Bài văn mẫu lớp 9: Suy nghĩ về khổ cuối bài Ánh trăng của tác giả Nguyễn Duy

  • 1 Đánh giá

Đề 6: Trình bày suy nghĩ về khổ thơ kết thúc bài Ánh trăng của Nguyễn Duy

Bài làm:

Cùng với Phạm Tiến Duật, Lâm Thị Mỹ Dạ, Xuân Quỳnh, Nguyễn Duy là một gương mặt tiêu biểu trong lớp nhà thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước. Thơ ông thường sử dụng những hình ảnh rất tự nhiên, giọng điệu tâm tình mà đưa ra những vấn đề mang tầm triết luận sâu xa. Bài thơ Ánh trăng là tác phẩm tiêu trong sự nghiệp sáng tác của ông. Bài thơ như một lời tự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu; đồng thời cũng gợi nhắc người đọc về thái độ uống nước nhớ nguồn, ân nghĩa, thủy chung cùng quá khứ, đặc biệt qua khổ thơ kết thúc bài thơ:

“Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình”

Nguyễn Duy đã xây dựng hai hình ảnh hoàn toàn đối lập nhau trong đoạn thơ:

“Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình”

Hai hình ảnh tồn tại song song xuyên suốt bài thơ là hình ảnh người lính đã bước ra khỏi cuộc chiến về với thời bình, đã từng gắn bó với thiên nhiên và hình ảnh của ánh trăng. Ánh trăng hiện lên ở cuối bài thơ là một ánh trăng “tròn vành vạnh”. Cụm từ “tròn vành vạnh” giúp ta hình dung một vầng trăng to, tròn, sáng quắc đêm mười lăm, mười sáu. Ánh trăng sáng bao phủ khiến không gian như được giát một lớp vàng huyền ảo. Đồng thời, trạng thái “tròn vành vạnh” của vầng trăng cũng là sự hiện diện tròn đầy, ân nghĩa của quá khứ. Trăng từ xưa đến nay vẫn thế, vẫn hiền hậu, vẫn sáng, vẫn thủy chung, ân nghĩa, sống hết mình mặc cho “người vô tình”. Con người bước ra khỏi cuộc chiến, trở về với cuộc sống hiện tại liền quên luôn người bạn đã từng gắn bó thời khó khăn, gian khổ ngày xưa.

Con người vẫn sống như thế, cho đến khi vô tình nhìn thấy vầng trăng tròn vành vạnh ngày nào, để rồi:

“ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình

Nguyễn Duy đã dựng nên một không gian tĩnh lặng đến rợn người khi để cho “ánh trăng im phăng phắc”. “Im phăng phắc” tức là sự yên lặng tuyệt đối, không có bất cứ một tiếng động nào phát ra. Sự im lặng ấy khiến cho không gian bỗng chốc trở nên rộng ra miên man, đủ chỗ để cho con người suy ngẫm lại và “giật mình”. Có thể nói, Nguyễn Duy đã dựng nên một toàn án lương tâm trong chính sự im lặng ấy. Bởi chỉ khi im lặng suy ngẫm, ta mới có thể nhìn sâu vào trong tâm hồn mà nhận ra mình đã đúng hay sai. Và điều tất yếu của sự tự nhìn nhận lại ấy chính là cái giật mình của sự thức tỉnh. Con người, mà cụ thể hơn là người lính đã từng gắn bó với thiên nhiên, đã nhận ra sự vô tâm, thờ ơ, lạnh lùng của mình với ánh trăng, người bạn tri âm tri kỉ của họ trong suốt quãng thời chiến đấu gian khổ, vất vả. Bài thơ được viết theo mạch cảm xúc, suy nghĩ của tác giả, nên từ đầu đến cuối bài thơ chỉ có duy nhất một dấu chấm. Dấu chấm trong khổ cuối bài cũng là tín hiệu cho sự thức tỉnh sâu sắc trong lương tri của con người. Sự thức tỉnh ấy cũng dự báo trước về việc con người sẽ thay đổi, sống tốt hơn, ân nghĩa và thủy chung với quá khứ.

Khổ thơ cuối bài thơ Ánh trăng chính là kết tinh cho tư tưởng của tác giả Nguyễn Duy. Đó là sự thức tỉnh sâu sắc về lối sống bạc bẽo, vô tâm của con người với quá khứ, cũng đồng thời là lời nhắc nhở của tác giả với mỗi chúng ta về thái độ sống uống nước nhớ nguồn, ân nghĩa, thủy chung cùng quá khứ.

  • 13 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021