Phân tích hình ảnh thơ mộng trữ tình của những dòng sông Việt Nam qua hai bài tùy bút Người lái đò sông Đà và Ai đã đặt tên cho dòng sông

  • 1 Đánh giá

Đề 2: Trang 68 sgk ngữ văn 12 tập 2

Phân tích hình ảnh thơ mộng trữ tình của những dòng sông Việt Nam qua hai bài tùy bút Người lái đò sông Đà ( Nguyến Tuân) và Ai đã đặt tên cho dòng sông (Hoàng Phủ Ngọc Tường)

Bài làm:

Việt Nam đẹp với hình ảnh những dòng sông xanh mát, chảy xuống tâm hồn con người những hình ảnh sinh động hấp dẫn nhẹ nhàng, nó mang một vẻ đẹp thanh tao thơ mộng. Qua hai tác phẩm Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân và Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường chúng ta có thể thấy vẻ đẹp của dòng sông Việt Nam mơ mộng và trữ tình đi sâu vào tâm hồn của mỗi con người. Hình ảnh dòng sông Việt Nam được hai tác giả miêu tả thật chi tiết và sinh động trong hai tác phẩm. Điểm chung mà hai tác giả này thể hiện đó là đều miêu tả vẻ đẹp của dòng sông thơ mộng, ở đó con người được sống và làm mát tâm hồn bởi vẻ đẹp say đắm lòng người. Vẻ đẹp của dòng sông quê hương được nhìn từ nhiều góc độ, đó là cách quan sát mà hai nhà văn đã sử dụng để nói về vẻ đẹp của chúng.

Đối với tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường thì vẻ đẹp dòng sông được phát hiện rất đa dạng. Có lúc trữ tình êm ả, hiền hòa như “một thiếu nữ dịu dàng, duyên dáng”; có lúc phóng khoáng và man dại, rầm rộ và mãnh liệt như một “bản trường ca của rừng già”. Có khi dịu dàng và trí tuệ như “người mẹ phù sa”; có khi biến ảo “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”; hoặc khi thì vui tươi, khi thì như một mặt hồ yên tĩnh v.v...với vẻ đẹp dịu dàng, mềm mại và uyển chuyển của nó. Tác giả đã ví sông Hương như “người tình dịu dàng và chung thủy của cố đô”. Không phải vô duyên vô cớ mà tác giả lại đi ví von so sánh đầy tính nghệ thuật như vậy. Sông Hương khi chảy về thành phố có sức hấp dẫn tuyệt vời đối với người đọc. Ở đây chúng ta nhận ra một lối viết nhẹ nhàng, tinh tế, rất mực tài hoa của tác giả. Ông vẽ lên vẻ đẹp của sông Hương không chỉ bằng ngôn ngữ mà còn bằng cả trái tim đầy tình yêu thương. Giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại, sông Hương như “cô gái đẹp ngủ mơ màng” – một vẻ đẹp màu sắc của câu chuyện cổ tích tuyệt đẹp. Và sông hương bỗng “chuyển dòng liên tục” “ôm lấy chân đồi Thiên Mụ”, “trôi giữa hai dãy đồi sững sững như thành quách”. Một sự diễn tả quá trữ tình, quá độc đáo khiên ngưỡng đọc khó cưỡng lại được vẻ đẹp tuyệt vời này.Sông hương vừa mềm mại, vừa dịu dàng “mềm như tấm lụa”, có khi ánh lên những phản quang nhiều màu sắc sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”. Sự chuyển đổi màu sắc theo mùa, theo thời gian như thế này đã làm nên một nét đặc trưng cho những ai muốn ngắm nhìn sông hương thật lâu

Hoàng Phủ Ngọc Tường tả sông hương như vẽ, vẽ lên một bức tranh hoàn mĩ và tuyệt vời nhất về dòng sông huyền thoại này. Sông Hương tạo nên nét đẹp của đất cố đô Huế, ẩn mình trong trầm tích của nét văn hóa hàng nghìn năm lịch sử. Tất cả được miêu tả bằng một tình cảm thiết tha với Huế. Sức sống mãnh liệt, hoang dại, dịu dàng, đắm say, như 'một bản trường ca của rừng già , rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn'. Khi chảy qua miền địa hình hiểm trở, sông Hương mang vẻ đẹp dữ dội: 'mãnh liệt qua ghềnh thác, cuộn xoắn như cơn lốc xoáy vào đáy vực bí ẩn', nhưng cũng có lúc lại 'dịu dàng, đắm say giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng'. Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương như một 'cô gái di gan, phóng khoáng và man dại', bởi rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Dòng sông hương không chỉ thể hiện vẻ đẹp nhẹ nhàng, mà đây còn là vẻ đẹp của sự cố kính lâu đời, nó là những vẻ đẹp kì dị huyền bí mà còn là chứng nhân lịch sử, hàng ngàn năm, nó là minh chứng cho những năm tháng đấu tranh của dân tộc Việt Nam, những điều đó đã tạo nên một vẻ đẹp lịch sử cho dòng sông Hương.

Nếu như sông Hương được miêu tả với những vẻ đẹp huyền bí, cổ kính và nhẹ nhàng thì dòng sông Đà lại được Nguyễn Tuân miêu tả với hai nét đẹp tưởng chừng như đối lập nhưng lại hòa mình trong cùng một sinh thể, đó là hai nét tính cách của dòng sông, lúc hoang dại, hung bạo nhưng cũng không kém phần thơ mộng trữ tình. Sự hùng vĩ của sông Đà không chỉ có thác mà còn ở cảnh đá bờ sông. Đâu chỉ hùng vĩ, Sông Đà còn vô cùng hung bạo, dữ dằn. Ở quãng mặt ghềnh Hát Loóng dài hàng ngàn cây số, nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng muốn lấy mạng những người lái đò qua đây. Với những điệp từ, câu văn như dậy sóng, dậy gió. Diện mạo của sông Đà thật gớm ghiếc hung dữ chằng khác nào tên lưu manh, côn đò, giang hồ. Không chỉ mang vẻ đẹp hùng vĩ, hung bạo mà con sông Đà còn mang những nét đẹp trữ tình. Nhà văn đã dành những trang viết thấm đẫm chất trữ tình để miêu tả vẻ đẹp dịu dàng của dòng sông mang trong lòng những huyền sử thuở khai thiên lập địa của cha ông. "Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn khói núi Mèo đốt nương xuân.", "Mùa xuân dòng xanh ngọc bích...", "mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa"...

Đó là thời điểm cho câu chữ Nguyễn Tuân lai láng chất thơ ca ngợi vẻ đẹp của dòng sông, bằng cái nhìn và tình cảm của một người tự nhận sông Đà như một "cố nhân". Không gian lắng đọng trong vẻ đẹp của "bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm sông Đà". Vẻ đẹp ấy như trang nghiêm trong mạch Đường thi cổ điển, vừa lắng đọng hoài vọng về một thuở Lý Trần Lê, vừa bâng khuâng cảm giác về sự sống nảy lộc đâm chồi : "Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tíchtuổi xưa". Nhà văn đã để cho dòng cảm xúc dào dạt thốt lên thành lời đối thoại im lặng với thiên nhiên, bờ bãi ven sông, dường như con người muốn hoà vào cùng cảnh vật, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp đầy sức cuốn hút của dòng sông. Ngòi bút nhà văn đến lúc này mới thật sự tung hoành trong sự say sưa khám phá cội nguồn, kể về lịch sử dòng sông gắn với cuộc sống và con người Tây Bắc, những người đã đón nhận những tặng vật hào phóng của sông Đà. Cảm xúc từ thực tại của Nguyễn Tuân còn khơi nguồn cho những mơ ước mang tính dự báo về tương lai, biến sức mạnh của dòng sông trái tính trái nết thành nguồn thủy điện dồi dào. Rõ ràng, thực tại cuộc sống mới đã giúp cho Nguyễn Tuân có những dự cảm chính xác, có niềm tin vững chắc vào những con người đang xây dựng một chế độ mới, đem lại sinh khí mới cho cuộc sống ở sông Đà.

Như vậy, Có thể thấy vẻ đẹp của dòng sông Việt Nam đã được khái quát hết trong hai con sông tiêu biểu trên và đã được tác giả khắc họa, so sánh với những vẻ đẹp của sự trù phú, của những vẻ đẹp linh thiêng, dòng sông xanh mát chảy trong tâm hồn của người con đất Việt, những hình ảnh đó đều sinh động, nhẹ nhàng. Nó gợi lại cho người đọc một cảm giác gần gũi hơn với thiên nhiên.

  • 13 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021