Phân tích những Từ ngữ, hình ảnh thể hiện sự cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh về những biến chuyển của đất trời lúc giao mùa trong bài Sang thu
Câu 4: Phân tích những Từ ngữ, hình ảnh thể hiện sự cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh về những biến chuyển của đất trời lúc giao mùa trong bài Sang thu.
Bài làm:
Thời khắc giao thoa giữa hai mùa hạ và thu có lẽ là thời khắc đẹp đẽ nhất của đất trời. Khi đó ta có thể thấy được vẻ đẹp cá tính của mùa hạ nhưng cũng đầy dịu dàng của thu. Chẳng thế mà biết bao nhà thơ nhà văn đã chọn khoảnh khắc này để ghi vào trong những trang thơ trang văn của mình. Và trong đó phải kể đến bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh. Với những từ ngữ, hình ảnh đầy tính gợi hình gơi cảm, ông đã viết nên một bài thơ về sự chuyển biến của đất trời đầy tinh tế và sâu lắng.
Bài thơ là sự chuyển động rất tinh tế của đất trời khi hạ dần qua và thu đang đến.
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngỏ
Hình như thu đã về”
Từ “bỗng” mở đầu câu thơ, thể hiện sự bất ngờ lí thú. Dấu hiệu đầu tiên của mùa thu lại được tác giả nhận ra bằng khứu giác. Đó là một cảm nhận rất riêng và mới của tác giả về thời khắc sang thu. Mùa thu cũng là mùa của nhiều thứ quả chín. Nhưng thường văn chương nói đến những thứ quả đặc trưng của mùa thu là trái bưởi, quả thị chứ mấy ai để ý đến hương ổi. Kì thực, trái ổi có một hương vị riêng, giản dị, dân dã mà nồng nàn và không kém phần hấp dẫn trong các hương vị của vườn quê. Sự tinh tế trong cảm nhận của Hữu Thỉnh còn ở chỗ nhận ra cái hương ổi “Phả vào trong gió se”. Hương ổi "phả" nhè nhẹ, thoang thoảng đưa vào trong gió se - gió đã nhẹ lại chứ không còn là “nồm nam cơn gió thốc” nữa rồi. mùaGió se là gió lúc đầu mùa thu nhẹ, khô, mát mà chưa lạnh. Theo trong gió chính là làn hương mộc mạc cuả làng quê nhỏ. Cùng một lúc hai tín hiệu của tiết thu hoà quyện với nhau, được chủ thể trữ tình cảm nhận bằng cả khứu giác và xúc giác. Và đặc biệt hơn ở đây tác giả không chỉ “ngửi” thấy vị hương ổi, cảm nhận được làn gió se mà thấy cả “sương”. Lần này tác giả nhìn thấy bằng mắt: “Sương chùng chình qua ngõ”. Lớp "sương chùng chình" khắp nơi dường như cũng chẳng muốn rời. Sương cũng mang đầy tâm trạng, bước đi chầm chậm theo nhịp điệu của mùa thu, nhẹ nhàng, chầm chậm qua các đường thôn, lối xóm. Cái tín hiệu mùa thu đó là hương, là gió hay là sương? Bằng cảm quan tinh tế của mình nhà thơ đã phát hiện ra vẻ đẹp rất riêng, rất duyên đó để rồi xao xuyến mầ tự đưa ra nhận định của mình: Hình như thu đã về. Nó như một lời reo vui thì thầm nho nhỏ, bâng khuâng vang lên trong lòng Hữu Thỉnh như bước đi của mùa thu.
Ấn tượng về lúc giao mùa được diễn tả bằng một hình ảnh không – thời gian thật độc đáo và kì thú:
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
Bức tranh thu dường như đã đậm màu hơn bởi cảnh vật ngày càng nhiều thay đổi: những con sông đã không còn gấp gâp, mà lững lờ trôi, chầm chậm, “dềnh dàng” khi dành nước cho mùa thu. Phải chăng chúng đã thả hồn mình vào các khoảnh khắc giao mùa này? Trái ngược với sự “lặng lẽ” đó là biểu hiện có vẻ gấp gáp của những cánh chim trời. Chúng đang vội vã chuẩn bị cho chuyến hành trình xa xứ tránh rét về một chân trời xa xôi nào đó? Sự vội vàng đó phải chăng cũng là sự vội vàng trong tâm hồn Hữu Thỉnh, muốn được mở rộng lòng mình đón nhận mọi rung động dù là nhỏ nhất? Điểm nhìn của nhà thơ như được nâng dần từ dòng sông, cánh chim đến bầu trời cao rộng:
"Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
Cảm thức về thời gian đã được cụ thể hoá trong một hình ảnh của không gian: dường như trên bầu trời có một ranh giới giữa hai mùa, mà sự chuyển dịch của đám mây mới chỉ vắt được một nửa sang thu, như một gạch nối để sự chuyển giao giữa hai mùa không bị đứt đoạn, có vẻ vừa thấy rõ, lại vừa mơ hồ. Đám mây thực trên bầu trời đã mang sắc màu của đám mây siêu thực, trong sự hoà trộn của không gian và thời gian. Vì mùa thu mới bắt đầu chưa thể nhuốm đượm lên lớp lớp sự vật. Hình ảnh đám mây là một phát hiện rất mới lạ và độc đáo của Hữu Thỉnh. Bức tranh chuyển mùa vì thế càng trở nên sinh động, giàu sắc gợi cảm.
Mùa thu đã hiện ra với sắc thu đặc trưng của quê hương Việt Nam và cũng thoáng chút bối rối, lưu luyến về một quá khứ. Bài thơ với tựa “ Sang thu” nhưng vẫn thấy phảng phất dấu ấn của mùa hè:
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây luống tuổi”
Có thể nói rằng: Cái dáng hạ vẫn còn đó mà cái hồn hạ đã bay đi đâu rồi. Vẫn là cái nắng, mưa, sấm, chớp vương lại nhưng cái dữ dội, khắc nghiệt của nắng, tính “đỏng đảnh” của mưa hay sự vội vàng của sấm thì đã nhạt dần theo từng phút giao mùa. Bức tranh sang thu càng lộ rõ thì những ý nghĩ về nhân tình thế thái cũng theo đó hiện lên. Đặt vào thời điểm sáng tác năm 1977, bài Sang thu có thể gợi ra sự cảm nhận về hoàn cảnh của đất nước trong buổi giao thời từ chiến tranh sang hoà bình: “Vẫn còn bao nhiêu nắng – Đã vơi dần cơn mưa”. Cũng không chỉ là chuyện mưa nắng của trời đất, mà còn là những mưa nắng của cuộc đời. Trời đất dịu lại, nắng bớt gay gắt, mưa cũng không còn ào ạt, tâm hồn con người như cũng được thanh lọc, đó phải chăng là một ẩn dụ về cuộc sống, về xã hội từ thời chiến chuyển sang thời bình?
Nét riêng của thời điểm giao mùa từ hạ sang thu thể hiện được đặc sắc qua hai câu thơ cuối. Nó gợi cho ta nhiều liên tưởng, suy nghĩ thú vị:
“Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây luống tuổi”
Giọng thơ trầm hẳn xuống, câu thơ không đơn thuần chỉ là giọng kể, là sự cảm nhận mà còn là sự suy nghĩ chiêm nghiệm về đời người. Mùa thu của thiên nhiên hay mùa thu của mỗi đời người? Nhìn cảnh vật biến chuyến khi thu mới bắt đầu, Hữu Thỉnh nghĩ đến cuộc đời khi đã đứng tuổi. Đó có thể là giao thời của đời người từ tuổi trẻ hăm hở sang độ tuổi trưởng thành nên người ta có thể bình tâm, chủ động trước mọi biến cố, thử thách, như hàng cây đứng tuổi không còn sợ hãi trước những tiếng sấm bất ngờ. Mặt khác, có thể cảm nhận ý nghĩa biểu tượng ở hai câu thơ gắn với hoàn cảnh thời đại: những biến động, thách thức, đe doạ của hoàn cảnh đã không còn là sự bất ngờ đối với một con người, một đất nước đã từng trải và trưởng thành qua bao nãm tháng chiến tranh, bao thử thách dữ dội.
Bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh đã mang đến cho người đọc những cảm xúc mới lạ về mùa thu quê hương. Đó là những chuyển biến rất tinh vi mà phải có một tâm hồn thật tinh tế mới cảm nhận được. Qua bài thơ tác giả đã gửi vào thu lời nhắn nhủ con người sống phải biết chấp nhận và vững vàng vượt qua thử thách. thế, bài thơ vừa là một bức tranh thiên nhiên đẹp vừa là một phác họa đầy ám ảnh về con người - một phần diệu kì của thiên nhiên kì diệu.
Xem thêm bài viết khác
- Tác giả đã phân tích lí do chọn sách như thế nào
- Nội dung chính bài Con cò
- Đọc đoạn văn trả lời câu hỏi: Vấn đề nghị luận, những ý kiến chính, các ý kiến ấy giúp ta hiểu gì?
- Hãy lựa chọn những tình huống sau đây cần viết vào văn bản trong các trường hợp sau
- Lời nói của em bé gồm hai phần có nhiều nét giống nhau. a) Hãy chỉ ra những điểm giông nhau và khác nhau
- Luyện nói Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ Soạn bài Luyện nói Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ
- Soạn văn bài: Nghĩa tường minh và hàm ý
- Tình cảm chân thành tha thiết của nhân dân ta đối với Bác qua bài Viếng lăng Bác Tình cảm chân thành của nhân dân ta với Bác qua bài Viếng lăng Bác
- Ngữ văn 9: Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương
- Giá trị nội dung và nghệ thuật trong Mùa xuân nho nhỏ
- Bài tập làm văn số 6 ngữ văn 9: Suy nghĩ về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh ...
- Cuộc sống hết sức khó khăn của Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang vào thời gian này hiện lên thấp thoáng qua những chi tiết của bức chân dung tự hoạ ấy ra sao