Nghị luận về một sự việc hiện tượng nào đó ở địa phương? Văn mẫu 9: Nghị luận về vấn đề an toàn thực phẩm ở địa phương
KhoaHoc mời các bạn cùng tham khảo dàn ý chi tiết cùng các bài văn mẫu hay chọn lọc để hoàn thiện đề bài Nghị luận về một sự việc hiện tượng nào đó ở địa phương - Vấn đề an toàn thực phẩm.
Nghị luận xã hội về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm
Đề bài: Tìm hiểu suy nghĩ để viết bài nêu ý kiến riêng dưới dạng nghị luận về một sự việc hiện tượng nào đó ở địa phương? - Vấn đề an toàn thực phẩm
Dàn ý nghị luận về an toàn thực phẩm
1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là mối quan tâm của toàn dân và toàn xã hội.
2. Thân bài:
a. Giải thích về khái niệm an toàn thực phẩm là gì?
- Là việc thực phẩm không chứa chất bảo quản, không có yếu tố lí, hóa chất gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
- Mở rộng ra bao gồm cả khâu chế biến thực phẩm, không sử dụng những động vật chết làm thịt...
b. Thực trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại địa phương nơi em sinh sống:
- Quán hàng thịt, hàng phở gần ngay bãi rác mùi hôi thối....
- Những cô bán hàng thờ ơ không quan tâm đến sức khỏe của người tiêu dùng. Còn người mua biết là mất vệ sinh nhưng vẫn tặc lưỡi cho qua....
- Tình trạng rau vừa phun thuốc đã đem đi bán....
- Bánh kẹo hàng hóa hết hạn sử dụng nhưng vì tiếc rẻ vẫn bán và người tiêu dùng thì vẫn mua và dùng.
c. Nguyên nhân của việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm là gì?
- Xuất phát từ hai phía cả chủ quan và khách quan:
- Khách quan: Từ phía cơ quan chức năng, công tác quản lí còn lỏng lẻo, chưa chú trọng. Những hình phạt quá nhẹ so với lợi nhuận mà họ kiếm lại được....
- Chủ quan: Là nguyên nhân quan trọng nhất xuất phát từ ý thức người dân. Ham rẻ, chưa hiểu biết rõ về hậu quả của vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
d. Hậu quả của việc vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm là gì?
- Gây hậu quả nặng nề đối với cá nhân và xã hội:
- Cá nhân: nguy hại đến sức khỏe tiềm ẩn các mềm bệnh ung thư, tiêu hóa....
- Xã hội: Chi phí cho y tế lớn. Rối loạn thị trường....
e. Bài học bản thân rút ra
- Mỗi con người hãy hiểu về mối nguy hại do mất an toàn vệ sinh thực phẩm gây ra. Từ đó thay đổi hành vi bản thân. Tuyên truyền cho mọi người về tác hại của việc sử dụng thực phẩm bẩn....
3. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề giữ gìn an toàn vệ sinh thực phẩm có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống.
Nghị luận về vệ sinh an toàn thực phẩm - Mẫu 1
Nghị luận về vệ sinh an toàn thực phẩm - Mẫu 2
Một trong những vấn đề đang được cả xã hội quan tâm hiện nay đó chính là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi an toàn vệ sinh thực phẩm cũng chính là cách để bạn bảo vệ chính sức khỏe cũng như hạnh phúc của mình và người thân. Thế nhưng dường như nó vẫn chưa được quan tâm thiết thực nhất là tại các địa phương.
Vệ sinh an toàn thực phẩm là một khái niệm chỉ về việc thực phẩm không có chứa chất bảo quản, không chứa chất độc hại gây nguy hiểm đến sức khỏe con người. Rộng ra nó còn là việc đảm bảo đúng quy trình trong chế biến thực phẩm. Nói chung lại thì an toàn thực phẩm chính là việc thực phẩm không có chứa chất độc hại cho tính mạng, sức khỏe con người. Không chứa tác nhân lí hóa học, tạp chất vượt quá giới hạn cho phép, không sử dụng những loại động vật đã chết hoặc có bệnh để gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.
Thực trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đang là một vấn đề vô cùng nhức nhối và diễn ra ở khắp nơi từ những thành phố lớn cho tới những địa phương nhỏ. Những nhà hàng sang trọng hay cả những quán vỉa hè…. Sẽ chẳng có vệ sinh ở đâu khi mà bên cạnh một quán phở là một đống rác lớn bốc mùi hôi thối, chẳng có sạch đâu khi mà cạnh hàng thịt là những bãi phế thải, kênh mương đầy nước thải sinh hoạt đục ngàu…. Vệ sinh ở đâu khi mà cô bán phở nhặt ngay miếng thịt ở dưới đất để vào bát khách hàng như không có gì xảy ra? Điều kì lạ là ở chỗ mặc dù biết là mất vệ sinh đấy nhưng những “thượng đế” vẫn thản nhiên ăn như chẳng có chuyện gì xảy ra bởi “ở đây rẻ mà”. Chỉ vì tiết kiệm được chút ít tiền lẻ mà họ đã mang cả sức khỏe thạm chí tính mạng của mình ra đánh cược.
Một điều vô cùng nguy hiểm ở địa phương em đó chính là việc dùng rau có thuốc trừ sâu. Những người nông dân trồng những luống rau xanh mang ra chợ bán, người tiêu dùng thì tỏ ra vô cùng vui mừng vì mua được rau sạch, rau vườn nhưng có ai ngờ đó là những luống rau vừa được phun thuốc trừ sâu hai hôm? Chỉ vì lợi ích kinh tế mà họ không màng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Rồi có hiện tượng ngộ độc thực phẩm chỉ vì ăn phải mớ cải xanh phun thuốc, rồi đồ quá hạn sử dụng. Nhất là vào dịp Tết nguyên đán, mứt tết bánh kẹo trờ thành một thứ đồ không thể thiếu trong các gia đình. Thế nhưng kì lạ sau tết đến cả tháng trời mà người dân vẫn còn giữ mứt hộp để ăn. Điều kì lạ ở đây đó chính là những hộp mứt Tết thông thường chỉ có hạn sử dụng trong vòng 30 đến 45 ngày mà thôi. Chỉ vì tiếc của mà họ nhắm mắt ăn những miếng mứt đã mốc, đã quá hạn mà chẳng mảy may lo lắng cho sức khỏe bản thân.
Nguyên nhân của tình trạng mất an toàn thực phẩm tại các địa phương bắt nguồn từ hai nguyên nhân chủ quan và khách quan. KHách quan đó là do công tác kiểm duyệt chất lượng, nguồn gốc của thực phẩm vẫn còn lỏng lẻo. Chưa có sự quan tâm thiết thực. Các quy định ban hành xử phạt vệ sinh an toàn thực phẩm cũng rất ít. Ví dụ: Xử phạt một vụ vi phạm an toàn thực phẩm chỉ vài triệu đồng đi cùng với tịch thu hiện vật. Quả thực số mất đi đó chẳng thấm tháp gì so với giá trị khổng lồ mà nó mang lại cho con người.
Song phần nhiều nó xuất phát từ chính ý thức của con người. Với người bán thì họ mang lợi ích kinh tế lên đầu. Hàng không rõ nguồn gốc hay kém chất lượng thường nhập rẻ bán đắt vì thế họ mặc sức buôn bán như chẳng có gì xảy ra. Còn phía người mua thì với tâm lí ham rẻ, đôi khi biết là kém ngon kém sạch nhưng rẻ họ lại tặc lưỡi cho qua. Ngoài ra thì còn do nhận thức chưa đúng đắn của con người về hậu quả vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Có thể bây giờ những chất độc đó chưa phát tác nên vô hại nhưng về sau nó sẽ ủ bệnh và trở thành những căn bệnh nguy hiểm chết người.
Vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ gây hậu quả nặng nề đối với con người mà nó còn là gánh nặng với xã hội. Đối với con người để lâu dài nó sẽ là nguyên nhân gây nên những căn bệnh nguy hiểm chết người như ung thư. Và tất nhiên, xã hội cũng sẽ vô cùng đau đầu với bài toán về y tế, về thuốc cũng như thay đổi để cân bằng lại quan hệ xã hội.
Hiểu biết về tính nguy hại của vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm chính là cách để chúng ta bảo vệ cuộc sống của chính mình cũng như toàn xã hội. Chính vì vậy những học sinh chúng ta hãy nâng cao ý thức cá nhân của mình bằng việc lên án mạnh mẽ những việc làm vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, tuyên truyền những tác hại nghiêm trọng của thực phẩm bẩn với người thân của mình. Hãy giữ gìn để khiến xã hội ngày càng phát triển và văn minh hơn.
Vệ sinh an toàn thực phẩm là trách nhiệm của toàn xã hội với mọi tổ chức cá nhân. Chính vì thế chúng ta hay tích cực đẩy lùi nó để khiến cho xã hội ngày càng văn minh và tốt đẹp hơn.