Hãy miêu tả hình ảnh mẹ hoặc cha lúc em mắc lỗi
Đề bài: Hãy miêu tả hình ảnh mẹ hoặc cha lúc em mắc lỗi. (Đây là đề 2 trong bài viết số 6 văn 6 với lựa chọn là: lúc em mắc lỗi)
Bài làm:
Mỗi chúng ta không có ai sinh ra đã hoàn hảo đến mức tuyệt đối. Trong hành trình trưởng thành của mình, vô tình hay cố ý, chúng ta mắc phải những lỗi lầm. Những lỗi lầm ấy đôi khi lại làm tổn thương tới những người xung quanh. Em đã từng như thế. Cho đến hôm nay, hình ảnh mẹ khi em mắc lỗi vẫn in sâu trong tâm trí em.
Em may mắn được sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Cha thường bận việc ở những miền đất xa xôi nên mẹ luôn quan tâm, chăm sóc em hết mực. Từ ngày cắp sách tới trường, em luôn cố gắng đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Mẹ và cha lúc nào cũng tự hào và tạo điều kiện tốt nhất cho em. Niềm tin của mẹ đặt trọn vẹn ở em, mẹ thậm chí không khắt khe thời gian học tập ở nhà với em.
Năm em học lớp 5, câu chuyện ấy đã xảy ra. Em mải chơi, lơ là việc học tập. Để rồi lần kiểm tra cuối kỳ 1, em bàng hoàng nhận bài kiểm tra điểm thấp. Trên trang giấy trắng, trong ô vuông điểm và lời phê ngay ngắn, con số 3 và dòng chữ “Lười học bài, kiến thức mơ hồ” đỏ chót chói mắt. Nỗi thất vọng và lo lắng bủa vây lấy em. Trống tan trường đã điểm mà em vẫn thẫn thờ ngồi trong lớp. Em suy nghĩ biết nói như thế nào với mẹ. Cả con đường về nhà quen thuộc cũng trở nên đáng sợ với em hơn bao giờ hết. Cuối cùng, em quyết định nói dối, em sẽ giấu kĩ bài kiểm tra này, mẹ chắc chắn sẽ không biết.
Cánh cổng gỗ đã hiện ra trước mắt. Giọng nói ấm áp của mẹ vang lên, ân cần hỏi em đi học về có mệt không. Mẹ pha cho em một cốc nước mát, nụ cười vẫn nở trên môi, mẹ hỏi: “Bài kiểm tra cuối kỳ con làm tốt chứ? Có áp lực quá không?” Em giật mình, không dám nhìn thẳng vào ánh mắt chờ mong của mẹ, em khẽ đáp: “Dạ, cũng ổn ạ” rồi lấy cớ vào phòng làm bài tập. Em đem bài kiểm tra kẹp vào quyển nhật kí, giấu tận trên tầng cao nhất của giá sách.
Nhưng “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, em bị mẹ phát hiện. Một tuần trôi qua êm đẹp vì bài điểm kém đã giấu kín. Cho tới một hôm, em đi học về mà không thấy bóng dáng quen thuộc của mẹ ngoài phòng khách. Em rảo bước về phòng cất cặp sách. Qua khe cửa nhỏ, hình ảnh trong phòng làm em dừng hẳn lại. Giá sách bị đổ, sách vở nằm la liệt dưới đất, và trong đống lộn xộn đó, bài kiểm tra ở ngay dưới chân mẹ em. Mẹ cầm nó lên, em thấy khuôn mặt mẹ ngạc nhiên, bất ngờ rồi buồn bã vô tận. Hàng mi dài cụp xuống che đi đôi mắt đã ươn ướt lệ. Đôi tay gầy guộc của mẹ run lên nhè nhẹ. Lòng em dường như thắt chặt lại. Em khẽ gọi: “Mẹ”. Mẹ chầm chậm quay đầu nhìn em. Vội vàng lau đi những giọt nước mắt, giọng nói trong trẻo, ấm áp thường ngày chợt nghèn nghẹn, khàn khàn: “Con về rồi à. Rửa tay rồi ăn cơm thôi.” Mẹ nhanh tay gấp bài kiểm tra kia vào chỗ cũ, xếp lại sách đổ xuống cho tôi. Em cứ đứng như trời trồng ngoài cửa, lòng ngập tràn nỗi ân hận. Mẹ không đánh mắng mà im lặng, thể hiện nỗi buồn đó là rất lớn.
Bữa cơm yên lặng trôi qua, em cúi đầu, len lén nhìn vành mắt đỏ hoe của mẹ. Cả ngày hôm ấy, mẹ không nói thêm lời nào nữa. Em đắn đo mãi, quyết định xin lỗi mẹ. Em đứng bên giường khi mẹ đi nằm nghỉ, giọng lí nhí: “Con xin lỗi mẹ, con không nên học hành sa sút còn giấu mẹ. Con sẽ không bao giờ tái phạm nữa, mẹ đừng buồn mẹ nhé.” Em dứt lời rồi òa lên khóc. Mẹ hoảng hốt ôm lấy em, mẹ cũng khóc: “Con biết lỗi là tốt rồi. Đừng giấu mẹ, con phải tin tưởng cha mẹ. Dù có bị điểm kém, con nói ra mẹ mới biết và cùng con cố gắng. Con dù thế nào cũng là con của mẹ”. Giọng nói thân thương của mẹ vỗ về trái tim em, truyền cho em sức mạnh để kiên cường hơn. Mẹ con em cứ ôm nhau như vậy, lòng em nhẹ nhõm đi trông thấy.
Thời gian trôi đi, lỗi lầm ngày đó em đã sửa đổi. Song hình ảnh cảm động của mẹ vẫn luôn hiện diện nhắc nhở em phải sống cho xứng đáng. Mẹ là niềm hạnh phúc, là ánh mắt trời soi sáng cuộc đời em. Người mẹ nào trên thế gian này cũng vĩ đại, hãy trân trọng và yêu thương mẹ của mình.
Xem thêm bài viết khác
- Với mỗi dấu ba chấm dưới đây, em hãy lựa chọn thêm một chủ ngữ thích hợp để tạo thành câu hoàn chỉnh
- Sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh có gì khác thường? Kể về sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh như vậy, theo em, nhân dân muốn thể hiện điều gì?
- Từ truyện Buổi học cuối cùng, em hãy tả lại bằng miệng cho các bạn nghe hình ảnh thầy giáo Ha-men
- Đề thi giữa học kì 1 lớp 6 môn Ngữ văn số 1 Đề kiểm tra giữa kì 1 lớp 6
- Soạn bài Tổng kết phần tập làm văn
- Em hiểu như thế nào về tính khoe của? Anh đi tìm lợn khoe của trong tình huống như thế nào? Lẽ ra, anh phải hỏi người ta ra sao?
- Em biết được điểu gì về cầu Long Biên qua đoạn văn từ Cầu Long Biên khi mới hình thành đến bị chết trong quá trình làm cầu?
- Em biết những truyện nào của các dân tộc khác ở Việt Nam, cũng giải thích nguồn gốc dân tộc tương tự như truyện “Con Rồng, cháu Tiên”? Sự giống nhau ấy khẳng định điều gì?
- Soạn bài: Em bé thông minh
- Đề 2 bài tập làm văn số 6 lớp 6 trang 94 sgk: mắc lỗi
- Viết một đoạn văn miêu tả nhân vật thầy Ha men hoặc chú bé Phrăng trong buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp
- Lập dàn ý cho đề văn trong câu 3 trang 71 sgk ngữ văn 6 tập 2