Phiếu bài tập tuần 33 tiếng Việt 5 tập 2
Phiếu bài tập tuần 33 tiếng việt 5. Nội dung của phiếu bài tập nằm gọn trong chương trình học của tuần 33. Nhằm giúp các em củng cố lại kiến thức và ôn tập, rèn luyện kỹ năng giải tiếng việt. Chúc các em học tốt!
TUẦN 33
I – Bài tập về đọc hiểu
Một ngày của Pê-chi-a
Bà mẹ đi làm lúc trời còn chưa sáng. Bà đánh thức cậu con trai Pê-chi-a chín tuổi dậy và dặn :
– Con đã bắt đầu nghỉ hè. Mẹ giao cho con việc làm ngày hôm nay. Con hãy trồng một cây bên cạnh nhà và đọc sách “Những dãy núi xa xanh” này nhé !
Pê-chi-a nghĩ : “Mình ngủ thêm một chút nữa đã”. Em nằm xuống và ngủ thiếp đi.Khi Pê-chi-a tỉnh dậy, mặt trời đã lên cao. Em muốn bắt tay vào việc ngay nhưng lại nghĩ : “Chắc vẫn còn kịp chán”. Ngồi dưới gốc cây lê rậm rạp, Pê-chi-a tự nhủ : “Mình chỉ ngồi một chút nữa thôi, rồi sẽ bắt tay vào việc”.
Nửa giờ sau, Pê-chi-a đi ra vườn, hái quả ăn,rồi mê mải đuổi bắt con bướm. Sau một hồi chạy nhảy, mệt quá, Pê-chi-a lại ngồi dưới gốc lê, quên khuấy lời mẹ dặn.
Buổi chiều, bà mẹ về và hỏi:
– Nào con, hãy kể cho mẹ nghe xem con đã làm được những gì.
Nhưng Pê-chi-a đã không làm gì cả. Em thấy xấu hổ khi nhìn vào mắt mẹ.
– Con hãy đi theo mẹ.Mẹ sẽ chỉ cho con xem mọi người đã làm được những gì trong một ngày con đã để phí hoài.
Bà mẹ cầm tay Pê-chi-a dắt đi. Bà đưa con đến cánh đồng đã cày xong và nói:
– Hôm qua ở đây là cánh đồng rạ, còn hôm nay nó đã được cày xới. Người công nhân lái máy cày đã làm việc suốt ngày. Còn con thì ngồi không.
Bà dẫn con đến bên một đống thóc lớn, nhẹ nhàng bảo :
– Buổi sáng, những hạt thóc này còn nằm trên những bông lúa ngoài ruộng. Người công nhân lái máy gặt đập đã làm xong công việc và đưa thóc về đây. Còn con thì ngồi không…
Cuối cùng, hai mẹ con rẽ vào thư viện. Người giữ sách chỉ lên cái giá lớn có rất nhiều sách : “Đây là những cuốn sách mà mọi người đã đọc xong trong ngày hôm nay”.
“Còn mình thì lại ngồi không”. – Pê-chi-a chợt cảm thấy xấu hổ khi nghĩ về điều ấy. Giờ đây, em đã hiểu được thế nào là một ngày trôi qua thật uổng phí.
(Theo Xu-khôm-lin-xki)
Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng
1. Trước khi đi làm, bà mẹ giao cho con trai những việc gì?
a- Trồng hai cây bên cạnh nhà và đọc một cuốn sách
b- Trồng một cây bên cạnh nhà và đọc một cuốn sách
c- Trồng một cây bên cạnh nhà và đọc nửa cuốn sách
2. Vì sao Pê-chi-a không hoàn thành được công việc mẹ giao?
a- Vì cậu ngủ dậy muộn, không làm việc, lại mải chơi, quên lời mẹ dặn
b- Vì cậu ngủ dậy sớm nhưng ngại làm, còn mải chơi, quên lời mẹ dặn
c- Vì cậu ngủ dậy muộn, lười làm việc, chỉ thích rong chơi cùng bè bạn
d- Vì cậu ngủ dậy sớm nhưng mải chơi, mệt quá không làm việc được
3. Bà mẹ đã dẫn Pê-chi-a lần lượt đến những đâu để chỉ cho con xem mọi người đã làm được những gì trong một ngày?
a- Ra xem cánh đồng đã được cày xong ; rẽ vào thư viện có nhiều cuốn sách được mọi người đọc xong ; đến bên một đống thóc lớn đã được gặt đập
b- Đến bên một đống thóc lớn đã được gặt đập ; rẽ vào thư viện có nhiều cuốn sách được mọi người đọc xong ; ra xem cánh đồng đã được cày xong
c- Ra xem cánh đồng đã được cày xong ; đến bên một đống thóc lớn đã được gặt đập ; rẽ vào thư viện có nhiều cuốn sách được mọi người đọc xong
d- Rẽ vào thư viện có nhiều cuốn sách được mọi người đọc xong ; ra xem cánh đồng đã được cày xong ; đến bên một đống thóc lớn đã được gặt đập
4. Dòng nào dưới đây nêu đúng và đủ chi tiết cho thất Pê-chi-a tự nhận thức được sai lầm của mình?
a- Pê-chi-a thấy xấu hổ khi nhìn vào đôi mắt mẹ
b- Pê-chi-a thấy xấu hổ khi nghĩ mình cả ngày không làm việc
c- Giờ đây, em hiểu thế nào là một ngày trôi qua thật uống phí
d- Tất cả ba chi tiết nói trên
5. Bài học sâu sắc nhất rút ra từ câu chuyện trên là gì?
a- Phải nghe lời cha mẹ và chăm chỉ lao động
b- Phải chăm lao động và quý trọng thời gian
c- Phải chăm lao động và sống thật hữu ích
d- Phải biết xấu hổ vì cả ngày không làm việc
II – bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn
1. Viết lại tên các cơ quan, tổ chức quốc tế dưới đây cho đúng quy tắc viết hoa đã học
a) hội chữ thập đỏ quốc tế
…………………………………………………………………………….
b) liên minh quốc tế cứu trợ trẻ em
…………………………………………………………………………….
c) tổ chức cứu trợ trẻ em của thụy điển
…………………………………………………………………………….
d) tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của liên hợp quốc (UNESCO)
…………………………………………………………………………….
2. Viết các từ đồng nghĩa sau vào từng nhóm thích hợp:
Trẻ, trẻ thơ, trẻ ranh, trẻ em, trẻ con, con nít, trẻ nhỏ, nhóc con, thiếu nhi, con trẻ, thiếu niên, nhãi ranh, nhi đồng, ranh con
a) Từ dùng tỏ ý coi thường
…………………………………………………………………………….
…………………………………………………………………………….
b) Từ dùng trong nghi thức trang trọng
…………………………………………………………………………….
…………………………………………………………………………….
c) Từ dùng thông thường trong đời sống hằng ngày
…………………………………………………………………………….
…………………………………………………………………………….
3. Đặt dấu ngoặc kép vào vị trí thích hợp trong mỗi đoạn văn, câu văn sau:
a) Buổi văn nghệ đang đầy ắp tiếng cười, bỗng biển có tiếng động mạnh, đập ùm ùm như có người tập bơi. Một người kêu lên : Cá heo ! Thì ra cá heo thấy chiến sĩ hò hát vui quá, gọi nhau quây đến quanh tàu như để chia vui.
Cá heo giống tính trẻ em, thích nô đùa, thích được cổ vũ. Anh em ùa ra vỗ tay hoan hô : A ! Cá heo nhảy múa đẹp quá ! Thế là cá thích, nhảy vút lên thật cao,…
(Theo Hà Đình Cẩn)
b) Nơi dòng sông Bến Hải gặp sóng biển khơi ấy chính là Cửa Tùng. Bãi cát ở đây từng được ngợi ca là Bà Chúa của các bãi tắm.
(Theo Thụy Chương)
c) Sống trên cái đất mà ngày xưa, dưới sông sấu cản mũi thuyền, trên cạn hổ rình xem hát này, con người phải thông minh và giàu nghị lực.
(Theo Mai Văn Tạo)
4. Lập dàn ý cho bài văn tả một người đang hoạt động (VD : cô giáo/ thầy giáo đang dạy học, người bạn đang kể chuyện, ca sĩ đang hát, bác sĩ đang khám bệnh, y tá đang tiêm thuốc, người công nhân/ thợ thủ công đang làm việc,…)
Gợi ý:
a) Mở bài (Giới thiệu): Người đang hoạt động mà em sẽ tả là ai ? Lí do nào khiến em chọn tả người đó ?…
b) Thân bài
(1) Tả ngoại hình (sơ bộ)
– Người đó trạc bao nhiêu tuổi ? Tầm vóc ra sao ? Cách ăn mặc thế nào ?
– Khuôn mặt, mái tóc, cặp mắt, hàm răng, nụ cười…có những nét gì nổi bật ?
(2) Tả tính tình, hoạt động (trọng tâm)
– Lời nói, cử chỉ, hoạt động của người em tả có những điểm gì nổi bật làm em chú ý ? Cảm nghĩ của em về hoạt động của người đó ra sao ?
– Thái độ, cách cư xử của người đó đối với mọi người (nếu có) thế nào ? Điều đó gợi cho em nghĩ gì về tính cách của người được tả ?
Lưu ý : Có thể kết hợp tả xen kẽ 2 phần (1),(2)
c) Kết bài : Người em miêu tả đã để lại ấn tượng gì sâu sắc đối với em (hoặc có ảnh hưởng gì đối với em trong cuộc sống) ?
…………………………………………………………………………….
…………………………………………………………………………….
5. Viết đoạn văn (khoảng 7 câu) tả vài nét nổi bật về tính tình, hoạt động của người em chọn tả, theo dàn ý đã lập ở bài tập 4.
…………………………………………………………………………….
…………………………………………………………………………….