Phân tích diễn biến tâm trạng ( mạch cảm xúc trữ tình) trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải

  • 1 Đánh giá

Câu 2: Phân tích diễn biến tâm trạng ( mạch cảm xúc trữ tình) trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải

Bài làm:

Là một bài thơ được viết trong những ngày tháng cuối đời của tác giả Thanh Hải, mùa xuân nho nhỏ không chỉ là những cảm xúc đơn thuần về một mùa khởi đầu trong năm, là cảm nhận tự hào trong không khí hân hoan rạo rực mùa xuân của đất nước. Mà nó còn là những nỗi niềm dâng hiến sức xuân của mình vào mùa xuân tươi đẹp của đất nước. Với mạch cảm xúc biến hóa đa dạng tác giả đã mang đến cho độc giả những ấn tượng mạnh mẽ.

Mùa xuân có lẽ là một người bạn tri kỉ của tất cả mọi người. Viết về mùa xuân có rất nhiều nhà thơ viết hay và viết cảm xúc thế nhưng có lẽ Thanh Hải là một trong trong những người thể hiện nó một cách trọn vẹn nhất. Mạch cảm xúc của nhà thơ đi từ sự cảm nhận trực tiếp về vẻ đẹp mùa xuân rồi từ đó liên tưởng đến mùa xuân của đất nước và cuộc đời. Với những mong muốn gửi gắm hòa vào bản hòa ca cuộc đời.

Mở đầu bài thơ Thanh Hải đã vẽ nên một bức tranh xuân xứ Huế với màu sắc vô cùng tươi mát trong trẻo:

“Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc”

Chỉ bằng một vài nét vẽ đơn giản nhà thơ đã khắc họa nên một bức tranh mùa xuân với không gian rộng rãi thoáng đãng. Bức tranh ấy có màu xanh của dòng sông màu tím của bông hoa. Bằng việc đảo động từ “mọc” lên đầu tác giả đã diễn tả trọn vẹn sự bất ngờ, đột ngột cũng như sức sống mãnh liệt của mùa xuân. Màu tím của hoa hòa quyện với sắc xanh của nước tạo nên một bức tranh vô cùng sinh động và hài hòa.

Bên cạnh đó ngoài việc cảm nhận mùa xuân bằng thị giác nhà thơ còn cảm nhận trọn vẹn âm thanh của mùa xuân bằng tiếng chim chiền chiện:

“Ơi con chim chiền chiện

Hót cho mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng”

Một sự chuyển đổi cảm giác từ thị giác sang thính giác của Thanh Hải. Mùa xuân trong mắt ông không chỉ có màu sắc tươi vui mà còn có cả những âm thanh rộn ràng và lí thú. Mùa xuân đến với nhà thơ bằng một sự nâng niu và hân hoan đón nhận. Hành động đưa tay hứng thể hiện trọn vẹn sự yêu thương, quý trọng và nâng niu của tác giả. Giọt long lanh đó có thể là giọt sương nhưng cũng có thể là tiếng chim kết tinh thành từng giọt tròn trịa. Một thái độ hân hoan say đắm và ngỡ ngàng của Thanh Hải giữa đất trời thiên nhiên giao hòa.

Sau những cảm nhận mùa xuân thiên nhiên, Thanh Hải đã đã có những xúc cảm mãnh liệt về mùa xuân của đất nước của con người lao động.

“Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy trên lưng

" Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ"

Mùa xuân ở đây mở rộng ra nó không còn là mùa xuân của thiên nhiên nữa mà còn là mùa xuân của lao động của kháng chiến. Điệp từ mùa xuân xuất hiện ở đầu câu 1-3 , từ “lộc” ở câu 2-4 càng tô đậm thêm sức chiến đấu lao động bền bỉ của con người. Nó đã truyền lửa mãnh liệt để những cành lá, nương mạ đâm chồi nảy lộc. Họ không chỉ mang đến cho con người những thành quả lao động mà sâu sa hơn nó là cả mùa xuân của đất nước.

“Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao”

Cả đất nước như đang hừng hực trước sức sống mới trong mùa xuân. Những từ láy như “hối hả”, “xôn xao” càng nhấn mạnh thêm sự khẩn trương và vỗi vã để xây dựng đất nước. Bên cạnh đó từ lấy “xôn xao” còn thể hiện một sự chuyển biến trong suy nghĩ trong tâm hồn của mỗi con người đang ra sức cống hiến những mùa xuân cho đất nước quê hương mình.

Mùa xuân của quê hương được tính bằng chiều dài lịch sử dân tộc với bốn nghìn năm vất vả và gian lao. Thanh Hải thật tài tình khi so sánh hình ảnh đất nước với vì sao. Đó chính là kì quang và sự kết tinh vĩ đại của vũ trụ. Đất nước ấy giông như dáng hình một người mẹ dù có bao vất vả bao gian nan vẫn vững vàng tiến về phía trước. CHứa đựng trong đó một sự kiêu hãnh và tự hào khôn xiết của nhà thơ.

Từ mùa xuân của đất nước của thiên nhiên tác giả đã có những suy ngẫm về mùa xuân của mỗi cuộc đời:

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hoa ca

Một nốt trầm xao xuyến.

Trong bốn câu thơ này tác giả đã sử dụng cấu trúc lặp “ta làm”… Thể hiện một khát vọng muốn tận hiến cho đất nước. Đọc đến đây ta bỗng nhớ đến những vần thơ của Tố Hữu:

“Đã là con chim chiếc lá

Con chim phải hót chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không trả

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Hình ảnh con chim, chiếc lá, cành hoa đã từng được Thanh Hải nhắc đến ở đoạn đầu nó như là những tín hiệu của mùa xuân vậy. Tuy chỉ là “sốt ít” nhưng hàm chứa trong nó chính là sự khát khao mãnh liệt, khát khao muốn cống hiến, muốn hòa mình vào cộng đồng, đóng góp sức người bé nhỏ của mình vào mùa xuân đại thắng của đất nước.

Một ước muốn tuy khiêm nhường giản dị song nó chứa đựng trong đó những ý nghĩa vô cùng lớn lao. Tác giả không chỉ đem đến cho chúng ta những ý thơ táo bạo mà còn truyền đạt vào đó một thông điệp về sự yêu thương và sự đoàn kết. Mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình không chỉ khiến mùa xuân có hương có sắc mà nó còn trở nên hữu hạn hòa vào mùa xuân của đất nước:

“Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc”.

Đến đây ta bỗng nhận ra một sự liên kết giữa một mùa xuân nho nhỏ và mùa xuân của cuộc đời, giữa cá nhân với tập thể, giữa mỗi con người với mùa xuân dân tộc quê hương. Không phải quá ồn ào đó là một sự công hiến vô cùng thầm lặng và kín đáo. Nó được tổng kết từ chính những năm tháng cuộc đời của nhà thơ. Từ những lúc còn trẻ khỏe đôi mươi cho đến khi mái tóc điểm sương. Đây là một sự cố gắng không biết mệt mỏi của tác giả. Nó đủ sức để lay động trái tim của biết bao nhiêu con người.

Có thể nói Thanh Hải đã mang đến cho chúng ta một bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp. Một mùa xuân rộn ràng với cả hương và sắc. Nhưng sâu trong đó nó còn là một thông điệp sâu sắc mà ông muốn gửi gắm đến tất cả. Đó chính là sự gắn kết giữa cái chung và cái riêng, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa cái tôi và cái ta chung. Mùa xuân của đất nước có tươi đẹp và trường tồn hay không phụ thuộc vào sự đóng góp của tất cả mọi người. Mỗi người hãy mang mùa xuân tuổi trẻ của mình để làm cho mùa xuân đất nước thêm ý nghĩa và phồn vinh.

Bằng những cảm xúc chân thực, những lời văn bình dị nhịp điệu nhẹ nhàng Thanh Hải đã mang đến cho chúng ta một tác phẩm mùa xuân đầy ấn tượng. Mùa xuân đó chính là mùa xuân của sự kết tinh tình yêu, mùa xuân của sự đoàn kết. Vì thế mỗi con người hãy sống và cống hiến sức xuân của mình để mùa xuân đất nước thêm tươi đẹp và phồn vinh.

  • 960 lượt xem
Cập nhật: 08/09/2021