Giải bài tập làm văn: Luyện tập miêu tả các bộ phận của cây cối - tiếng việt 4 tập 2 trang 41
Soạn bài tiếng Việt 4 tập 2, Giải bài tập làm văn: Luyện tập miêu tả các bộ phận của cây cối - trang 41 sgk. Tất cả những câu hỏi, bài tập trong bài tập đọc này đều được KhoaHoc hướng dẫn giải chi tiết, dễ hiểu.
Câu 1. Dưới đây là một số đoạn văn tả lá, thân và gốc một số loài cây. Theo em, cách tả của tác giả trong mỗi đoạn có gì đáng chú ý?
a. Tả lá cây
Lá bàng
Có những cây mùa nào cũng đẹp như cây bàng. Mùa xuân, lá bàng mới nảy trong như những ngọn lửa xanh. Sang hè, lá lên thật dày, ánh sáng xuyên qua chỉ còn là màu ngọc bích. Khi lá bàng ngả sang màu lục, ấy là mùa thu. Sang đến những ngày cuối đông, mùa của lá rụng, nó lại có vẻ đẹp riêng. Những lá bàng mùa đông đỏ như đồng ấy, tôi có thể nhìn cả ngày không chán. Năm nào tôi cũng chọn lấy mấy lá thật đẹp về phủ một lớp dầu mỏng, bày lên bàn viết. Bạn có biết nó gợi lên chất liệu gì không? Chất sơn mài.
Đoàn Giỏi
Bàng thay lá
Chỉ vài hôm, lộc non đã tràn đầy trên bàn tay mùa đông của cây bàng. Dáng mọc của lộc rất lạ, thẳng đứng trên cành, như thể đêm qua có ai đã thả ngàn vạn búp lá nhỏ xíu từ trên trời, xanh biếc chi chít đầy cành và xoay thành những tán tròn quanh thân cây. Lá non lớn nhanh, đứng thẳng và cao chừng gang tay, cuộn tròn như những chiếc tai thỏ. Khi những tai thỏ xòe ra thành vài ba chiếc lá nhỏ, cây bàng nảy thêm một lứa lộc lần thứ hai màu đỏ đọt giữa những chùm lá; tán bàng bây giờ là một màu áo lục non lỗ đỗ những vệt hoa hồng thắm. Chỉ trong vòng mươi hôm từ khi nảy lộc, nhìn lại thấy lá đã già trên thân cây đầy những hốc bướu cổ quái, tưởng vẫn y như thế từ trăm năm. Ai ngờ trên thân thể đại lão của nó là một linh hồn rất trẻ, bởi không còn một chiếc lá nào năm ngoái còn sót lại trên cây.
Theo Hoàng Phủ Ngọc Tường
b. Tả thân cây và gốc cây
Cây sồi già
Bên vệ đường, sừng sững một cây sồi. Đó là một cây sồi lớn, hai người ôm không xuể, có những cành có lẽ đã gãy từ lâu, vỏ cây nứt nẻ đầy vết sẹo. Với những cánh tay to xù xì không cân đối, với những ngón tay quều quào xòe rộng, nó như một con quái vật già nua cau có và khinh khỉnh đứng giữa đám bạch dương tươi cười.
Bấy giờ đã đầu tháng sáu. Mới sau có một tháng, cây sồi già đã thay đổi hẳn, tỏa rộng thành vòm lá xum xuê xanh tốt thẫm màu, đang say sưa ngây ngất, khẽ đung đưa trong nắng chiều. Không còn thấy những ngón tay co quắp, những vết sẹo và vẻ ngờ vực, buồn rầu trước kia. Xuyên qua lớp vỏ cứng già hàng thế kỉ, những khóm lá non xanh tươi đã đam thẳng ra ngoài. Thật khó lòng tin được chính cây sồi già cằn cỗi kia đã sinh ra chùm lá non xanh mơn mởn ấy.
Thep Lép Tôn-xtôi
Cây tre
Thân tre vừa tròn lại vừa gai góc. Trên thân cây tua tủa những vòi xanh ngỡ như những cánh tay vươn dài. Dưới gốc chi chít những búp măng non. Búp thì mới nhô khỏi mặt đất, búp thì cao ngang ngực em, búp vượt quá đầu em… Em cứ nghĩ những búp măng ấy chính là những đứa con thân yêu của tre năm năm tháng tháng được mẹ chăm chút, ngày một lớn lên, ngày một trưởng thành trong bóng mát yêu thương.
Bùi Ngọc Sơn
Trả lời:
- Trong đoạn văn tả lá bàng, nhà văn Đoàn Giỏi đặc biệt chú ý đến sự thay đổi màu sắc của lá bàng trong bốn mùa xuân, hạ, thu đông.
- Trong đoạn văn Bàng thay lá, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường chú ý nhiều đến hình dáng của những chiếc lá non mới mọc trên cành bàng.
- Trong đoạn Cây sồi già, nhà văn Lep Tôn-xtôi đã chú ý đến dáng vẻ của cây sồi già trước khi nó trổ lá non và sau khi nó trổ lá non. Hai dáng vẻ tương phản nhau làm nổi bật sức sống mãnh liệt của cây sồi đã sống nhiều năm trên mặt đất.
- Trong đoạn Cây tre, tác giả Bùi Ngọc Sơn tập trung vào quan sát và miêu tả những búp măng non.
Câu 2. Viết một đoạn văn tả lá, thân hay gốc của một số cây mà em yêu thích
Trả lời:
- Tả hoa mai: Hoa mai cũng có năm cánh như hoa đào, nhưng cánh hoa mai to hơn cánh hoa đào một chút. Những nụ mai không phô hồng mà ngời xanh màu ngọc bích. Sắp nở, nụ mai mới phô vàng. Khi nở, cánh hoa mai xoè ra mịn màng như lụa. Những cánh hoa ánh lên một sắc vàng muốt, mượt mà. Một mùi hương thơm lựng như nếp hương phảng phất bay ra.
- Tả hoa phượng: Phượng vĩ là loài cây em yêu nhất. Bởi vậy, cây phượng vĩ ở góc sân trường đã gắn bó thân thiết với em. Phượng vĩ đẹp nhất trong em không chỉ là hoa hay lá, mà phượng còn đẹp ở cái dáng nghiêng nghiêng chiều lượn, chiều quằn. Thân cây to, tỏa nhiều cành. Dưới gốc, một vòng tay em ôm thân cây không xuể. Thời gian đã khoác lên cây chiếc áo nâu sần sùi, sờn bạc. Thế nhưng bên trong lớp áo ấy là dòng nhựa mát lành luôn vận chuyển chất màu. Nhờ dòng nhựa ấy mà cây quanh năm xanh tốt. Và có lẽ vẻ đẹp của cây hội tụ lại ở những chùm hoa đỏ thắm trên cành.
- Tả quả vải tiến vua: Trái vải tiến vua chỉ nhỉnh hơn cái chén hạt mít dùng để pha trà tàu một chút. Vỏ của nó không đỏ mà ong óng một màu nâu, nhẵn lì chứ không có gai gồ ghề. Khi bóc vỏ ra rồi thì không có nước tèm lem, mà hột thì chỉ nhỏ bằng ngón tay út. Cùi vải dày như cùi dừa nhưng không trắng bạch mà trắng ngà. Đặt lên lưỡi, cắn một miếng thì nước chan hoà, ngọt sắt, nhai thì mềm mà lại giòn, nhai khe khẽ thì chính tai mình thấy như sậm sựt.
Xem thêm bài viết khác
- Tìm trạng ngữ chỉ nơi chốn trong các câu sau:
- Tìm trạng ngữ trong các câu sau
- Giải bài Tập đọc: Vương quốc vắng nụ cười (tiếp theo) trang 143 tiếng Việt 4
- Giải bài tập làm văn: Miêu tả đồ vật - tiếng việt 4 tập 2 trang 18
- Giải bài Ôn tập cuối học kì II tiết 2 trang 163 tiếng Việt 4
- Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia: Kể chuyến đi cắm trại ở Sơn Tinh Camp
- Kể câu chuyện về tinh thần lạc quan của người chiến sĩ cách mạng
- Giải bài Tập đọc Ga-vrốt ngoài chiến lũy
- Viết một đoạn văn ngắn từ 3 đến 5 câu kể về một lần em được đi chơi xa, trong đó có ít nhất một câu dùng trạng ngữ Luyện từ và câu lớp 4 tuần 31
- Giải bài Luyện từ và câu: Thêm trạng ngữ chỉ phương tiện cho câu trang 160 tiếng Việt 4
- Giải bài tập làm văn: Luyện tập miêu tả các bộ phận của cây cối - tiếng việt 4 tập 2 trang 41
- Giải bài Tập đọc: Ăn "mầm đá" trang 157 tiếng Việt 4