Phố cổ Thành Nam là nét độc đáo trong văn hóa Nam Định
Không phải ngẫu nhiên mảnh đất Nam Định lại gây thương nhớ cho những người con xa quê. Nỗi nhớ da diết, dày vò cứ cuộn lên từng đợt, đặc biệt là mỗi khi có cơn gió mùa đầu đông se se lạnh cuốn theo những chiếc lá vàng khô rụng dưới đường thổi qua, người ta sẽ lại càng thêm nhớ Nam Định
Không phải ngẫu nhiên mảnh đất Nam Định lại gây thương nhớ cho những người con xa quê. Nỗi nhớ da diết, dày vò cứ cuộn lên từng đợt, đặc biệt là mỗi khi có cơn gió mùa đầu đông se se lạnh cuốn theo những chiếc lá vàng khô rụng dưới đường thổi qua, người ta sẽ lại càng thêm nhớ Nam Định. Nam Định nói nhỏ cũng không nhỏ mà nói lớn cũng chưa hẳn đã đúng. Nhưng thành phố Nam Định của tôi chỉ cần đi một vòng trong buổi chiều là hết. Sự hiện đại đang len lỏi trong hơi thở của cuộc sống hàng ngày ở thành phố này, song nếu tinh ý ta sẽ phát hiện ra, Nam Định vẫn còn giữ được nét cổ kính, màu sắc và phong vị xưa cũ của người Thành Nam. Nếu Hà Nội xưa có 36 phố phường thì thành phố Nam Định cũng nổi tiếng và có tới 40 con phố cổ. Kể cũng lạ, xưa người ta đặt tên cho con phố, cho con người cũng đơn giản như cách mà họ sống với nhau vậy. Phố cổ xưa là phố của dân buôn bán, nên phố bán gì thì đặt tên ấy: Phố Hàng Mâm, phố Hàng Mã, phố hàng Vàng, phố hàng Bạc,...Những con phố cổ cứ nối tiếp nhau, năm giữa dòng sông Vị Hoàng và hai mặt tường thành phía Đông và phía Nam. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, thành phố Nam Định có 35/38 phố Hàng, 4 phố Bến, 4 phố Cửa trong các phố. Ngay từ thế kỉ XIII, Nam Định đã trở thành trung tâm Đô thị lớn thứ hai của cả nước, ngay khi nhà Trần thành lập thành phố này. Suốt thời gian sau đó tới thời Pháp thuộc, thành phố liên tục thay đổi diện mạo và phát triển không ngừng, được mệnh danh là “Thành phố Dệt”.
Người ta đến với Nam Định, sống ở đây, làm ăn buôn bán rồi lập nên cả một làng nghề. Có những nghề được truyền từ đời này sang đời khác với những bí quyết chỉ có người nối nghiệp mới được biết và chính điều ấy đã làm nên thương hiệu của rất nhiều những món đồ, chỉ có ở Nam Định mới có: phở Cồ, bánh gai Bà Thi, nghề làm hương, nghề đúc đồng ở Ý Yên, chuối ngự, gạo Tám Hải Hậu,...Các phường buôn, phường nghề thường sẽ tụ lại, ở cùng với nhau trong một dãy phố và lập nên đền thờ tổ nghề hay đình thờ thành hoàng bản quán (còn được gọi là quê gốc), đây còn là nơi hội họp của phường hội. Chắc hẳn vì thói quen như thế nên dân gian mới có câu “buôn có hội, bán có phường”.
Chợ là nơi tập trung nhiều hàng hóa cũng là nơi tiêu thụ được số lượng hàng hóa lớn nhất. Khu chợ sầm uất và phát triển bậc nhất phía Bắc những năm Bắc thuộc có chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Sắt (Hài Phòng) và chợ Rồng (Nam Định). Những con phố cổ và các làng nghề ở Nam Định làm trung tâm mà tụ hội xung quanh ấy.
Hiện nay, tuy hầu hết những con phố cổ đã không còn giữ lại được tên của nó như ở Hà Nội hay Hội An, cũng chỉ còn một vài con phố còn bán những mặt hàng truyền thống nhưng nó vẫn phảng phất vẻ cổ kính như điều vốn có của nó. Nam Định của tôi giờ hiện đại hơn, với cây cầu Đò Quan thay thế cho bến Đò Quan xưa, nối liên đôi bờ sông Đào, những ngôi nhà khang trang thay thế cho những ngôi nhà mái ngói rêu phong nhưng đi khắp thành phố, ta vẫn thấy hoa gạo đỏ rực một góc trời tháng ba dọc đường Văn Miếu hay ở ngã tư Cửa Đông, quanh hồ Vị Xuyên, vẫn thấy hồ Tức Mặc yên lặng nằm ở một góc thành phố. Nhưng dù là thế, trong quá khứ, phố cổ Thành Nam cũng đẹp và sầm uất không hề kém so với Hà Nội 36 phố phường hay phố cổ Hội An....