Nội dung chính bài Trong lòng mẹ

  • 1 Đánh giá

Hãy nêu ngắn gọn những nội dung chính và chi tiết kiến thức trọng tâm bài học " Trong lòng mẹ"

Bài làm:


Nội dung bài gồm:

Back to top

A. Ngắn gọn những nội dung chính

1. Giới thiệu chung

  • Tác giả: Nguyên Hồng (1918-1982), quê ở thành phố Nam Định.Là nhà văn của phụ nữ, nhi đồng, của những người cùng khổ. Văn xuôi Nguyên Hồng giàu chất trữ tình, nhiều khi dạt dào những cảm xúc thiết tha, rất mực chân thành.
  • Tác phẩm: được trích từ tập hồi kí Những ngày thơ ấu, kể về tuổi thơ cay đắng của chính tác giả Nguyên Hồng

2. Phân tích văn bản

a. Tìm hiểu tóm tắt nội dung tác phẩm

Gần đến ngày giỗ đầu bố Hồng, cậu lại rất thương và nhớ mẹ mình thì một hôm, người cô gọi cậu đến và hỏi có muốn gặp mẹ, gặp “em bé” ko. Sau đó, bà ta làm cho Hồng đau lòng bằng cách nói về cuộc sống của mẹ Hồng. Bà ta càng nói Hồng càng im lặng và cậu bắt đầu khóc. Cậu càng thấy thương mẹ hơn, càng căm ghét những hủ tục lạc hậu trước những lời bôi nhọ mẹ mình của bà cô thâm hiểm, tàn nhẫn. Một hôm, trên đường đi học về, Hồng thoáng thấy 1 người ngồi trên xe kéo rất giống mẹ. Hồng liền đuổi theo và gọi to. Vài giây sau, Hồng đuổi kịp xe kéo. Và nhận ra đúng là mẹ mình. Hồng òa khóc nằm trong lòng mẹ. Cậu cảm nhận được tất cả vẻ đẹp, sự yêu thương và dịu dàng của mẹ. Cậu quên hết mọi lời nói độc ác của bà cô, chỉ còn niềm xúc động và tình yêu thương mẹ vô bờ.

b. Nhân vật bé Hồng:

Cảnh ngộ đáng thương và nỗi buồn của bé Hồng

  • Bố mới mất, mẹ tha hương cầu thực, phải sống giữa sự ghẻ lạnh, cay nghiệt của người cô
  • Luôn sống trong nỗi cô đơn và niềm khát khao tình mẹ.

Tình thương yêu mãnh liệt đối với mẹ:

+ Khi nói chuyện vơí bà cô

  • Em cúi đầu không đáp- cười và từ chối dứt khoát => là một phản ứng thông minh xuất phát từ sự nhạy cảm và lòng tin yêu mẹ.
  • Lúc nào cũng nghĩ đến mẹ và thông cảm với mẹ: khi cô hỏi ngọt nhạt
  • Không dao động, không suy giảm tình cảm kính yêu dành cho mẹ.
  • Vô cùng đau đớn, phẫn uất khi nghe lời gièm pha, nhục mạ mẹ: khi cô mỉa mai mẹ → nghe như sát muối vào lòng, đau đớn, tủi nhục, xúc động vì thương mẹ
  • Ghét những hủ tục phong kiến: khi nghe cô kể về mẹ → dồn dập oán hờn, kìm nén nỗi xót xa, căn ghét cổ tục phong kiến.

=>Trong bi kịch gia đình, tâm hồn bé Hồng vẫn trong sáng dạt dào tình yêu thương mẹ, thông cảm với cảnh ngộ bất hạnh của mẹ

+ Khi được ở trong lòng mẹ

  • Chạy đuổi theo xe với cử chỉ vội vã, lập cập; bối rối gọi “Mợ ơi!”.
  • Chân ríu lại, lên xe ngồi cạnh mẹ, nhận được sự âu yếm vỗ về của người mẹ thì òa lên khóc nức nở → niềm dỗi hờn mà hạnh phúc, tức tưởi mà mãn nguyện.
  • Gặp mẹ, với Hồng “khác nào ảo ảnh dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm đã hiện ra trước con mắt gần rạn nứt của người bộ hành ngã gục giữa sa mạc”.

→ Niềm xúc động mạnh mẽ của Hồng khi đột ngột gặp lại mẹ

  • Cảm nhận mẹ vẫn tươi như ngày nào, giác ấm ấp mơn man khắp da thịt, niềm ngây ngất sung sướng khi ở trong lòng mẹ và ước ao mình nhỏ lại.

→ Cảm nhận của bé Hồng về tình mẫu tử thiêng liêng, sâu nặng khi gặp mẹ.

c. Nhân vật người cô

Nét nổi bật của con người này là sự tàn nhẫn, thâm độc:

  • Đối xử với bé Hồng không thật lòng: Bên ngoài tỏ ra dịu dàng, thân mật: “cười”, nói giọng ngọt ngào, xưng hô “mày tao”. Lời nói mỉa mai mẹ bé Hồng, làm tổn thương tình cảm mẹ con nhằm gieo rắc hoài nghi để bé Hồng khinh miệt, ruồng rẫy mẹ.
  • Luôn đay nghiến, rót vào tai Hồng những lời lẽ không ra gì về mẹ

Back to top

B. Phân tích chi tiết nội dung bài học

1. Nhân vật bé Hồng

a. Trong cuộc nói chuyện cùng bà cô:

  • Mới đầu nghe người cô hỏi, lập tức trong kí ức chú bé sống dậy hình vẻ mặt rầu rầu và sự hiền từ của mẹ. Từ cúi đầu không đáp đến cũng đã cười và đáp lại cô 1 cách dứt khoát:
  • "Không ! cháu không muốn vào. Cuối năm thế nào mợ cháu cũng về". Đây là 1 phản ứng thông minh xuất phát từ sự nhạy cảm và lòng tin yêu mẹ của chú. Bởi chú nhận ra ngay những ý nghĩ cay độc trong giọng nói và trên nét mặt của cô, nhưng không muốn tình yêu thương và lòng kính mến mẹ bị những ráp tâm tanh bẩn xúc phạm đến.
  • Mặc dù đã ngót một năm chú bé không nhận được tin tức gì của mẹ, đặc biệt mặc dầu bị bà cô xúc xiểm chia rẽ tình mẹ con, nhưng "tình thương và lòng kính mẹ" của bé Hồng vẫn nguyên vẹn.
  • Bé Hồng không hề trách mẹ nếu quả là mẹ "đã chửa đẻ với người khác". Tuy non nớt, nhưng bé hiểu "vì tội góa chồng, vì túng bần quá mà mẹ mình phải bỏ các con đi tha phương cầu thực".
  • Chú bé Hồng khi nghe những lời giả dối, thâm độc của bà cỏ xúc phạm đến người mẹ bất hạnh của mình càng thương mẹ mình hơn. Chú cố kìm nén tình cảm nhưng “nước mắt ròng ròng rớt xuống hai bén mép rồi chan hòa đầm đìa ở cằm và ở cổ”.

=> Hồng cay đau xót khi niềm tin và tình mẫu tử thiêng liêng bị chính người cô ruột thịt cứ xăm soi hành hạ hòng chia rẽ. Em khóc vì thương mẹ bị lăng nhục bị đối xử tàn nhẫn bất công. Tâm trạng đâu đớn xót xa, uất ức của bé Hồng dâng đến cực điểm khi nghe người cô cứ tươi cười kể về tình cảnh tội nghiệp của mẹ.

  • Em căm ghét những cổ tục đã đày đoạ làm khổ mẹ: "Cô tôi chưa dứt câu, cổ họng tôi đã nghẹn ứ không ra tiếng. Giá những cổ tục đã đầy đoạ mẹ tôi.... mới thôi"

=> Đây là một hình ảnh so sánh đặc sắc. Với những động từ mạnh: cắn, nhai, nghiền nằm trong một trường nghĩa đặc tả tâm trạng uất ức, căm giận của bé Hồng. Có thể nói tình thương và niềm tin đối với mẹ đã khiến người con thấu hiêủ và suy nghĩ sâu hơn, xúc cảm rộng hơn. Từ cảnh ngộ riêng của người mẹ, từ những lời nói cay độc của người cô. Bé Hồng nghĩ tới những "Cổ tục" căm giận cái xã hội cũ kĩ đầy thành kiến độc ác đối với người phụ nữ gặp hoàn cảnh éo le.

b. Khi được gặp mẹ:

Tình yêu đó được thể hiện rõ hơn khi Hồng bất ngờ gặp lại mẹ:

  • Bỗng thấy bóng dáng quen thuôc, cậu vội vàng chạy theo: gọi bối rối, thở hồng hộc, trán đẫm mồ hôi, ríu cả chân lại.Chỉ một tiếng gọi “Mợ! Mợ! Mợ ơi” khi thấy một người đàn bà giống mẹ thì tình yêu trong bé chực trào ra Hàng loạt động từ đã cho thấy khao khát gặp mẹ mãnh liệt của Hồng.
  • Khi biết đó chính là mẹ, cậu bé òa khóc nức nở. Đây là những giọt nước mắt bị dồn nén bấy lâu nay, là những giọt nước mắt hạnh phúc chứ không phải những giọt nước mắt phẫn uất, đau đớn tủi hổ: “Mẹ tôi vừa kéo tay tôi, xoa đầu tôi, thì tôi òa lên khóc rồi cứ thế nức nở”. Cậu nằm trong lòng mẹ và cảm nhận hơi ấm từ mẹ sang mình.

=> Qua diễn biến tâm trạng cảm xúc của bé Hồng trước bà cô, nhà văn đã cho người đọc thấy được nỗi bất hạnh của phụ nữ và trẻ em trong xã hội cũ. Đồng thời thấy được bản lĩnh cứng cỏi, một tấm lòng thiết tha của đứa con rất mực thương yêu và tin mẹ của bé Hồng.

2. Nhân vật người cô

Bà cô là một người thâm hiểm, độc ác.

  • Trước tình cảnh của Hồng, bà ta “Cười hỏi: Hồng! Mày có muốn vào Thanh Hóa chơi với mẹ mày không?”.=> Thái độ cười hỏi chứ không phải vì lo lắng, quan tâm mà hỏi, bà ta là kẻ bên ngoài ngọt ngào, yêu thương mà bên trong thực chất là kẻ độc ác, thâm hiểm
  • Lời nói của bà cô còn mang ý xúc phạm đến mẹ bé Hồng, đặc biệt hai chữ “em bé” kéo dài thể hiện rõ sự độc ác, tính toán của bà ta.
  • Trước sự kháng cự yếu ớt của bé Hồng, bà cô tiếp tục cười rồi kể chuyện mẹ Hồng gầy gò, ốm yếu, chật vật với cuộc sống ra sao.
  • Bé Hồng càng đau đớn bao nhiêu thì bà cô càng sung sướng thỏa mãn bấy nhiêu.
  • Với hình thức đối thoại theo trình tự tăng tiến, người đọc ngày càng thấy rõ sự độc ác của bà cô. Khi nỗi đau của bé Hồng bị đẩy lên cùng cực, bà cô mới “ngậm ngùi”: “Mấy lại rằm tháng tám này là giỗ đầu cậu mày, mợ mày về dù sao cũng đỡ tủi cho cậu mày, và mày cũng còn phải có họ, có hàng, người ta hỏi đến chứ”, sự ngậm ngùi lại càng cho thấy rõ hơn bản chất trỡ trẽn, xảo trá của mụ.

=> Những lời lẽ thâm độc này nhằm làm bé Hồng tổn thương, khiến Hồng oán hận mẹ.

=> Bà cô là kẻ độc ác, thâm hiểm, đại diện cho những định kiến hẹp hòi, tàn nhẫn với người phụ nữ trong xã hội cũ.

3. Tổng kết.

  • Nội dung: Nỗi cay đắng tủi cực và tình yêu thương cháy bỏng của bé Hồng đối với người mẹ bất hạnh.
  • Nghệ thuật:
    • Mạch truyện, mạch cảm xúc tự nhiên chân thực
    • Kết hợp tự sự với miêu tả và biểu cảm tạo nên những rung động trong lòng người đọc
    • Khắc hoạ nhân vật.
  • Ý nghĩa: Tình mẫu tử là mạch tình cảm không bao giờ vơi trong tâm hồn con người.
  • Tình mẫu tử là mạch tình cảm không bao giờ vơi trong tâm hồn con người.

Back to top

  • 101 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021

Xem thêm bài viết khác

Xem thêm Ngữ văn 8 tập 1