Kể chuyện đã nghe, đã đọc: Không gia đình - Phần 1: Làng tôi
Bài mẫu 6: Kể chuyện đã nghe, đã đọc: Không gia đình - Phần 1: Làng tôi
Bài làm:
Không gia đình là câu chuyện kể về một em bé không cha mẹ, không họ hàng thân thích, đi theo một đoàn xiếc chó, khỉ rồi cầm đầu đoàn ấy đi lưu lạc khắp đất nước Pháp sau đó bị tù ở Anh. Cuối cùng tìm thấy mẹ và em. Em bé Rê mi ấy đã lớn lên trong gian khổ, em đã chùng đụng mọi hạng người nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương…Và để hiểu hơn về câu chuyện, chúng ta cùng đến với chương một làng tôi của cuốn không gia đình.
Tôi là một đứa trẻ bị bỏ rơi.
Mãi đến năm lên tám, tôi vẫn tưởng tôi có một người mẹ như những đứa trẻ khác, vì lúc nào tôi khóc thì lại có một bà đến dịu dàng ôm tôi vào lòng, dỗ dành cho tôi nín.
Mỗi khi tôi đi ngủ lại có bà đến vuốt ve tôi. Về mùa đông, khi gió gieo tuyết vào cửa kính trắng xóa, bà kéo chân tôi ủ vào hai bàn tay bà và ru tôi. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ giọng hát và câu hát ru của bà.
Khi tôi chăn con bò sữa trên những ven đường cỏ xanh hay ở bãi hoang mà chợt gặp mưa to, bà vội vã chạy ra đón, kéo vạt áo che đầu cho tôi và đưa tôi về.
Khi tôi cãi nhau với một đứa trẻ khác, bà bảo tôi kể lại cho bà nghe, rồi bà tìm lời ngọt ngào dỗ tôi và bao giờ cũng cho tôi là phải.
Vì những điều đó và nhiều điều khác nữa, vì giọng nói âu yếm, vì đôi mắt trìu mến của bà, vì những sự vỗ về thương yêu tôi, vì vẻ nhân từ của bà dẫu khi trách mắng tôi, tôi luôn nghĩ bà là mẹ tôi.
Tôi biết bà chỉ là mẹ nuôi tôi thôi, như thế này đây.
Làng tôi, hay gọi cho đúng, nơi tôi được nuôi nấng, vì tôi không có làng riêng cho tôi, không có nơi sinh, mà không có cả cha lẫn mẹ nữa, làng mà tôi đã sống trong thời thơ ấu gọi là Savanong, một làng trong những làng nghèo nhất ở miền Trung nước Pháp.
... nghèo nàn đó không phải là tại .... đần độn hay lười biếng mà chính vì vị trí của làng ở vào một nơi đất khô cằn. Đất lớp mặt mỏng, muốn được hoa màu tốt phải có phân bón nhưng ở miền này đều thiếu thốn. Vì thế người ta chỉ thấy một số ít ruộng được cày cấy, còn toàn là những bãi hoang bao la để cho bụi rậm và cỏ mọc đầy. Trên những bãi cao đó, lác đác cũng có một vài khóm cây to, nhưng khi những ngọn gió may thổi đến, thì chỉ còn trơ những cành khẳng khiu.
Muốn thấy những cây đẹp, phải xuống thung lũng, đến chỗ các bờ sông nhỏ; trong những đồng cỏ hẹp mới có những cây dẻ cao và những cây sồi to lớn xum xuê. Chính ở một trong những thung lũng đó, trên bờ một dòng suối chảy xiết đổ vào phụ lưu của sông Loa, có ngôi nhà thân yêu của tôi thời thơ ấu.
Cho đến năm lên tám, tôi chưa hề trông thấy một người đàn ông nào trong nhà. Tuy nhiên, mẹ tôi không phải góa bụa, vì chồng bà đi làm thợ đẽo đá ở Pari cũng như phần đông những người thợ khác ở vùng này. Từ ngày tôi đến tuổi hiểu biết, tôi không thấy ông ta về lần nào. Thỉnh thoảng bạn cùng làm về quê thì ông nhắn tin thôi.
- Bà Bacbơranh ơi! Ông nhà vẫn khỏe mạnh, có nhờ tôi về nói cho bà biết là việc làm ăn cũng khá và có gửi ít tiền về đây. Bà đếm lại xem!
Chỉ có thế thôi. Bà Bacbơranh cũng đành biết có thế là đủ: chồng bà mạnh giỏi, công việc đều, làm ăn khá. Ông Bacbơranh ở mãi Pari không về, không phải là trong gia đình có chuyện xích mích gì đâu. Việc bất hòa không phải là nguyên nhân cuộc xa vắng đó. Ông phải ở luôn Pari vì công việc bắt buộc, chỉ có thế thôi. Khi già ông sẽ trở về. Với số tiền góp nhặt, dành dụm, vợ chồng ông sẽ khỏi bị đói rét khi tuổi già sức yếu.
Một buổi chiều về tháng Mười Một, trời sắp tối, có một người đàn ông lạ mặt, đến đứng ngoài bờ giậu. Tôi ở trên hè đang bẻ củi chà là. Người ấy đứng ngoài nghển đầu vào hỏi tôi có phải đây là nhà bà Bacbơranh.
Tôi mời ông ta vào. Ông khách đẩy cửa làm cho sợi dây buộc kêu cót két rồi bước vào.
Ông ta lấm như vùi. Những vẩy bùn chỗ khô, chỗ ướt bám từ đầu xuống chân. Trông thấy thế, ai cũng hiểu rằng ông ta đã vất vả trên những con đường lầy lội. Nghe có tiếng người, mẹ tôi chạy ra thì vừa gặp ông ta đang vào. Ông ta nói:
- Tôi đem tin từ Pari về đây!
Đó là một câu rất quen tai, nhưng câu đó nghe khác hẳn giọng nói các câu mấy lần trước thường kèm thêm những tin: "Ông ấy khỏe mạnh, làm ăn khá".
Mẹ tôi chắp tay lại và kêu to:
- Trời ơi! Chắc có tin chẳng lành cho ông Giê-rôm nhà tôi rồi!
- Phải đấy! Bà đừng lo sợ quá. Ông nhà bị thương, may không chết. Nhưng có lẽ rồi thành tật. Hiện giờ ông nằm nhà thương. Tôi nằm giường bên cạnh. Nhân tôi về quê, ông bảo đi qua nhắn giúp. Thôi, chào bà, tôi không thể ở lâu đươc, vì còn phải đi ba dặm nữa, mà trời đã sắp tối rồi.
Mẹ tôi muốn biết tường tận hơn nên đã mời ông khách ở lại ăn cơm. Đường thì xấu, mà người ta lại bảo trong rừng có nhiều chó sói, nên ông ta cũng vui lòng ở lại. Ông ta ngồi trong góc cạnh lò sưởi, vừa ăn vừa kể lại cho chúng tôi nghe.
Ông Bacbơranh bị giàn giáo xây nhà đổ sập xuống đè phải. Xét ra lúc bấy giờ không phải việc ông ở đấy, nên chủ thầu không chịu bồi thường. Ông khách nói thêm:
- Thực không may! Phải kẻ tinh khôn hơn, có lẽ họ tìm cách đòi được tiền trợ cấp suốt đời. Nhưng ông nhà thì chẳng được đồng nào.
Ông ta vừa sấy đôi ống quần cứng cộp vì bùn khô lại, vùa nhắc lại câu "Thực không may!" với một vẻ buồn thành thực như tỏ ra rằng nếu vào địa vị ông, ông sẽ vui lòng xin cưa phăng đi một chân hòng đòi khoản trợ cấp suốt đời. Để kết thúc câu chuyện, ông nói:
- Tuy nhiên, tôi đã khuyên ông nhà đệ đơn kiện chủ thầu.
Mẹ tôi nói:
- Kiện thì tốn kém lắm!
- Phải, nhưng lúc được kiện thì cũng bõ!
Mẹ tôi muốn đi Pari xem sao, nhưng đi là cả một sự phiền phức vì đường sá xa xôi và tốn nhiều tiền.
Sáng hôm sau, chúng tôi đến hỏi ý kiến linh mục làng. Cha bảo để xét xem mẹ tôi ra đó có lợi ích gì, thì hãy nên đi. Rồi cha viết thư cho cha tuyên úy ở nhà thương ông Bacbơranh nằm điều trị. Mấy hôm sau, cha nhận được thư trả lời, bảo mẹ tôi không phải đi, chỉ cần gửi ít tiền ra cho ông để kiện chủ thầu.
Ngày, tháng qua, thỉnh thoảng lại có thư về hỏi tiền. Lá thư cuối cùng khẩn bách hơn, bảo nếu hết tiền thì đem bán con bò sữa đi mà gửi.
Những ai đã sống ở nhà quê, mới biết có bao nhiêu khổ não, đau đớn trong hai tiếng "bán bò sữa".
Đối với nhà động vật học, bò là giống nhai lại; dưới con mắt của du khách, đó là con vật tô điểm cho phong cảnh nên thơ mỗi khi nó nghếch cái mồm đẫm sương trên thảm cỏ; với trẻ con ở tỉnh, bò là nguồn cà phê sữa, bánh phó-mát kem. Nhưng đối với dân quê, còn có những điều hơn thế. Nhà dù nghèo đến thế nào, khó đến thế nào, nếu trong chuồng có được một con bò cái, thì nhất định không phải nhịn đói.
Chỉ với một cái dây thừng để dài hay quấn gọn trên sừng là đủ để một đứa trẻ có thể chăn bò trên những con đường đầy cỏ xanh non, nơi không thuộc về ai. Rồi chiều đến, cả gia đình có đủ bơ để nấu súp, đủ sữa để dầm khoai. Cha, mẹ, con cái, người lớn cũng như trẻ con, mọi người đều sống nhờ con bò.
Mẹ tôi và tôi, sống rất no đủ nhờ con bò của chúng tôi, ngoài sữa ra không hề cần đến thịt thà. Con bò cái đó không những là vú nuôi của chúng tôi, nó còn là một người bạn chân tình nữa. Ta chớ tưởng con bò là một con vật không biết gì, trái lại, nó là giống rất thông minh và có nhiều đức tính ngày thêm nảy nở do sự huấn luyện mà ra. Chúng tôi vuốt ve nó, nói chuyện với nó, nó hiểu chúng tôi. Bằng đôi mắt to tròn, dịu hiền, nó có thể tỏ cho chúng tôi biết ý muốn hoặc sự cảm biết của nó. Nói tóm lại, chúng tôi yêu nó và nó cũng mến chúng tôi.
Thế mà chúng tôi phải lìa bỏ nó, lìa nhau vì phải bán nó mới làm cho ông Bacbơranh vừa lòng.
Hôm sau, một người lái đến. Sau khi ngắm nghía con Russet, rồi vừa sờ nắn, vừa lắc đầu nói đi nói lại đến trăm lần là con bò này chẳng vừa ý ông ta chút nào, bò nhà nghèo, khó bán lại, đã ít sữa mà sữa lại xấu. Sau cùng, ông ta cũng cố gắng mua, cốt để tỏ lòng tốt muốn giúp đỡ bà Bacbơranh là một người đàn bà đảm đang.
Tội nghiệp cho con Russet. Hình như nó cũng biết câu chuyện vừa diễn ra, nên không chịu ra khỏi chuồng và kêu rống lên.
Người lái tháo cái roi vẫn quàng ở cổ, đưa cho tôi và bảo:
- Em vào phía sau đánh cho nó ra.
Mẹ tôi bảo:
- Đừng làm thế! Rồi cầm lấy dây, mẹ tôi nói nhẹ nhàng:
- Russet ra đây! Ngoan!
Con Russet không dám kháng cự nữa. Ra đến đường cái, người lái buộc dây bò vào sau xe, thế là nó phải chạy theo ngựa.
Chúng tôi trở về nhà, vẫn còn nghe thấy tiếng bò kêu, lâu lâu mới hết.
Thế là chẳng còn sữa, chẳng còn bơ. Từ nay, sáng ăn bánh suông, chiều ăn khoai chấm muối.
Bán bò được mấy hôm thì đến ngày lễ "Tuần chay". Năm ngoái, cũng ngày này, mẹ tôi đã làm một bữa bánh rán, bánh sữa rất ngon. Tôi ăn lấy ăn để, mẹ tôi tỏ vẻ sung sướng vô cùng.
Bấy giờ chúng tôi còn Russet, nó cho sữa pha bột, cho bơ để bỏ chảo. Bây giờ không còn Russet nữa, hết bơ, hết sữa, hết ngày "Tuần chay". Tôi nghĩ mà buồn.
Nhưng mẹ tôi đã đem lại cho tôi một sự ngạc nhiên. Không phải vay mượn ai, bà đã xin hàng xóm người này một chén sữa, người kia một miếng bơ. Khoảng trưa tôi về nhà, thấy bà đang lúi húi đổ bột vào chảo sành lớn. Tôi lại gần mẹ tôi và nói:
- A! Nhà có bột!
Mẹ tôi vừa cười vừa đáp:
- Có chứ! Bột đấy! Chính bột mì đấy! Reemi, con xem bột có mịn không?
Lòng tôi muốn hỏi bột đó dùng để làm gì, nhưng không dám nói ra. Tôi cũng muốn nhắc hôm nay là ngày lễ "Tuần chay", nhưng sợ làm mẹ tôi phiền lòng. Chợt mẹ tôi hỏi:
- Đố con biết bột dùng để làm gì?
- Làm bánh mì.
- Làm gì nữa?
- Nấu cháo sữa.
- Gì nữa?
- Trời! Con không biết!
- Có, con biết đấy. Nhưng con là đứa trẻ ngoan, nên con không nói đấy thôi. Con biết hôm nay thứ ba, ngày "Tuần chay" được ăn bánh rán, bánh sữa. Nhưng con thấy nhà hết bơ, hết sữa nên con không dám nhắc đến. Phải không?
- Ôi! Mẹ...
- Mẹ biết trước thế. Nên mẹ đã sắp đặt để đến ngày lễ con khỏi phải buồn tủi. Con nhìn trong thùng gỗ xem.
Tôi vội tới mở mạnh nắp ra, thì quả thấy nào sữa, nào bơ, nào trứng, nào khoai. Mẹ tôi bảo:
- Lấy trứng ra đây cho mẹ làm! Con đi gọt khoai đi!
Trong khi tôi thái khoai, mẹ tôi đập trứng cho vào bột, đánh đều, rồi thỉnh thoảng lại trộn vào một thìa sữa. Khi bột đã hòa xong, mẹ tôi đặt chậu lên đống tro nóng để đến chiều làm, vì bữa tối chúng tôi mới dùng đến. Tôi xin thú thật rằng ngày hôm đó tôi thấy dài quá và nhiều lần tôi vào bếp mở trộm tấm khăn phủ chậu bột ra nhìn. Mẹ tôi gắt:
- Đừng mở! Bột mì bị lạnh vào không nở đâu!
Nhưng tôi thấy bột vẫn nở tốt. Nhiều chỗ phồng lên và trên mặt có thứ nước như nước dùng. Bột lên men sao mà thơm thế, nức mùi trứng và sữa. Mẹ tôi bảo:
- Con bẻ cho mẹ một ít củi vụn, để lửa cháy cho đượm và không có khói.
Không cần phải bảo đến hai lần, tôi vào bếp luôn vì đã nóng ruột lắm rồi.Trong giây lát, một ngọn lửa to đã bốc lên trong lò. Ánh sáng chiếu khắp căn bếp. Mẹ tôi liền lấy chảo ở trên tường xuống, đặt lên lò:
- Lấy bơ cho mẹ.
Tôi đem bơ ra, mẹ tôi lấy mũi dao xén một miếng bằng quả hồ đào và bỏ vào chảo, bơ chảy ra và kêu xèo xèo. A! Bơ thơm ngon quá vì đã lâu tôi không ngửi thấy mùi. Đồng thời, tôi lại được nghe một khúc nhạc vui tai do lửa reo và tiếng mỡ nổ tí tách trên lò.
Trong khi tôi chăm chú nghe những âm thanh đó, thì hình như có tiếng bước chân ngoài sân. Ai lại có thể đến ám bên ta trong giờ này? Có lẽ bà hàng xóm sang xin lửa chăng?
Nhưng tôi cũng chẳng để ý đến việc đó, vì mẹ tôi đang múc ở chậu ra một thìa bột trắng tinh đổ vào chảo. Lúc này không phải là lúc nghĩ đến chuyện khác.
Tiếng gậy chạm vào ngưỡng cửa, rồi bỗng nhiên cánh cửa mở toang ra. Không ngoảnh cổ lại, bà Bacbơranh hỏi:
- Ai đấy?
Một người đàn ông bước vào. Nhờ ánh đèn đỏ, tôi trông rõ người đó mặc một cái áo blu trắng, tay chống chiếc gậy to. Người đó nói giọng chương chướng:
- Đây cũng ăn lễ "Tuần chay" à? Cứ làm đi.
Mẹ tôi bắc chảo ra, vội kêu to:
- A! Ông đã về đấy à?
Xong mẹ tôi cầm cánh tay tôi, đẩy tôi lại chỗ ông ta, ông đứng dừng lại. Mẹ tôi bảo tôi:
- Cha con đấy!
Xem thêm bài viết khác
- Giải bài Luyện từ và câu: Ôn tập về dấu câu trang 110
- Giải bài Chính tả: Ai là thủy tổ loài người?
- Giải bài Luyện từ và câu: Liên kết các câu trong bài bằng cách lặp từ ngữ
- Những câu nói nào của anh Thành cho thấy anh luôn luôn nghĩ tới dân, tới nước?
- Giải bài Tập đọc: Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em
- Tả một ngày mới bắt đầu ở quê em (vùng núi)
- Giải bài Ôn tập cuối học kì II tiết 2
- Giải bài Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ: Trật tự An ninh
- Giải bài Luyện từ và câu: Liên kết các câu trong bài bằng cách thay thế từ ngữ
- Giải bài tập làm văn: Ôn tập về tả cảnh
- Giải bài Kể chuyện: Chiếc đồng hồ
- Giải bài Chính tả: Tà áo dài Việt Nam