng xấu đó. Gia đình và nhà trường cần giáo dục, cung cấp hiểu biết cho con em mình để các em nhận thức được những tác hại của văn hóa phẩm không lành mạnh, chủ động tránh xa. Nhà nước cần có biện pháp nghiêm khắc hơn với các hình thức quảng bá văn hóa phẩm không lành mạnh để nó không có cơ hội lan truyền, phát tán ngày càng lớn trong xã hội. Đặc biệt bản thân mỗi người cần có ý thức xây dựng lập trường, lối sống lành mạnh, không tiếp xúc, sa đọa để xây dựng cho mình đời sống tốt đẹp, không gây hại cho mọi người xung quanh.
Cuộc sống là nguồn quý chung của tất cả mọi người mà không phải của riêng ai. Văn hóa phẩm không lành mạnh chỉ là một tệ nạn trong xã hội hiện nay. Hãy cùng nhau nói không với văn hóa phẩm không lành mạnh và các tệ nạn khác để xây dựng cuộc sống tương lai hạnh phúc.
Bài mẫu 2: Hãy nói không với các tệ nạn - nói "không" với ma túy
Dàn ý
1. Mở bài: Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận - tệ nạn ma túy
2. Thân bài:
- Thế nào là tệ nạn xã hội? thế nào là tệ nạn ma túy?
- Tác hại của tệ nạn ma túy:
- Đối với cá nhân người sử dụng
- Gây nghiện, ảnh hưởng đến thần kinh và sức khỏe
- Sử dụng ma túy không kiểm soát được hành vi của mình.
- Hệ miễn dịch bị suy giảm, khả năng đề kháng kém đi khiến sức khỏe suy giảm và dễ mắc các bệnh khác...
- Đối với gia đình: Kinh tế gia đình suy sụp, gia đình tan vỡ, bao vụ việc thương tâm xảy ra...
- Đối với xã hội: ma túy là nguyên nhân dẫn tới một loạt tệ nạn khác như trộm cắp, cướp giật, mại dâm... An ninh xã hội đi tới bất ổn.
- Hãy nói “không” với tệ nạn ma túy:
- Mỗi người cần tìm hiểu và xây dựng cho mình nền tảng kiến thức về tác hại, cách phòng tránh ma túy từ đó tuyên truyền rộng rãi trong xã hội.
- Tự rèn luyện và giữ lập trường tư tưởng vững vàng, lối sống lành mạnh.
- Tránh xa ma túy và sự cám dỗ vui chơi xa hoa
- Gia đình cũng cần quan tâm, chăm lo và bảo vệ con em mình khỏi ma túy.
- Nhà nước cần có hình thức chế tài và pháp luật để xứ lý những hành vi tàng trữ, buôn bán vận chuyển trái phép ma túy...
3. Kết bài: Vì một xã hội tiến bộ hơn, vì cuộc sống ngày mai tươi sáng tốt đẹp hãy nói "không" với tệ nạn ma túy.
Bài làm
Cuộc sống ngày càng phát triển, đời sống vật chất tinh thần ngày một nâng cao khiến nhiều vấn đề phát sinh trong xã hội. Bên cạnh những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường thì vấn đề bức thiết là tệ nạn xã hội. Đặc biệt là tện nạn ma túy. Hãy nói “không” với tệ nạn ma túy
Tệ nạn xã hội là những hành vi sai trái, không đúng với chuẩn mực xã hội, vi phạm đạo đức và pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đế toàn xã hội. Đó là những nguy hiểm phá vỡ hệ thống toàn xã hội, cản trở sự phát triển văn minh lành mạnh của loài người. Các tệ xã hội phổ biến như thuốc lá, ma tuý, mại dâm, cá độ cờ bạc. Ma túy là tệ nạn nguy hại đáng lo hơn cả trên thế giới. Ma túy là một chất gây nghiện có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp từ những chất ảnh hưởng đến thần kinh và sức khỏe. Khi nó đi và cơ thể con người sẽ làm thay đổi ý thức, tinh thần và tâm trạng của người đó, gây ra cảm giác lâng lâng, không kiểm soát được hành vi của mình. Ma túy có rất nhiều loại, tồn tại từ rất nhiều năm trước như thuốc phiện, hồng phiến, bạch phiến, thuốc, lắc ... được đưa vào cơ thể dưới nhiều hình thức như uống, tiêm chích...
Khẩu hiệu được nêu cao khi nhắc tới tệ nạn này là: Hãy nói “không” với tệ nạn ma túy. Tại sao lại nói “không” với ma túy? Ma túy có tác hại vô cùng với con người. Trước tiên, nó gây hại trực tiếp cho người sử dụng. Sử dụng ma túy nhiều lần sẽ bị nghiện, hệ miễn dịch bị suy giảm, khả năng đề kháng kém đi khiến sức khỏe suy giảm và dễ mắc các bệnh khác.Cơ thể ngày càng gầy yếu đi, da dẻ xanh xao, vàng vọt, thần sắc lờ đờ mệt mỏi không tỉnh táo. Ma túy là con đường trực tiếp dẫn đến căn bệnh nguy hiểm của thời đại là HIV/AIDS. Theo thống kê vào tháng 5/2017 cả nước có gần 210.000 người nhiễm HIV còn sống và 90.882 trường hợp tử vong do HIV/AIDS tính từ đầu vụ dịch đến nay. ChỈ trong 5 tháng đầu năm số người nhiễm mới được phát hiện lên đến 3500. Nhiều người sử dụng ma túy đá bị ảo giác còn tự mình nhảy từ trên cao xuống. Ma túy khiến cho con người lâm vào u mê, tăm tối. Người nghiện từ khỏe mạnh bình thường trở thành người bệnh tật. Từ những đứa con ngoan, họ trở thành kẻ hư hỏng, bất hiếu. Xã hội vì thế cũng mất đi những công dân tốt khi người nghiện trở thành kẻ vi phạm pháp luật.
Đặc biệt là nỗi đau trong gia đình có người nghiện ma túy. Kinh tế gia đình suy sụp khi tiền bạc bị lấy đi dổ vào những cuộc tiêm chích, hút hít không có điểm dừng. Hạnh phúc gia đình tan vỡ khi con cái đau đớn trong cơn nghiện, cha mẹ dằn vặt, khổ tâm. Bao vụ án thương tâm trong gia đình có người nghiện hút đã khiến cả dư luận bàng hoàng. Dùng ma túy đá, ảo giác người thân thành con quái vật mà ra tay giết hại. Còn nỗi đau nào đau hơn khi bị chính con mình đoạt đi mạng sống do lên cơn nghiện.
Với cả xã hội, ma túy là nguyên nhân dẫn tới một loạt tệ nạn khác như trộm cắp, cướp giật, mại dâm... An ninh xã hội đi tới bất ổn. Tiền của quốc gia hao tốn khi phải xây dưng trại cai nghiện, thực hiện giải pháp phòng chống. Rồi khi không được gia điònh cháp nhận, kẻ nghiện lang thang vật vờ làm mất mĩ quan và gây hại cho những người khác. Kim tiêm dùng xong vứt bừa bãi và hành vi trả thù xã hội của nhiều kẻ nghiện đã gây cho người dân vô tội những nỗi đau khó nói. Bỗng nhiên họ bị nhiễm vào người căn bệnh vốn không phải tự mình gây ra. Người nghiện ma túy có thế chết đi vì bệnh tật và HIV/AIDS dày vò, nhưng gia đình, nhất là vợ con của họ phải đối mặt ra sao với xã hội, khi mà đó là căn bệnh mà nhiều người còn có tư tưởng xa lánh? Cuộc sống sẽ không thể tốt đẹp nếu ma túy còn tồn tại. Bởi vậy hãy nói “không” với tệ nạn ma túy.
Tuy nhiên, lời nói phải gắn liền với thái độ và hành động cụ thế. Trước hết, cần tìm hiểu và xây dựng cho mình nền tảng kiến thức về tác hại, cách phòng tránh ma túy từ đó tuyên truyền rộng rãi trong xã hội để mọi người cùng chung sức phòng tránh, bài trừ. Tự rèn luyện và giữ lập trường tư tưởng vững vàng, lối sống lành mạnh. Hãy tỉnh táo tránh xa ma túy và sự cám dỗ vui chơi xa hoa để không tạo cơ hội cho ma túy tiếp cận mình. Gia đình cũng cần quan tâm, chăm lo và bảo vệ con em mình khỏi ma túy. Bên cạnh đó nhà nước cũng cần có hình thức chế tài và pháp luật để xứ lý những hành vi tàng trữ, buôn bán vận chuyển trái phép ma túy để chặn con đường lưu thông cúa nó. Đối với những người mắc nghiện, cần tạo điều kiện cho họ cai nghiện, trao cho họ cơ hội lao động và tránh xa lánh khiến họ rơi vào tuyệt vọng, quay lại thù hận xã hội. Hãy giúp họ hòa nhập với cộng đồng để lấy lại niềm tin và khát vọng sống tốt hơn. Nói “không” với ma túy và với tất cả các tệ nạn xã hội khác để xã hội phát triển văn minh nhất.
Vì một xã hội tiến bộ hơn, vì cuộc sống ngày mai tươi sáng tốt đẹp, hãy chung tay vì cuộc sống của chính chúng ta và mọi người xung quanh. Hãy nói “không” với tệ nạn ma túy.
Bài mẫu 3: Hãy nói không với các tệ nạn xã hội
Dàn ý
1. Mở bài: Giới thiệu về chủ đề "Nói không với những tệ nạn xã hội":
2. Thân bài:
- Tệ nạn xã hội là một tổ hợp các hiện tượng phổ biến trong xã hội, biểu hiện là các hành vi không đúng với chuẩn mực xã hội, trái với đạo đức và vi phạm pháp luật hiện hành.
- Nguyên nhân gây ra tệ nạn xã hội:
- Nhận thức và trình độ học vấn
- Xã hội còn nhiều bất cập
- Lối sống thiếu lành mạnh
- Tác hại của tệ nạn xã hội:
- Sức khỏe, tinh thần, văn hóa
- Kinh tế, xã hội
- Biện pháp ngăn chặn tệ nạn xã hội:
- Tuyên truyền, giáo dục
- Áp dụng luật pháp
- Sự giúp đỡ của cộng đồng
3. Kết bài: Nêu cao tinh thần "Nói không với những tệ nạn xã hội"
Bài làm
Đất nước ta đang trên đà phát triển và hội nhập, đời sống con người ngày càng được cải thiện và nâng cao, ngược lại xã hội cũng ngày càng phức tạp và ẩn chứa nhiều cám dỗ đối với con người, đặc biệt là các tệ nạn xã hội. Sự phát triển nào cũng tồn tại những ưu điểm và hạn chế, con người chúng ta phải biết tận dụng những ưu điểm và đấu tranh khắc phục những hạn chế để bảo vệ sự phát triển bền vững của xã hội. "Nói không với những tệ nạn xã hội" là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người phải đấu tranh, trước là bảo vệ cuộc sống của chính mình, sau là xây dựng một xã hội văn minh tiến bộ.
Tệ nạn xã hội là một tổ hợp các hiện tượng phổ biến trong xã hội biểu hiện là các hành vi không đúng với chuẩn mực xã hội, trái với đạo đức và vi phạm pháp luật hiện hành. Các tệ nạn xã hội gây ra những hậu quả xấu và hết sức nghiêm trọng đối với mọi mặt đời sống, cản trở sự phát triển của con người và xã hội. Tệ nạn xã hội là một trong những đầu mối hàng đầu phát sinh ra tội phạm, ẩn chứa những đối tượng nguy hiểm cho xã hội, bên cạnh đó các tệ nạn xã hội còn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau khiến cho việc đấu tranh với tệ nạn xã hội vô cùng gian nan. Nguyên nhân của những tệ nạn xã hội xuất phát từ nhiều góc độ khác nhau. Thứ nhất là do nhận thức và trình độ học vấn của con người, nhận thức kém và thiếu hiểu biết khiến con người dễ bị sa ngã, không phân biệt được đúng - sai, không ý thức được tác hại của các tệ nạn đối với bản thân, gia đình và xã hội. Thứ hai là do xã hội còn nhiều bất cập, tình trạng thất nghiệp, nghèo đói tiềm ẩn nguy cơ nảy sinh các tệ nạn xã hội. Thứ ba là do lối sống thiếu lành mạnh, ăn chơi đua đòi, không có sự quan tâm giáo dục kịp thời của gia đình nên khiến nhiều người bị lôi kéo vào con đường tệ nạn.
Hiện nay tệ nạn xã hội đã trở thành một vấn nạn nguy hiểm, càng ngày càng có nhiều tệ nạn xã hội với mức độ nghiêm trọng cao, chúng xuất hiện trong hầu hết các mặt của đời sống, bao gồm cả văn hóa, kinh tế, xã hội. Về văn hóa đó là các tệ nạn như: bạo hành gia đình, bạo lực học đường, mê tín dị đoan,... về kinh tế có các tệ nạn như: cờ bạc, lô đề, tham nhũng, cướp giật, cá độ, lừa đảo... về xã hội là các tệ nạn: ma túy, mại dâm, xâm hại tình dục... Các tệ nạn xã hội gây ra hậu quả nghiêm trọng không chỉ về sức khỏe, tinh thần đạo đức và nhân cách con người mà còn ảnh hưởng đến nền văn hóa xã hội, nền kinh tế và sự phát triển của đất nước. Các tệ nạn như nghiện hút, ma túy và mại dâm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, chúng là con đường ngắn nhất dẫn đến đại dịch thế kỉ HIV/AIDS; các tệ nạn như cờ bạc, mê tín, bạo lực khiến cho kinh tế gia đình suy sụp, phá hoại hạnh phúc gia đình gây mất trật tự an ninh xã hội.
Những người mắc các tệ nạn xã hội trở thành những con người mất hết nhân cách, là thành phần ảnh hưởng xấu đến những người xung quanh. Không kiểm soát và ngăn chặn các tệ nạn xã hội sẽ dẫn đến sự xuống cấp và suy đồi đạo đức xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy hãy "Nói không với những tệ nạn xã hội", mỗi cá nhân, tập thể và cộng đồng cùng chung tay thực hiện các biện pháp ngăn chặn tệ nạn xã hội như tuyên truyền giáo dục về các tệ nạn xã hội và tác hại của chúng, siết chặt hơn nữa sự quản lí của các cơ quan chức năng đảm bảo an toàn và an ninh xã hội, nâng cao tính pháp lí và quản lí chặt chẽ theo luật pháp, bên cạnh đó cộng đồng phải biết giúp đỡ người sa ngã vào tệ nạn biết quay đầu và làm lại, không nên xa lánh, miệt thị và ruồng bỏ. Gia đình và cộng đồng phải là nguồn động viên, dẫn dắt người tệ nạn đi sai đường trở về đúng đường.
Nêu cao tinh thần "Nói không với những tệ nạn xã hội" là chúng ta đang cảnh tỉnh chính mình và nhắc nhở mọi người xung quanh về mối nguy hiểm của tệ nạn xã hội đối với cuộc sống. Hãy chung tay nói không với tệ nạn xã hội để xây dựng và bảo vệ cuộc sống lành mạnh, văn minh, góp phần làm đẹp bộ mặt xã hội, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Xem thêm bài viết khác
- Bài văn: Thuyết minh về một đồ dùng trong học tập hoặc sinh hoạt bài mẫu 2
- Văn mẫu 8 bài viết số 2 đề 3: Kể một việc em đã làm khiến bố mẹ rất vui lòng
- Nghị luận về văn học và tình thương Viết một bài văn nghị luận về văn học và tình thương lớp 8
- Đề 1: Giới thiệu một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt
- Đề 1: Tuổi trẻ và tương lai đất nước ( Gợi ý: Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác Hồ thiết tha căn dặn...)
- Đề 5: Thuyết minh về một giống vật nuôi - văn mẫu 8
- Kể lại một chuyến đi mà em cảm thấy có ý nghĩa nhất đối với mình Kể về một chuyến du lịch đáng nhớ của em
- Thuyết minh về một món ăn dân tộc (bánh chưng, bánh dày, phở, cốm…)
- Thuyết minh về một giống vật nuôi (con chó)
- Bài văn mẫu lớp 8: Thuyết minh về một loài hoa
- Giới thiệu về một loài hoa (hoa đào, hoa mai)
- Kể lại những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học