Phân tích nội dung yêu nước trong sáng tác của Nguyễn Trãi qua “Bình Ngô đại cáo” và “Cảnh ngày hè”
Đề bài: Phân tích nội dung yêu nước trong sáng tác của Nguyễn Trãi qua “Bình Ngô đại cáo” và “Cảnh ngày hè”
Bài làm:
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Nguyễn Trãi là một nhân vật kiệt xuất. Ông không những là một nhà chính trị, nhà quân sự, tài ba mà còn là một cây bút xuất sắc với nhiều tác phẩm sống mãi với thời gian: Bình Ngô đại cáo, Dư địa chí, Quân trung từ mệnh tập,... Có thể thấy, dù sáng tác theo thể loại nào thì bao trùm lên tất cả các tác phẩm của ông vẫn là tinh thần yêu nước, thương dân. “Bình Ngô đại cáo” và “Cảnh ngày hè” cũng không nằm ngoài quy luật đó. Mặc dù nội dung, chủ đề, thể loại hoàn toàn khác nhau nhưng cả hai tác phẩm đều chứa đựng lòng yêu nước nồng nàn, sâu sắc.
Cảm hứng yêu nước là một trong hai nguồn cảm hứng lớn của văn học trung đại Việt Nam, biểu hiện ở các phương diện như: có ý thức tự cường và tự tôn dân tộc, lòng căm thù giặc, có tinh thần quyết tâm chiến đấu chống giặc ngoại xâm; lòng yêu quê hương đất nước tha thiết, ca ngợi cảnh đẹp của quê hương.
“Bình Ngô đại cáo” được Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết vào khoảng đầu năm 1428, khi cuộc kháng chiến chống Minh xâm lược của nghĩa quân Lam Sơn đã thắng lợi, quân Minh buộc phải kí hòa ước, rút quân về nước, nước ta bảo toàn được nền độc lập tự chủ, hòa bình.
Ở “Bình Ngô đại cáo”, yêu nước trước hết thể hiện ở lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Mở đầu tác phẩm, tác giả trịnh trọng tuyên bố sự tồn tại song song, bình đẳng của các triều đại của Đại Việt với các triều đại của Đại Hán:
“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có.”
Nền văn hiến Đại Việt, nền “văn hoá Thăng Long” được hình thành, xây dựng và phát triển qua một quá trình lịch sử đằng đẵng mây nghìn năm. Đại Việt không chỉ có lãnh thổ chủ quyền "núi sông bờ cõi ", mà còn có thuần phong mĩ tục mang bản sắc riêng, có lịch sử riêng, chế độ riêng. Nếu như bốn trăm năm về trước, trong "Nam Quốc sơn hà”, Lý Thường Kiệt chỉ mới xác định được hai nhân tố về lãnh thổ và chủ quyền trên ý thức quốc gia và lập trường dân tộc, thì trong “Bình Ngô đại cáo” , Nguyễn Trãi đã bổ sung thêm bốn nhân tố nữa, đó là: văn hiến, phong tục, lịch sử và nhân tài. Điều đó cho thấy ý thức dân tộc của nhân dân ta đã phát triển trên một tầm cao mới trong thế kỉ 15, đó cũng là tinh anh, tinh hoa của tư tưởng Nguyễn Trãi, phải thật sự là một con người có tâm với nước với dân thì mới có thể viết nên những trang sử hào hùng như vậy.
Trong những ngày đất nước bị xâm lược, tinh thần yêu nước được bộc lộ qua lòng căm thù giặc sâu sắc. Nguyễn Trãi đã vạch trần những tội ác dã man của giặc Minh đối với nhân dân ta:
“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Dối trời, lừa dân, đủ muôn nghìn kế,
Tây binh, kết oán, trải hai mươi năm”
Yêu nước thương dân,Nguyễn Trãi thông cảm và chia sẻ những nỗi khổ đau của nhân dân ta gánh chịu trong chiến tranh. Qua tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” ông đã tố cáo bao tội ác chồng chất của giặc Minh trong suốt một thời gian dài hơn hai mươi năm "dối trời lừa dân, đủ muôn nghìn kế”.
Đau xót trước cảnh nước mất, nhà tan ông ngày đêm trăn trở lo chuẩn bị cho công cuộc cứu nước. Những dòng sau đây ông viết về Lê Lợi nhưng cũng là diễn tả tâm trạng của mình:
“Đau lòng, nhức óc chốc đà mười mấy năm trời
Nếm mật, nằm gai, há phải một hai sớm tối.
Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh
Ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kĩ.”
Cảm hứng yêu nước còn bộc lộ qua giọng điệu tự hào, ngợi ca khi nhắc đến sức mạnh quật cường của dân tộc trong cuộc kháng chiến chông quân Minh. Nguyễn Trãi, bằng những câu văn đầy hình tượng, cuồn cuộn khí thế chiến thắng đã ca ngợi những chiến công oanh liệt của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo tài ba của chủ tướng Lê Lợi:
“Trận Bồ Đằng sấm vang, chớp giật
Miền Trà Lân trúc chẻ, tro bay ...
Gươm mài đá, đá núi cũng mòn.
Voi uống nước, nước sông phải cạn.
Đánh một trận, sạch không kình ngạc
Đánh hai trận, tan tác chim muông
Cơn gió to trút sạch lá khô
Tổ kiến hỏng sụt toang đê vỡ.”
Tuy gặp khó khăn, thất bại lúc ban đầu nhưng nhờ có tinh thần quyết tâm chiến đấu, “Gắng chí khắc phục giang nan”, được nhân dân khắp nơi ủng hộ, tướng sĩ trên dưới một lòng, nghĩa quân Lam Sơn càng đánh càng thắngvang dội, không có sức mạnh nào có thể ngăn được. Chỉ trong vòng mười ngày mà nghĩa binh đã làm nên những kì tích anh hùng chưa từng có:
“Ngày mười tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế
Ngày hai mươi, trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu
Ngày hăm nhăm, bá tước Lương Minh bại trận tử vong
Ngày hăm tám, thượng thư Lý Khánh cùng kế tự vẩn”.
Cái hào khí ngất trời của nghĩa quân được thể hiện qua những hình ảnh, từ ngữ sinh động, cụ thể đầy gợi tả. Chưa bao giờ cái hào khí dân tộc lại dâng cao như lúc này.
Sang “Cảnh ngày hè”, tấm lòng yêu nước của Nguyễn Trãi lại được thể hiện dươi những góc độ khác. Đây là tác phẩm trích từ tập “Quốc âm thi tập”, được sáng tác khi Nguyễn Trãi lui về ở ẩn tại Côn Sơn.
Qua việc miêu tả bức tranh thiên nhiên mùa hè với màu sắc, âm thanh, ánh sáng và sức sống căng tràn, Nguyễn Trãi đã cho thấy tình yêu say đắm của mình dành thiên nhiên, đất nước.
“Rồi hóng mát thuở ngày trường,
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương.
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”
Thiên nhiên dưới nét bút của Nguyễn Trãi vô cùng tươi khỏe, hài hòa và tràn đầy sức sống. Cây hòe với “tán rợp giương”, xanh um, trong khi cây lựu nở đầy những bông hoa “phun thức đỏ” và sen hồng thì “tiễn mùi hương”. Sức sống trong cây đang “đùn đùn” dâng lên cành, lên hoa, lên lá. Với cách miêu tả từ gần đến xa bằng nhiều giác quan, màu sắc sinh động, hài hòa, kết hợp với các động từ mạnh, từ láy, bốn câu thơ đầu đã tái hiện được bức tranh thiên nhiêu mùa hè sinh động, căng tràn nhựa sống, đồng thời thể hiện được tình yêu thiên nhiên của nhà thơ.
Nguyễn Trãi vui với thiên nhiên, với cuộc sống của con người nhưng điểm nổi bật nhất trong bài thơ vẫn là tấm lòng, tình đời của con người mà lòng yêu nước thương dân đã trở thành nỗi trăn trở, niềm ưu ái trong suốt cuộc đời. Khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống của con người trong ngày hè đã mở ra trong lòng nhà thơ ước vọng tha thiết:
“Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương.”
Ở Nguyễn Trãi, tư tưởng cơ bản nhất, lớn nhất là tư tưởng nhân nghĩa, là tinh thần vì dân. Dù là quan lại triều hay là người ở ẩn, lúc nào Nguyễn Trãi cũng mang nặng tấm lòng ưu ái đối với nhân dân. “Dân giàu đủ”, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc là điều mà Nguyễn Trãi từng canh cánh và mong ước. Hai câu cuối như kết đọng bao suy tư của nhà thơ. Trước cảnh ngày hè tràn ngập sắc màu và âm thanh, Nguyễn Trãi ước muốn có một cây đàn của vua Thuấn để tấu lên khúc nhạc “Nam phong” cầu cho nhân dân giàu đủ khắp muôn nơi. Câu thơ nặng trĩu nỗi day dứt và một tinh thần trách nhiệm cao cả. Ước nguyện của Nguyễn Trãi làm ta liên tưởng đến khát khao của Đỗ Phủ:
“Ước được nhà rộng muôn ngàn gian,
Che khắp thiên hạ kẻ sĩ nghèo đều hân hoan,
Gió mưa chẳng núng, vững như thạch bàn!
Than ôi! Bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắt,
Riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được!
(Bài ca nhà tranh bị gió thu phá)
Bài thơ này đã làm rõ nỗi niềm tâm sự của Nguyễn Trãi trong thời gian ở Côn Sơn với tấm lòng yêu nước thương dân vẫn ngày đêm “cuồn cuộn nước triều Đông”. Dù sống với cuộc sống thiên nhiên nhưng Nguyễn Trãi vẫn không thôi lo nghĩ đến vận dân, vận nước. Đó chính là nội dung yêu nước được ẩn giấu dưới bức tranh về thiên nhiên, con người trong bài thơ.
Người ta thường nói, văn chương chính là thể hiện nội tâm tác giả. Thơ văn Nguyễn Trãi giúp ta hiểu rõ hơn tấm lòng yêu nước nồng cháy ấy của ông. Qua “Bình Ngô đại cáo” và “Cảnh ngày hè”, ta có thể thấy, dù ở trong hoàn cảnh nào: làm quan hay lui về ở ẩn thì trong lòng Ức Trai vẫn mãi đau đáu những suy tư về vận dân, vận nước. Chính điều ấy đã làm nên một Nguyễn Trãi với cuộc đời và sự nghiệp sống mãi trong lòng bao thế hệ độc giả xưa nay.
=> Trên đây là bài viết tham khảo. Tuy nhiên, nếu bạn học sinh nào muốn viết theo ý mình thì KhoaHoc có dàn ý để các bạn dễ viết bài.
Mở bài:
Giới thiệu về tác gia Nguyễn Trãi, tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” và “Cảnh ngày hè”
Thân bài:
- Cảm hứng yêu nước là một trong hai nguồn cảm hứng lớn của văn học trung đại Việt Nam, biểu hiện ở các phương diện sau:
- Có ý thức tự cường và tự tôn dân tộc
- Căm thù giặc, có tinh thần quyết tâm chiến đấu chống giặc ngoại xâm
- Yêu quê hương đất nước tha thiết, ca ngợi cảnh đẹp của quê hương
- Bình Ngô Đại Cáo:
- Yêu nước gắn với thương dân, khát vọng mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
- Tự hào về nền văn hiến và lịch sử dựng nước lâu đời của dân tộc, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
- Căm phẫn, lên án tội ác của giặc Minh
- Ca ngợi nghĩa quân Lam Sơn cùng người anh hùng Lê Lợi với khát vọng đánh đuổi giặc và giành độc lập dân tộc
- Cảnh ngày hè:
- Ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên đất nước qua việc miêu tả bức tranh thiên nhiên mùa hè đầy màu sắc, âm thanh, sánh sáng và sức sống căng tràn.
- Khát vọng mang lại cuộc ống ấm no, giàu đủ cho nhân dân. Yêu nước gắn với thương dân.
Kết bài:
- Giá trị của “Bình Ngô đại cáo” và “Cảnh ngày hè”
- Khẳng định vị trí của Nguyễn Trãi trong nền văn học Việt Nam.
Xem thêm bài viết khác
- Phân tích Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi Phân tích Đại Cáo Bình Ngô + Sơ đồ tư duy
- Nội dung chính bài Chiến thắng Mtao Mxây
- Nội dung chính bài Lập kế hoạch cá nhân
- Cây lau chứng kiến việc nàng Vũ Nương ngồi bên bờ Hoàng Giang than thở một mình rồi tự vẫn. Viết văn bản kể lại câu chuyện đó theo ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba (mở rộng truyện Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ).
- Hãy chỉ ra ý nghĩa phê phán của truyện
- Trong lời đáp của mình, Xi-ta đã nhấn mạnh như thế nào về: Sự khác biệt giữa tư cách, đức hạnh của nàng và loại phụ nữ tầm thường thấp kém?
- Đọc văn bản Hòn đá xù xì và trả lời câu hỏi
- Nội dung chính bài Uy-lít-xơ trở về
- Phân tích bài thơ “Nhàn” của tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm
- Phân tích diễn biến của truyện để thấy mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám đã diễn ra như thế nào?
- Soạn văn bài: Đọc Tiểu Thanh kí
- Soạn bài: Văn bản