Nội dung chính bài Chí phèo

  • 1 Đánh giá

Câu 4: Hãy nêu ngắn gọn những nội dung chính và chi tiết kiến thức trọng tâm bài học "Chí phèo"?

Bài làm:


Nội dung bài gồm:

Back to top

A. Ngắn gọn những nội dung chính

1. Giới thiệu chung

  • Tác giả: Nam Cao (1917 – 1951) tên khai sinh là Trần Hữu Tri, sinh trong một gia đình nông dân ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lí Nhân (nay xã Hòa Hậu, huyện Lí Nhân) tỉnh Hà Nam.
  • Tác phẩm: Truyện ngắn Chí Phèo nguyên có tên là Cái lò gạch cũ; khi in thành sách lần đầu (NXB Đời mới, Hà Nội, 1941), nhà xuất bản tự đổi thành Đôi lứa xứng đôi. Đến khi in lại trong tập Luống cày (Hội văn hóa cứu quốc xuất bản, Hà Nội, 1946), tác giả đặt lại tên là Chí Phèo.

2. Phân tích văn bản

a. Làng Vũ Đại - hình ảnh thu nhỏ của xã hội nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng 8

  • Toàn bộ truyện Chí Phèo diễn ra ở làng Vũ Đại. Đây chính là không gian nghệ thuật của truyện.
  • Làng này dân “không quá hai nghìn người, xa phủ, xa tỉnh” nằm trong thế “quần ngư tranh thực”, có tôn ti trật tự nghiêm ngặt.
  • Mâu thuẫn giai cấp gay gắt, âm thầm mà quyết liệt, không khí tối tăm, ngột ngạt. Đời sống của người nông dân vô cùng khổ cực bị đẩy vào đường cùng không lối thoát, bị tha hóa.

b. Nhân vật Bá Kiến

  • Bốn đời làm tổng lí “Uy thế nghiêng trời”
  • Giọng nói, cái cười mang tính điển hình cao: tiếng quát “rất sang”, “cái cười Tào Tháo”
  • Thao túng mọi người bằng cách đối nhân xử thế và thủ đoạn mềm nắn rắn buông, khôn róc đời, biết dìm người ta xuống sông, nhưng rồi lại biết dắt người ta lên để phải đền ơn. Bá dựng lên quanh mình một thế lực vững trãi để cai trị và bóc lột, giẫm lên vai người khác một cách thật tinh vi.
  • Bá có đủ thói xấu xa: Háo sắc, ghen tuông, sợ vợ, hám quyền lực. Lão làm tha hoá và làm tan nát bao nhiêu cuộc đời con người lương thiện.
  • Bá Kiến tiêu biểu cho giai cấp thống trị: có quyền lực, gian hùng, nham hiểm.

c. Nhân vật Chí Phèo

  • Trước khi ở tù
    • Hoàn cảnh xuất thân: không cha, không mẹ, không nhà, không cửa, không một tấc đất cắm dúi cũng không có, đi ở hết nhà này đến nhà khác. Cày thuê cuốc mướn để kiếm sống.
    • Từng mơ ước: có một ngôi nhà nho nhỏ, chồn cày thuê cuốc mướn. Ước mơ bình thường như bao người khác chứng tỏ Chí Phèo là một người lương thiện.
    • Năm 20 tuổi: đi ở cho nhà cụ Bá Kiến. Bị bà ba Bá Kiến gọi lên dấm lưng, bóp chân…Chí cảm thấy nhục chứ yêu đương gì, biết phân biệt tình yêu chân chính và thói dâm dục xấu xa. Là người có ý thức về nhân phẩm.
    • Chí Phèo có đủ điều kiện để sống cuộc sống yên bình như bao người khác.
  • Sau khi ra tù
    • Nguyên nhân: vì Bá Kiến ghen với vợ hắn.
    • Chế độ nhà tù thực dân đã biến Chí trở thành lưu manh, có tính cách méo mó và quái dị. Chí trở thành con quỉ dữ của làng Vũ Đại.
    • Hậu quả của những ngày ở tù: Hình dạng biến đổi thành con quỷ dữ, Chí Phèo đã đánh mất nhân hình. Nhân tính du côn, du đãng, triền miên trong cơn say, đập đầu, chửi bới, phá phách và làm công cụ cho Bá Kiến. Chí Phèo đã đánh mất nhân tính.
    • Chí đã bị cướp đi cả nhân hình lẫn nhân tính. Bị biến chất từ một người lương thiện thành con quỉ dữ. Chí điển hình cho hình ảnh người nông dân lao động bị đè nén đến cùng cực, và cũng là một nhân chứng tố cáo chế độ thực dân phong kiến đã cướp đi quyền làm người của Chí.
  • Cuộc gặp gỡ giữa Chí Phèo và Thị Nở
    • Tình yêu thương mộc mạc, chân thành của Thị Nở - người đàn bà xấu như ma chê quỷ hờn, lại dở hơi ấy đã đánh thức bản chất lương thiện của Chí Phèo.
    • Chí Phèo đã thức tỉnh về nhận thức và về ý thức.
    • Hình ảnh bát cháo hành là hình ảnh độc đáo, chân thật và giàu ý nghĩa: lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Chí được ăn trong tình yêu thương và hạnh phúc.
    • Chí Phèo đã hoàn toàn thức tỉnh, Chí đang đứng trước tình huống có lối thoát là con đường trở về với cuộc sống của một con người. Cái nhìn đầy chiều sâu nhân đạo của nhà văn.
  • Bi kịch bị cự tuyệt
    • Nguyên nhân do bà cô Thị Nở không cho Thị lấy Chí Phèo. Bà cô đại diện cho định kiến của xã hội.
    • Diễn biến tâm trạng của Chí Phèo: Chí ngạc nhiên trước thái độ của Thị Nở. Sau Chí hiểu ra mọi việc: ngẩn người, nắm lấy tay Thị Nở, bị xô ngã, Chí thấy hơi cháo hành nhưng lại tuyệt vọng Chí uống rượu và khóc “rưng rứt”, xách dao đên nhà Bá Kiến đâm chết Bá Kiến và tự xác.
    • Ý nghĩa hành động đâm chết Bá Kiến và tự xác của Chí: Đâm chết Bá Kiến là hành động lấy máu rửa thù của người nông dân thức tỉnh về quyền sống. Cái chết của Chí Phèo là cái chết của con người trong bi kịch đau đớn trên ngưỡng cửa trở về cuộc sống làm người.

Back to top

B. Phân tích chi tiết nội dung bài học

1. Tóm tắt nội dung

Tác phẩm Chí Phèo kể về nhân vật Chí Phèo, hắn vốn là một đứa trẻ bị bỏ hoang trong một lò gạch cũ và được nhặt về nuôi. Khi lớn lên Chí Phèo đi ở hết nhà này nhà khác để nuôi thân. Đến năm Phèo 20 tuổi, hắn là canh điền cho nhà Bá Kiến, và tấm bi kịch cuộc đời hắn từ diễn ra từ đây. Vì bị Bá Kiến ghen nên hắn bị giải lên huyện và bị bắt bỏ tù. Hắn ở tù bày tám năm, sau khi trở về, hắn xuất hiện với bộ dạng khắc hẳn ngày xưa, với nhiều hình xăm trên mình. Hắn lúc nào cũng say và cứ say là hắn lại đến nhà Lí Kiến để chửi bới, rạch mặt ăn vạ. Và Bá Kiến đã biến Chí Phèo thành kẻ tay sai chuyên đâm thuê chém mướn cho Bá Kiến. Trong tình trạng luôn say mèm, ai cho tiền sai gì hắn cũng làm, hắn trở thành một con quỷ dữ của làng Vụ đại luôn làm những trò tác quái phá làng, phá xóm, khiến người dân ai ai cũng khiếp sợ. Cuộc đời hắn không lúc nào tỉnh. Vào một đêm trăng, Phèo say ra bờ sông gần nhà thì gặp Thị Nở đi kín nước ngồi nghỉ rồi ngủ quên. Đêm đó, họ ăn nằm với nhau. Phèo nửa đêm đau bụng, nôn mửa, sáng hôm sau, Thị cho hắn một bát cháo hành. Cũng từ đó hắn khao khát trở về cuộc sống lương thiện và được sống cùng Thị Nở. Nhưng một lần nữa hắn bị đạp xuống vực vì bà cô của Thị không đồng ý. Phèo tuyệt vọng, lại uống và lại xách dao ra đi, vừa đi hắn vừa chửi rủa sự đời. Hắn cầm dao đến nhà Bá Kiến đòi trả lương thiện cho hắn. Hắn đâm chết Bá Kiến rồi tự tử.

2. Phân tích chi tiết văn bản

a. Làng Vũ Đại - hình ảnh thu nhỏ của xã hội nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng 8

Làng Vũ Đại - không gian nghệ thuật của câu chuyện, nơi các nhân vật sống và hoạt động. Làng Vũ Đại được mô tả khá sát với thực tế quang cảnh nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Những mâu thuẫn điển hình cũng xảy ra ở đây một cách âm thầm mà quyết liệt. Đó chính là mâu thuẫn giai cấp giữa địa chủ và nông dân nghèo, giữa giai cấp thống trị vừa phong kiến vừa thực dân với tầng lớp bị trị không có một tiếng nói gì. Đời sống của người nông dân vô cùng khổ cực. Và điếu tất yếu đã xảy ra với người nông dân là bị đẩy vào đường cùng không lối thoát, bị tha hóa.

b. Nhân vật Bá Kiến

  • Bá Kiến là nhân vật đại diện cho tầng lớp thống trị trong xã hội xưa. Nhân vật này được nhắc đến có bốn đời làm tổng lí “uy thế nghiêng trời”. Giọng nói, cái cười mang tính điển hình cao như tiếng quát “rất sang”, “cái cười Tào Tháo”, "mềm nắn rắn buông",...
  • Bá Kiến được khắc họa cùng sự nham hiểm ghê người. Hắn có thể thao túng mọi người bằng cách đối nhân xử thế. Trước sự việc Chí Phèo rạch mặt ăn vạ, Bá Kiến đã giải tán đám đông, giở giọng đường mật mời vào uống nước, nhận họ hàng, giết gà mua rượu, thiết đãi thêm mấy đồng bạc. Hắn đã đạt được mục đích là dập tắt ngọn lửa trong lòng Chí Phèo và biến Chí thành tay sai cho hắn.
  • Bá Kiến có đủ các thói hư tật xấu lúc bấy giờ như háo sắc, ghen tuông, sợ vợ, hám quyền lực, ích kỉ. Ở đây tác giả cũng muốn châm biếm đám quan lại vô dụng, chủ nghĩa tư lợi cá nhân, bù nhìn hồi ấy.

c. Nhân vật Chí Phèo

  • Trước khi ở tù:
    • Chí Phèo là một con người rất bất hạnh: bị bỏ rơi, không cha, không mẹ, được người ta nhặt về từ cái lò gạch cũ rồi dân làng truyền tay nhau nuôi đến khi lớn. Nhân vật được hiện lên là một người lương thiện chăm chỉ, số dựa vào sức lao động của mình và luôn có một ước mơ nhỏ nhoi về gia đình hạnh phúc. Đến khi bị bà Ba vợ Bá Kiến bắt bóp chân, Chí đã ý thức được sự nhục nhã này đối với bản thân. Chi tiết này chứng tỏ Chí là một con người đầy ý thức về danh dự của mình.
  • Sau khi ra tù:
    • Vì thói ghen tuông vô độ của Bá Kiến đã đẩy Chí Phèo vào tù một cách vô cớ. Từ đây cuộc đời Chí Phèo đã thay đổi hoàn toàn. Giờ đây Chí mang một nhân hình dị dạng: giống đặc thằng "sảng đá", "phanh ngực xăm trổ", "con mắt gườm gườm", "mặt đen cơng cơng", "đầu trọc lốc". Suốt ngày chỉ uống rượu say khướt, không trả tiền còn định đốt quán, xách vỏ chai đến nhà Bá Kiến rạch mặt ăn vạ, điệu bộ hung hăng khiến cả làng ai cũng phải khiếp sợ.
    • Chí Phèo từ một người hiền lành lương thiện đã biến thành kẻ lưu manh, thành tay sai đòi nợ cho Bá Kiến, tàn phá khắp nơi, trở thành con quỷ của làng Vũ Đại. Ở đây Nam Cao đã tố cáo xã hội lúc đó đã tàn phá thể xác, hủy hoại tâm hồn con người vốn muốn được sống một cách bình dị.
  • Cuộc gặp gỡ giữa Chí Phèo và Thị Nở
    • Hoàn cảnh gặp gỡ của Chí và Thị cũng rất đặc biệt. Thị được miêu tả là một người đàn bà xấu xí, ngẩn ngơ ế chồng, đi gánh nước ngủ quên ở bờ suối. Chí Phèo đi uống rượu say về thì gặp Thị. Hai người ăn nằm với nhau đêm hôm đấy. Nửa đêm Chí buồn nôn, đau bụng được Thị dìu về, đắp chiếu và cả hai ngủ đến sáng hôm sau mới dạy.
    • Khi tỉnh lại, tâm trạng Chí khác hẳn mọi người. Hắn đã cảm nhận được âm thanh của cuộc sống đời thường mà bao lâu nay Chí mới được nghe thấy. Chí nhớ lại giấc mơ về một hạnh phúc gia đình, ý thức được hiện tại cô độc và tương lai già, đói, rét, cô đơn, ảm đạm. Chí thức tỉnh, phần "người" trong Chí trở lại khiến Chí càng buồn thương cho số phận của mình.
    • Chi tiết "bát cháo hành" của Thị Nở là một chi tiết nghệ thuật đắt giá. Với Thị, bát cháo chính là tình yêu đơn giản, mộc mạc dành cho người mình yêu thương. Còn với Chí, bát cháo này là bát cháo chứa đựng tình thương, tình yêu đôi lứa, hồi sinh bản chất lương thiện đã mất bấy lâu nay. Khát khao được có một cuộc sống bình dị như bao người của Chí trỗi dậy mạnh mẽ. Đây là một khao khát đáng trân trọng.
  • Bi kịch bị cự tuyệt
    • Đầu tiên là sự phản đối từ người cô của Thị Nở. Sự phản đối của cô đã khiến Thị cự tuyệt Chí Phèo khiến Chí "ôm mặt khóc rưng rức". Cảm giác đau xót, cố níu kéo của Chí Phèo không chỉ là níu kéo tình yêu mà còn níu kéo khát khao đến với cuộc sống lương thiện. Chí Phèo một lần nữa bị rơi vào bi kịch sinh ra làm người mà không được làm người.
    • Chí Phèo đã đi tìm Bá Kiến trong tâm trạng tuyệt vọng, đau khổ của một người đã thức tỉnh. Lần này, Chí Phèo say nhưng tâm trí đều tỉnh táo, nhận thức được rất rõ Bá Kiến chính là kẻ thù của mình. Đây chính là hành động lấy máu trả thù của người nông dân bị dồn vào bước đường cùng. Một mâu thuẫn gay gắt không thể dung hòa mà phải dùng cả tính mạng để giải quyết.
    • Hành động tự kết liễu của Chí Phèo thể hiện một cái chết thê thảm. Chí Phèo không muốn tiếp tục như thế nữa. Cái chết thể hiện khát khao muốn sống lương thiện. Cái chết của Chí còn tố cáo một xã hội đẩy con người đến bước đường cùng. Nhưng Nam Cao cũng từ cái chết này mà thể hiện niềm tin vào người nông dân, bản chất thiện lành không bao giờ mất đi.
  • Hiện tượng Chí Phèo chưa kết thúc. Điều này thể hiện khi Thị Nở nghĩ đến chiếc lò gạch cũ, nơi Chí đã từng được sinh ra. Nó phản ánh quy luật tàn bạo của xã hội phong kiến nửa thực dân: ngày nào xã hội ấy còn tồn tại thì người nông dân còn bị bần cùng hóa, tha hóa về nhân cách và nhân hình.

3. Tổng kết:

  • Nội dung: Chí Phèo là một kiệt tác của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Qua truyện ngắn này, Nam Cao khái quát một hiện tượng xã hội ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng. Qua đó, nhà văn kết án đanh thép xã hội tàn bạo ấy, đồng thời thể hiện niềm thương cảm, lòng nhân đạo đối với số phận những người nông dân.
  • Nghệ thuật: Xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo; ngôn ngữ giản dị, diễn đạt độc đáo; kết cấu truyện mới mẻ, tưởng như tự do nhưng lại rất chặt chẽ, lôgic; cốt truyện và các tình tiết hấp dẫn, biến hóa giàu kịch tính.
  • Ý nghĩa: “Chí Phèo” tố cáo mạnh mẽ xã hội thuộc địa phong kiến tàn bạo đã cướp đi nhân hình lẫn nhân tính của người nông dân lương thiện đồng thời nhà văn phát hiện và khẳng định bản chất tốt đẹp của con người ngay cả khi học đã biến thành quỷ dữ.

Back to top

  • 79 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021

Xem thêm bài viết khác

Xem thêm Soạn văn 11 tập 1