Luyện nói Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ Soạn bài Luyện nói Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

Nội dung
  • 1 Đánh giá

KhoaHoc mời các bạn cùng tham khảo nội dung bài viết Soạn bài Luyện nói Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ được hướng dẫn chi tiết trong bài viết dưới đây.

I. Chuẩn bị ở nhà

1. Ôn lại để nắm vững kiến thức về các làm bài nghị luận về một đoạn thơ bài thơ

2. Cho đề bài:" Bếp lửa sưởi ấm một đời - Bàn về bài thơ Bếp lửa của nhà thơ Bằng Việt"

Lập dàn ý và trình bày bài nói của mình

Dàn ý:

1. Mở bài: giới thiệu về vấn đề nghị luận

Hẳn ai cũng có một quá khứ bên người thân, gia đình. Trong thời kỳ đất nước chống giặc ngoại xâm, biết bao người đã rời khỏi gia đình để nhập ngũ, dốc sức vì đất nước. Nhà thơ Bằng Việt cũng có một tuổi thơ mà bố mẹ ông đều đi đánh giặc. Một mình sống với bà nhưng ông không hề cảm thấy cô đơn mà còn rất tự hào và vui sướng vì được sống bên bà. Ông đã sáng tác nên bài thơ “Bếp lửa” để nói lên tình cảm của ông giành cho bà cũng như khẳng định rằng bếp lửa không chỉ làm ấm tình cảm bà cháu mà còn sưởi ấm một đời người.

2. Thân bài:

a, Giải thích vấn đề nghị luân:

Ra đời vào năm 1963, bài thơ “Bếp lửa” đã tái hiện chân thật một khoảng kí ức tuổi thơ của người cháu bên bà của mình. Tuổi thơ của người cháu gắn liền với hình ảnh người bà thân thương và bếp lửa ấp iu nồng đượm khiến người cháu mỗi khi nhớ về lại có những cảm xúc vô cùng yêu thương xen lẫn cảm phục người bà của mình. Bài thơ không chỉ nói lên tình cảm của người cháu giành cho bà mình mà còn khẳng định rằng bếp lửa không chỉ làm ấm tình cảm bà cháu mà còn sưởi ấm một đời người. Hình ảnh bếp lửa trong bài thơ gắn với thời kì chống Pháp gian khổ của nhân dân ta . Đối với nhà thơ , bếp lửa gợi nhớ về bà & những tháng năm đc bà chăm sóc .

b. Đưa ra luận điểm, luận cứ để chứng minh:

  • Luận điểm 1: Hình ảnh bếp lửa gắn với hình ảnh của bà , thể hiện sự kính yêu , trân trọng , biết ơn của cháu đối với bà.
  • Luận điểm 2: Bài thơ ko chỉ bó hẹp trong tình cảm gia đình mà còn rộng ra là tình yêu quê hương đất nước.

c. Khái quát cuối:

Nêu ra nghệ thuật, nội dung, khẳng định lại hình ảnh bếp lửa trong bài. Hình ảnh bà với ngọn lửa như người truyền lửa, truyền cảm xúc, và là người giữa lửa trong lòng người cháu nói riêng và thế hệ trẻ nói chung.

3. Kết bài: Nêu cả xúc và nhận định của bản thân:

Hình ảnh bếp lửa là 1 sáng tạo độc đáo của bài thơ, qua đó, tác giả thể hiện sự biết ơn, kính yêu đối với người bà đã hi sinh vì con cháu.

II. Bài tập ôn luyện

Câu 1. Phân tích ba khổ thơ cuối bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt.

“Bếp lửa” là một trong những bài thơ hay viết về tình cảm bà cháu. Đặc biệt là đến với ba khổ thơ cuối cùng, Bằng Việt đã thể hiện được những suy nghĩ về cuộc đời của bà, cũng như nỗi nhớ dành cho bà.

Bài thơ “Bếp lửa” được sáng tác năm năm 1963, khi tác giả đang là sinh viên học ngành Luật ở nước ngoài. Khi xuất bản, bài thơ được đưa vào tập thơ “Hương cây - Bếp lửa" (1968). Đây là tập thơ đầu tay của Bằng Việt và Lưu Quang Vũ. Hình ảnh trung tâm của bài thơ là “bếp lửa” đã chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc. Qua đó gửi gắm nhiều suy tư sâu sắc về tình cảm bà cháu - một tình cảm gia đình cũng rất đỗi thiêng liêng:

Rồi sớm rồi chiều, lại bếp lửa bà nhen,
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn,
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…

Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi,
Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui,
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ…
Ôi kỳ lạ và thiêng liêng - bếp lửa!

Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
- Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?”

Khi nhớ về bà, người cháu sẽ nhớ đến những năm tháng tuổi thơ sống bên bà. Mà hình ảnh bếp lửa đã trở nên quá gắn bó. Nhưng ở đây, tác giả không dùng “bếp lửa” mà lại dùng “ngọn lửa” nhằm thể hiện một dụng ý nghệ thuật. “Ngọn lửa” chính là hình ảnh biến thể của “bếp lửa”. Khi sử dụng hình ảnh “ngọn lửa” sẽ có tính khái quát cao hơn. “Ngọn lửa” sẽ mang ý nghĩa biểu tượng cho tình yêu thương của bà, là kết tinh của niềm tin mà bà truyền cho đứa cháu. Câu thơ “Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn” khẳng định rằng bà là người nhóm lửa, giữ lửa và truyền lửa cho thế hệ nối tiếp. Không chỉ vậy, bà còn đem đến “Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng” nghĩa là đem đến niềm tin, hy vọng về tương lai.

Người bà trong bài thơ, suốt cả một cuộc đời đã làm việc vất vả vì con, vì cháu. Điệp từ “nhóm” kết hợp với hình ảnh “bếp lửa ấp iu nồng đượm”, “niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi” - đó là bài học về lòng yêu thương, đồng cảm mà bà đã dạy cho cháu. Không chỉ vậy, bà còn nhóm “nồi xôi gạo mới sẻ chia chung vui” - đó là sự sẻ chia mà bà đã giúp cháu nhận ra. Cuối cùng, bà còn giúp nhóm dậy “những tâm tình tuổi nhỏ” - bà đã giúp cháu trở nên trưởng thành trong nếp nghĩ, nếp sống. Câu thơ “Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa” giống như là một tiếng reo vui. Cháu đã phát hiện ra một điều thật kỳ lạ mà thú vị. Đó là bếp lửa bao nhiêu năm vẫn luôn hiện hữu trong trí nhớ của cháu, với những kỉ niệm thiêng liêng nhất.

Ngày hôm nay, khi đã trưởng thành, cháu nhớ về bếp lửa, nhớ về bà để rồi bộc lộ nỗi niềm chân thành mà sâu sắc. Dù khi lớn lên, cháu có thể tự mình đi đến nhiều nơi. Cháu được chứng kiến rất nhiều sản phẩm của văn minh đó là “khói trăm tàu”, “lửa trăm nhà” - sự say mê, vui thích của cuộc sống hiện đại. Nhưng cháu vẫn sẽ không quên đi những kỉ niệm về một năm tháng tuổi thơ khó khăn mà ấm áp bên người bà yêu dấu. Câu hỏi tu từ: “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?” gửi gắm một niềm tin dai dẳng về tương lai phía trước. Cháu hy vọng về tương lai - sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Nhưng tình cảm của cháu thì vẫn không hề thay đổi.

Bài thơ “Bếp lửa” đã gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà cũng như tình bà cháu. Đồng thời tác giả còn thể hiện lòng kính, yêu trân trọng và biết ơn của người cháu đối với bà hay cũng chính là đối với quê hương, gia đình, đất nước.

Câu 2. Phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn của Phan Châu Trinh

Phan Châu Trinh là một trong những chí sĩ yêu nước nổi tiếng của cách mạng Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX. Không chỉ vậy, ông còn được biết đến với tư cách là một nhà thơ. Một trong những tác phẩm tiêu biểu phải kể đến bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” đã thể hiện được tư thế hiên ngang của người chí sĩ cách mạng trước hoàn cảnh chốn lao tù vẫn lạc quan quyết không “sờn lòng đổi chí".

Vào năm 1908, Phan Châu Trinh bị chính quyền thực dân khép vào tội xúi giục nhân dân nổi loạn trong phong trào chống thuế ở Trung Kì và bị bắt đày ra Côn Đảo. Tháng 6 năm 1910, ông được tha do có sự can thiệp của Hội nhân quyền (Pháp). Bài thơ được sáng tác khi ông đang cùng những người tù khác lao động khổ sai tại nhà tù ở Côn Đảo (Côn Lôn).

Những câu thơ đầu tiên gợi ra hình ảnh người tù cách mạng với tư thế hiên ngang:

“Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,
Lừng lẫy làm cho lở núi non”

Tác giả đã cho người đọc thấy được một hoàn cảnh sống vô cùng khắc nghiệt nơi Côn Đảo - chỉ có núi non hiểm trở, biển cả mênh mông. Nhưng trước hoàn cảnh đó, người tù vẫn giữ được tư thế vững vàng của một đấng nam nhi. Hình ảnh người chí sĩ cách mạng đầu đội trời, chân đạp đất - lừng lẫy, oai phong hiện ra trước mắt người đọc thật đẹp đẽ. Giữa hoàn cảnh sống như vậy, họ phải lao động khổ sai với công việc đập đá. Một công việc mà mới chỉ nghe tên thôi đã thấy được sự nặng nhọc. Công cụ lao động là “búa” và “tay”, cùng với hành động đầy quyết liệt “đánh tan năm bảy đống”, “đập bể mấy trăm hòn” - quả là một sức mạnh phi thường.

Tiếp đến, hình ảnh người tù cách mạng hiện lên với ý chí dẻo dai, bền bỉ và kiên cường:

Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng càng bền dạ sắt son”

Cụm từ “tháng ngày” chỉ thời gian bị tù đày, bị khổ sai kéo dài, còn “mưa nắng” tượng trưng cho gian khổ, cho mọi nhục hình, đày đọa. Trước những thử thách ghê gớm ấy, người chí sĩ “bao quản” chí khí. Cùng với đó, hình ảnh “thân sành sỏi”, “dạ sắt son” là hai ẩn dụ nói lên chí khí bền vững, lòng son sắt thủy chung đối với nước với dân của một đấng nam nhi. có chí lớn, của một kẻ sĩ chân chính: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Đó chính là cốt cách của những bậc trượng phu trong thời xưa. Trong gian khổ, ý chí của người tù cách mạng hiện lên càng đẹp đẽ, sáng ngời.

Hai câu cuối cùng vang lên như một lời thề với non sông, đất nước:

“Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan chi kể sự con con”

Ở đây, Phan Châu Trinh đã mượn sự tích “vá trời” của bà Nữ Oa trong thần thoại Trung Hoa để nói lên chí lớn làm cách mạng, cứu nước cứu dân. Đối với họ, dù “có lỡ bước” - có gặp khó khăn, có chịu thất bại, dù có nếm trải gian nan cay đắng tù đày thì với nhà chí sĩ chân chính việc “con con” ấy không đáng kể, không đáng nói, không đáng quan tâm. Cùng với đó là niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc trong tương lai.

Như vậy, bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” đã khắc họa hình tượng lẫm liệt, ngang tàn của người anh hùng cứu nước dù gặp bước nguy nan nhưng vẫn không sờn lòng đổi chí.

Chủ đề liên quan