Nội dung yêu nước được thể hiện như thế nào qua các tác phẩm Tựa “Trích diễm thi tập” của Hoàng Đức Lương và "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia" của Thân Nhân Trung
Đề bài: Nội dung yêu nước được thể hiện như thế nào qua các tác phẩm Tựa “Trích diễm thi tập” của Hoàng Đức Lương và "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia" của Thân Nhân Trung
Bài làm:
“Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về”
Những dòng thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã giúp chúng ta cảm nhận được lòng yêu nước nồng nàn mà nhà thơ gửi gắm vào trong tác phẩm. Nhưng không chỉ ở trong những tác phẩm hiện đại, ta mới thấy được điều này. Ngay từ những thời trung đại, lòng yêu nước đã là một nội dung quan trọng trong các tác phẩm lúc bấy giờ. Tiêu biểu trong đó là Tựa “Trích diễm thi tập” của Hoàng Đức Lương và “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” của Thân Nhân Trung.
Lòng yêu nước trong các tác phẩm trước hết được thể hiện ở sự lo lắng cho văn hóa, vận mệnh đất nước. Sự lo lắng ấy được thể hiện thông qua dụng ý làm ra bộ Trích diễm thi tập đã được Hoàng Đức Lương nói rõ trong bài Tựa của ông. Đó là biểu hiện của tấm lòng trân trọng đối với di sản tinh thần của quá khứ, là một việc làm cụ thể nhằm bổ cứu cho tình trạng mất mát đáng tiếc trong lịch sử văn học Việt Nam trước thế kỷ 15; và đó cũng chính là ý thức muốn góp phần vào việc xây đắp truyền thống văn hóa văn nghệ lâu đời của dân tộc Việt, nhằm nâng cao thêm uy tín và địa vị tự chủ của nước nhà.
Tác phẩm “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” cũng đã thể hiện được sự quan tâm đến rường cột quốc gia của Thân Nhân Trung. Câu mở đầu tác phẩm khiến chúng ta càng thêm khâm phục sự tài đức và khéo léo trong lối hành văn của ông: “Tôi dẫu nông cạn vụng về nhưng đâu dám từ chối xin kính cẩn chấp tay cúi đầu mà làm bài kỉ”. Sau đó ông khẳng định tầm quan trọng của hiền tài đối với sự suy vong của đất nước. Những từ ngữ với kết cấu chặt chẽ, hợp lý rõ ràng bắt đầu được đưa ra với đầy sức thuyết phục: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xống thấp…”. Tác giả nói đến hiền tài là để chỉ những người có tài cao học rộng và có đạo đức. Hiền tài là nguyên khí nghĩa là khẳng định những người có tài cao học rộng và có đạo đức sẽ làm nên vận mệnh của đất nước. Người hiền tài có vai trò quyết định đến sự suy thịnh của đất nước. Hiền tài dồi dào thì đất nước hưng thịnh, hiền tài cạn kiệt thì đất nước suy yếu, người hiền tài chính lá sự kết tụ của tinh hoa đất trời và của dân tộc.
Tác giả đã không ngại gian khó để bảo vệ di sản văn hóa dân tộc. Để hoàn thành "Trích diễm thi tập", Hoàng Đức Lương đã phải: "tìm quanh hỏi khắp" để sưu tầm thơ ca của những người đi trước. Rồi tác giả "thu lượm thêm thơ của các vị hiện đang làm quan trong triều". Sau đó là công việc biên soạn "chọn lấy bài hay" rồi "chia xếp theo từng loại". Tác giả đặt tên sách là Trích diễm, gồm sáu quyển. Đây là công việc đòi hỏi tốn nhiều thời gian, công sức, người không tâm huyết sẽ không thể làm được. Điều thôi thúc Hoàng Đức Lương vượt khó khăn để biên soạn tuyển tập thơ này là: Niềm tự hào văn hiến dân tộc, ý thức trách nhiệm trước di sản bị thất lạc của cha ông, tinh thần độc lập tự chủ và ý thức tự cường trong văn học, ý muốn lưu truyền văn hóa cho đời sau nghiên cứu, tìm hiểu, gìn giữ và bảo vệ nền văn hóa.
Lòng yêu nước của các tác giả được thể hiện ở việc tìm hiểu, đề xuất những hướng đi mới nhằm cải thiện và nâng cao văn hóa, giáo dục cho đất nước. Bài tựa của Hoàng Đức Lương có thể chia làm hai phần rõ ràng, phần đầu tác giả nêu được những nguyên nhân khiến thơ ca không thể lưu truyền rộng rãi. Theo như tác giả phân tích thì có bốn nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan khiến thơ văn không được lưu truyền. Bốn nguyên nhân chủ quan cụ thể là: Lí do thứ nhất là do chỉ có người thích và yêu thơ ca thì mới hiểu được cái hay cái đẹp của thơ ca, nhưng ở đời có mấy ai hiểu được. Thơ ca chỉ có thi nhân mới hiểu được cái hay cái đẹp của nó, vì thơ ca không thể như đồ ăn ngon hay miếng vải đẹp nhìn là có thể biết được, mà nó cần hiểu từ tâm hồn. Nguyên nhân thứ hai, người có học thì lận đận chốn quan trường với các kì thi cử nào đâu có tâm trí mà lo cho thơ ca nữa. Tiếp đến lí do thứ ba, lí do này khá phổ biến, có vài người đam mê thơ ca cũng tìm tòi và học hỏi nhưng cũng chỉ được một thời gian mà thôi, rồi họ cũng chán và bỏ cuộc. Và lí do cuối cùng là do triều đình không quan tâm, các bài thơ cứ viết ra rồi thất lạc mà không hề được lưu giữ. Không có lệnh vua không in hành vì vậy mà thơ ca lại càng mai một. Bốn yếu tố gộp lại khiến thơ văn của chúng ta ngày càng mai một và mất dần. Góp phần với bốn lí do đó còn có lí do khách quan là thời gian trôi qua, triều đại này rồi triều đại khác làm sách vở bị hủy hoại, tan nát, chiến tranh, hỏa hoạn làm sách vở rách nát, mai một. Từ đó, ông đặt ra một vấn đề quan trọng: vấn đề tập hợp, sưu tầm, đánh giá những tác phẩm thơ ca trong quá khứ của cha ông. Cũng từ đó mà xác lập một quan điểm rạch ròi: lấy văn học nước nhà làm nền tảng trong mối quan hệ giao lưu văn hóa nói chung và thơ văn Trung Quốc nói riêng.
Đối với tác giả Thân Nhân Trung, ông đề xuất việc dựng bia để vinh danh những người tài giỏi trong thiên hạ. Tác giả khẳng định việc dựng bia là đúng đắn và hết sức cần thiết, không phải là chuyện chuộng văn chương, ham tiếng hão... Ngoài ý nghĩa tôn vinh tên tuổi của các bậc hiền tài, ghi nhớ công lao của những người có đóng góp to lớn cho đất nước, dân tộc thì mục dích của việc dựng bia là để răn dạy lẽ phải, ngăn ngừa sự tha hoá biến chất của những người có tài, có chức quyển trong thiên hạ. Để những người tài trở thành hiền tài, thành nguyên khí quốc gia thì triều đình cần phải có chinh sách đào tạo và sử dụng hiệu quả, phải có những điểu răn dạy nghiêm khắc trước mắt và lâu dài. Bia đá sẽ là lờii nhắc nhờ hiền tài có ý thức rõ ràng hơn vé trách nhiệm của mình đối với sự hưng vong của đất nước và dân tộc.
Bằng phương pháp lập luận chặt chẽ và từ ngữ rõ ràng, chính xác, bài viết của tác giả Thân Nhân Trung và Hoàng Đức Lương đã để lại cho người đời sau bài học thiết thực về cách nhìn nhận, đánh giá và sử dụng nhân tài cũng như cách bảo vệ, phát triển di sản văn hóa của dân tộc.
Có thể nói, tác phẩm Tựa “Trích diễm thi tập” của Hoàng Đức Lương và “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” của Thân Nhân Trung đã giúp chúng ta cảm nhận được lòng yêu nước thông qua nỗi trăn trở dành cho vận mệnh dân tộc, dành cho những di sản văn hóa đang dần bị mai một. Chắc chắn, lời dạy của các tác giả không chỉ có giá trị trong thời đại trước kia mà còn có ý nghĩa trong thời đại ngày nay.
=> Trên đây là bài viết tham khảo. Tuy nhiên, nếu bạn học sinh nào muốn viết theo ý mình thì KhoaHoc có dàn ý để các bạn dễ viết bài.
1. Mở bài
Giới thiệu tác phẩm Tựa “Trích diễm thi tập” của Hoàng Đức Lương và Hiền tài là nguyên khí của quốc gia của Thân Nhân Trung
2. Thân bài
- Lòng yêu nước trong các tác phẩm trước hết được thể hiện ở sự lo lắng cho văn hóa, vận mệnh đất nước
- Sự lo lắng ấy được thể hiện thông qua dụng ý làm ra bộ Trích diễm thi tập đã được Hoàng Đức Lương nói rõ trong bài Tựa của ông.
- Tác phẩm “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” cũng đã thể hiện được sự quan tâm đến rường cột quốc gia của Thân Nhân Trung thông qua câu mở đầu của tác phẩm.
- Tác giả đã không ngại gian khó để bảo vệ di sản văn hóa dân tộc. Điều thôi thúc Hoàng Đức Lương vượt khó khăn để biên soạn tuyển tập thơ này là:
- Niềm tự hào văn hiến dân tộc, ý thức trách nhiệm trước di sản bị thất lạc của cha ông, tinh thần độc lập tự chủ và ý thức tự cường trong văn học,
- Ý muốn lưu truyền văn hóa cho đời sau nghiên cứu, tìm hiểu, gìn giữ và bảo vệ nền văn hóa.
- Lòng yêu nước của các tác giả được thể hiện ở việc tìm hiểu, đề xuất những hướng đi mới nhằm cải thiện và nâng cao văn hóa, giáo dục cho đất nước.
- Bài tựa của Hoàng Đức Lương có thể chia làm hai phần rõ ràng, phần đầu tác giả nêu được những nguyên nhân khiến thơ ca không thể lưu truyền rộng rãi. Từ đó, ông đặt ra một vấn đề quan trọng: vấn đề tập hợp, sưu tầm, đánh giá những tác phẩm thơ ca trong quá khứ của cha ông.
- Đối với tác giả Thân Nhân Trung, ông đề xuất việc dựng bia để vinh danh những người tài giỏi trong thiên hạ. Bia đá sẽ là lời nhắc nhờ hiền tài có ý thức rõ ràng hơn vé trách nhiệm của mình đối với sự hưng vong của đất nước và dân tộc.
- Nghệ thuật trong các tác phẩm
3. Kết bài
Khẳng định nội dung yêu nước của hai tác phẩm và giá trị của nó đối với thời đại ngày nay.
Xem thêm bài viết khác
- Hãy viết một thông báo ngắn cho các bạn học sinh toàn trường biết về hoạt động làm sạch môi trường nhân Ngày Môi trường thế giới
- Soạn văn bài: Nhàn
- Nội dung chính bài Các hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh
- Soạn văn bài: Lập dàn ý bài văn thuyết minh
- Soạn văn bài: Tóm tắt văn bản tự sự sgk trang 120-122
- Soạn văn bài: Ôn tập văn học dân gian Việt Nam
- Trình bày các đặc trưng cơ bản của văn học dân gian
- Soạn văn bài: Lời tiễn dặn (Trích Tiễn dặn người yêu)
- Giá trị nội dung và nghệ thuật trong Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa
- Soạn văn bài: Cảnh ngày hè
- Anh (chị) hiểu vì sao Nguyễn Du lại đồng cảm với sô phận Tiểu Thanh?
- Đơn xin phép nghỉ học là một văn bản hành chính. Anh/chị hãy viết một lá đơn đáp ứng những yêu cầu của văn bản hành chính