Thuyết minh một tác giả văn học Nguyễn Trãi

  • 1 Đánh giá

Đề bài: Thuyết minh về một tác giả văn học. (Chọn đề tài Nguyễn Trãi - bài viết số 6 trang 84 sgk ngữ văn 10)

Bài làm:

Theo nhận định của các nhà sử học, dân tộc Việt Nam có tất cả ba bản Tuyên ngôn độc lập trong suốt chiều dài lịch sử của mình. Đó là bài thơ Nam quốc sơn hà (năm 891), Bình Ngô đại cáo (năm 1428) và bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình. Trong đó, Bình Ngô đại cáo là bài cáo do Nguyễn Trãi soạn thảo, viết bằng chữ Hán vào mùa xuân năm 1428. Không chỉ xuất sắc về sự nghiệp thơ văn, Nguyễn Trãi là một nhà văn hoá lớn, có đóng góp to lớn vào sự phát triển của văn học và tư tưởng Việt Nam.

Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, quê ở xã Chi Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, sau dời về xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Cha ông là Nguyễn Phi Khanh, một nho sinh nghèo, học giỏi, đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) đời Trần. Mẹ ông là Trần Thị Thái, con quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, một quý tộc đời Trần.

Lên sáu tuổi, mất mẹ, lên mười, ông ngoại qua đời. Năm hai mươi tuổi, 1400, ông đỗ Thái học sinh và cùng cha ra làm quan cho nhà Hồ. Năm 1407, giặc Minh cướp nước ta, Nguyễn Phi Khanh bị giặt bắt đưa sang Trung Quốc. Nguyễn Trãi cùng một người em trai đi theo chăm sóc cha. Đến biên ải, nghe lời cha khuyên, ông quay trở về, tìm cách “trả thù cho cha, rửa nhục cho nước”, nhưng rồi lại bị giặc Minh bắt giữ. Sau đó, ông thoát ra được và lặn lội nhiều nơi tìm người minh chủ để chung sức diệt giặc. Ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi khởi xướng, dâng lên “Bình Ngô sách” (Sách lược đánh quân Minh) và trở thành trợ thủ đắc lực của Bình Định Vương trong suốt mười năm chiến đấu. Ông được phong làm Tuyên phụng đại phu Hàn lâm thừa chỉ, thường cùng dự bàn mưu lược nơi màn trướng. Sau đó lại được phong Triều liệt đại phu Nhập nội Hành khiển, Lại bộ Thượng thư kiêm Hành Khu mật viện sự. Với vai trò là quân sư cho thủ lĩnh Lê Lợi, một tay ông soạn thảo những thư từ, mệnh lệnh trong quân đội – đã trở thành những áng văn chiến đấu bất hủ – góp phần vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc.

Đầu năm 1428, sau khi quét sạch quân thù giành lại độc lập, Nguyễn Trãi hăm hở bắt tay vào xây dựng lại nước nhà thì bỗng dưng bị nghi oan và bị bắt giam. Sau đó ông được tha, nhưng không còn được tin dùng như trước. Năm 1433, Lê Thái Tổ qua đời, Lê Thái Tông lên ngôi tuổi còn non trẻ, bọn quyền thần – vốn căm ghét Nguyễn Trãi vì ông quá ngay thẳng, trung thực, thường vạch trần những sai trái của họ – đã dèm pha với vua khiến ông nhiều lần suýt mang họa vào thân. Ông buồn, xin cáo quan về ẩn dật tại Côn Sơn (khoảng những năm 1437, 1438). Năm 1440, Lê Thái Tông chấn chỉnh lại triều đình, trừ khử những thế lực bất chính và mời Nguyễn Trãi trở ra giúp việc nước, giao cho ông nhiều công việc quan trọng. Ông đang hăng hái giúp vua, thực hiện hoài bão an dân thì bỗng xảy ra sự biến. Năm 1442, Lê Thái Tông đi duyệt binh ở Chí Linh và nhân tiện đến thăm Nguyễn Trãi (lúc đó đang ở Côn Sơn), trên đường về ghé nghỉ đêm tại Trại Vải (Lệ Chi Viên, Bắc Ninh), bất ngờ qua đời. Bọn gian tà ở triều đình, vốn chứa thù từ lâu với Nguyễn Trãi, liền vu cho ông âm mưu giết vua, kết tội tru di ba họ.

Năm 1464, Lê Thánh Tông xuống chiếu tẩy oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng Đặc tiến kim tử Vinh Lộc đại phu, tước Tán Trù Bá, cho sưu tầm lại thơ văn ông và tìm người con trai còn sống sót cho làm quan, đến đời Lê Tương Dực, năm 1512, ông lại được truy phong tước Tế Văn Hầu.

Từ tiểu sử Nguyễn Trãi, có thể rút ra những nét đáng lưu ý sau đây về cuộc đời ông:

Nguyễn Trãi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước thương dân và tình cảm nhân hậu rộng mở. Tâm hồn, nhân cách, chí hướng của cha và ông ngoại đã ảnh hưởng sâu sắc đến Nguyễn Trãi.

Nguyễn Trãi có rất nhiều năm tháng sống gân nhân dân (thời thiếu niên sống với cha trong nếp sống thanh bạch ở Nhị Khê, khoảng mười năm trôi nổi đi tìm minh chủ cứu nước, những năm chiến đấu gian khổ cùng nghĩa quân Lam Sơn, những năm về già), do đó ông thực sự hiểu biết về đời sống nhân dân lao động, cảm thông và có tình cảm gắn bó thắm thiết với họ.

Nguyễn Trãi đóng góp cho đất nước về nhiều mặt. Ông vừa là nhà chiến lược quân sự, nhà chính trị, ngoại giao, vừa là nhà văn hóa tư tưởng và là một tác gia văn học lớn. Tuy cuộc đời làm quan của ông gặp nhiều nghịch cảnh đáng buồn nhưng ông vẫn luôn giữ được chí hướng sắt son, tâm hồn trong sáng và nghị lực vững vàng vượt lên trên mọi thử thách.

Nguyễn Trãi để lại một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ, nhưng văn chương của ông dường như cũng chịu chung số phận như con người, trải qua bao phen chìm nổi. Sau oan oán Lệ Chi Viên, tác phẩm của ông không còn nữa. Năm 1467, Trần Khắc Kiệm theo lệnh Lê Thánh Tông sưu tầm di cảo thơ văn Nguyễn Trãi. Việc làm này mất khá nhiều công sức, mãi đến năm 1480 bộ sưu tập mới hoàn thành. Tuy nhiên đáng tiếc là công trình quý giá này về sau lại bị thất tán. Mãi đến bốn thế kỉ sau, một học giả đời Nguyễn là Dương Bá Cung, người đồng hương với Nguyễn Trãi, mới dốc sức sưu tầm lần thứ hai trong khoảng hơn mười năm trời để hoàn thành bộ di văn của Nguyễn Trãi và được nhà Phúc Khê tàng bản khắc in vào năm 1861, với tựa để “Ức Trai thi tập”, gồm 7 quyển. Đây là di sản thơ văn Nguyễn Trãi còn giữ lại được đến ngày nay.

Về văn, Nguyễn Trãi để lại nhiều tác phẩm có giá trị: “Quân trung từ mệnh tập” là tập văn luận chiến nổi tiếng bao gồm những thư từ gửi cho các tướng giậc và những văn kiện ngoại giao với triều đình nhà Minh, trong đó Nguyễn Trãi đã sử dụng “đao bút” như một thứ vũ khí lợi hại “đánh vào lòng người” làm suy yếu tinh thần quân địch. “Bình Ngô đại cáo”, viết sau đại thắng năm 1427, là bản tổng kết xuất sắc quá trình kháng chiến mười năm, không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước bảo vệ độc lập, truyền thống bất khuất chống ngoại xâm, còn đặc biệt nêu cao “chí nhân, đại nghĩa” như một giá trị văn hóa ngời sáng của dân tộc Đại Việt. Với bút lực hào hùng và lời văn truyền cảm mạnh mẽ, tác phẩm đã trở thành một áng “thiên cổ hùng văn”. Viết sau chiến thắng còn có “Lam Sơn thực lục” là quyển sử về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, “Dư địa chí” là sách địa lý lịch sử nước Việt, “Chí Linh sơn phú” nói về cuộc chiến đấu chống giặc Minh gian khổ và anh hùng. Các bài chiếu viết thay Lê Thái Tổ để dạy bảo thái tử, khuyên răn các quan, ban bố mệnh lệnh và bài “Biểu tạ ơn” dâng lên Lê Thái Tông khi Nguyễn Trãi lại được vua tin dùng lúc tuổi đã già đều chứa chan tâm huyết của tác giả đối với lý tưởng xã hội thân dân. “Băng Hồ di sự lục” ghi chép về sự nghiệp của Trần Nguyên Đán cho thấy tình cảm kính phục của Nguyễn Trãi dành cho ông ngoại và ảnh hưởng của Băng Hồ tướng công đối với tư tưởng và nhân cách Ức Trai. “Vĩnh Lăng thần đạo bi kí” là bài văn bia Vĩnh Lăng nêu bật công tích của Lê Lợi trong sự nghiệp cứu nước. tất cả những tác phẩm trên đều viết bằng chữ Hán.

Về thơ, có hai tập: “Ức Trai thi tập”, bằng chữ Hán, gồm 105 bài, sáng tác theo quy phạm truyền thống, và “Quốc âm thi tập”, bằng chữ Nôm, gồm 254 bài, có nhiều cách tân sáng tạo trong ngôn ngữ, thể loại cũng như cảm quan nghệ thuật về thiên nhiên, cuộc sống và là đóng góp lớn, có tính chất nền tảng cho thơ tiếng Việt buổi đầu. Hai tập thơ mang niềm vui, nỗi buồn, hoài bão, ưu tư của cả một đời Nguyễn Trãi, từ tuổi trẻ đến lúc về già, trong đó chan chứa tình điệu tâm hồn nhà thơ và tình điệu của cả quê hương, dân tộc.

Có thể nói, cuộc đời Nguyễn Trãi và sự nghiệp thơ văn của ông tựa như một ngôi sao khuê, tỏa sáng rực rỡ. Điều đáng quý nhất là giữa thế sự đảo điên, giữa chốn triều đình bon chen, ông vẫn giữ được cho mình sự lương thiện đáng quý, đáng trân trọng. Dù đã hàng trăm năm trôi qua, tài năng và tấm lòng của ông vẫn được người đời biết đến và nể phục.

  • 9 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021