Phân tích nội dung yêu nước qua các tác phẩm viết về lịch sử (Những đoạn trích từ Đại Việt sử kí của Lê Văn Hưu, Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên)

  • 1 Đánh giá

Đề bài: Phân tích nội dung yêu nước qua các tác phẩm viết về lịch sử (Những đoạn trích từ Đại Việt sử kí của Lê Văn Hưu, Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên)

Bài làm:

Nhà thơ xứ Đaghestan là Rasul Gamzatov từng nhận xét: “Nếu anh bắn quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác.” Bởi quá khứ, lịch sử là những điều đã qua, nhưng những điều đã qua ấy đã làm nên hiện tại như bây giờ và là tiền đề cho sự phát triển của tương lai. Tương tự, những tác phẩm viết về lịch sử đóng một vai trò rất quan trọng trong văn học Việt Nam, bởi nhờ đó mà ta có thể cảm nhận được lòng yêu nước nồng nàn của người dân qua từng mốc lịch sử, là nền tảng cho tương lai của đất nước, mà tiêu biểu là những tác phẩm như Đại Việt sử kí của Lê Văn Hưu và Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên.

Nội dung yêu nước của các tác phẩm được thể hiện trước hết qua tình yêu bản sắc văn hóa quê hương. Là người từng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, hiểu được sự tàn phá của giặc Minh giày xéo nền văn hóa dân tộc, nên vào năm Hồng Đức thứ 10 (1479), trong biểu dâng sách Đại Việt Sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên có nhắc đến cảnh tượng quân Minh triệt phá nền văn hóa Đại Việt mà ông tận mắt chứng kiến cũng như ý đồ ông muốn làm lại một bộ quốc sử: “Quân thù đến xâm chiếm, giáo mác đầy đường, đâu chẳng là giặc Minh cuồng bạo, sách vở cả nước đều trở thành một đống tro tàn…” Xuyên suốt tác phẩm là quá trình dựng xây đất nước cùng với sự phát triển của Phật giáo, của bản sắc văn hóa trong dân gian, trong cung đình, dù là ở bất cứ một thời đại nào. Ngoài ra, những nhận định của Ngô Sĩ Liên trong bộ sử thể hiện niềm tự hào đối với lịch sử dân tộc: “Nước Đại Việt ở phía nam Ngũ Lĩnh, thế là trời đã phân chia giới hạn Nam – Bắc. Thủy tổ của ta là dòng dõi họ Thần Nông, thế là trời đã sinh ra thân chúa, có thể cùng với Bắc triều mỗi bên làm đế một phương.”

Lòng yêu nước còn được thể hiện qua việc quan tâm đến nền tự chủ và hòa bình của đất nước.Đối với những người Hán sang cai trị Việt Nam, Lê Văn Hưu đã có những nhận xét tích cực dành cho những người có đóng góp cho sự ổn định của đất nước, như việc ông trân trọng gọi thái thú Sĩ Nhiếp là Sĩ Vương, người đã giữ vững nền tự chủ của Việt Nam thoát khỏi sự cai trị trực tiếp của nhà Ngô trong một thời gian dài. Bình luận về các nhân vật lịch sử có công với đất nước, ngòi bút của Ngô Sĩ Liên cũng thể hiện thái độ trân trọng: “Họ Trưng giận thái thú nhà Hán bạo ngược, vung tay hô một tiếng mà quốc thống nước ta cơ hồ được khôi phục, khí khái anh hùng há chỉ lúc sống dựng nước xưng vương, mà sau khi chết còn có thể chống ngăn tai họa: Phàm gặp những việc tai ương hạn lụt, đến cầu đảo không việc gì là không linh ứng. Cả bà Trưng em cũng thế. Vì là đàn bà mà có đức hạnh kẻ sĩ, cái khí hùng dũng trong khoảng trời đất không vì thân chết mà kém đi. Bọn đại trượng phu há chẳng nên nuôi lấy cái khí phách cương trực chính đại ấy ư?”

Nhưng không chỉ dành lời khen, các sử gia luôn nhìn nhận khách quan, phê phán những cái xấu, cái chưa được. Lê Văn Hưu thường có những nhận xét tiêu cực về các nhân vật lịch sử mà ông cho là phải chịu trách nhiệm nhiều hay ít về việc để mất nước vào tay phương Bắc như trường hợp Thừa tướng Lữ Gia của nhà Triệu nước Nam Việt hay vua Lý Nam Đế. Trong khi quan điểm hiện đại ca ngợi Lý Nam Đế là một anh hùng dân tộc của Việt Nam trong cuộc khởi nghĩa chống sự đô hộ của nhà Lương thì Lê Văn Hưu lại chỉ trích tài năng của Lý Nam Đế vì ông bị Trần Bá Tiên đánh bại và Việt Nam lại mất độc lập một lần nữa. Tuy nhiên, Lê Văn Hưu đã dành những lời ca ngợi tốt đẹp nhất cho Hai Bà Trưng, những người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống nhà Hán và cuối cùng thất bại dưới tay Mã Viện vào năm 42. Trong lời bình luận của Lê Văn Hưu, đàn ông Việt Nam thật đáng xấu hổ khi chỉ biết cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương bắc trong khi Trưng Trắc, Trưng Nhị chỉ là đàn bà mà đấu tranh anh dũng cho độc lập của đất nước. Mối quan tâm chủ yếu của Lê Văn Hưu luôn là nền độc lập và sự bình đẳng của Việt Nam trước nước láng giềng Trung Hoa ở phương bắc. Do đó bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu được xem là tác phẩm cần thiết khẳng định nền tự chủ của Việt Nam

Đối với Ngô Sĩ Liên, ông luôn phê phán thẳng thắn, khách quan. Đó là một tinh thần vừa khó vừa quan trọng. Làm được điều ấy đòi hỏi phải có sự trung thực và tính can trường và lòng yêu nước sâu sắc. Xuất phát từ quan điểm Nho giáo, Ngô Sĩ Liên thường đưa ra các nhận xét tiêu cực về các nhân vật lịch sử có hành vi trái ngược với quan điểm Nho giáo. Ví dụ, mặc dù là một ông vua trị vì thành công nhưng Lê Đại Hành vẫn bị chỉ trích nặng nề trong Đại Việt sử ký toàn thư do việc ông kết hôn với Dương Vân Nga là thái hậu của tiền triều. Các việc làm của các vị vua mà không theo các quan điểm về đạo đức và chính trị của Nho giáo cũng bị Ngô Sĩ Liên chỉ trích như việc Đinh Tiên Hoàng lập sáu Hoàng hậu, Lê Long Đĩnh lập bốn Hoàng hậu hay Lý Thái Tổ thiếu quan tâm đến việc học tập Tứ thư Ngũ kinh. Đặc biệt trong trường hợp nhà Trần, Ngô Sĩ Liên luôn luôn có những nhận xét phê phán về việc kết hôn giữa các thành viên gần huyết thống trong gia tộc nhà Trần (hôn nhân nội tộc). Khoảng thời gian ngắn duy nhất trong thời Trần mà Ngô Sĩ Liên ca ngợi là từ khi Trần Thái Tông mất năm 1277 đến khi Trần Anh Tông mất năm 1320, trong khi đó ông vẫn lên án hành động của các vua Trần, chẳng hạn như cuộc thanh trừng tàn nhẫn của Trần Thủ Độ đối với họ Lý hay cuộc hôn nhân gây tranh cãi giữa Trần Thái Tông và Công chúa Thuận Thiên.

Bên cạnh sự quan tâm đến nền độc lập của đất nước, Lê Văn Hưu cũng đặc biệt coi trọng khả năng trị vì đất nước của các vua Việt Nam từ Ngô Quyền đến Lý Anh Tông với các lời bình luận mang quan điểm Nho giáo. Lê Văn Hưu phê phán Lý Thái Tổ xây dựng quá nhiều chùa chiền thay vì phải tiết kiệm các nguồn lực cho đất nước và nhân dân. Việc Lý Thần Tông tôn Sùng Hiền hầu làm Thái thượng hoàng vào năm 1129 bị Lê Văn Hưu phê phán là "hóa ra hai gốc" và cho rằng Thần Tông nên tôn Lý Nhân Tông làm Thái thượng hoàng thay vì tôn cha đẻ của mình.

Có thể nói, những tác phẩm lịch sử đã giúp cho chúng ta cảm nhận được lòng nồng nàn yêu nước của các tác giả, từ đó giúp mỗi người suy ngẫm lại bản thân phải làm gì để có thể đóng góp sức mình cho dân tộc. Nhưng trước hết, chúng ta không được quên đi lịch sử, quên đi những gì mà cha ông ta đã hi sinh, như Bác Hồ từng viết:

“Dân ta phải biết sử ta,

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.”

=> Trên đây là bài viết tham khảo. Tuy nhiên, nếu bạn học sinh nào muốn viết theo ý mình thì KhoaHoc có dàn ý để các bạn dễ viết bài.

1. Mở bài

Giới thiệu tầm quan trọng của lịch sử, từ đó mở rộng sang giá trị của những tác phẩm viết về lịch sử.

2. Thân bài

- Nội dung yêu nước của các tác phẩm được thể hiện trước hết qua tình yêu bản sắc văn hóa quê hương.

- Lòng yêu nước còn được thể hiện qua việc quan tâm đến nền tự chủ và hòa bình của đất nước.

  • Lê Văn Hưu đã có những nhận xét tích cực dành cho những người Hán sang cai trị Việt Nam nhưng có đóng góp cho sự ổn định của đất nước,
  • Ngòi bút của Ngô Sĩ Liên thể hiện thái độ trân trọng khi bình luận về các nhân vật lịch sử có công với đất nước.
  • Nhưng không chỉ dành lời khen, các sử gia luôn nhìn nhận khách quan, phê phán những cái xấu, cái chưa được. Lê Văn Hưu thường có những nhận xét tiêu cực về các nhân vật lịch sử mà ông cho là phải chịu trách nhiệm nhiều hay ít về việc để mất nước vào tay phương Bắc -> bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu được xem là tác phẩm cần thiết khẳng định nền tự chủ của Việt Nam
  • Ngô Sĩ Liên thường đưa ra các nhận xét tiêu cực về các nhân vật lịch sử có hành vi trái ngược với quan điểm Nho giáo.

- Bên cạnh sự quan tâm đến nền độc lập của đất nước, Lê Văn Hưu cũng đặc biệt coi trọng khả năng trị vì đất nước của các vua Việt Nam -> bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu được xem là tác phẩm cần thiết khẳng định nền tự chủ của Việt Nam

3. Kết bài

Khẳng định giá trị của các tác phẩm viết về lịch sử và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với dân tộc.

  • 90 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021