Bài văn: Phân tích nghệ thuật lập luận trong tác phẩm Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh Bài mẫu 2

  • 1 Đánh giá

Đề bài. Phân tích nghệ thuật lập luận trong tác phẩm Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh - bài văn mẫu 2

Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng, nhà tư tưởng vĩ đại của dân tộc Việt Nam “một vĩ nhân được UNESCO phong danh hiệu “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn”.Không những thế Hồ Chí Minh còn để lại cho chúng ta một gia tài văn học vô cùng quý báu. Ở mỗi thể loại văn học, từ văn chính luận, truyện, kí đến thơ ca Hồ Chí Minh đều tạo được những nét phong cách riêng, độc đáo và hấp dẫn. Nhắc đến văn chính luận, người ta không thể không nhắc đến “Tuyên ngôn Độc lập” – tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật lập luận của Hồ Chí Minh.

Trong hoàn cảnh nhân dân ta đã giành lại được chính quyền ở Hà Nội. Ngày 26/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Cách mạng Việt Bắc về tới Hà Nội. Và người đã soạn thảo bản “Tuyên ngôn độc lập” tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang. Ngày 02/09/1945 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng chục vạn đồng bào, Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”. Tác phẩm thể hiện nghệ thuật lập luận vô cùng chặt chẽ, sắc sảo của Người, xứng đáng là áng văn chính luận mẫu mực của thời đại.

Bản Tuyên ngôn có kết cấu vô cùng chặt chẽ, dựa vào những cơ sở pháp lí cho tới những cơ sở thực tiễn để đi đến tuyên bố về quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam.

Ngay từ phần mở đầu, để khẳng định cơ sở pháp lý và tính chính nghĩa của bản Tuyên ngôn, người đã nêu lên những chân lý vĩnh cửu về quyền tự do của dân tộc, quyền sống của mỗi con người đã được thừa nhận qua nhiều thời kỳ lịch sử ở ngay chính những quốc gia mà bấy giờ chính quyền của họ đang đi ngược lại nguyên tắc đó, gây ra lầm than cho biết bao số phận con người ở Việt Nam. Bác đã trích dẫn hai bản tuyên ngôn độc lập của Pháp và Mỹ. Tuyên ngôn độc lập của Mỹ ( 1976) viết : “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.Còn trong tuyên ngôn của Pháp viết : “ Người ta sinh ra tự do bình đẳng về quyền lợi và phải luôn tự do bình đẳng về quyền lợi”. Đây là những lẽ phải chân chính mà không ai có thể phủ nhận được. Đây là những bản Tuyên ngôn độc lập đã được các nước trên thế giới công nhận, đây cũng là những nước giơ cao ngọn cờ về bình đẳng, về quyền con người.Vậy mà họ đã đi ngược lại với chính những tuyên ngôn của mình. Và Bác đã chỉ ra được điều đó. Bằng chính sự khéo léo của mình Bác đã sử dụng chính những lời văn của kẻ thù để chống lại kẻ thù. Không những vậy thông qua việc trích dẫn hai bản tuyên ngôn của hai cường quốc Pháp và Mỹ lúc bấy giờ, Bác đã tạo ra một vị thế ngang hàng của bản tuyên ngôn nước Việt Nam với hai nước lớn kia, thể hiện rằng quyền bình đẳng tự do của con người là như nhau, không ai là hơn ai. Từ đó đưa ra cơ sở pháp lý vững vàng làm tiền đề cho việc khẳng định quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.

Ở phần thứ hai, tác giả đã sử dụng chủ yếu thao tác lập luận bác bỏ cùng những lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, bằng chứng hùng hồn để bác bỏ luận điệu “khai hóa”, “bảo hộ”của thực dân Pháp trên hai phương diện: chính trị và kinh tế. “Về chính trị… Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược. Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu”. Hàng loạt những tội ác của thực dân Pháp được Bác đưa ra theo lối văn trần thuật tạo nên điệp khúc đầy nhức nhối và căm phẫn. Bằng việc sử dụng cách diễn đạt hình tượng này, tác giả đã lột trần được sự dã man, tàn bạo của bọn thực dân, vừa diễn tả được nỗi đau thê thảm của nhân dân ta, những nguời dân vô tội đang quằn quại trong “vòng tử địa” (Đuờng Kách mệnh).Không chỉ dừng lại ở đó, Bác còn đưa ra những dẫn chứng lịch sử để bác bỏ giọng điệu sai trai, gian xảo của Pháp rằng chúng đã có công “bảo hộ” nước ta. Để bác bỏ luận điệu Pháp có công bảo hộ, Tuyên ngôn dùng sự thật lịch sử để thuyết phục: “Năm 1940, Nhật đến Đông Dương, thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật”. Năm 1945, Nhật hất cẳng Pháp “Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng”. Khẳng định “Trong 5 năm Pháp đã bán nước ta hai lần cho Nhật”.

Và cuối cùng, sau những lập luận đanh thép kết tội thực dân Pháp, Bác đã đưa ra lời khẳng định và cũng là lời tuyên bố công khai. “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do, độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.Câu nói định quyền tự do, độc lập cùng với quyết tâm chống giặc, giữ vững nền tự do, độc lập ấy của đồng bào Việt Nam ta. Lời tuyên ngôn với những lời lẽ đanh thép dựa trên cơ sở pháp lý và thực tiễn của bản Tuyên ngôn đã thuyết phục được lòng người lòng dân cũng như toàn thể thế giới về độc lập tự do của nước Việt Nam ta.

"Tuyên ngôn độc lập" của Hồ Chí Minh không những là văn kiện lịch sử vô giá mà còn là một áng văn chính luận mẫu mực, tiếp nối những áng thiên cổ hùng văn trong quá khứ. Lịch sử Việt Nam từ 1945 đến nay chính là sự phát huy cao độ tinh thần độc lập, tự do đã được khẳng định từ trong bản Tuyên ngôn ấy.Với những phẩm chất tiêu biểu của áng văn chính luận nêu trên, "Tuyên ngôn độc lập” là bản án đanh thép chống bạo tàn, có giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc của Hồ Chí Minh. Người đã rất thành công trong việc nghệ thuật lập luận – một trong những yếu tố quan trọng làm nên phong cách Hồ Chí Minh.


  • 57 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021