Địa phương em thuộc đồng bằng, ven biển hay vùng núi trung du? Trong ba ngành kinh tế vừa học, ngành nào là thế mạnh của địa phương em?

  • 1 Đánh giá

C. Hoạt động ứng dụng

Hãy tìm hiểu và giới thiệu về một ngành kinh tế có ở địa phương.

a. Địa phương em thuộc đồng bằng, ven biển hay vùng núi trung du?

b. Trong ba ngành kinh tế vừa học, ngành nào là thế mạnh của địa phương em?

c. Sưu tầm tranh ảnh và tư liệu để tạo ra một sản phẩm (bài viết có tranh ảnh) về ngành đó ở địa phương em

Bài làm:

Ví dụ:

a. Địa phương em thuộc vùng ven biển.

b. Trong ba ngành kinh tế vừa học, ngành thủy sản là thế mạnh của địa phương em.

c. Một số tư liệu về ngành thủy sản Vân Đồn, Quảng Ninh

Với gần 160.000ha mặt nước biển, hằng năm từ nguồn lợi thuỷ hải sản tự nhiên, ngư dân huyện Vân Đồn đã khai thác được hàng nghìn tấn tôm, cua, cá, mực... Toàn huyện hiện có 1.150 tàu, thuyền hoạt động khai thác thuỷ sản, trong đó tàu có công suất 90-850CV trở lên là 72 chiếc. Trên địa bàn có 3 nghiệp đoàn nghề cá (thị trấn Cái Rồng, Hạ Long và Đông Xá) hoạt động trong lĩnh vực khai thác xa bờ luôn luôn hỗ trợ nhau, góp phần bảo vệ an ninh trên vùng biển.

Việc khai thác thuỷ sản được duy trì ổn định, đến nay Vân Đồn đã đưa các mô hình công nghệ mới áp dụng cho tàu khai thác xa bờ, như: Ứng dụng máy dò ngang trên tàu chài chụp kết hợp ánh sáng, ứng dụng công nghệ Polyuerthane trong bảo quản sản phẩm trên tàu cá...

Đặc biệt, với các cơ chế, chính sách khuyến khích để ngành khai thác phát triển như: Hỗ trợ xăng dầu, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên...; tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn để đóng mới, sửa chữa, nâng cấp phương tiện, từng bước vươn khơi xa, ngư dân trên huyện đã hình thành các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để phát huy sức mạnh tập thể trong khai thác, tương trợ, giúp đỡ nhau khi gặp thiên tai, rủi ro... Hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá đang từng bước phát triển, các cơ sở sản xuất nước đá, cung ứng vật tư ngư cụ, dầu diezen... được đầu tư mở rộng. Nghề khai thác thuỷ sản của Vân Đồn đã có bước phát triển mạnh mẽ, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân. Sản lượng thuỷ sản khai thác năm sau cao hơn năm trước.

Nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) cũng nhận được sự quan tâm, khuyến khích của Nhà nước cùng sự hưởng ứng cao của người dân. Đến nay, tổng diện tích NTTS toàn huyện đạt trên 3.000ha, đáng chú ý, nghề nuôi nhuyễn thể đã trở thành phong trào và phát triển khá mạnh. Riêng trong hai năm (2015-2016), huyện đã đầu tư mở rộng hơn 100ha nuôi các loài nhuyễn thể, nâng tổng diện tích nuôi lên hơn 2.100ha. Ngoài ra, huyện còn phát triển vùng nuôi cá biển với hơn 4.700 ô lồng, chủ yếu là cá song, giò, hồng... Phát triển diện tích nuôi tôm lên tới 150ha, nuôi hải sản khác 750ha, nuôi cá nước ngọt là 60ha.

Những năm gần đây, Vân Đồn có cơ chế thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực NTTS và đến nay có trên 20 đơn vị đầu tư nuôi thuỷ sản, chủ yếu tập trung vào nuôi nhuyễn thể (tu hài, hàu, ngọc trai...), nhiều công ty đã gây dựng được thương hiệu ở Vân Đồn, như: Đỗ Tờ, Quan Minh... Đặc biệt, lĩnh vực chế biến thuỷ sản đã đạt được những tiến bộ đáng kể, một số sản phẩm truyền thống của Vân Đồn như nước mắm Cái Rồng, sá sùng Quan Lạn... đã tạo dựng được danh tiếng và từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ ở một số địa phương như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng...

Với định hướng phát triển Khu kinh tế tổng hợp, trong tương lai ngành du lịch Vân Đồn sẽ phát triển mạnh, thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, du khách tham quan, nghỉ dưỡng... đem lại lợi nhuận về mặt thương mại đối với các sản phẩm chế biến từ thuỷ sản. Cùng với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng và thế mạnh về nguồn nguyên liệu thuỷ sản sạch, chất lượng cao, người dân ngày càng mạnh dạn đầu tư mở rộng các cơ sở chế biến và thu mua thuỷ, hải sản, tạo việc làm cho lao động tại huyện đảo.

Nhờ phát huy tiềm năng, thế mạnh trong đánh bắt, NTTS, sản lượng thủy sản của huyện có xu hướng tăng đều qua từng năm. Riêng năm 2018 tổng sản lượng thuỷ sản đạt 26.627 tấn, bằng 113% so với năm 2017. Trong đó, khai thác đạt 13.520 tấn, bằng 104%, NTTS đạt 13.107 tấn bằng 123% so với năm 2017.

Ông Nguyễn Quang Ninh, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, cho biết: Để đạt được mục tiêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thủy sản Vân Đồn phát triển toàn diện cả về nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần theo hướng công nghiệp, sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch, dịch vụ... huyện đã đề ra những giải pháp cụ thể trên từng lĩnh vực.

Cụ thể, phát triển NTTS theo quy hoạch, hình thành các vùng nuôi tập trung, áp dụng nuôi trồng theo hướng VietGAP tập trung vào các sản phẩm chủ lực là nhuyễn thể, cá và các loại đặc sản như hải sâm, sá sùng, bào ngư... Tiếp tục phối hợp với chủ đầu tư xây dựng Trung tâm giống nhuyễn thể, phấn đấu đến năm 2020, huyện chủ động sản xuất được trên 45% con giống hải sản chủ lực; cơ cấu lại lượng tàu khai thác thủy sản, khuyến khích khai thác xa bờ, xây dựng các mô hình tổ chức liên kết để khai thác thủy sản theo hình thức tổ, đội, nghiệp đoàn gắn việc chế biến với các vùng nguyên liệu nuôi trồng, khai thác nhằm nâng cao giá trị, từng bước hình thành chuỗi giá trị, liên kết sản xuất từ nuôi trồng, khai thác đến chế biến sản phẩm.

Một số hình ảnh về nuôi trồng thủy sản ở Vân Đôn, Quảng Ninh:

  • 24 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021

Xem thêm bài viết khác

Xem thêm Giải Lịch sử và địa lý 5 VNEN