Phân tích nét riêng trong cách biểu hiện cảm xúc và sáng tạo hình ảnh của bài thơ Con cò của Chế Lan Viên
Câu 8: Phân tích nét riêng trong cách biểu hiện cảm xúc và sáng tạo hình ảnh của bài thơ Con cò của Chế Lan Viên
Bài làm:
Tình mẫu tử thiêng liêng luôn là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca muôn đời. Thế nhưng với mỗi người nghệ sĩ, họ lại lựa chọn một cách khác nhau để nói về tình cảm thiêng liêng ấy. Chế Lan Viên cũng đã viết về tình mẫu tử thiêng liêng bằng một nét phong cách biểu hiện cảm xúc và sáng tạo hình ảnh rất riêng qua bài thơ Con cò.
Chế Lan Viên là một trong những tên tuổi hàng đầu của thơ Việt Nam thế kỉ XX. Thơ ông có một phong cách nghệ thuật rõ ràng và độc đáo. Đó là phong cách suy tưởng triết lí, đậm chất trí tuệ và tính hiện đại. Đặc biệt, ông có nhiều sáng tạo trong nghệ thuật và xây dựng hình ảnh thơ. Hình ảnh thơ của Chế Lan Viên phong phú, đa dạng, kết hợp giữa thực và ảo, thường được sáng tạo bằng sức mạnh của liên tưởng, tưởng tượng, nhiều bất ngờ, kì thú. Con cò là một trong những tác phẩm cho thấy sự sáng tạo hình ảnh và phong cách biểu hiện cảm xúc tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của Chế Lan Viên. Bài thơ ra đời năm 1962, in trong tập Hoa ngày thường, chim báo bão. Bài thơ đã ca ngợi tình mẹ và ý nghĩa của lời ru đối với cuộc sống con người.
Tình mẫu từ thiêng liêng là tình cảm suốt cả cuộc đời mà ta trân trọng, nâng niu. Tình mẫu tử cũng là đề tài quen thuộc trong thơ ca. Cũng viết về tình mẫu tử, nếu Nguyễn Khoa Điềm lựa chọn hình ảnh em bé ngon giấc trên chiếc gùi sau lưng mẹ với những lời hát ru đậm chất núi rừng của người mẹ Tà Ôi; Ta go lại lựa chọn xây dựng những đối thoại giữa em bé và những người trên mây, trên sóng để khẳng định mẹ là người quan trọng hơn tất cả thì Chế Lan Viên lại có một cách riêng để thể hiện tình mẫu tử. Nét riêng ấy là sự độc đáo trong việc lựa chọn kết cấu, từ ngữ, hình ảnh để thể hiện tư tưởng, cảm xúc của tác giả.
Trước hết, nét riêng của Chế Lan Viên ở chỗ ông đã sáng tạo ra một hình ảnh độc đáo: Hình ảnh con cò trong tiếng ru của mẹ. Con cò là hình ảnh quen thuộc với làng quê Việt Nam từ bao đời nay. Không biết từ lúc nào những cánh cò trắng rập rờn nối đuôi nhau chao liệng trên cánh đồng đã đi vào trong ca dao, dân ca và trong tâm thức của người Việt, một cách vô cùng tự nhiên. Hình ảnh cánh cò, con cò cũng là hình ảnh biểu trưng cho người phụ nữ Việt Nam chịu thương, chịu khó, hiền lành và giàu đức hi sinh. Và cũng có khi, cánh cò ấy xuất hiện trong những câu thơ gợi lại thân phận của những người phụ nữn thấp cổ bé họng, bị chèn ép, áp bức trong xã hội phong kiến xưa. Chế Lan Viên đã mượn chất liệu dân gian - hình ảnh con cò, với những bài ca dao, dân ca để sáng tác bài thơ Con cò. Điều đặc biệt là, Chế Lan Viên chỉ mượn những hình ảnh con cò trong ca dao dân ca bằng việc trích dẫn một vài từ hoặc một vài hình ảnhđể đưa nó vào trong những lời ru ngọt ngào của mẹ, nhưng người đọc vẫn có thể hiểu và nhận thức được hết những câu ca dao quen thuộc ấy. Hình tượng con cò trong bài thơ biến hóa một cách linh hoạt: khi là hình ảnh thực, khi là là hình ảnh mang nghĩa biểu trưng cho mẹ, cho con; lúc lại là đất trời, lúc lại là cuộc đời, khi là hiện tại, khi lại là tương lai. Nhưng dù thế nào thì hình ảnh ấy đều bắt nguồn từ truyền thống và bao trùm lên tất cả là lòng mẹ yêu con, hi sinh tất cả và luôn mong muốn con được hạnh phúc và những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với con. Có thể nói, hình ảnh con cò trong bài thơ Con cò của Chế Lan Viên xuất hiện vừa quen, vừa lạ, vừa gần gũi thân thương lại vừa thiêng liêng, bất diệt.
Không chỉ sáng tạo ra một hình ảnh độc đáo, Chế Lan Viên còn có cách thể hiện cảm xúc rất mới mẻ: nói triết lý qua lời ru. Chế Lan Viên đã để hình ảnh con cò đến với đứa con qua lời ru của mẹ. Thuở mới lọt lòng, người mẹ thường hát ru để con chìm vào giấc ngủ. Lối hát ru với âm điệu ngọt ngào, dịu dàng cùng bàn tay nhẹ nhàng vỗ về đã đi vào tâm hồn con một cách tự nhiên, vô thức. Tác giả muốn khẳng định lời ru con gắn liền với cánh cò đang bay. Và cứ thế, dù chưa nhìn thấy, chưa hiểu được nhưng tuổi thơ con đã không thể thiếu lời ru và cánh cò ấy:
“Con còn bế trên tay,
Con chưa biết con cò,
Nhưng trong lời mẹ hát,
Có cánh cò đang bay”
Cả một cuộc đời vất vả của mẹ hiện lên qua hình ảnh con còn kiếm ăn nhọc nhằn, vất vả trong những câu thơ: cánh cò cửa phủ, cánh cò Đồng Đăng, cò sợ sáo măng...để rồi những câu thơ ấy trở thành bầu sữa mẹ ngọt ngào ngấm dần vào tâm hồn, nuôi dưỡng con lớn lên từng ngày:
“Con chưa biết con cò, con vạc
Con chưa biết những cành mềm mẹ hát,
Sữa mẹ nhiều con ngủ chẳng phân vân”
Con cò trong lời ru của mẹ còn trở thành một người bạn tri âm, tri kỉ suốt từ thời ấu thơ và theo con trên mỗi chặng đường đời, trở thành người bạn đồng hành của con:
“Con ngủ yên thì cò cũng ngủ
Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi
Mai khôn lớn, con theo cò đi học
Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân...”
Trong đoạn thơ này, tác giả đã sử dụng rộng rãi biện pháp nhân hóa, hình tượng con cò đã trở thành người bạn của con, người con của mẹ. Cánh cò trắng ở bên cạnh, trò chuyện, chơi đùa cùng con suốt những năm tháng ấu thơ. Hình ảnh con cò hiện lên trong trí tưởng tượng của tác giả hay chính là sự phân thân của hình ảnh người mẹ. Suốt những chặng đường đời của con, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, mẹ vẫn luôn ở bên cạnh quan tâm, chăm sóc, che trở cho con. Mẹ không chỉ là mẹ mà mẹ còn là một người bạn, luôn vỗ về và dõi theo từng bước chân, nhìn con khôn lớn và trưởng thành từng ngày. Không chỉ để cánh cò trắng đến với con qua lời ru của mẹ, để cánh cò trắng theo con trên mỗi chặng đường đời, tác giả còn nâng hình ảnh cánh cò trắng trở thành hình ảnh biểu trưng cho tấm lòng người mẹ lúc nào cũng theo sát bên con:
“Dù ở gần con,
Dù ở xa con,
Lên rừng xuống bể,
Cò sẽ tìm con,
Cò mãi yêu con
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con...”
Một trong những nét đặc sắc trong phong cách thơ Chế Lan Viên, cũng là các thể hiện cảm xúc của ông mà không thể lẫn với bất kì nhà thơ nào chính là ông đã nâng lời thơ của mình từ cảm xúc mở ra những suy tưởng rồi khái quát trở thành triết lí. Đó cũng chính là lí do thơ của Chế Lan Viên không chỉ dạt dào cảm xúc mà còn vô cùng sâu sắc. Chế Lan Viên đã khái quát triết lý của cuộc đời rằng trong mắt người mẹ, đứa con của mình luôn bé bỏng và vẫn đang trưởng thành. Chính vì thế, mẹ luôn cần phải dõi theo từng bước chân con, sẵn sàng hi sinh cả cuộc đời mình cho con. Còn con, con có thể bay cao, bay xa, có thể thành công hoặc thất bại nhưng con vẫn luôn cần có mẹ ở bên, yêu thương, chăm sóc che chở. Những câu thơ của Chế Lan Viên giàu triết lí mà vẫn mang âm hưởng của những lời ru ngọt ngào, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Con sẽ lớn lên trong lời ru và tình yêu thương của mẹ. Cũng bởi vậy mà hình ảnh con cò có sức sống bất diệt và lời ru của mẹ với những cánh cò trắng quanh nôi sẽ còn sống mãi với con người, với dân tộc Việt Nam.
Nét đặc sắc trong cách thể hiện cảm xúc của Chế Lan Viên không chỉ là hình tượng con cò trong những câu hát ru để ca ngợi tình mẹ cao cả và ý nghĩa lời ru đối với cuộc sống con người, mà còn trong cả cách ông tạo hình cho tác phẩm của mình. Chế Lan Viên đã lựa chọn thể thơ tự do để viết bài thơ Con cò. Đặc trưng của thể thơ này là không bị giới hạn bởi số câu, số chữ, các niêm luật chặt chẽ như các thể thơ Đường thời Trung Đại. Vì thế nên cảm xúc của người nghệ sĩ sẽ được thăng hoa và biến tấu theo tâm trạng. Thêm vào đó, việc vận dụng một cách sáng tạo các chất liệu dân gian và khai thác dưới hình thức lời ru của mẹ đã khiến cho bài thơ dù giàu tính triết lí nhưng lại không hề khô khan, nhàm chán, giáo điều. Trái lại nó rất ngọt ngào, trữ tình, thấm đượm tình yêu của mẹ.
Chế Lan Viên đã sáng tạo ra một hình tượng độc đáo - hình tượng con cò, trong lời ru của mẹ để ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng bất diệt. Ông đã gửi gắm những quan niệm, triết lí sâu sắc về tình mẹ và khẳng định giá trị của lời ru đối với cuộc sống của mỗi người theo cách của riêng ông, độc đáo, không trộn lẫn.
Xem thêm bài viết khác
- Em hiểu thế nào về nhan đề Mùa xuân nho nhỏ? Hãy nêu chủ đề của bài thơ?
- Phân tích ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh con cò trong bài Con cò của Chế Lan Viên
- Viết đoạn văn ngắn giới thiệu bài thơ Sang thu Giới thiệu về bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh
- Soạn văn 9 tập 2 bài Bắc Sơn trang 159 sgk
- Phân tích ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh mùa xuân trong bài thơ : Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải
- Bài văn mẫu: Suy nghĩ về chị Dậu qua Tức nước vỡ bờ
- Câu 2 trang 73 sgk Ngữ văn 9 tập 2 Soạn bài Nói với con
- Soạn văn 9 tập 2 bài Luyện tập viết hợp đồng trang 157 sgk
- Nội dung chính bài: Cách làm bài nghị luận về một tác phẩm truyện ( hoặc đoạn trích)
- Qua lời bàn của Chu Quang Tiềm, em thấy sách có tầm quan trọng như thế nào, đọc sách
- Tổng kết phần văn bản nhật dụng
- Tìm và ghi lại một số bài thơ hay viết về thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến cứu nước