Đáp án đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 9 năm 2017
Bài làm:
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ chính luận.
Câu 2. Tác giả đã chỉ ra những mối nguy hại của thực phẩm bẩn nếu không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu: 10, 20 năm sau tỷ lệ mắc ung thư và tâm thần của người Việt sẽ còn cao hơn rất nhiều; mọi nỗ lực để nâng cao chất lượng sống, cải tạo nòi giống sẽ không đạt kết quả.
Câu 3. Thái độ của tác giả: lo lắng, trăn trở về vấn nạn thực phẩm bẩn; kêu gọi cả xã hội cùng hành động bằng những biện pháp kịp thời.
Câu 4. Nêu lên hiện trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan trên thị trường nước ta, những tác hại của thực phẩm bẩn và lời kêu gọi mọi người cùng chung tay đẩy lùi vấn nạn thực phẩm bẩn.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
* Yêu cầu về hình thức: (0,25đ)
- Viết bài văn, khoảng 200 từ
- Bố cục rõ ràng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu...
* Yêu cầu về nội dung: (1,75đ)
a. Giải thích (0,25 điểm)
- Thực phẩm bẩn là những thực phẩm chứa các chất độc hại, tác động tiêu cực đến sức khỏe và tính mạng con người.
- U ác tính: nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư, là mầm mống hủy hoại hủy hoại sức khỏe của dân tộc, giống nòi.
b. Thực trạng (0,25 điểm)
- Thực phẩm bẩn đang hoành hành tràn lan trở thành quốc nạn…
- Hầu hết thức ăn ta ăn đều có chứa chất độc hại:thịt có chất tạo nạc, rau có thuốc trừ sâu; làm đỗ,ruốc bằng hóa chất..
- Thực phẩm bẩn gây ra những ảnh hưởng xấu về sức khỏe con người: ngộ độc, tiềm ẩn nguy cơ mắc các căn bệnh nan y…
c. Nguyên nhân (0,5 điểm)
- Về phía doanh nghiệp, người sản xuất
- Vì lợi nhuận đã sử dụng các chất tạo nạc trong chăn nuôi; thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng trong trồng và bảo quản thực vật, hóa chất làm chín trái cây...
- Sự xuống cấp về lương tâm, đạo đức và là biểu hiện của một trình độ nhận thức hẹp hòi, ích kỷ.
- Về phía người tiêu dùng
- Thiếu hiểu biết về nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm trên thị trường.
- Tâm lí ham của rẻ, mẫu mã đẹp...
- Về phía cơ quan có thẩm quyền
- Chưa xử lí thích đáng đối với các trường hợp sản xuất, tiêu thụ thực phẩm bẩn
- Chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan pháp luật với các tổ chức khoa học để nhanh chóng phát hiện, ngăn chặn việc sản xuất, tiêu thụ thực phẩm bẩn…
d. Hậu quả (0,25 điểm)
- Thực phẩm bẩn khiến sức khỏe bị ảnh hưởng, tính mạng bị đe dọa, là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm như ung thư...
- Gây nên tâm lí hoang mang, sự bất ổn nảy sinh trong xã hội…
==> Cần sớm có những biện pháp kịp thời và hiệu quả để xử lí tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay. Đòi hỏi có sự chung tay của các cơ quan quản lí, sự phát giác của người dân và ý thức của người sản xuất.
d. Giải pháp (0,5 điểm)
- Nâng cao hiểu biết cho cả người sản xuất lẫn người tiêu thụ về tác hại khôn lường, lâu dài của việc sản xuất, tiêu thụ, sử dụng thực phẩm bẩn.
- Xử lí thích đáng việc sản xuất, tiêu thụ thực phẩm bẩn.
- Đẩy mạnh sản xuất thực phẩm hữu cơ, sạch, an toàn cho sức khỏe.
- Lên án những hành vi nuôi trồng, buôn bán thực phẩm bẩn.
- Mỗi người ý thức chung tay cùng xã hội đẩy lùi thực phẩm bẩn bằng những hành động thiết thực…
Câu 2 (5,0 điểm)
Mở bài: Giới thiệu tác giả, hoàn cảnh sáng tác và cảm hứng chủ đạo của bài thơ.
- Quang Dũng (1921-1988 ) là nghệ sĩ đa tài, có hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa, đặc biệt khi ông viết về những người lính Tây Tiến và xứ Đoài quê mình.
- Tây Tiến là bài thơ xuất sắc nhất, tiêu biểu cho đời thơ, phong cách sáng tác của ông.
- Bài thơ bằng bút pháp lãng mạn, sự sáng tạo về hình ảnh, ngôn ngữ, giọng điệu đã bộc lộ một nỗi nhớ sâu sắc da diết của tác giả về những người lính Tây Tiến anh dũng hào hoa và núi rừng miền Tây hùng vĩ, mĩ lệ . Có thể nói, nỗi nhớ da diết những người đồng đội Tây Tiến của Quang Dũng được lắng đọng trong tám câu thơ khắc hoạ bức chân dung người lính Tây Tiến
Thân bài:
a. Giới thiệu khái quát tác phẩm
- Bài thơ Tây Tiến được in trong tập thơ “ Mây đầu ô” ( xuất bản năm 1986 ) nhưng trước đó đã được bao thế hệ người yêu thơ truyền tay tìm đọc. Tác giả sáng tác bài thơ này từ năm 1948 tại làng Phù Lưu Chanh khi ông đã rời khỏi đoàn quân Tây Tiến chuyển sang hoạt động tại một đơn vị khác. Đơn vị quân đội Tây Tiến được thành lập năm 1947 có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt Lào, đánh tiêu hao sinh lực Pháp tại Thượng Lào và miền Tây Bắc bộ Việt Nam. Địa bàn hoạt động của đoàn quânTây Tiến khá rộng; chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, có nhiều học sinh, sinh viên, trong đó có Quang Dũng. Họ sống và chiến đấu trong hoàn cảnh gian khổ, thiếu thốn, bệnh sốt rét hoành hành nhưng vẫn lạc quan và chiến đấu anh dũng. Hoạt động được hơn một năm thì đơn vị Tây Tiến trở về Hoà Bình thành lập trung đoàn 52. Lúc đầu, nhà thơ đặt tên tác phẩm là Nhớ Tây Tiến, nhưng sau đó lại đổi lại là Tây Tiến. Bài thơ được sáng tác dựa trên nỗi nhớ, hồi ức, kỉ niệm của Quang Dũng về đơn vị cũ. Thế nên toàn bài thơ là một nỗi nhớ cồn cào, tha thiết.
- Bài thơ được tác giả chia thành 4 đoạn. Đoạn 1 bộc lộ nỗi nhớ những cuộc hành quân gian khổ của đoàn quân Tây Tiến và khung cảnh thiên nhiên miền Tây hùng vĩ, dữ dội , hoang sơ. Đoạn 2 là những kỉ niệm đẹp về tình quân dân trong những đêm liên hoan và cảnh sông nước miền Tây thơ mộng. Đoạn 3 tái hiện lại chân dung người lính Tây Tiến . Đoạn 4 là lời thề gắn bó với Tây Tiến và miền Tây. Toàn bài thơ in đậm dấu ấn tài hoa , lãng mạn , phóng khoáng của hồn thơ Quang Dũng. Với tài năng và tâm hồn ấy, Quang Dũng đã khắc hoạ thành công hình tượng người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng trên cái nền cảnh thiên nhiên núi rừng miền Tây hùng vĩ , dữ dội, mĩ lệ .
b. Đoạn thơ tập trung vào khắc họa hình ảnh người lính Tây Tiến bằng bút pháp lãng mạn nhưng không thoát ly hiện thực với cảm xúc bi tráng.
- Vẻ đẹp lẫm liệt, kiêu hùng, hào hoa, lãng mạn:
- Sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
==> Nhưng câu thơ còn có ý tả thực về một hiện thực trần trụi và khắc nghiệt: những con suối độc,những trận sốt rét rừng đã làm cho ngừoi lính xanh xao, rụng tóc.Hình ảnh lạ thường nhưng không hề quái đản.Người lính dù có tiều tụy nhưng vẫn ngời lên một phẩm chất đẹp đẽ, kiêu hùng: "không mọc tóc" chứ không phải là "tóc không mọc", thể hiện thái độ coi thường gian nguy,vượt lên hoàn cảnh của người lính Tây Tiến.
- Trong gian khổ, hình tượng người lính Tây Tiến vẫn hiện ra với dáng vẻ oai phong, lẫm liệt, vẫn toát lên cốt cách, khí phách hào hùng, mạnh mẽ với sự đối lập của hai hình ảnh trong câu thơ: xanh màu lá và dữ oai hùm.
Quân xanh màu lá,dữ oai hùm
==> Ba tiếng "Dữ oai hùm" đặt cuối câu giống như tiếng dằn rất mạnh,khẳng định ý chí ngút trời ,tinh thần chiến đấu sôi sục của người lính.Câu thơ giống như cái hất đầu đầy kiêu hãnh, ngạo nghễ người lính Tây Tiến thách thức gian khổ, chiến thắng gian khổ, trở thành người anh hùng.
- Trong gian khổ nhưng người lính Tây Tiến vẫn hướng về nhiệm vụ chiến đấu, vẫn “ gửi mộng qua biên giới” – mộng chiến công, khao khát lập công;
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
==> Câu thơ diễn tả tinh tế chân thật tâm lý của những người lính ra đi từ thủ đô.Hình ảnh Hà Nội và dáng kiều thơm hiện về trong đêm mơ không làm cho họ nản lòng,thối chí mà ngược lại là nguồn động viên,cổ vũ đối với các chiến sĩ. Một thoáng kỉ niệm êm đềm trong sáng ấy đã tiếp sức cho họ trong cuộc chiến đấu gian nan.Đó là động lực tinh thần giúp người lính băng qua những tháng ngày chiến tranh gian lao của đời mình..
- Vẻ đẹp bi tráng:
- Những người lính trẻ trung, hào hoa đó gửi thân mình nơi biên cương xa xôi, sẵn sàng tự nguyện hiến dâng “Đời xanh” cho Tổ Quốc mà không hề tiếc nuối.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
==> Những từ Hán Việt cổ kính trang trọng "biên cương", "viễn xứ" đã làm cho những nấm mỗ chiến sĩ được vùi lấp vội vàng nơi rừng hoang biên giới cũng trở thành những nấm mồ tôn nghiêm. Cái bi của câu trên được câu dưới nâng lên thành bi tráng bởi nhân cách của người đã hi sinh " Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh". Đời xanh - tuổi trẻ với biết bao là hoa mộng nhưng họ vui vẻ hiến dâng cho Tổ quốc. Họ đi vào cái chết như đi vào một giấc ngủ nhẹ nhàng và thanh thản vô cùng.
- Hình ảnh “áo bào thay chiếu” là cách nói sang trọng hóa sự hy sinh của người lính Tây Tiến. Họ coi cái chết tựa lông hồng, sự hi sinh ấy nhẹ nhàng, thanh thản như trở về với đất mẹ yêu thương
Áo bào thay chiếu anh về đất
==> Thức tế,những người lính gục chết trên chiến trận nhiều khi manh chiếu cũng không có,huống chi là "áo bào". Nhưng thái độ trân trọng, yêu thương cùng cảm hứng lãng mạn đã tạo ra ở Quang Dũng một cái nhìn của chủ nghĩa anh hùng cổ điển trước cái chết của người lính.Trong cách nhìn ấy, Cái chết của người lính Tây Tiến không chìm trong cái lạnh lẽo như trong thơ của Đặng Trần Côn:"Hồn tử sĩ gió ù ù thổi" mà được bao bọc trong một âm hương hùng tráng:
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
- “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” : Linh hồn người tử sĩ đó hoà cùng sông núi. Con sông Mã đã tấu lên khúc nhạc độc tấu đau thương, hùng tráng để tiễn người lính vào cõi bất tử: Âm hưởng dữ dội tô đậm cái chết bi hùng của người lính Tây Tiến.
=> Hình ảnh người lính Tây Tiến phảng phất vẻ đẹp lãng mạn mà bi tráng của người tráng sĩ anh hùng xưa.
Kết bài:
- Khắc họa người lính Tây Tiến bằng bút pháp lãng mạn và hiện thực
- Ngợi ca tấm gương chiến đấu hi sinh vì tổ quốc với tinh thần Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh của những anh lính vệ quốc.
Xem thêm bài viết khác
- Đáp án phần Làm Văn Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 28 năm 2017
- Đáp án đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 23 năm 2017
- Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 17 năm 2017 của tỉnh Bình Định (có đáp án)
- Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 36 năm 2017 (có đáp án)
- Đáp án phần Đọc Hiểu Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 31 năm 2017
- Thi THPTQG 2020: Đề thi và đáp án chính thức của Bộ GD môn Ngữ văn
- Đáp án phần Làm Văn Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 27 năm 2017
- Đáp án đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 18 năm 2017
- Đáp án phần Đọc Hiểu Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 33 năm 2017
- Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 25 năm 2017 (có đáp án)
- Đáp án đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 21 năm 2017, tỉnh Vĩnh Phúc
- Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 34 năm 2017 (có đáp án)