Điện Biên - mảnh đất dân dã và bình dị

  • 1 Đánh giá

Dải đất hình chữ S bé nhỏ nhưng đã trải qua những phong ba bão táp và đã từng đối đầu với những kẻ thù mạnh nhất thế giới trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Điện Biên Phủ là vùng đất đã gắn liền với những năm tháng gian khổ mà anh hùng trong thời kì kháng chiến chống Pháp trường kì của dân tộc. Đây cũng là mảnh đất có những đặc trưng và con người rất đáng mến.

Cái tên Điện Biên đã có từ rất sớm, từ năm 1841, do vua Thiệu Trị đặt. Lí giải cái tên này thì “Điện” có nghĩa là vững chãi, “Biên” là vùng biên giới, biên ải. “Điện Biên” có nghĩa là miền biên cương vững chãi của Tổ quốc. Và quả thực trong lịch sử của dân tộc, vùng đất Điện Biên đã làm được đúng như những gì mà cái tên của nó mang danh.

Điện Biên Phủ là cái tên đã đi vào trong sử sách không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn của cả thế giới. Điện Biên Phủ vốn được gọi là Mường Thanh theo tiếng của dân tộc Thái có nghĩa là “Xứ Trời”, gắn với tuyền thuyết về sự phát sinh ra dân tộc Thái. Đây cũng là đất tổ của nhiều ngành Thái ở Đông Nam Á. Cái tên Điện Biên Phủ trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của thực dân Pháp trong trận chiến ở Việt Nam. Bởi đây là nơi diễn ra trận Điện Biên Phủ năm 1954 giữa quân đội Việt Minh do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy và quân đội Pháp do tướng Christian de Castries chỉ huy. Trận đánh lịch sử “lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu” ấy mang ý nghĩa rất lớn trong việc chấm dứt vai trò của Pháp ở Đông Dương, buộc chúng phải ngồi vào bàn kí kết bản hiệp định Giơ-ne-vơ mà chúng đã từng từ chối kí trước đây. Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng được nhắc tới là chiến thắng vĩ đại nhất của các nước Đông Nam Á chống lại một cường quốc phương Tây.

Tại Điện Biên hiện tại, có rất nhiều những điểm di tích là minh chứng cho quá khứ hào hùng của dân tộc là khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ nơi đã diễn ra trận đánh Điện Biên Phủ huyền thoại; khu chỉ huy chiến dịch Mường Phăng,...Bên cạnh đó, tỉnh Điện Biên còn có nhiều điểm du lịch khác hấp dẫn khách du lịch đến tham quan như hồ Pa Khoang, suối khoáng nóng Hue Pe, hồ U Va, thác Mường Luân, thành Bản Phủ,...Đặc sắc nhất phải kể tới những nét văn hóa bản sắc đặc trưng riêng của 18 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là nét đặc trưng trong văn hóa của tỉnh Điện Biên.

Điện Biên không chỉ thu hút bởi những di chỉ của quá khứ mà còn thu hút bởi nền ẩm thực vô cùng độc đáo của mình. Đặc trưng cho ẩm thực của Điện Biên chính là ba vị cay, vị đắng và vị chát. Có lẽ chính điều ấy đã khiến những người con xa quê nhớ da diết món măng đắng rồi ngọt hậu chỉ có ở Điện Biên còn những thực khách một lần đến thăm và thưởng thức ẩm thực của vùng đất này lại nhớ mãi hương vị món chẩm chéo - thứ nước chấm truyền thống của người Thái. Gia vị đặc trưng của Điện Biên là những hạt, lá cây trong rừng rậm với mùi thơm đặc trưng, có tinh dầu và khi kết hợp chúng lại với nhau tạo nên mùi vị rất đậm, kích thích khứu giác và vị giác của con người. Đó là hạt mắc khén, là hạt dổi, là lá mắc mật hay món chẩm chéo. Và đây cũng là những loại gia vị không thể thiếu khi ướp thịt, trong bữa cơm hàng ngày của người Điện Biên.

Với địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi cao, dốc, hiểm trở và bị chia cắt mạnh được cấu tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam có độ cao trung bình từ 200 - hơn 1800m, người dân Điện Biên chỉ có thể trồng trọt và canh tác trên những thuở ruộng bậc thang - một hình thức đồng ruộng độc đáo của người miền núi. Nhờ bàn tay khéo léo và sự cần cù, chăm chỉ của những con người nơi đây, người Điện Biên đã sản xuất ra được loại gạo nổi tiếng khắp cả nước là gạo tám Điện Biên. Với hạt gạo nhỏ, đều, căng bóng, màu hơi đục, gạo tám Điện Biên cho ta những bát cơm dẻo, thơm, ngọt lành hơn hẳn so với những loại gạo tám khác. Đây cũng trở thành thức quà được nhiều người ưa chuộng mỗi lần có dịp đến thăm Điện Biên.

Cũng bình dị, gần gũi như thiên nhiên, ẩm thực của Điện Biên, người Điện Biên có tính cách phóng khoáng, thoải mái và dễ gần như chính cuộc sống của họ. Vốn là một mảnh đất nghèo khó, đi lên từ hai bàn tay trắng, người Điện Biên phải khai hoang, phải vỡ đá để xây dựng cuộc sống của mình. Có lẽ nhờ thế mà họ biết quý trọng thiên nhiên, biết trân trọng những gì bình dị và nhỏ bé nhất. Và cũng có lẽ vì đi lên từ nghèo khó mà người Điện Biên rất cởi mở, chân thành và chất phác, không ranh mãnh, ích kỉ như người nơi khác. Chính điều ấy đã níu chân và làm lưu luyến biết bao người khi lỡ gặp và yêu mến mảnh đất này.


  • 2 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021