Đề 4: Giới thiệu một loại hoa (như hoa đào, hoa mai...) hoặc một loại cây (như cây chuối, cây na...)

  • 1 Đánh giá

Bài viết tập làm văn số 5 - ngữ văn lớp 8 đề 4: Giới thiệu một loại hoa (như hoa đào, hoa mai...) hoặc một loại cây (như cây chuối, cây na...). Sau đây, KhoaHoc gửi đến cho bạn đọc những bài văn mẫu hay nhất, mời các bạn cùng tham khảo.


Nội dung bài gồm:

Back to top

Bài mẫu 1: Giới thiệu một loại hoa (như hoa đào, hoa mai...) hoặc một loại cây (như cây chuối, cây na...) - hoa mai

Dàn ý

1. Mở bài: Giới thiệu cây hoa mai

2. Thân bài:

  • Tả đặc điểm, hình dáng của hoa mai: chiều cao trên 2m, thân cây sần sùi, lá tròn nhỏ, ...
  • Phân loại cây hoa mai: mai tứ quý, mai trắng, mai chiếu thủy, mai ghép...
  • Đặc điểm cánh hoa: mỏng, màu vàng tươi, có mùi thơm thanh nhã, kín đáo
  • Qúa trình trồng và chăm sóc cây hoa mai
  • Hoa mai tượng trưng cho miền Nam

3. Kết luận:

  • Cây hoa mai mang lại nét đẹp ngày tết
  • Hay mai dung để trang trí đẹp và tượng trưng cho sự may mắn

Bài làm

“Xuân xuân ơi xuân đã về

Những đóa mai vàng chào mừng xuân sang...”

Lời ca ấy vang lên như tiếng chuông báo hiệu mùa xuân đến. Trong không khí náo nhiệt tươi vui của một mùa xuân mới, mai vàng khoe sắc cùng gió xuân. Hoa mai là loai hoa quen thuộc trong dịp Tết cổ truyền dân tộc.

Ở miền Bắc, trong tiết trời se se lạnh và mưa phùn lất phất, hoa đào nở rộ đem sắc hồng phủ khắp nơi nơi. Còn ở phương Nam, trong ánh nắng vàng ấm áp, hoa mai lại hòa mình vào nắng và gió, rực rỡ tỏa sáng cả một phương trời. Hoa mai có nguồn gốc từ cây hoang dại mọc trong rừng từ miền Trung trở vào. Cây mai có chiều cao trên hai mét, thân gỗ, chia thành nhiều nhánh. Thân cây mai sần sùi gần giống các loại cây cổ thụ. Thân cây mai chắc chắn và dày hơn thân đào. Lá mai tròn nhỏ cỡ hai ngón tay, màu xanh lục. Tán tròn và xoè rộng. Mai là biểu tượng cho ngày Tết miền Nam. Vì chỉ ở miền Nam, mai mới sinh trưởng. Khí hậu miền Bắc với gió mùa Đông Bắc không thích hợp trồng mai.

Hoa mai có nhiều loại không chỉ mai vàng mà còn có mai tứ quý, mai trắng, mai chiếu thủy, mai ghép. Tuy nhiên nhắc đến mai người ta thường nghĩ đến mai vàng. Mai vàng là loại đẹp nhất. Mai vàng khác với mai khác là nụ hoa của nó nở thành từng chùm, bám vào cuống dài treo lơ lửng trên cành. Cánh hoa mỏng, màu vàng tươi, có mùi thơm thanh nhã, kín đáo. Mai tứ quý là loại mai nở quanh năm. Cánh hoa vàng thẫm nở rộ giữa năm đài hoa tựa như năm cánh sen nhỏ xíu màu đỏ sậm Cánh hoa tàn rồi rụng hết thì để lại hai ba hạt nhỏ dẹt đen bóng. Mai chiếu thủy đặc biệt được ưa chuộng ở những nơi ẩm như hòn non bộ, hoa li ti mọc thành chùm màu trắng mùi thơm ngát. Ngoài ra, các nghệ nhân hoa cảnh còn ghép các loại khác nhau thành mai ghép. Hoa mai ghép to, nhiều cánh, nhiều màu, trồng trong chậu sứ rất khó chăm sóc.

Để có được hoa mai đúng dịp chơi Tết, quá trình trồng và chăm sóc cần đảm bảo đúng thời gian. Người ta trồng bằng phương pháp chiết cành là phổ biến nhất. Trồng ngoài vườn hoặc trong chậu. Cây ưa ánh nắng, đất luôn ẩm nhưng không úng nước. Vào khoảng 15 tháng 12 âm lịch, người trồng phải tuốt lá cho mai kết hợp cùng chế độ chăm bón và tưới nước đúng phương pháp để hoa nở đúng vào ngày Tết. Hoa mai vốn ưa ánh nắng nhưng nó cũng không thích đất khô hoặc úng nước, nó cần độ ẩm vùa phải. Nếu bị úng nước quá lâu, mai sẽ héo dần rồi chết. Khí hậu nóng ẩm với nhiệt độ khoảng 27 đến 32 độ C là điều kiện tốt nhất cho mai sinh sống. Cây mai có tuổi thọ cao, chăm sóc tốt nó sẽ sinh trưởng nhanh và ra hoa sớm, thời gian chơi khá lâu. Khi mai nở sẽ được di chuyển từ nhà vườn đến các chợ hoa xuân, phục vụ nhu cầu Tết. Nhiều người còn trực tiếp đến tận vườn để chọn mua cây ưng ý nhất.

Mai được đứng đầu trong bộ tranh "tứ bình" đại diện cho bốn mùa trong năm: Mai, lan, cúc, trúc và hoa mai là biểu tượng xinh đẹp của mùa xuân. Hoa mai còn tượng trưng cho cốt cách thanh cao, tốt đẹp của con người. Cùng với hoa đào ở phương Bắc, hoa mai đã trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi gia đình dịp Tết đến xuân về. Ngày nay, mai đi đến mọi miền của đất nước, không ngại khí hậu không thích hợp để mang lại giá trị của mình. Ngày xuân sum họp gia đình, cả nhà cùng quây quần bên mâm cơm ấm cúng và sắc mai vàng, chúc tụng nhau những lời lẽ đẹp đẽ, yêu thương. Những người con xa quê khi trở về cũng không quên mang một cành mai theo như lời chúc, niềm hi vọng một năm mới hạnh phúc, ấm áp.

Ngày trôi qua ngày, năm cũ qua, năm mới đến, mỗi mùa xuân về người ta lại thấy ấm lòng bởi sắc mai trong nắng. Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ; cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh và đào thắm, mai vàng đã từng ngày sáng tạo và lưu giữ nét đẹp của ngày Tết cố truyền dân tộc từ bao đời nay. Để rồi từng mùa xuân qua đi, ta vẫn luôn lưu luyến một sắc mai vàng rực rỡ.

Back to top

Bài mẫu 2: Giới thiệu một loại hoa (như hoa đào, hoa mai...) hoặc một loại cây (như cây chuối, cây na...) - hoa đào

Dàn ý

1. Mở bài: Giới thiệu cây hoa đào - loài hoa ở miền Bắc mỗi dịp tết đến xuân về

2. Thân bài:

  • Hoa đào là loài hoa đặc trưng cho cái Tết và mùa xuân miền Bắc Việt Nam.
  • Phân loại hoa đào: đào bích, đào phai, đào bạch,...
  • Nêu đặc điểm màu sắc của hoa, hình dáng cây hoa
  • Đặc điểm hoa đào: đào mau cánh, cánh màu đỏ thắm...
  • Chủng loại và cách chăm sóc cây đào

3. Kết luận:

  • Cây hoa đào đáng được trân quý và nâng niu
  • Hoa đào tượng trưng cho một năm mới an lành, hạnh phúc

Bài làm

Cứ vào dịp Tết Nguyên Đán, nhà nhà lại nô nức chuẩn bị bao thức vật thơm ngon, đẹp để cho dịp Tết trọng đại trong năm này. Và giữa bao nhiêu bánh trái, đồ đạc,... mới mẻ, sặc sỡ, một cành đào tươi tắn rực rỡ vẫn được chờ đợi, ngóng trông nhất.

Hoa đào là loài hoa đặc trưng cho cái Tết và mùa xuân miền Bắc Việt Nam. Hoa đào được trồng ở hầu hết các tỉnh miền Bắc: Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Nội,... Nhưng đẹp nhất, được yêu thích nhất vẫn là hoa đào Nhật Tân, Hà Nội. Gọi là hoa đào Nhật Tân vì giống hoa ấy được trồng ở làng Nhật Tân - một vùng đất ven sông Hồng của Hà Nội.

Hoa đào cũng có nhiều loại: đào bích, đào phai, đào bạch,... Trong đó, đào bích phổ biến hơn cả. Đó là loại đào mau cánh, cánh màu đỏ thắm. Đào phai thì nhạt hơn, sắc đã ngả sang hồng. Riêng đào bạch thì đúng như tên gọi, cánh hoa có màu trắng; đây là loại hoa đào rất hiếm và khó trồng.

Hoa đào ưa đất phù sa ven sông và thích hợp với khí hậu ấm áp của mùa xuân. Đó là lí do để cứ mỗi khi Tết đến, xuân về hoa đào lại tưng bừng khoe sắc. Không chỉ vậy, họa còn rất kén chọn cách chăm sóc, tưới bón. Tưới nước cho hoa đào phải tưới bằng nước sạch, nếu sử dụng nước bẩn bị ô nhiễm, đào nở hoa không đều và không đẹp. Hơn nữa, muốn hoa nở đúng dịp Tết phải biết cách tuốt lá đào vào dịp cuối năm.

Tuỳ theo tuổi đời, chủng loại và cách chăm bón của người trồng đào mà một cây đào có thể rất nhỏ hoặc rất rất lớn. Loại nhỏ nhất có thể cao vài chục xen-ti-mét, loại lớn nhất có thể cao đến vài mét. Đào là giống cây rễ cọc nên có một thân chính lớn và rất nhiều cành nhỏ vươn ra từ đây. Thân và cành đào dược bao bọc bởi một lớp vỏ màu nâu xám. Từ hàng chục cành nhỏ lại nhú ra các lá đào xanh non và dưới mỗi lá là một nụ đào nhỏ xíu có một lớp lóng phân trắng phủ ngoài. Đến đúng dịp, từ mỗi nụ nhỏ xinh xắn, một bông hoa đào đỏ thắm ngơ ngác xoè cánh nhìn cuộc sống. Hoa đào có năm cánh thắm, ở giữa là nhị hoa màu vàng tươi trông rất bắt mắt; cả cánh hoa và nhị hoa lại được nâng đỡ bởi sắc xanh non của đài hoa nên một bông hoa đào là một hình ảnh hài hoà về màu sắc.

Hoa đào chỉ nở một lần trong năm vào dịp đầu xuân, chính đặc điểm này cùng với màu đỏ thắm của cánh hoa được con người trân trọng. Bởi màu đỏ là màu của điềm lành, của sự may mắn. Và hoa đào nở vào dịp đầu xuân giống như lời chúc cát tường, thịnh vượng cho mọi gia đình. Cùng với màu sắc của hoa, hình dáng cây hoa cũng là một đặc điểm quan trọng. Thông thường, các cành đào vươn lên khiến cây giống như một chùm đèn lồng xoay ngược hay một li rượu vang lớn. Nhưng người trồng đào hoàn toàn có thể tạo "thế" cho cây bằng cách uốn, tỉa thân, cành. Thân chính của cây được tạo dáng sao cho uốn lượn theo hướng vươn lên giống hình ảnh con rồng bay lên trời xanh. Hoặc có thể được uốn tỉa theo hình các con vật; rất phong phú đa dạng. Muốn cây đào có được vẻ xù xì, cổ kính mà không bị cổng kềnh, cao to, người trồng đào thường chọn những cây già rồi cắt gần sát gốc để từ cái gốc cổ thụ ấy lại vươn ra những thân đào khác... Thế mới biết, nghề trồng đào - chơi đào cũng lắm công phu.

Vào ngày Tết, cây đào được đặt ở vị trí trung tâm trong phòng khách, kiêu hãnh khoe cái vẻ tươi tắn rực rỡ của mình. Nhiều gia đình còn treo lên cành cây những phong bao lì xì, những vật trang trí vô cùng bắt mắt. Mỗi lần gió xuân đi qua, những vật nhỏ xinh ấy lại quay tròn ríu rít vỗ tay mừng hoa đào đã nở.

Cây hoa đào với những đặc điểm đáng quý của mình đã được con người Việt Nam trân trọng và nâng niu như thế. Và mỗi dịp Tết đến xuân về, lòng người lại háo hức với niềm vui được chờ đón hoa đào nở, được chờ đón một năm mới an lành, hạnh phúc.

Back to top

Bài mẫu 3: Giới thiệu một loại hoa (như hoa đào, hoa mai...) hoặc một loại cây (như cây chuối, cây na...) - hoa hồng

Dàn ý

1. Mở bài: Giới thiệu cây hoa hồng - loại hoa có ở khắp nơi, từ miền núi đến trung du, đồng bằng châu thổ.

2. Thân bài:

  • Nguồn gốc của cây hoa hồng
  • Đặc điểm cây hoa hồng: cây thấp cành mềm, mọc thành từng bụi...
  • Đặc điểm hoa hồng: hoa ít cánh, màu đỏ tươi, nở quanh năm
  • Phân loại và đặc điểm các loại hoa hồng:
    • Hoa hồng quế mọc thành chùm ở đầu cành, bông nhỏ màu đỏ cờ, nhụy vàng tươi,...
    • Hồng bạch tuyền hoa màu trắng, cánh nhiều tầng nhưng mỏng và mềm, hương thơm dịu,
    • Hồng bạch văn khôi bông lớn hơn, cánh trắng phớt hồng
    • Hoa hồng nhung bông lớn, cánh đỏ sẫm, lâu tàn...

3. Kết bài:

  • Cây hoa hồng ra hoa quanh năm nhưng nở rộ nhất là vào mùa xuân
  • Hoa hồng được tôn vinh là nữ hoàng của các loài hoa – mãi mãi làm đẹp cho cuộc sống của con người.

Bài làm

Hoa hồng xuất hiện trên trái đất từ lâu đời, có xuất xứ từ các vùng ôn đới và á nhiệt đới phía Bắc bán cầu. Ở nước ta, hoa hồng được trồng khắp nơi, từ miền núi, trung du cho đến đồng bằng châu thổ. Là một loài hoa toàn bích vừa có màu sắc rực rỡ, vừa có hương thơm quý phái nên hoa hồng được nhiều người ưa chuộng, nâng niu. Vì thế, nó trở nên quen thuộc trong đời sống hằng ngày.

Nhiều giống hoa hồng có nguồn gốc địa phương, một số có nguồn gốc từ Trung Quốc và các nước châu Âu. Phổ biến là hoa hồng đỏ, cây thấp cành mềm, mọc thành từng bụi. Hoa ít cánh, màu đỏ tươi, nở quanh năm, thường được trồng trong chậu, trong bồn trước cửa nhà.

Hoa hồng quế mọc thành chùm ở đầu cành, bông nhỏ màu đỏ cờ, nhụy vàng tươi, hương thơm ngát. Các bà, các chị hay dùng hoa hồng quế để dâng cúng Phật vào dịp ngày rằm, mùng một Âm lịch.

Hồng bạch tuyền hoa màu trắng, cánh nhiều tầng nhưng mỏng và mềm, hương thơm dịu, dùng để trang trí phòng khách rất sang. Cánh hoa chưng với mật ong và trái quất làm thuốc chữa ho cho trẻ con rất tốt.

Hồng bạch văn khôi bông lớn hơn, cánh trắng phớt hồng, cây cao trung bình, có sức chịu đựng rất dẻo dai.

Hoa hồng nhung bông lớn, cánh đỏ sẫm, lâu tàn, hương thơm ngát, rất quý.

Các loại hoa hồng kể trên xuất hiện từ nông thôn đến thị thành, được trồng nhiều ở các công viên, thu hút sự say mê của du khách. Tuy vậy, người yêu hoa hồng không thể bỏ qua hoa hồng dại, còn gọi là tầm xuân, cây nhỏ, cành mềm, mọc lan khắp chốn. Bông hồng dại mọc thành chùm chỉ chít, xinh xắn, dễ thương vô cùng! Những bụi hồng dại nở trên tường rào, điểm xuyết nét thơ mộng, thanh bình cho ngôi nhà, góc phố thân yêu.

Trong những năm gần đây, các giống hoa hồng nhập vào nước ta được trồng theo quy trình kĩ thuật hiện đại trong các nhà kính ở Đà Lạt. Hoa hồng Hà Lan màu đỏ sậm, màu vàng cam, hoa hồng Pháp màu vàng tươi, mọc đơn từng bông, cánh dày, tươi lâu, có thể vận chuyển đi xa, rất thích hợp với nhu cầu xuất khẩu và nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều của nhân dân các thành phố lớn.

Cây hoa hồng tương đối dễ trồng, dễ thích nghi với các vùng khí hậu khác nhau. Hoa hồng trồng theo cách chiết và giâm cành. Chọn cành mập mạp, không già không non, bóc một khoanh vỏ rồi đắp bùn trộn lẫn phân mùn xung quanh, bó chặt, tưới nước hằng ngày, đợi đến khi đâm rễ thì cắt đem trồng. Một thời gian sau, khi cành chiết đã đâm nhánh thì bón thúc cho cây phát triển.

Hoa hồng ưa ánh sáng, cần độ ẩm vừa đủ. Tuy vậy, cây hoa hồng hay bị các loại sâu phá hoại như sâu đục thân, sâu róm, sâu tơ ăn lá. Cho nên người trồng phải thường xuyên phun thuốc, bắt sâu, tỉa bớt lá già để cho cây xanh tốt. Mỗi năm, cần đốn bớt một lần. Vài năm đốn đau (gần sát đất) một lần cho cây trẻ lại.

Cây hồng đang độ trổ hoa, ở đầu mỗi cành có nhiều nụ lớn bằng đốt ngón tay, được bao bọc trong một lớp đài hoa màu xanh nhạt. Những nụ chị, nụ em chi chít, âm thầm chuẩn bị đến ngày khoe sắc, khoe hương. Nụ hoa uống sương đêm và tắm ánh nắng mai, từ từ hé nở. Những cánh hoa đỏ thắm, trông đáng yêu vô cùng! Khi hoa nở khoe nhuỵ vàng tươi, toả hương thơm ngát, quyến rũ bướm ong. Những cánh hoa xinh xinh đáng yêu như đôi môi em bé.

Cây hoa hồng ra hoa quanh năm nhưng nở rộ nhất là vào mùa xuân. Sáng sớm, đứng ngắm những bông hồng mới nở, cánh đọng sương sớm long lanh, hương bay phảng phất, ta sẽ thấy lòng phơi phới một cảm xúc yêu đời. Tuổi trẻ mượn hoa hồng để bày tỏ tình yêu nồng nàn, tha thiết. Hoa hồng được tôn vinh là nữ hoàng của các loài hoa – mãi mãi làm đẹp cho cuộc sống của con người.

Back to top

Bài mẫu 4: Giới thiệu một loại hoa (như hoa đào, hoa mai...) hoặc một loại cây (như cây chuối, cây na...) - hoa cúc

Dàn ý

1. Mở bài: Giới thiệu về hoa cúc - loài hoa tượng trưng cho sự cao thượng

2. Thân bài:

  • Cúc được coi là một trong từ bình: Mai - trúc - cúc - tùng
  • Phân loại các loại hoa cúc: hoa cúc vàng, hoa cúc trắng, cúc vạn thọ, cúc tím...
  • Đặc điểm những loại hoa cúc: ...
  • Cây hoa cúc cũng thể hiện sự hiếu thảo, báo đáp công ơn của cha mẹ, mỗi cánh hoa là mỗi ngày người mẹ được sống.
  • Hoa cúc được trưng bày trong những ngày lễ quan trọng như ngày cha mẹ hay ông bà trong những ngày mừng thọ.

3. Kết luận:

  • Hoa cúc luôn là chủ đề sáng tác của nhiều thi sĩ.
  • Có rất nhiều bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của hoa

Bài làm

Trong thế giới của những loài thực vật, mỗi loại hoa, mỗi cành cây, nhánh cỏ lại mang những vẻ đẹp riêng, ý nghĩa riêng mà chúng ta không phải ai cũng biết được điều đó. Mỗi loại cây, hoa lại thể hiện những ý nghĩa riêng. Có những khi, chúng ta tặng cho nhau bó hoa để thay cho lời mình muốn nói. Và đối với em, em yêu nhất là những bông hoa cúc - loài hoa tượng trưng cho sự cao thượng và hoa cúc cũng được coi là hình ảnh đại diện mỗi khi chúng ta nhắc tới mùa thu.

Mùa thu tới mang theo những cơn gió heo may, cái lành lạnh của mùa thu mang tới bên khung cửa cũng là lúc chúng ta lại tìm những cánh hoa cúc nhỏ xinh về bên mình như một nét đẹp mà chỉ mùa thu mới có. Cúc được coi là một trong từ bình: Mai - trúc - cúc - tùng. Đây không chỉ là những hình ảnh đại diện cho bốn mùa mà còn là hình ảnh tượng trưng cho cốt cách của những con người thanh cao.

Hoa cúc tại sao lại nằm trong tứ bình? Đó là bởi vì hoa cúc không chỉ là loài hoa tượng trưng cho mùa thu mà hoa cúc còn tượng trưng cho sự vĩnh cửu, sự trường thọ mà biểu đạt cho ý nghĩa trên chính là những bông cúc trường thọ. Theo quan điểm của nhân dân, những bông hoa cúc khi bị khô héo đi, chúng chỉ bị lụi tàn ở trên cây chứ không bao giờ rụng xuống dưới mặt đất, cũng giống như hình ảnh của những người chính nhân quân tử chỉ có thể chết đứng trong sự ngay thẳng chứ không bao giờ chịu sự chèn ép, chết không được trong sạch. Bởi vậy nên cúc đã là hiện thân của người quân tử trong lòng những người yêu thiên nhiên và muốn tìm cho mình những ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Còn theo quan niệm của dân gian, chắc hẳn chúng ta cũng đã từng nghe sự tích về cây hoa cúc. Cây hoa cúc cũng thể hiện sự hiếu thảo, báo đáp công ơn của cha mẹ, mỗi cánh hoa là mỗi ngày người mẹ được sống. Với những bông cúc có vô ngàn những cánh hoa nhỏ xinh như vậy thì điều đó cũng có nghĩa là cha mẹ của chúng ta cũng sẽ luôn được hạnh phúc, trường thọ.

Những bông hoa cúc tuy được coi là đại diện, là hình ảnh của mùa thu, thế nhưng, chúng vẫn có thể nở quanh năm. Có rất nhiều những loại hoa cúc trong thế giới hiện nay. Nào là hoa cúc vàng, hoa cúc trắng, cúc vạn thọ, cúc tím. Với những người yêu hoa thì mỗi loại hoa cúc lại mang những ý nghĩa riêng biệt không giống nhau. Có lẽ chúng ta sử dụng những bông cúc có màu vàng nhiều nhất bởi màu sắc rực rỡ của nó. Màu vàng là màu tượng trưng cho tuổi trẻ, cho những khát vọng mãnh liệt của mỗi chúng ta. Cũng gần giống như những bông hoa cúc vàng, những bông hoa cúc trắng cũng mang trong mình vẻ đẹp riêng. Phía trên cùng là những cánh hoa nhỏ li ti xếp chồng lên nhau, mang trong mình mùi thơm thoang thoảng, đầy ý nhị. Không phô trương như những bông hoa hồng rực lửa, cúc chỉ có sự nhẹ nhàng, đằm thắm như hình ảnh của những người phụ nữ dịu dàng. Phía dưới là những đài hoa xanh biếc nâng đỡ những cánh hoa bên trên. Chúng như bàn tay nhỏ bé, nâng niu từng cánh hoa giúp cho chúng có thể bám vào nhau, tạo nên vẻ đẹp của những bông cúc trong nắng nhẹ của những ngày thu - nhất là những ngày thu của tiết trời Hà Nội.

Cúc thường mọc thành từng cụm, những bông cúc thường có thể tươi trong nửa tháng mới tàn, thế nhưng chỉ vài ngày sau, những nụ hoa cúc đã bắt đầu nở rộ ở những nhánh bên cạnh. Vào những lúc như thế này, sức sống của những bông cúc mới mãnh liệt hơn bao giờ hết. Hay như những bông cúc trường tho, chúng gây nổi bật bởi hình dáng của mình. Chúng là những bông hoa to bằng cái bát ăn cơm, bông hoa nở rộ lên, mang ý nghĩa của sự vĩnh cửu. Có lẽ vì vậy mà những bông cúc trường thọ cũng được nhiều người ưu ái hơn so với những bông cúc khác. Chúng rất hay được mua trong những ngày lễ quan trọng như ngày cha mẹ hay ông bà trong những ngày mừng thọ.

Chính bởi những ý nghĩa như trên mà những bông hoa cúc được coi là một trong những hình ảnh được nhiều thi sĩ lấy đó làm chủ đề cho những sáng tác của mình. Những bài thơ về hoa cúc có lẽ chỉ đứng sau hoa hồng mà thôi. Những người yêu thơ có lẽ biết rất nhiều những bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của hoa cúc như:

Trăm hoa đua nở, vắng ngươi hoài!

Trăm hoa tàn rồi mới thấy ngươi

Tháng rét một mình, thưa bóng bạn

Nhị thơm chẳng rữa, chạnh lòng ai

Nhấp nhô lưng giậu, xanh chồi trúc

Óng ả đầu hiên ướt ngọn mai

Cất chén mỉm cười, vừa ý tớ

Bõ công vun xới đã lâu ngày

Back to top


  • 258 lượt xem
Chủ đề liên quan