Hãy viết một bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của em về ý kiến: một trong những cái mạnh của con người Việt Nam là “thông minh, nhạy bén với cái mới” còn cái yếu là “khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề”

  • 1 Đánh giá

Câu 3: Tác giả Vũ Khoan, trong văn bản “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới” chỉ ra một trong những cái mạnh của con người Việt Nam là “thông minh, nhạy bén với cái mới” còn cái yếu là “khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề”.

Hãy viết một bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên.

Bài làm:

“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em…” Dù Bác đã đã đi xa nhưng lời dạy của Người vẫn luôn vang vọng, như lời nhắc nhở với thế hệ trẻ của toàn dân tộc. Vì vậy, trong văn bản “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới”, tác giả Vũ Khoan chỉ ra một trong những cái mạnh của con người Việt Nam là “thông minh, nhạy bén với cái mới” còn cái yếu là “khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề”. Tại sao tác giả lại đưa ra nhận định như vậy khi nói về điểm mạnh và hạn chế của người trẻ nước ta?

Trước hết, có thể thấy, tác giả đã mạnh dạn nhìn thẳng vào những điểm mạnh và điểm yếu của người Việt. Điểm mạnh cả chúng ta là sự thông minh, cần cù, nhạy bén với những điều mới mẻ. Đây là tố chất cần thiết của mỗi người để tiếp thu và học hỏi những tri thức, kĩ năng cần thiết trong cuộc sống. Như thủ tướng Lý Quang Diệu, nhà lãnh đạo kiệt xuất Singgapoer đã ngợi khen khi nói về con người Việt Nam: “Việt Nam là một tộc người Do Thái thứ hai của châu Á”, “Họ là một dân tộc thông minh và đầy nghị lực”.Tinh thần hiếu học từ xưa đến nay vẫn được những người trẻ phát huy, tiêu biểu là những tấm gương vượt khó học giỏi, những tấm huy chương vàng chinh phục các kì thi khoa học trên thế giới. Từ đó, hình ảnh của đất nước Việt Nam đã được bạn bè quốc tế biết đến và khâm phục.

Vậy tại sao chúng ta vẫn thiếu các phát minh, sáng chế được đưa vào thực tiễn sản xuất, có rất ít các ngành công nghiệp sáng tạo ra những sản phẩm mang tầm quốc tế? Tác giả đã chỉ ra điểm yếu là “khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề”. Học vẹt là học mà không hiểu bải, không nắm rõ kiến thức của bài mà chỉ cố học thuộc lòng từng câu chữ một cách máy móc. Học vẹt là thuộc làu làu những khái niệm, những định nghĩa, những kiến thức nhưng không hề hiểu gì về kiến thức, địnhnghĩa, khái niệm đó. Nguyên nhân chính là do học chưa đi đôi với hành, lí thuyết chưa đi vào thực hành cuộc sống. Tư duy giáo dục còn mang tính hàn lâm, nặng về lí thuyết đã khiến người trẻ lúng túng khi bước vào thực tiễn, không thể áp dụng những điều đã học vào sản xuất. Đây cũng là lí do khiến nền kinh tế nước ta chưa thể phát triển tương xứng với những tiềm năng, thế mạnh mà thiên nhiên ban tặng.

Mọi lí thuyết chỉ là màu xám nếu không được áp dụng vào thực tế cuộc sống. Vì vậy, với mỗi người, bên cạnh việc học hỏi những tri thức khoa học cần có sự say mê, nghiên cứu tính ứng dụng vào thực tiễn. Trong các trường học, cần có thêm những phòng thí nghiệm, phòng thực hành để các bạnhọc sinh được áp dụng lí thuyết đã học, từ đó rút ra những kiến thức và kinh nghiệm từ quan sát thực tế. Có như vậy, mới có thể ôn luyện tri thức đã học, khơi dậy khả năng khám phá và phát huy tính sáng tạo từ người trẻ.

Đất nước có thể phát triển, hội nhập cùng thế giới cần nhờ vào khối óc và bàn tay của thế hệ thanh niên. Nhìn vào điểm mạnh để có động lực cố gắng nhưng chúng ta cũng cần khắc phục những yếu kém của mình. Mỗi người cần chuẩn bị hành trang đầy đủ gồm những tri thức, kĩ năng và cả kinh nghiệm, hiểu biết thực tế để tự tin và vững vàng hơn bước vào cuộc sống, bước vào thế kỉ hội nhập cùng thế giới hôm nay.

  • 305 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021