Nghị luận về đoạn trích tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ Văn mẫu lớp 10

Nội dung
  • 1 Đánh giá

Nghị luận về đoạn trích tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ được Khoahoc sưu tầm và đăng tải. Bài văn mẫu Phân tích bài tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ dưới đây sẽ giúp các em học sinh hiểu rõ nỗi nhớ cùng tấm lòng thủy chung và khao khát hạnh phúc của người phụ nữ trong nỗi cô đơn sầu tủi khi người chồng đang chinh chiến nơi biên ải xa xăm. Dưới đây là nội dung chi tiết, các em tham khảo nhé.

I. Dàn ý nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

1. Mở bài

Giới thiệu trích đoạn nghị luận: Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ.

2. Thân bài

a. Nỗi lòng đau đớn, tủi hờn của người chinh phụ

- Không gian: chật hẹp: nơi hiên nhà, trong căn phòng lạnh lẽo,..

- Hành động:

+ “dạo hiên vắng”, "thầm gieo từng bước”: bóng hình lẻ loi, cô độc, nỗi u hoài nặng trĩu tâm can nơi tâm hồn chinh phụ.

+ Hành động cứ lặp lại lặp lại trong vô thức, nỗi mong ngóng, chờ đợi chồng đã bao trùm lấy tâm trí.
+ Đôi tay gầy guộc cứ cuốn lấy chiếc rèm, nâng lên rồi hạ xuống.
+ Các động từ "dạo", "ngồi" kết hợp với các từ chỉ sự ít ỏi "trống trải", "hiên vắng" cùng nhịp thơ chầm chậm thể hiện sự cô đơn, trống vắng tâm khảm người chinh phụ.
+ Trong chờ tiếng chim thước mang niềm vui tới những chim thước cũng “bặt vô âm tín”

- Ánh đèn vô tri sao có thể hiểu thấu nỗi lòng.
- Phép điệp ngữ bắc cầu "Đèn biết chăng-đèn có biết" lại càng gợi nỗi buồn, nỗi cô đơn như trải dài thêm ra, khắc khoải thêm ra.
- Nỗi buồn tái tê đến nghẹn ngào, lời thốt ra cũng chẳng đặng.
- Cảnh thiên nhiên nhuốm màu tâm trạng: gà eo óc,...

b. Nỗi thương nhớ chồng của người chinh phụ
- Gửi gắm lòng mình đến người thương nơi biên ải xa xôi.
- Những hình ảnh tượng trưng “non Yên” , “gió đông” càng khắc hoạ khoảng cách xa xôi vô ngần.
- Nỗi nhớ càng thêm dài, khoảng cách lại càng xa xôi, “thăm thẳm”.

3. Kết bài

Khẳng định giá trị của đoạn trích.

II. Bài văn mẫu Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

Tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn là một kiệt tác văn học của nước nhà. Bài thơ được viết bằng chữ Hán, theo thể trường đoản cú với 467 câu thơ. Sau khi ra đời, Chinh phụ ngâm được nhiều người dịch lại, song bản dịch thành công nhất có lẽ là bản dịch của Đoàn Thị Điểm. Trích đoạn Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ được trích ra từ tác phẩm với 24 câu thơ đầy xót xa, diễn ra tâm trạng buồn tủi, nỗi cô đơn, thương nhớ và nỗi khát khao hạnh phúc của người vợ có chồng ra trận.

“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước

Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen”

Chồng ra chiến trận, người vợ một mình cô lẻ nơi không gian chật hẹp. Hình ảnh bóng người phụ nữ cô độc dạo trước hiên nhà vắng vẻ khiến ta không khỏi xót xa. Nỗi hiu quạnh bao trùm lấy không gian tịch liêu nhỏ bé, bước chân đi "thầm gieo từng bước" đầy mệt mỏi trong tĩnh lặng như muốn nói lên nỗi u hoài nặng trĩu tâm can nơi tâm hồn chinh phụ. Bước đi rồi lại ngồi, những hành động cứ lặp lại lặp lại trong vô thức, nỗi mong ngóng, chờ đợi chồng đã bao trùm lấy tâm trí. Đôi tay gầy guộc cứ cuốn lấy chiếc rèm, nâng lên rồi hạ xuống, như một sự mệt mỏi, hiu quạnh đến chán chường.

Các động từ "dạo", "ngồi" kết hợp với các từ chỉ sự ít ỏi "trống trải", "hiên vắng" cùng nhịp thơ chầm chậm càng càng bộc bạch rõ nỗi lòng khắc khoải, ngậm ngùi trong tâm khảm người chinh phụ. Xa chồng, buồn tủi, thương nhớ ngập tràn, nỗi ngóng trông chồng nơi biên ải trở về ngày một lớn thêm, trong chờ tiếng chim thước mang niềm vui tới những chim thước cũng “bặt vô âm tín”:

"Ngoài rèm thước chẳng mách tin"

Niềm hy vọng nhỏ bé được chim thước báo tin lành cũng chẳng có, nỗi buồn người chinh phụ càng thêm nặng bội phần:

"Trong rèm dường đã có đèn biết chăng?

Đèn đã được thắp sáng, bóng đêm cũng bao phủ không gian, đây là thời điểm mà con người ta dễ cô đơn, buồn tủi nhất. Câu hỏi tu từ cất lên trong thanh âm của nỗi buồn "Trong rèm dường đã có đèn biết chăng”? Ngọn đèn kia xua đi không gian của màn đêm tăm tối nhưng nào có thể xua tan những u sầu trong lòng kẻ tri âm. Ánh đền vô tri sao có thể hiểu thấu nỗi lòng, sao có thể rọi sáng tâm can, nỗi ưu phiền nơi đấy lòng chinh phụ.

"Đèn có biết dường bằng chẳng biết
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi"

Phép điệp ngữ bắc cầu "Đèn biết chăng-đèn có biết" lại càng gợi nỗi buồn, nỗi cô đơn như trải dài thêm ra, khắc khoải thêm ra. Một nỗi bi thiết, u hoài chỉ lòng nàng thấu, chỉ mình nàng chịu đựng:

"Buồn rầu nói chẳng nên lời
Hoa đèn kia với bóng người khá thương"

Nỗi buồn tái tê đến nghẹn ngào, lời thốt ra cũng chẳng đặng. Đêm thêm dài, hoa đèn ngày càng rực mà lòng chinh phụ nào được nguôi ngoai. Bóng người vẫn ngồi đó, bên bức đèn khuya ngỡ ấm áp mà nào ngờ lạnh lẽo, cô đơn khôn cùng. Câu thơ gợi nhớ đến hình ảnh nàng Vũ Nương cùng chiếc bóng in trên tường trong nỗi nhớ nhung chồng nơi chiến trận trong Chuyện người con gái Nam Xương. Có lẽ, những người chinh phụ chọn cách gửi gắm nỗi nhớ nhớ thương chồng trong chiếc bóng của mình để vơi bớt đi phần hờn tủi. Ánh đèn ngày một lụi tàn hay chính thanh xuân người thiếu phụ ngày một ngắn lại, héo mòn theo thời gian đợi chờ, trông ngóng.

Nàng thương nhớ chồng rồi đến thương cả chính mình đang cô độc, tuyệt vọng càng diễn tả sự vận động cảm xúc trong nội tâm của nhân vật trữ tình: thương người lại xót cho mình nhưng bất lực, không thể làm gì được đành ngậm ngùi ôm nỗi đắng cay. Những dòng thơ đượm buồn như tiếng nấc nghẹn ngào trong từng hơi thở, nỗi khát vọng sum vầy của người thiếu phụ càng mãnh liệt lại càng xa xôi, thật xót xa, ngang trái.

Lòng buồn nên cảnh vật nào được tươi vui, thiên nhiên mang cả màu tâm trạng, tất cả đều buồn hiu giữa màn đêm:

"Gà eo óc gáy sương năm trống
Hòe phất phơ rủ bóng đòi phen"

Tiếng gà gáy, bóng cây đều vốn là những sự vật gợi nét thanh bình, yên cả của cuộc sống thôn quê , dưới ánh nhìn cô đơn của người chinh phụ, cảnh vật trở nên hoang lạnh, đến lạ thường. Những tính từ láy "eo óc", "phất phơ" cực tả sự hoang vu, thưa thớt, hiu hắt đến ớn lạnh của cảnh vật. Thiên nhiên như đang mòn mỏi, mệt nhoài, sầu tư chìm vào đêm tối quanh hiu.

"Khắc giờ đằng đẵng như niên
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa"

Suốt năm canh của đêm dài trôi qua, người thiếu phụ vẫn thao thức chẳng thể nào ngủ được, nỗi sầu thì nhân lên gấp bội. Hình ảnh so sánh kết hợp với lối nói quá quen thuộc "Khắc giờ đằng đẵng như niên" càng tô đậm nỗi cô đơn trong lòng, với người thiếu phụ, mỗi khoảnh khắc của thời gian đều thật dài, thật buồn khôn tả. Những tính từ láy "dằng dặc", "đằng đẵng" kết hợp với các danh từ chỉ thời gian, tâm trạng càng làm nổi bật nỗi sầu muộn triền miện bên trong nhân vật trữ tình. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh để khắc họa không gian, thời gian nhằm diễn tả nỗi buồn của lòng người được tác giả sử dụng thật tinh tế. Người đọc như đau cùng nỗi đau của nhân vật, nhớ cùng nỗi nhớ của nhân vật trong từng tiếng thơ bi ai.

"Hương gượng đốt hồn đà mê mải
Gương gượng soi lệ lại châu chan
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn
Dây uyên kinh đứt, phim loan ngại chùng"

Nỗi cô đơn giằng xé tâm can, người chinh phụ tìm đến những thú vui để trốn chạy nỗi cô đơn trong lòng, nhưng dường như đều vô nghĩa. Điệp từ “gượng” cho thấy sự mệt mỏi, chán chường nơi nàng. Hương đốt thì hồn đà mê mải, gượng soi thì nước mắt tuôn rơi, ngay đến cả dàn cầm cũng đứt gãy, tất cả đều như đang chống lại nàng hay chính lòng nàng đang trĩu nặng, chẳng thể vượt thoát được nỗi cô đơn, trống vắng ngay lúc này.

“Lòng này gửi gió đông có tiện
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên
Non yên dù chẳng tới miền,
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời”

Nỗi thương nhớ chồng da diết khôn nguôi, không một ai thấu hiểu cùng nàng trút bầu tâm sự, nàng đành gửi gắm lòng mình đến người thương nơi biên ải xa xôi. Những hình ảnh tượng trưng “non Yên” , “gió đông” càng khắc hoạ khoảng cách xa xôi vô ngần của nàng chinh phụ và người chinh phu. Gom hết những thương nhớ, đau xót, tủi hờn gửi vào gió đông để đến với chàng, nhưng nào có thấu, càng nhớ, khoảng cách lại càng xa xôi, vô tận. Nỗi nhớ cứ thế ngày một dài thêm, rộng thêm “nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời”.

Trang thơ khép lại mà nỗi xót xa, đớn đau của người chinh phụ vẫn còn đó. Chiến tranh thực tàn khốc, đã đẩy con người vào những nỗi đau tinh thần khôn xiết. Niềm khát khao hạnh phúc của người chinh phụ trong tác phẩm thật đáng trân trọng, đó cũng là niềm khao khát của con người trong mọi thời đại.

Nghị luận về đoạn trích tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ được Khoahoc chia sẻ trên đây. Hy vọng với bài văn mẫu này sẽ giúp ích cho các em có thêm tài liệu tham khảo, trau dồi thêm kỹ năng viết bài, từ đó hoàn thiện bài văn hay hơn, sinh động hơn. Chúc các em học tốt, ngoài ra các em có thể thêm các môn học khác có tại, tài liệu học tập lớp 10 này nhé.

Chủ đề liên quan