Cảnh ngộ và tâm trạng của nhân vật Nhĩ trong truyện Bến quê. Qua nhân vật này, Nguyễn Minh Châu
Đề bài: Cảnh ngộ và tâm trạng của nhân vật Nhĩ trong truyện Bến quê. Qua nhân vật này, Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm những suy ngẫm gì về còn người và cuộc đời?
Bài làm:
Nguyễn Minh Châu là người mở đường tài hoa và tinh anh nhất. Những sáng tác của ông mang đậm tính triết lí và suy luận, cũng là những trăn trở của ông về quá trình đấu tranh để hoàn thiện con người. Bến quê ra đời năm 1985 là một sáng tác tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu. Thông qua cảnh ngộ và tâm trạng của nhân vật Nhĩ, ông đã gửi gắm những suy ngẫm, triết lí của mình về cuộc đời và con người.
Nhĩ được giới thiệu là một người từng đi nhiều nơi trên thế giới: “suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên Trái Đất”. Vậy nên, có thể hiểu rằng, trong anh luôn tràn ngập những cảnh lộng lẫy, nhộn nhịp của bao cảnh phồn hoa, đô hội. Không chỉ thế, chẳng có vẻ đẹp nào tồn tại trên đời nay anh chưa được thưởng thức. Nhưng trớ trêu thay, anh lại một rơi vào một bi kịch của sự sống: anh bị mắc một căn bệnh quái ác, phải nằm liệt giường hàng tháng trời nay. Trong nghịch cảnh bi đát ấy, anh chợt phát hiện ra vẻ đẹp chốn quê hương bình dị, đẹp đẽ của mình. Nhĩ đã phát hiện ra vùng đất bên kia sông, nơi bến quê thân thuộc nghèo khó của mình lai có một vẻ đẹp bình dị mà quyến rũ. Người vợ tảo tần lam lũ, những người hàng xóm truân chuyên mộc mạc,... ở họ toát lên một vẻ đẹp cao quý đáng trân trọng của tình cảm vợ chồng, tình làng nghĩa xóm ân tinh thắm thiết. Cảnh ngộ của Nhĩ dường như khiến người đọc cũng phải giật mình, bởi lẽ, có vẻ như nó giống với đa số cuộc đời của chúng ta quá. Nghịch cảnh của cuộc sống không chưa một ai cả, nó có thể đến vào lúc chúng ta không ngờ. Câu chuyện của Nhĩ là lời cảnh tỉnh chúng ta về quy luật của cuộc đời: dù có tính toán cả cuộc đời, ta vẫn không thể nào tính toán được nó một cách chu toàn, vì sẽ luôn có những sự việc, luôn có những con người xuất hiện, nằm ngoài dự tính của chúng ta.
Qua những suy nghĩ của nhân vật, Nguyễn Minh Châu còn muốn mang đến cho bạn đọc một chiêm nghiệm khác: “con người ta trên đường đời thật khó tránh khỏi những điều vòng vèo hoặc chùng chình”, ấy là những suy ngẫm về con người. Nhĩ dành cả cuộc đời của mình đi khắp mọi nơi trên trái đất, thưởng thức những vẻ đẹp hùng vĩ, chứng kiến cuộc sống sa hoa nhưng phải đến cuối đời, nằm trên giường bệnh, Nhĩ mới nhận ra vẻ đẹp đầy sức sống và cuốn hút ở bãi bồi bên kia sông và cả sự tảo tần, nhẫn nhịn của người vợ “vẫn giữ nguyên vẹn” được tâm hồn mình sau chừng ấy năm bôn ba. Con người ta cũng thế, ta rời bỏ quê hương để tới với những vùng đất mới theo đuổi đam mê của mình rồi bị cuốn theo dòng hối hả tập nập của cuộc sống, chỉ đến khi sức cùng lực kiệt, quay trở về nhà, ta mới nhận ra hạnh phúc là những thứ không quá xa vời mà nó ở ngay bên cạnh ta, ngay từ những người ta thương yêu mà thôi.
Trong buổi sáng đầu thu, khi sắp từ giã cõi đời, Nhĩ bỗng phát hiện ra những vẻ đẹp mà trước đây, dù có điều kiện đi khắp thế giới, anh đã không thể nhận thấy được. Đó là một không gian có chiều sâu và bề rộng: từ những bông bằng lăng ngay phía ngoài cửa sổ đến con sông Hồng với màu đỏ nhạt lúc đã vào thu, vòm trời và bãi bồi bên kia sông. Đó là một cảnh đẹp chỉ có thể cảm nhận được bằng những cảm xúc tinh tế: những chùm hoa thưa thớt nhưng lại đậm sắc hơn, mặt sông Hồng như rộng thêm ra, vòm trời như cao hơn, “những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi bên kia sông...”. Những cảnh sắc ấy vốn rất quen thuộc, gần gũi nhưng lại như rất mới mẻ với Nhĩ, tưởng chừng như lần đầu tiên anh mới gặp.
Nhĩ khao khát được đặt chân lên bãi bồi bên kia sông. Điều ước muốn ấy chính là sự thức tỉnh về những giá trị bền vững, bình thường và sâu xa của cuộc sống, những giá trị thường bị người ta bỏ qua hay lãng quên khi những ham muốn xa vời đang lôi cuốn, đang lấn át. Trong hoàn cảnh cùa Nhĩ, đó là sự thức tỉnh xen lẫn với niềm ân hận và nỗi xót xa.
Khi miêu tả tâm lý của nhân vật Nhĩ, Nguyễn Minh Châu rất tinh tế và thấm đượm tinh thần nhân đạo. Điều đó được thể hiện ngay từ cách lựa chọn và xử lý tình huống. Trong văn học, nhiều tác giả cũng đã đặt nhân vật vào hoàn cảnh hiểm nghèo để làm nổi bật lên khát vọng sống và sức sống mạnh mẽ của con người hay về lòng nhân ái, sự hi sinh cao thượng... Nguyễn Minh Châu đã khai thác tình huống này theo một hướng khác.
Trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, nhân vật suy ngẫm, tự trải nghiệm về cuộc đời với những suy nghĩ sâu sắc. Những suy nghĩ của nhân vật Nhĩ về lẽ sống, về cuộc đời, về những con người hết sức cụ thể như người vợ, đứa con và về chính cuộc đời mình. Trong con mắt của một người sắp từ giã cõi đời, cảnh vật trước mắt bỗng đẹp và đáng yêu kỳ lạ. Hôm nay. Nhỉ mới chợt phát hiện ra những vết sờn, những đường vá trên tấm áo của Liên. Và chính hình ảnh người vợ gầy guộc với bàn tay chan chứa yêu thương đã trở thành "nơi nương tựa là gia đình trong những ngày này". Sự thức nhận của Nhĩ về vẻ đẹp của bãi bồi bên kia sông được tô đậm thêm qua hình ảnh của đứa con - trong hoàn cảnh bình thường - còn mải chơi và thấy bãi bồi bên kia sông chẳng có gì hấp dẫn. Đó chính là tình yêu đối với cuộc sống đã được trải nghiệm qua một cuộc đời nhiều thăng trầm, đang trải qua những giây phút hiểm nghèo.
Ở đoạn kết truyện, tác giả đã tập trung miêu tả chân dung và cử chỉ của nhân vật với vẻ rất khác thường: "Anh cố thu nhặt hết mọi chút sức lực cuối cùng còn sót lại để đu mình nhô người ra ngoài, giơ một cánh tay gầy guộc ra phía ngoài cửa sổ khoát khoát - y như đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó". Hành động này của Nhĩ có thể hiểu là anh đang nôn nóng thúc giục cậu con trai hãy mau kẻo lỡ chuyến đò duy nhất trong ngày, thế nhưng qua suy nghĩ của Nhĩ trước đó, ta lại nhận ra một ý nghĩa khác: đó là ý muốn thức tỉnh mọi người về những cái "vòng vèo, chùng chình" để hướng tới những giá trị đích thực vốn rất giản dị, gần gũi và bền vững.
Nhân vật Nhĩ mang đến cho người đọc nhiều điều suy nghĩ về cuộc đời và số phận con người. Và với mỗi độ tuổi lại tìm được ở Nhĩ một bài học riêng cho mình. Riêng với thế hệ những người trẻ tuổi, nhờ nhân vật này chúng ta biết sống gắn bó hơn với quê hương, đất nước vẫn còn lam lũ nhưng chất phác, hồn hậu và dào dạt yêu thương của bản thân mình.
Xem thêm bài viết khác
- Giá trị nội dung và nghệ thuật vở kịch Bắc Sơn
- Nội dung chính bài: Cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ
- Viết đoạn văn phân tích khổ 2 bài thơ Viếng lăng Bác
- Tổng kết về ngữ pháp ( tiếp theo)
- Soạn văn 9 tập 2 bài Tôi và chúng ta trang 173 sgk
- Truyện kể về ba cô gái thanh niên xung phong. Ở họ có những nét chung và gắn bó thành một khối thống nhất và những gì là nét riêng của mỗi người
- Dựa vào hướng dẫn về các mục của văn bản hợp đồng, em tự soạn một trong các hợp đồng: sử dụng điện thoại, sử dụng nước sạch, sử dụng điện sinh hoạt.
- Soạn văn bài: Nghĩa tường minh và hàm ý
- Chứng minh rằng hình tượng chó sói trong bài cụ thể Chó sói và cừu non không hoàn toàn đúng như nhận xét của Ten
- Giá trị nội dung và nghệ thuật trong Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La Phông- Ten
- Phân tích ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh con cò trong bài Con cò của Chế Lan Viên
- Hãy ghi lại phần mở đầu, các mục lớn trong phần nội dung, phần kết thúc và dự kiến các diều cần cụ thể hóa cho bản hợp đồng thuê nhà