Giải Địa 10 Bài 19: Quy mô dân số, gia tăng dân số và cơ cấu dân số thế giới KNTT Giải Địa 10 SGK - Kết nối tri thức

  • 1 Đánh giá

Khoahoc xin chia sẻ tới các em bài Giải Địa 10 Bài 19: Quy mô dân số, gia tăng dân số và cơ cấu dân số thế giới KNTT được Khoahoc sưu tầm và đăng tải. Hướng dẫn các em trả lời các câu hỏi trong bài chi tiết, đầy đủ giúp các em trả lời và hoàn thành bài tập Địa lí 10 bài 19. Dưới đây là nội dung của bài, các em tham khảo nhé

Giải Địa 10 SGK Bài 19: Quy mô dân số, gia tăng dân số và cơ cấu dân số thế giới

Mở đầu trang 55 Địa Lí 10 SGK Địa lí 10 KNTT

Gia tăng dân số thế giới diễn ra như thế nào? Cơ cấu dân số thường đề cập đến những yếu tố nào?

Lời giải:

- Từ khoảng giữa thế kỉ XX, số dân thế giới tăng rất nhanh (bùng nổ dân số), nhưng gần đây đã tăng chậm lại. Năm 2020 số dân thế giới đạt khoảng 7,8 tỉ người. Tuy nhiên, ở các khu vực, các quốc gia, số dân có sự biến động khác nhau.

- Cơ cấu dân số thường đề cập đến: giới tính, độ tuổi, dân tộc, trình độ học vấn, nghề nghiệp, tình trạng hôn nhân và các đặc trưng khác.

1. Quy mô dân số

Câu hỏi trang 55 SGK Địa lí 10 KNTT: Dựa vào thông tin trong mục 1 và bảng 19, hãy trình bày đặc điểm và tình hình phát triển dân số trên thế giới.

Dựa vào thông tin trong mục 1 và bảng 19, hãy trình bày đặc điểm và tình hình phát triển dân số

Lời giải:

Đặc điểm và tình hình phát triển dân số trên thế giới

- Từ khoảng giữa thế kỉ XX, số dân thế giới tăng rất nhanh (bùng nổ dân số), nhưng gần đây đã tăng chậm lại.

- Năm 2020 số dân thế giới đạt khoảng 7,8 tỉ người.

- Tuy nhiên, ở các khu vực, các quốc gia, số dân có sự biến động khác nhau.

- Dân số tập trung chủ yếu ở các nước đang phát triển, chiếm khoảng 83,3% dân số thế giới và ngày càng tăng.

2. Gia tăng dân số

Câu hỏi 1 trang 56 SGK Địa lí 10 KNTT: Dựa vào thông tin trong mục a, hãy cho biết thế nào là gia tăng dân số tự nhiên.

Lời giải:

- Để đánh giá gia tăng dân số tự nhiên, người ta dựa vào tỉ suất tăng tự nhiên dân số.

- Tỉ suất tăng tự nhiên dân số là mức chênh lệch giữa tỉ suất sinh thô và tỉ suất tử thô.

- Hiện nay, tỉ suất tăng tự nhiên dân số của toàn thế giới có xu hướng giảm; Vì thế, số dân thế giới tăng chậm lại.

Câu hỏi 2 trang 56 SGK Địa lí 10 KNTT: Dựa vào thông tin trong mục b, hãy cho biết thế nào là gia tăng dân số cơ học.

Lời giải:

- Gia tăng dân số cơ học là sự chênh lệch giữa tỉ suất nhập cư và tỉ suất xuất cư.

- Ở các nước phát triển tỉ suất nhập cư thường lớn hơn tỉ suất xuất cư, còn ở các nước đang phát triển tỉ suất xuất cư thường lớn hơn tỉ suất nhập cư.

- Gia tăng dân số cơ học không ảnh hưởng tới số dân trên phạm vi toàn thế giới nhưng có ý nghĩa quan trọng đối với từng khu vực, từng quốc gia.

Câu hỏi 3 trang 56 SGK Địa lí 10 KNTT: Dựa vào thông tin trong mục c, hãy trình bày khái niệm về gia tăng dân số thực tế.

Lời giải:

- Tỉ lệ tăng dân số thực tế là tổng số giữa tỉ lệ tăng dân số tự nhiên và tỉ lệ tăng dân số cơ học (đơn vị tính là %).

- Đây là thước đo phản ánh đầy đủ về sự gia tăng dân số.

- Tuy nhiên, giữa hai bộ phận tạo nên gia tăng dân số thực tế thì gia tăng dân số tự nhiên vẫn là động lực phát triển dân số.

Câu hỏi 4 trang 57 SGK Địa lí 10 KNTT: Dựa vào thông tin trong mục d, hãy phân tích các nhân tố tác động đến gia tăng dân số.

Lời giải:

Các nhân tố tác động đến sinh đẻ, tử vong và di cư cũng chính là các nhân tố tác động đến gia tăng dân số.

* Điều kiện tự nhiên và môi trường sống

- Điều kiện và môi trường sống thuận lợi góp phần tăng mức nhập cư và ngược lại.

- Thiên tai, dịch bệnh làm tăng mức tử vong, mức xuất cư.

* Điều kiện kinh tế - xã hội

- Nhìn chung, trình độ phát triển kinh tế và mức sống cao làm giảm mức sinh, mức xuất cư và ngược lại.

- Tập quán, tâm lí xã hội, cơ cấu tuổi và giới tính tác động đến mức sinh, mức tử vong.

- Chính sách về dân số ảnh hưởng đến mức sinh, mức di cư.

3. Cơ cấu dân số

Câu hỏi 1 trang 58 SGK Địa lí 10 KNTT: Đọc thông tin trong mục a, hãy trình bày cơ cấu dân số theo giới tính và cơ cấu dân số theo tuổi.

Lời giải:

* Cơ cấu dân số theo giới tính

- Cơ cấu dân số theo giới tính biểu thị bằng tỉ lệ giới tính (tỉ lệ giới nam và giới nữ trong tổng số dân) hoặc tỉ số giới tính (100 nữ thì tương ứng có bao nhiêu nam).

- Cơ cấu dân số theo giới tính thay đổi theo thời gian và khác nhau giữa các nước, các khu vực, phụ thuộc vào tình trạng chiến tranh, phát triển kinh tế, quan niệm xã hội,...

- Cơ cấu dân số theo giới tính tác động tới phân bố sản xuất, tổ chức đời sống xã hội, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội,...

* Cơ cấu dân số theo tuổi

- Cơ cấu dân số theo tuổi biểu thị tỉ lệ dân số theo những nhóm tuổi nhất định trong tổng số dân. Các nhóm tuổi có thể được phân theo khoảng cách đều nhau.

- Cơ cấu dân số theo tuổi thể hiện tổng hợp tình hình sinh, tử, tuổi thọ, khả năng phát triển dân số và nguồn lao động của một quốc gia.

- Người ta có thể biểu hiện cơ cấu dân số theo tuổi bằng biểu đồ, gọi là tháp dân số (hay tháp tuổi) với 3 dạng: tháp hình tam giác, hình chum, hình quả chuông.

Câu hỏi 2 trang 59 SGK Địa lí 10 KNTT: Dựa vào hình 19.2 và thông tin trong mục b, hãy trình bày cơ cấu dân số theo trình độ văn hoá và cơ cấu dân số theo lao động.

Dựa vào hình 19.2 và thông tin trong mục b, hãy trình bày cơ cấu dân số

Lời giải:

* Cơ cấu dân số theo trình độ văn hoá

- Cơ cấu dân số theo trình độ văn hoá phản ánh trình độ dân trí và trình độ học vấn của dân cư; thường thể hiện qua tỉ lệ dân số 15 tuổi trở lên biết chữ, số năm đi học trung bình của người trên 25 tuổi,...

- Cơ cấu dân số theo trình độ văn hoá là thước đo quan trọng phản ánh chất lượng dân số của một khu vực, một quốc gia.

* Cơ cấu dân số theo lao động

- Cơ cấu dân số theo lao động là sự biểu thị tỉ lệ giữa các bộ phận lao động trong tổng nguồn lao động xã hội.

- Có thể phân chia nguồn lao động thành hai nhóm: dân số hoạt động kinh tế và dân số không hoạt động kinh tế hoặc phân chia số lao động hoạt động trong ba khu vực kinh tế.

Luyện tập trang 59 SGK Địa lí 10 KNTT: Quan sát hình 19.1, hãy so sánh sự khác nhau giữa tháp dân số năm 2020 của các nước Ê-ti-ô-pi-a, Ấn Độ và Ca-na-đa.

Quan sát hình 19.1, hãy so sánh sự khác nhau giữa tháp dân số năm 2020

Lời giải:

Sự khác nhau giữa tháp dân số năm 2020 của các nước Ê-ti-ô-pi-a, Ấn Độ và Ca-na-đa.

Đặc điểm

Ê-ti-ô-pi-a

Ấn Độ

Ca-na-đa

Hình dáng tháp

Đáy rộng, đỉnh nhọn -> Dân số trẻ (hình tam giác).

Đáy thu hẹp, thân và đỉnh bắt đầu mở rộng -> Chuyển từ dân số trẻ sang dân số già (hình quả chuông).

Đáy hẹp, đỉnh và thân mở rộng -> Dân số già (hình chum).

Cơ cấu dân số theo tuổi

0-14 tuổi: đông nhất.

Trên 64: ít nhất.

0-14: xu hướng giảm.

Trên 64: xu hướng tăng.

0-14: giảm xuống.

Trên 64: xu hướng tăng nhanh.

Vận dụng trang 59 SGK Địa lí 10 KNTT: Hãy tìm hiểu tình hình biến động dân số (tăng, giảm) ở nơi em sống trong thời gian 5 năm trở lại đây và nguyên nhân dẫn tới sự biến động đó.

Lời giải:

- Học sinh tìm hiểu thông tin qua sách, báo hoặc internet.

- Ví dụ: Dân số của Hà Nội

DÂN SỐ CỦA HÀ NỘI, GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 (Đơn vị: Nghìn người)

Năm

2016

2017

2018

2019

2020

Số dân

7328,4

7420,1

7520,7

8093,9

8246,6

(Nguồn: https://www.gso.gov.vn/)

Qua bảng số liệu, ta thấy dân số của Hà Nội ngày càng tăng lên. Dân số Hà Nội tăng lên là do Hà Nội là một trong hai trung tâm công nghiệp phát triển nhất nước ta, là thủ đô của Việt Nam, là trung tâm văn hóa, tài chính, dịch vụ, y tế, giáo dục, vận tải,… phát triển bậc nhất cả nước nên thu hút được nhiều lao động từ các tỉnh đến tìm việc làm, định cư.

Bài tiếp theo: Giải Địa 10 Bài 20: Phân số dân cư và đô thị hóa trên thế giới KNTT

Giải Địa 10 Bài 19: Quy mô dân số, gia tăng dân số và cơ cấu dân số thế giới KNTT được Khoahoc chia sẻ trên đây. Hy vọng với tài liệu này sẽ giúp ích cho các em có thêm tài liệu tham khảo, củng cố kiến thức cũng như chuẩn bị tốt cho bài giảng sắp tới. Chúc các em học tốt, ngoài ra các em có thể tham khảo thêm các môn học khác như Toán, Hóa học, Ngữ văn, tiếng Anh, Địa lí 10 KNTT, soạn Văn 10 Kết nối tri thức tập 1....đều có tại, tài liệu học tập lớp 10

  • 54 lượt xem

Xem thêm bài viết khác

Xem thêm Địa lý 10 Kết nối tri thức