Trình bày quan điểm của anh (chị) về việc chọn nghề trong tương lai
Đề 2: Trình bày quan điểm của anh (chị) về việc chọn nghề trong tương lai (Chọn nghề phù hợp với năng lực thực tế của mình; chọn nghề đang được ưa chuộng trong xã hội hay quyết theo đuổi nghề mà mình yêu thích nhất?)
Bài làm:
Cuộc sống luôn vận động và biến đổi không ngừng. Bởi vậy, nếu ta chỉ dừng lại một phút thôi, ta cũng đã bị bỏ lại ở phía sau. Có một cách để ta có thể thoải mái bước trên con đường đời của mình, đó là lên kế hoạch cuộc đời và thực hiện nó từng bước một. Một trong những điều vô cùng quan trọng trong kế hoạch ấy chính là việc chọn nghề trong tương lai. Với tôi, nghề nghiệp trong tương lai của mình nhất định phải là nghề mà mình yêu thích nhất. Hay nói cách khác, đó chính là đam mê suốt cả cuộc đời của tôi.
Ta đã nghe người ta nhắc nhiều tới "nghề", nhưng lại chưa có mấy ai hình dung ra được "nghề" là gì. Nghề là một lĩnh vực hoạt động mà ở đó, con người vận dụng những kiến thức, kĩ năng mà mình học được trong quá trình học tập, trải nghiệp để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Điều ấy cũng có nghĩa, có nghề tức là ta có thể tác động làm thay đổi cuộc sống, theo một cách nào đó, và cũng có thể tự nuôi sống bản thân mình. Đã là con người, mỗi chúng ta cần phải tự có định hướng cho riêng mình, kể cả việc chọn nghề trong tương lai. Hãy tưởng tượng, việc chọn nghề của chúng ta cũng giống như một vị tướng chuẩn bị ra trận. Chọn nghề đúng đắn cũng giống như vị tướng đã nắm trong tay binh pháp, phương hướng với trận đánh lớn của cuộc đời. Và nếu đã nắm rõ được thế trận như vậy, liệu chúng ta có thể thua?
Mỗi người lại có quan điểm riêng về cách chọn nghề, tôi cũng vậy. Nghề nghiệp trong tương lai của tôi nhất định phải là nghề mà tôi yêu thích nhất. Bởi lẽ, đó là đam mê, là sở thích và là khát vọng của cuộc đời tôi. Tôi mong muốn mình sẽ được đứng trên bục giảng, trở thành người thầy gõ đầu trẻ. Cảm giác được nâng niu, trân trọng và ấp ủ từng giấc mơ, sự ngây ngô của những đứa trẻ với tôi chính là niềm hạnh phúc lớn nhất. Được làm nghề mình thích, mình đam mê tự bản thân ta sẽ có được động lực, vạch ra một kế hoạch cụ thể, mục tiêu cụ thể để từng bước tiến gần hơn với cái đích ấy. Đam mê cũng sẽ là động lực để mỗi chúng ta có đủ sức mạnh mà vượt qua những chông gai, thử thách của con đường đến với thành công. Được làm nghề mình thích cũng tạo cho ta niềm vui, nhiệt huyết để theo nghề. Vì chứng kiến thành quả lao động do chính tay mình tạo ra, là từng lớp từng lớp học trò lớn lên, cao thượng và chính trực, thì còn điều gì có thể đánh đổi được những thứ quý giá ấy nữa? Có ai đó đã từng nói, "Bất kể bạn học chuyên ngành gì, nhất định khi tìm việc phải tìm một công việc mình yêu thích. Như vậy bạn mới có thể vui vẻ từ 6h sáng đến 8h tối được. Hãy tìm một người bạn yêu để ở bên cạnh người đó, như vậy bạn mới có thể hạnh phúc từ 8h tối đến 6h sáng hôm sau...". Cuộc sống như thế, chẳng phải viên mãn quá rồi sao?
Ta không nên chọn nghề đang được ưa chuộng trong xã hội, vì điều ấy giống như ta đang bị nhốt trong một canh bạc lớn. Bởi ta sẽ không thể nào biết trước được, ngành nghề ấy hiện tại đang được ưa chuộng, nhưng đến khi ta vào học và kết thúc để ra trường xin việc, ngành nghề ấy lại bị xã hội đào thải, ruồng bỏ. Khi ấy, ta sẽ cảm thấy thế nào? Mọi sự cố gắng, nỗ lực của ta chẳng phải sẽ đổ sông, đổ biển hết sao? Bao nhiêu năm tháng cố gắng và nỗ lực, chỉ để chạy theo nhu cầu và thị hiếu của xã hội. Mà thị hiếu của xã hội có bao giờ nó đứng yên? Chẳng lẽ ta cứ phải chạy và đuổi theo nó suốt cả cuộc đời sao?
Ta cũng đừng chọn nghề theo năng lực thực sự của bản thân. Vì sao vây? Bởi lẽ, nếu chọn nghề quá cao so với năng lực thực thì ta sẽ cảm thấy mệt mỏi, đuối sức và dễ dàng bỏ cuộc. Nếu chọn nghề quá thấp so với năng lực ta sẽ dễ dàng đạt được nó và rồi một công việc nhàm chán, lặp lại cứ thế kéo ta đi suốt quãng đời còn lại. Chúng ta còn quá trẻ để sống như một lão già, vậy tại sao không sống một lần trọn vẹn? Tuổi trẻ của ta chỉ đến một lần. Cuộc đời của ta cũng chỉ là duy nhất. Đừng để bất kì ai quyết định bước chân tiếp theo của ta sẽ đặt ở đâu, vào lúc nào, đặt bước chân ấy xuống như thế nào. Cuộc đời của ta phải do ta quyết định. Và quyết định ấy, trước hết chính là ở cách ta chọn lựa con đường tương lai cho mình, chọn nghề.
Nhìn vào thực tế trong cuộc sống của giới trẻ hiện nay, ta có thể dễ dàng nhận thấy, bên cạnh những người đã tìm thấy mục đích sống, đam mê của cuộc đời mình, tự lựa chọn nghề, chọn tương lai cho mình thì cũng có một bộ phận không hề nhỏ những con người đang lạc đường. Họ mờ mịt về tương lai. Họ rối rắm khi đưa ra quyết định. Họ đau đầu khi nghĩ tới những khó khăn. Và hẳn nhiên, nghề của họ, tương lai của họ sẽ do một bàn tay khác sắp đặt. Là bố mẹ. Là anh chị. Là bất cứ ai có thể tác động, điều khiển và chi phối họ. Cuộc sống bị giật dây có sung sướng quá không nhỉ?
Tóm lại, việc chọn nghề chính là cách để ta quyết định cho tương lai của chính mình. Không một ai có thể quyết định cuộc đời ta, trừ chính ta. Với tôi, nghề nghiệp trong tương lai nhất định sẽ phải là nghề mà tôi yêu thích nhất. Tôi sẽ sống với đam mê của mình!
Xem thêm bài viết khác
- Nội dung chính bài Tôi yêu em
- Soạn văn bài: Nghĩa của câu
- Soạn văn bài: Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận
- Soạn văn bài: Phong cách ngôn ngữ chính luận
- Soạn văn 11 bài: Luyện tập viết tiếu sử tóm tắt trang 63 sgk
- Nghị luận về: Làm thế nào để môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh, sạch đẹp
- Vì sao Bê-li-cốp chết? Giải thích thái độ, tình cảm của mọi người đối với Bê-li-cốp lúc y còn sống và khi y đã qua đời
- Nội dung chính bài Thao tác lập luận bác bỏ
- Soạn văn 11 bài: Ôn tập phần làm văn trang 124 sgk
- Soạn văn bài: Thao tác lập luận bác bỏ
- Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật trong Vội vàng Nội dung và nghệ thuật bài Vội vàng
- Nhà thơ Huy Cận đã từng viết: “Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm.” Em hãy làm rõ điều này thông qua việc phân tích tác phẩm “Tràng giang” của Huy Cận.