Thuyết minh về một tác giả văn học | bài làm văn số 6 văn 10

  • 1 Đánh giá

Đề 2: Thuyết minh về một tác giả văn học

Bài làm:

“Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”

Đó là nỗi niềm của một con người với trái tim muốn bao dung tất cả khi viết về nàng Tiểu Thanh tài hoa nhưng bạc mệnh. Và hẳn nhiên, trong tâm thức của của con người ấy, cũng có một nỗi lo sợ vô hình, sợ bị lãng quên, sợ bị ruồng rẫy, vì chính ông cũng là người có tài nhưng cuộc sống cũng chênh vênh. Con người tài hoa ấy chính là Nguyễn Du, đại thi hào của nền văn học Việt Nam và thế giới.

Nguyễn Du (1765 - 1820) tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, biệt hiệu là Hồng Sơn lạp hộ hay Nam Hải điếu đồ, quê tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, một mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, mảnh đất địa linh nhân kiệt, cũng là quê hương của nhiều bậc trí giả của Việt Nam. Ông sinh ra trong một gia đình đại quý tộc và có truyền thống về văn học. Cha ông là Nguyễn Nghiễm đậu nhị giáp tiến sĩ, làm quan đến chức Đại tư đồ tức Tể Tướng. Mẹ ông là bà Trần Thị Tần, con gái một người là chức câu kế, quê ở xứ Kinh Bắc, thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Nguyễn Du bị ảnh hưởng bởi giọng điệu ngọt ngào của những làn quan họ quê mẹ mà sau này ta còn bắt gặp rất nhiều trong những sáng tác của ông. Quê hương và gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn và tạo nên mảnh đất màu mỡ để tài năng của Nguyễn Du phát triển suốt thời kỳ niên thiếu.

Nguyễn Du sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đầy biến động khi chế độ phong kiến khủng hoảng trầm trọng đang trên bờ vực của sự suy tàn và sụp đổ. Các tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh - Nguyễn tranh giành quyền binh gây ra các cuộc nội chiến kéo dài. Giai cấp thống trị thối nát, quan tham hoành hành, tàn bạo. Kéo theo đó là cuộc sống khốn cùng của nhân dân khi họ phải oằn mình với những thứ thuế vô lý, những đạo luật hà khắc, những cuộc bắt lính tòng quân làm tan nát biết bao gia đình. Và hệ quả tất yếu của những đè nén, áp bức là bão táp của các cuộc khởi nghĩa nông dân, đặc biệt phải kể đến cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn do người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ chỉ huy. Sự suy đồi về đạo đức, lễ giáo phong kiến sụp đổ, đồng tiền trở thành thứ có thể quy đổi mọi giá trị khiến cho tầng lớp trí thức mất niềm tin hoàn toàn vào chế độ phong kiến. Chính những biến động lịch sử ấy đã tác động mạnh mẽ tới nhận thức và tư tưởng của Nguyễn Du. Ông thương xót cho tất cả kiếp người lầm than, dù họ là ai, xuất thân thế nào. Ông càng thương xót cho kiếp người tài hoa, tài tử mà bạc mệnh - những con người thù địch với chính chế độ mà họ đã từng dốc lòng phò tá. Đấy cũng là điều dễ hiểu, bởi lẽ chế độ phong kiến đã trải qua thời kỳ thịnh vượng, hoàng kim của mình và giờ là lúc nó bộc lộ rõ bản chất thối nát của mình. Sự phát triển của chế độ phong kiến không còn phù hợp với sự phát triển nhận thức của tầng lớp trí thức đương thời nên nó sẽ sụp đổ để rồi được thay thế bằng một chế độ khác, phù hợp hơn.

Bản thân Nguyễn Du là người thông minh, học rộng, biết nhiều. Sinh ra trong một gia đình đại quý tộc, cả cha và anh của ông đều làm quan lớn dưới triều Nguyễn nên đến tận năm 11 tuổi, Nguyễn Du vẫn được sống trong giàu sang, phú quý. Đây là quãng thời gian Nguyễn Du được chứng kiến sự sa đọa của chúa Nguyễn, những cuộc tranh đua, giành giật chốn quan trường nên ông nhận thức rõ ràng về cuộc sống, lễ nghi của tầng lớp quý tộc đương thời. Nhận thức ro ràng bao nhiêu ông lại càng thấy căm ghét nó bấy nhiêu. Thế nhưng sau quãng thời gian đó, cuộc đời Nguyễn Du thăng trầm, lên xuống theo sự biến động của dòng lịch sử. Năm 13 tuổi, Nguyễn Du mồ côi cả cha lẫn mẹ nên ông thấu hiểu nỗi đau đớn, lạc lõng của những đứa trẻ bơ vơ không cha, không mẹ. Đặc biệt quãng thời gian “mười năm gió bụi phong trần” (1776 - 1786) là thời gian Nguyễn Du lưu lạc, ăn nhờ ở đậu nơi quê vợ. Đây cũng là những năm tháng cùng cực, khổ sở, tủi nhục trong suốt cuộc đời của Nguyễn Du, đói không có cơm ăn, rét không có áo mặc. Ông tha hương, bơ vơ giữa cuộc đời đầy biến động. Những dòng tâm sự được ông viết trong thời gian này là sự dằn vặt, trăn trở của một con người nuôi chí lớn, khi nguyện ước chưa thành, khi chưa làm được gì rạng danh mà tóc đã bạc trắng:

“Mười năm trọn quê người nấn ná

Nương quê người tóc đã điểm sương”

Dù vậy, mười năm chìm nổi đất Bắc cũng là quãng thời gian ông đi nhiều, tiếp xúc nhiều với tất cả mọi hạng người. Nguyễn Du được sống gần dân, chứng kiến cuộc sống cơ cực, đau khổ của họ dưới sự đàn áp, bóc lột đến tận xương tủy của tầng lớp thống trị. Ông thấu hiểu và chia sẻ với nỗi đau của tất cả thập loại chúng sinh, từ trí sĩ, người giàu đến những con người lao động nhỏ bé đầy bất hạnh. Đặc biệt là trẻ em và phụ nữ. Dù là ai, khi chết đi họ cũng chỉ là những linh hồn cô đơn, nhỏ bé, tội nghiệp mà thôi. Có lẽ mười năm gió bụi phong trần là khoảng thời gian mang đến cho Nguyễn Du những trải nghiệm hoàn toàn khác với cuộc sống sung túc, giàu sang thuở thiếu thời để rồi ông có một vốn sống phong phú mở lòng để bao dung cho tất cả. Khó khăn cùng thăng trầm trong mười năm ấy chỉ là bước đệm để Nguyễn Du có tầm nhìn vượt thoát khỏi những ganh đua, những rào cản trong nhận thức bản thể của mình để mang tình thương vượt lên trên những định kiến hẹp hòi của chế độ, tiến đến với trái tim bao la của một vĩ nhân.

Năm 1802, khi Nguyễn Ánh lật đổ Nguyễn Huệ lên ngôi vua, Nguyễn Du được vời ra làm quan. Ông chấp nhận một cách miễn cưỡng bởi ông đã chán ghét chế độ phong kiến và nhìn rõ được bộ mặt của bọn quan lại. Cùng năm đó, ông được cử làm sứ giả sang Trung Quốc. Thời gian ở xứ người, Nguyễn Du suy ngẫm và sáng tác được thơ chữ Hán, ghi lại hành trình của mình. Năm 1820, ông được cử đi lần 2 nhưng chưa kịp đi thì ông bị bệnh và mất tại kinh thành Huế.

Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, Nguyễn Du đề cao tính nhân đạo, giá trị của con người, đặc biệt là người phụ nữ, người lao động thấp cổ bé họng - tầng lớp bị trị đau khổ. Ông sáng tác cả bằng chữ Hán và chứ Nôm. Với chữ Hán, Nguyễn Du để lại cho hậu thế 3 tập thơ là Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục. Thanh Hiên thi tập (Tập thơ của Thanh Hiên) gồm 78 bài, viết chủ yếu trong những năm tháng trước khi làm quan nhà Nguyễn. Nam trung tạp ngâm (Ngâm nga lặt vặt lúc ở miền Nam) gồm 40 bài, viết khi làm quan ở Huế, Quảng Bình và những địa phương ở phía nam Hà Tĩnh. Bắc hành tạp lục (Ghi chép linh tinh trong chuyến đi sang phương Bắc) gồm 131 bài thơ, viết trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc.

Với chữ Nôm, Nguyễn Du đã để lại một kiệt tác Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều), bài thơ Đọc Tiểu Thanh ký và vài bài văn tế. Với mỗi tác phẩm, Nguyễn Du lại mang tới cho người đọc những cảm nhận, trăn trở, suy tư về những kiếp người.

Thơ văn Nguyễn Du có giá trị hiện thực sâu sắc, phản ánh chân thực cuộc đời cơ cực của ông nói riêng, và xã hội đen tối, bất công nói chung. Đọc các sáng tác của Nguyễn Du, đặc biệt là truyện Kiều, ta sẽ thấy ông dựng nên bối cảnh của chế độ phong kiến thối nát, mục ruỗng khi cái xấu, cái ác lên ngôi và đồng tiền thì có sức mạnh vô biên. Đó là xã hội của những tên quan tham, làm việc bất chấp công lý, của những tay buôn người ghê tởm với những trò lừa lọc trở thành ngón nghề. Đồng tiền trong xã hội ấy có thể mua được đạo đức, công lý, thậm chí là cả nhân cách của một con người. Hiện thực xã hội hiện lên đen tối bao nhiêu thì tinh thần nhân đạo, tình yêu thương, luôn hướng tới đồng cảm, bênh vực, ngợi ca và đòi quyền sống cho con người, đặc biệt là người phụ nữ tài hoa mà bạc mệnh càng hiện lên chan chưa bấy nhiêu. Nguyễn Du đau với nỗi đau thân phận 15 năm truân chuyên của nàng Kiều, khóc thương cho nỗi tủi hờn bạc mệnh của nàng Tiểu Thanh, mong muốn cứu rỗi linh hồn cho thập loại chúng sinh thoát khỏi bể khổ nơi trần thế...Chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo Phật, trái tim của Nguyễn Du luôn hướng tới con người để tìm thấy những giá trị tốt đẹp ẩn sâu bên trong tạm bị che lấp bởi cuộc sống bon chen, xô bồ.

Nguyễn Du được coi là đại thi hào dân tộc vì những gì ông đã đóng góp cho sự phát triển của nền văn học nước nhà. Về thể loại, Nguyễn Du đã đưa hai thể thơ của truyền thống dân tộc đạt đến trình độ điêu luyện và mẫu mực cổ điển. Nguyễn Du đã tiểu thuyết hóa thể loại truyện Nôm, với điểm nhìn trần thuật từ bên trong nhân vật, và nghệ thuật miêu tả tâm lí tinh tế, sâu sắc. Về ngôn ngữ, Nguyễn Du đã có đóng góp to lớn, làm cho ngôn ngữ Tiếng Việt trở nên trong sáng, tinh tế và giàu có. Với Truyện Kiều, ngôn ngữ tiếng Việt đã đạt tới mức độ biểu đạt đỉnh cao với sự xuất hiện của vô số trường từ vựng với sắc thái biểu đạt tinh tế, đắt giá (trường từ vựng về màu sắc, về tâm trạng con người, về thiên nhiên....)

Nguyễn Du đã có những đóng góp to lớn, thúc đẩy tiến trình phát triển của văn học Việt Nam.

Có thể nói, Nguyễn Du là bậc kỳ tài của văn học Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung. Tài năng và tấm lòng của một con người luôn trăn trở về thân phận của người tài hoa nhưng mệnh bạc đã mang đến cho những sáng tác của ông một sức sống kỳ diệu vượt qua lớp bụi phủ thời gian mà vang vọng trong tâm trí của biết bao thế hệ một chân lý từ cổ chí kim ta vẫn thấy nó chẳng sai bao giờ:

“Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau”

  • 5 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021