Luyện tập nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

  • 1 Đánh giá

3. Luyện tập nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

a) Phân tích khổ thơ đầu bài Sang thu của Hữu Thỉnh

b) Cảm nhận của em về tình cảm của người cha đối với con trong bài thơ Nói với con .

Bài làm:

a) Phân tích khổ thơ đầu bài Sang thu của Hữu Thỉnh

Bức tranh thiên nhiên với những biến đổi của đất trời lúc chuyển mùa từ hạ sang thu được tác giả Hữu Thỉnh miêu tả đầy tinh tế. Nhà thơ đã cảm nhận được mùa thu về bằng những tín hiệu đầu tiên thật giản dị:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về.

Nhà thơ nhận ra mùa thu sang từ “hương ổi” – mùi hương đặc sản của dân tộc, mùi hương riêng của mùa thu làng quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. “Hương ổi” là một hỉnh ảnh, một tứ thơ khá mới mẻ với thơ ca viết về mùa thu nhưng lại vô cùng quen thuộc và gần gũi đối với mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là người dân miền Bắc mỗi độ thu về. Động từ “phả” được sử dụng hết sức đặc sắc và có hồn giúp gợi hương ổi chín như đang quyện lại, nồng nàn và lan tỏa trong không gian. Ngọn gió ở đây cũng không phải những cơn gió nồm nam mang nhiều hơi nước của mùa hạ mà là “gió se” – Dấu hiệu đặc trưng của mùa thu. Tín hiệu thứ ba báo thu về là “sương chùng chình qua ngõ”. Nghệ thuật nhân hóa qua từ láy “chùng chình” khiến cho làn sương mùa thu dường như cũng mang theo tâm trạng. Màn sương nửa đi, nửa ở như đang chờ đợi ai hay lưu luyến điều gì. Khứu giác đã cảm nhận “hương ổi”, xúc giác đã nhận ra “gió se” và thị giác thì nhìn thấy “sương chùng chình”. Ấy vậy mà nhà thơ vẫn còn dè dặt “Hình như thu đã về?” Một chút nghi hoặc, một chút bâng khuâng chính là cảm xúc của thời điểm chuyển giao. Thành công của khổ thơ thứ nhất chính là những rung cảm tinh tế trong khoảnh khắc giao mùa bâng khuâng đầy ấn tượng.

b) Cảm nhận của em về tình cảm của người cha đối với con trong bài thơ Nói với con .

Dàn bài:

A. Mở bài:

- Giới thiệu nhà thơ Y Phương và tác phẩm Nói với con.

- Trong bài thơ Nói với con, tình yêu người cha dành cho con được thể hiện qua lời dặn dò, nhắc nhở về cội nguồn sinh dưỡng của mỗi người, cho con thấy được sức sống mạnh mẽ, bền bỉ, truyền thống tốt đẹp của quê hương mình, thắp sáng tỏng con niềm tin, ý chí và nghị lực để con vươn lên trong cuộc sống.

B. Thân bài:

Mở đầu bài thơ, bằng những lời tâm tình với con, Y Phương đã gợi về cội nguồn sinh dưỡng của mỗi người:

Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười.

Con lớn lên từng ngày trong tình yêu thương, sự mong chờ và nâng đỡ của cha mẹ.

+ Nhịp thơ 2/3, cấu trúc đối xứng, nhiều từ được láy lại tạo âm điệu tươi vui, quấn quýt.

+ Những hình ảnh thơ cụ thể “cha”, “mẹ”, “chân phải”, “chân trái”, “một bước”, “hai bước”, “tiếng nói”, “tiếng cười” tạo nên khung cảnh gia đình ấm cũng, quây quần,…

=> Tình cha mẹ - con cái thiêng liêng, sâu kín, tình cảm gia đình bền chặt đã được hình thành từ những giây phút hạnh phúc bình dị, đáng nhớ ấy. Đó là tình cảm ruột thịt, là công lao trời biển của cha mẹ mà con cần phải khắc cốt ghi tâm.

Người cha còn muốn nói cho con biết con được lớn lên trong cuộc sống lao động, trong thiên nhiên tươi đẹp, tình nghĩa của quê hương và trong tình yêu thương của “người đồng mình”:

Người đồng mình yêu lắm, con ơi!

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát.

+ Cách gọi “người đồng mình” -> cách gọi gần gũi và thân thương.

+ Các động từ “cài”, “ken” vừa miêu tả chính xác động tác khéo léo trong lao động vừa gợi sự gắn bó, quấn quýt của những con người quê hương trong cuộc sống lao động.

- Con còn lớn lên trong sự đùm bọc của “người đồng mình” và sự che chở của thiên nhiên, núi rừng quê hương:

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng.

+ “Rừng cho hoa” là vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng cho con người.

+ “Con đường cho những tấm lòng” là vẻ đẹp của tình người.

+ Động từ “cho” mang nặng nghĩa tình, thể hiện sự che chở, nuôi dưỡng của thiên nhiên quê hương.

=> Thiên nhiên đem đến cho con người những thứ cần để lớn, giành tặng cho con người những gì đẹp đẽ nhất. Thiên nhiên đã che chở, nuôi dưỡng con người cả về tâm hồn và lối sống.

Cha tự hào nói với con về sức sống bền bỉ, mãnh liệt cùng những truyền thống cao đẹp của quê hương với mong ước con sẽ kế tục xứng đáng những truyền thống ấy:

- “Người đồng mình” là những con người biết lo toan và giàu mơ ước:

Người đồng mình thương lắm con ơi!

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chi lớn.

+ Bằng cách tư duy độc đáo của người miền núi, Y Phương đã lấy cái cao vời vợi của trời để đo nỗi buồn, lấy cái xa của đất để đo ý chí con người.

+ Sắp xếp tính từ “cao”, “xa” trong sự tăng tiến, nhà thơ cho thấy khó khăn, thử thách càng lớn thì ý chí con người càng mạnh mẽ.

- “Người đồng mình” dù sống trong nghèo khổ, gian nan vẫn thủy chung gắn bó với quê hương, cội nguồn.

Sống trên đá không chê đá gập gềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

- Cuộc sống của họ tràn đầy niềm vui và lòng lạc quan:

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc

+ Điệp ngữ “sống”, “không chê”, thành ngữ “lên thác xuống ghềnh”, hình ảnh so sánh “như sống”, “như suối” đã nhấn mạnh: người đồng mình có thể nghèo nàn, thiếu thốn về vật chất nhưng họ không thiếu ý chí và quyết tâm.

- Người đồng mình có ý thức tự lập, tự cường và tinh thần tự tôn dân tộc:

Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục.

+ Cụm từ “thô sơ da thịt” là cách nói ca ngợi những con người mộc mạc, giản dị, chất phác.

+ Hình ảnh “đục đá kê cao quê hương” có hai lớp nghĩa. Lớp nghĩa tả thực là nói về hoạt động làm nhà kê đá cho cao của người miền núi. Nghĩa ẩn dụ, nói “đục đá kê cao quê hương” là sự khái quát về lòng tự tôn dân tộc, ý thức bảo vệ cội nguồn của người đồng mình.

Kết thúc bài thơ là lời nhắn nhủ , dặn dò của cha. Cha mong con biết tự hào về những truyền thống tốt đẹp của “người đồng mình”, của quê hương. Con hãy lấy đó làm hành trang để vững bước trên đường đời:

Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được

Nghe con.

+ Trong hành trang của người con mang theo khi “lên đường” có một thứ quý giá hơn mọi thứ trên đời, đó là ý chí, nghị lực, truyền thống quê hương.

+ Con phải sống xứng đáng với điều đó và hãy luôn tự tin vì sau lưng con luôn có gia đình và quê hương làm điểm tựa.

+ Hai tiếng “Nghe con” chứa đựng tấm lòng yêu thương mà người cha gửi gắm nơi con.

C. Kết bài:

- Lời thơ tâm tình của người cha sẽ là hành trang đi theo con suốt cuộc đời và có lẽ mãi mãi là bài học bổ ích cho các bạn trẻ - bài học về niềm tin, nghị lực, ý chí vươn lên.

- Bài thơ thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương và dân tộc.

  • 47 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021