Soạn bài Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm Cánh diều Soạn Văn 10 tập 1 - Cánh diều

  • 1 Đánh giá

Soạn bài Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm Cánh diều được Khoahoc sưu tầm và đăng tải. Hướng dẫn các em trả lời các câu hỏi trong bài, giúp các em soạn Văn 10 dễ dàng hơn. Dưới đây là nội dung chính của bài soạn, các em tham khảo nhé

Soạn bài Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm

1. Định hướng

a) Trong cuộc sống, mỗi người thường có những cử chỉ, hành động lặp đi lặp lại lâu ngày thành thói quen; có những quan niệm (cách hiểu, nhận thức,...) đã thành nếp nghĩ, khó thay đổi. Có nhiều thói quen tốt, quan niệm đúng đắn cần giữ gìn, phát huy. Tuy vậy, cũng có những thói quen xấu, quan niệm lạc hậu cần phải thay đổi, từ bỏ vì chúng tạo ra tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến cá nhân hoặc cộng đồng. Ví dụ: thói quen vứt rác bừa bãi, lãng phí thời gian, ỷ lại người khác, lạm dụng thuốc kháng sinh,... hoặc quan niệm không chơi với những bạn học kém hơn mình, có tiền là có tất cả,... Trong các trường hợp đó, chúng ta cần thuyết phục người có thói quen chưa tốt, quan niệm chưa đúng từ bỏ những thói quen và quan niệm ấy.

Viết bài luận thuyết phục là nêu ý kiến, sử dụng lí lẽ và dẫn chứng để thuyết phục người có thói quen, quan niệm chưa đúng, tiêu cực thay đổi theo chiều hướng đúng đắn, tích cực.

* Tìm hiểu bài mẫu:

Câu hỏi (trang 81-82 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1):

- Người viết thuyết phục ai và thuyết phục người đó từ bỏ điều gì?

- Nhận biết các lí do và bằng chứng mà người viết đưa ra để thuyết phục.

- Phần kết, người viết thể hiện tình cảm và thái độ như thế nào?

Trả lời

- Người viết thuyết phục bố của mình từ bỏ thuốc lá

- Lí do:

+ Tác hại khủng khiếp của thuốc lá: số liệu, các hóa chất gây tử vong và ung thư,…

+ Thiệt hại kinh tế

- Tình cảm, thái độ: Thông cảm cho sự khó bỏ thuốc của bố, khuyên bố từ bỏ thuốc lá, lo lắng, chân thành.

b) Để viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm, các em cần:

- Tìm hiểu đề (Đọc kĩ đề bài; xác định đối tượng của bài viết, mục đích của bài viết thuyết phục từ bỏ thói quen hoặc quan niệm nào).

- Nêu lí do và phân tích các ảnh hưởng tiêu cực, tác hại của thói quen, quan niệm cần phải thay đổi, từ bỏ.

- Có các dẫn chứng cụ thể, sinh động về những ảnh hưởng tiêu cực, tác hại của thói quen, quan niệm đó. Một số loại dẫn chứng có thể lựa chọn sử dụng là: số liệu thống kê, ví dụ cụ thể, sự kiện hoặc tình huống mà bản thân em đã trải qua, các câu chuyện truyền tải thông điệp phù hợp với quan điểm của em, các trích dẫn phát biểu của những người có liên quan,...

- Dự đoán phản ứng và lập luận của người có thói quen, quan niệm mà em muốn thuyết phục để nêu ý kiến phản biện của em. Chẳng hạn, ý kiến phản biện của bác sĩ

Nguyễn Khắc Viện sau đây:

“Có người bảo: Tôi hút, tôi bị bệnh, mặc tôi! Xin đáp lại: Hút thuốc là quyền của anh, nhưng anh không có quyền đầu độc những người ở gần anh. Anh uống rượu say mèm, anh làm anh chịu. Nhưng hút thuốc thì người gần anh cũng hít phải khói độc. Điều này hàng nghìn công trình nghiên cứu đã chứng minh rất rõ.”

2. Thực hành

Bài tập (trang 83 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Chọn một trong hai đề sau đây để viết bài văn nghị luận thuyết phục người khác thay đổi, từ bỏ một thói quen hay một quan niệm:

Đề 1: Lạm dụng thuốc kháng sinh là một thói quen phổ biến của nhiều người hiện nay: Em hãy viết bài văn nghị luận thuyết phục mọi người từ bỏ thói quen này.

Đề 2: Một người bạn của em luôn luôn tin tưởng và hành động theo phương châm “Im lặng là vàng”. Hãy viết bài văn nghị luận để thuyết phục người bạn đó cần nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn.

a) Chuẩn bị (ví dụ với đề 1)

Đọc kĩ bài tập, lựa chọn và xác định yêu cầu của đề đã chọn: vấn đề thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh.

- Mục đích: thuyết phục những người này từ bỏ thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh.

- Đối tượng cần thuyết phục: những người có thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh.

- Cách thức thuyết phục: viết bài văn nghị luận.

b) Tìm ý và lập dàn ý

- Tìm ý cho bài viết theo gợi dẫn:

+ Thế nào là thuốc kháng sinh và lạm dụng thuốc kháng sinh? Thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh phổ biến như thế nào?

→ Kháng sinh là thuốc tiêu diệt hoặc kiềm hãm sự phát triển của vi khuẩn, từ đó giảm đáp ứng viêm gây ra bởi vi khuẩn. Kháng sinh có tác dụng khác nhau trên từng loại vi khuẩn, một số kháng sinh có tác dụng trên nhiều chủng vi khuẩn được gọi là kháng sinh phổ rộng, một số loại khác tác dụng trên một số chủng vi khuẩn nhất định được gọi là phổ hẹp.

Hiện tượng kháng kháng sinh xảy ra khi mầm bệnh hay vi khuẩn có khả năng tạo ra cách chống lại thuốc kháng sinh làm cho kháng sinh không thể tiêu diệt hoặc ngăn chặn được sự phát triển của chúng.

Kháng kháng sinh đang là mối đe dọa lớn nhất đối với toàn ngành y tế nói riêng và cả xã hội nói chung khi bị ở bất cứ triệu chứng sức khỏe nào người dân cũng tự ý mua và sử dụng thuốc kháng sinh.

+ Lạm dụng thuốc kháng sinh dẫn đến những hậu quả gì?

→ Hậu quả nghiêm trọng nhất của việc lạm dụng kháng sinh là tạo ra các chủng “siêu vi khuẩn” kháng thuốc. Các vi khuẩn này có thể tạo ra các cơ chế chống lại tác dụng của kháng sinh, khi đó kháng sinh không còn hiệu quả nữa và con người lại quay trở về điểm xuất phát như khi chưa tìm ra loại kháng sinh nào.

+ Làm thế nào để thay đổi thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh?

→ Chỉ sử dụng kháng sinh khi thực sự có nhiễm khuẩn. Đảm bảo sử dụng kháng sinh một cách hợp lý là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải có kiến thức và trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm sử dụng kháng sinh. Do đó, tốt nhất các bạn chỉ nên sử dụng kháng sinh theo đúng sự hướng dẫn của các bác sĩ và dược sĩ tư vấn chuyên môn, không nên sử dụng kháng sinh bừa bãi.

- Lập dàn ý cho bài viết:

Mở bài

Dẫn dắt và nêu vấn đề của bài viết: Mọi người cần tử bỏ việc lạm dụng thuốc kháng sinh bởi thói quen này dẫn đến nhiều nguy cơ mà con người phải đối mặt trong điều trị bệnh tật.

Thân bài

Người viết có thể sắp xếp các ý theo trật tự khác nhau, kết hợp giữa lí lẽ và dẫn chứng để thuyết phục mọi người từ bỏ thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh. Ví dụ, có thể sắp xếp theo trật tự sau:

+ Giải thích thế nào là thuốc kháng sinh, lạm dụng thuốc kháng sinh và trình bày hiện trạng lạm dụng thuốc kháng sinh hiện nay trong cộng đồng.

+ Những lí do để mọi người nên từ bỏ thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh:

• Lạm dụng thuốc kháng sinh gây lãng phí tiền bạc.

• Lạm dụng thuốc kháng sinh gây khó khăn cho việc chẩn đoán, điều trị bệnh.

• Lạm dụng thuốc kháng sinh dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh, gây nguy hiểm cho tính mạng.

+ Dự đoán lập luận của những người có thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh (Ví dụ: dựa vào hướng dẫn của người bán thuốc; tham khảo thông tin trên mạng, không có thời gian để đi khám bác sĩ,...). Từ đó, người viết có thể phản biện lại. Chẳng hạn: Người bán thuốc không phải là bác sĩ khám bệnh, họ không đủ kiến thức chẩn đoán và kê đơn điều trị cho người bệnh.

+ Làm thế nào để từ bỏ thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh (Ví dụ: hiểu tác hại của việc lạm dụng thuốc kháng sinh, khi có bệnh cần đi khám bác sĩ,

mua và sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ,...)?

Kết bài

Khẳng định lại thông điệp mọi người cần từ bỏ thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh vì một cuộc sống khoẻ mạnh, an toàn cho bản thân và cộng đồng.

c) Viết

- Viết bài văn theo dàn ý đã lập.

- Chú ý sử dụng ngôn ngữ, giọng điệu phù hợp để thuyết phục người khác.

Soạn bài Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm Cánh diều được Khoahoc chia sẻ trên đây. Hy vọng với tài liệu này sẽ giúp ích cho các em nắm được nội dung của bài, từ đó chuẩn bị tốt cho bài giảng sắp tới. Chúc các em học tốt, ngoài việc tham khảo bài soạn trên đây các em có thể tham khảo thêm các môn học khác như Toán, Hóa, Sinh học... đều có tại tài liệu học tập lớp 10 này nhé

  • 273 lượt xem